|
TRÒ CHƠI 1 : MỖI NGƯỜI
MỘT ĐỘNG TÁC
• Trò chơi này hiệu quả khi số lượng học viên tối đa là 20 người.
• Cách chơi : Các học viên đứng vòng tròn. Người hướng dẫn tự giới thiệu tên và
thực hiện một động tác (động tác bằng tay, hoặc chân, hoặc bằng đầu hoặc toàn cơ
thể...), sau đó chỉ định một người trong vòng tròn. Người này, lập lại tên và
động tác của người hướng dẫn rồi nói tên của mình và thực hiện tiếp động tác của
riêng mình. Người kế tiếp ( theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược lại ) lập lại tên
và 2 động tác của hai người trước và nói tên mình và động tác của mình và cứ thế
tiếp tục cho đến hết vòng.
• Tác động : Trò chơi này gây thích thú, ngộ nghĩnh khi có người có động tác lạ,
và bắt đầu từ người thứ năm trở đi, khi mỗi người lập lại các động tác của những
người trước, ta có cảm giác người ấy đang thực hiện một màn múa lạ mắt nhất trên
đời. Mọi người sẽ cố gắng nhớ tên nhau và khi có người quên thì nhóm nhắc nhở,
tạo bầu không khí thân thiện ngay từ đầu khi mới quen nhau. Nếu bạn là người
cuối cùng, lớp học sẽ không quên bạn !
TRÒ CHƠI 2 : RÁP
HÌNH ( HOẶC RÁP SỐ)
• Cách chơi: Bạn chọn một số hình ảnh ( hình ảnh thú vật là tốt nhất) và cắt đôi
để làm sao mỗi học viên có trong tay một nửa của mỗi tấm hình ( cùng kích cỡ ).
Không nên có hình trùng nhau. Nếu bạn không tìm được hình ảnh, bạn cũng có thể
viết số trên một tờ giấy nhỏ, mỗi tờ một con số từ 1 đến con số cao nhất bằng
phân nửa số của học viên lớp học. Mỗi số bạn viết trên 2 tờ giấy nhỏ, khác màu,
sau đó trộn đều phát cho học viên mỗi người một số.
Bạn yêu cầu học viên cứ đi tìm “phân nửa của mình” (nửa hình ảnh của mình hoặc
con số giống mình) và khi tìm gặp thì kết thân và tìm hiểu lẫn nhau trong vòng
10 phút.
Qua 10 phút, khi mọi người trở lại chỗ ngồi ổn định, bạn mời từng cặp vừa quen
nhau giới thiệu nhau cho lớp biết bằng cách người này sắm vai người kia để tự
giới thiệu: ví dụ A sắm vai B và A tự giới thiệu:
“Tôi tên là B, 30 tuổi, có vợ và 3 con, hiện đang công tác tại cơ quan X...”. Kế
đó, B sắm vai A và tự giới thiệu về A. Nếu lớp học ít người, bạn có thể cho tất
cả mọi người đều sắm vai giới thiệu. Nếu đông người, bạn chỉ cần cho 5 - 6 cặp
giới thiệu mà thôi.
• Tác động: Dù mối quan hệ đã được thiết lập giữa từng cặp đôi qua trò chơi này,
nhưng đã hình thành mối đồng cảm qua sắm vai nhau. Hơn nữa khi giới thiệu nhau,
lớp sẽ cảm thấy vui nhộn do có sự lẫn lộn giới tính, tuổi tác do sắm vai lẫn
nhau. Đây là bước đầu của sự chấp nhận nhau.
TRÒ CHƠI 3 : DIÊM
QUẸT
• Mục tiêu : Vừa khởi động, tạo bầu không khí vui tươi, vừa quan tâm đến nhau.
Giúp mỗi người tự giới thiệu về mình một cách ngắn gọn, đầy đủ trong một thời
gian nhất định
( thời gian cháy hết cây diêm quẹt ). Tăng kỹ năng truyền thông.
• Thời gian thực hiện : tối đa 30 phút.
• Cách làm : Bạn mang theo một hộp diêm quẹt mới và quy định : mỗi học viên tự
giới thiệu về mình sau khi bật cháy cây diêm quẹt cho đến khi lửa cháy gần hết
cây diêm quẹt (lúc học viên buông cây diêm quẹt ra). Học viên phải vừa nói vừa
theo dõi cây diêm quẹt để nói đầy đủ trong thời gian cây diêm quẹt cháy.
• Số lượng học viên : từ 15 đến 20 người.
• Trò chơi khởi động này rất phù hợp cho việc mở đầu đề tài về truyền thông. Bạn
có thể thay đổi chủ đề phát biểu của học viên.
TRÒ CHƠI 4 : ĐI VÀO SA MẠC
• Đây là một trò chơi hiệu quả để hướng dẫn các học viên đi vào các mong đợi khi
tham gia khóa học, đồng thời tạo bầu không khí thông cảm, hiểu biết lẫn nhau,
giúp cởi mở, bộc bạch suy nghĩ.
• Cách chơi : Bạn phát cho mỗi học viên một tờ giấy trắng ( cỡ giấy đánh máy) và
cho họ vẽ lên tờ giấy này cái gì thân thiết nhất mà họ chọn mang theo trước khi
bắt đầu cuộc hành trình vào sa mạc (vẽ trong 10 phút ). Bạn dán các tờ giấy lên
bảng và mỗi học viên chia sẻ lý do của sự lựa chọn của họ và sự lựa chọn đó có
liên quan gì đến khóa học. Trò chơi sẽ thích thú hơn nếu bạn biết hoạt náo, cho
vài nhận xét hài hước vào từng hình vẽ của học viên.
• Tác động : Các học viên có cơ hội tìm hiểu lẫn nhau về sở thích, mong đợi, ước
mơ, khuynh hướng... của từng cá nhân, sự liên thông, đồng cảm bắt đầu hình
thành, những người tâm đầu ý hợp tất nhiên sẽ tìm đến nhau khi đến giờ giải lao
!
• Trò chơi này không hiệu quả với lớp học trên 30 người.
TRÒ CHƠI 5: CHIA
NHÓM
• Mục tiêu : Vừa khởi động vừa để chia nhóm thảo luận, tạo bầu không khí vui
tươi, thoải mái thân thiện, đó cơ sở ban đầu giúp hình thành sự liên kết ở một
nhóm mới.
• Thời điểm sử dụng : Ngày đầu khóa học, sau phần sinh hoạt về các mong đợi của
học viên về khóa học.
• Cách làm : Bạn chuẩn bị trước các hình thú vật hoặc hình đồ vật. Số loại hình
này tùy thuộc
số lượng nhóm mà bạn dự trù ( tất nhiên bạn phải biết rõ số lượng chính xác của
học viên). Nếu bạn dự trù chia lớp học làm 5 nhóm và mỗi nhóm có 6 người thì bạn
phải có:
5 loại hình x 6 = 30 tấm hình (mỗi loại 6 tấm). Bạn phát cho mỗi học viên một
tấm hình và họ sẽ rời chỗ ngồi, đi quanh phòng và phát tiếng kêu hoặc làm động
tác theo hình mà họ có trong tay. Những học viên có cùng loại hình sẽ nhận diện
nhau qua tiếng kêu hoặc các động tác ấy và đến với nhau tạo thành nhóm.
• Số lượng học viên : từ 20 đến 40.
TRÒ CHƠI 6 : XOAY
VÒNG
• Mục tiêu : Giúp học viên thư giản, làm quen nhau, tăng cường mối quan hệ.
• Cách làm : Bạn cho học viên đếm 1 và 2 - Ai số 1 đứng theo vòng tròn bên trong
và ai số 2 đứng vòng tròn ngoài. Họ quay mặt lại nhìn nhau và nhớ kỹ mặt người
đối diện. Sau đó, bạn cho mở nhạc cassette và họ nhảy múa tùy thích theo vòng
tròn ngược hướng nhau. Khi nhạc hết, mỗi người chạy đi tìm người bạn đối diện
lúc đầu.
Bạn có thể lập lại lần thứ 2 hoặc 3.
• Số lượng học viên : Không quá 30 người.
TRÒ CHƠI 7 : RA
GIÁ TIỀN
• Mục tiêu : Trò chơi giúp chuẩn bị chia nhóm thảo luận, tạo bầu không khí hoạt
động, quan tâm lẫn nhau, và sự hòa hợp giới tính trong nhóm.
• Cách làm : Mỗi học viên được ấn định theo một giá tiền nào đó. Giá tiền của
học viên nam là 500 đ và của nữ là 1000 đ. Bạn chỉ cần nêu một số tiền, ví dụ
2.500 đ thì các học viên sẽ tụ lại theo từng nhóm làm thế nào tổng số nhóm viên
của từng nhóm bằng giá trị 2.500 đ. Bạn có thể quy định thêm tỷ lệ nam - nữ. Bạn
có thể gọi số tiền nhiều lần (2.500 đ, 3000 đ, 3.500 đ, 4.000 đ, 4.500 đ...) cho
đến khi bạn thấy có sự hòa hợp tốt giữa nam và nữ. Và các nhóm được hình thành
ấy có thể sẽ là những nhóm thảo luận cho đề tài sắp tới của bạn.
• Trò chơi này được sử dụng sau buổi bắt đầu khóa học. Lớp học dưới 30 học viên
là tốt nhất.
III. TRÒ CHƠI KHỞI ĐỘNG
VÀO NHỮNG NGÀY GIỮA KHÓA HỌC
Những ngày giữa khóa học, bạn có thể khởi động bằng những sinh hoạt nhẹ nhàng
nhằm mục tiêu cho lớp học trở lại cảm nhận về hiệu quả của nội dung giảng dạy
của ngày hôm trước.
TRÒ CHƠI 8 : BIỂU
TƯỢNG
Bạn mời lần lượt khoảng ba người và từng người một, bạn nhờ họ vẽ một biểu tượng
trên bảng tượng trưng cho nhận định của họ về nội dung cũng như về phương pháp
giảng dạy, hoặc tinh thần tham gia của lớp học của ngày hôm trước, có thể như
sau:
Người thứ nhất : biểu tượng cho nội dung.
Người thứ hai: biểu tượng cho phương pháp giảng dạy. Người thứ ba : biểu tượng
cho sự tham gia của học viên.
Sau khi từng người vẽ và giải thích, lớp có thể đóng góp thêm ý kiến.
TRÒ CHƠI 9 : XỔ
SỐ
Bạn chuẩn bị ba phiếu : hai phiếu trắng và một phiếu có ghi câu hỏi liên quan
đến nội dung của ngày hôm trước (câu hỏi để trả lời, đơn giản, ứng dụng, rút ra
từ một điểm nào quan trọng của lý thuyết ). Tất nhiên bạn phải có một món quà
nho nhỏ để thưởng cho ai bắt được phiếu có ghi câu hỏi và trả lời đúng. Ai bắt
được phiếu trắng được xem là người thiếu may mắn.
Trong trò chơi này, bạn cũng có thể ghi câu hỏi cả trên ba phiếu trong đó có một
phiếu ghi có quà. Cách này có vẻ không được công bằng vì cả ba người phải trả
lời, nhưng chỉ có một được quà và có khi người được quà trả lời không tốt bằng
người không có quà.
Trò chơi này giúp bạn lướt qua nội dung cũ trước khi qua nội dung mới.
TRÒ CHƠI 10 : 2
TỜ GIẤY
• Mục tiêu : Giúp học viên giảm sự lo âu, tạo sự hưng phấn, vui vẻ sau 1 - 2
buổi học có nội dung căng thẳng.
• Cách làm : Mỗi người được phát hai tờ giấy nhỏ. Trên một tờ giấy A, họ ghi :
“Tôi muốn từ bỏ...” (ghi rõ cái gì hoặc vấn đề gì), sau đó ở tờ giấy thứ hai B,
họ ghi lý do mà họ muốn từ bỏ cái gì hay vấn đề gì được nêu ở tờ giấy trước. Bạn
thu lại riêng theo từng loại A và B để riêng. Bạn lần lượt bốc theo tình cờ một
tờ giấy A, đọc to lên. Kế đó bạn cũng bốc tình cờ một tờ giấy B và cũng đọc to
lên. Nội dung tờ B có khi trùng hợp hoặc không khớp với nội dung tờ A. Điều này
giúp học viên cười hả hê và giúp cho lớp học có bầu không khí mới khi tiếp tục
giảng dạy.
• Số học viên : Trò chơi này chỉ hiệu quả với số lượng 20 học viên, vì nếu quá
đông, trò chơi chiếm nhiều thời gian và sẽ có nhiều nội dung lặp đi lặp lại gây
sự nhàm chán.
Nếu bạn đang giảng về Truyền thông, bạn chọn trò chơi này thì vào đề tài rất
ngọt.
IV. TRÒ CHƠI KHỞI ĐỘNG VÀO
NHỮNG NGÀY SẮP KẾT THÚC KHÓA HỌC
TRÒ CHƠI 11 : MÓN
QUÀ
• Mục tiêu : Giúp học viên bộc lộ cảm xúc, ước mơ, sở thích của mình, sống lại
những kinh nghiệm quá khứ, tạo bầu không khí thân thiện, thông hiểu lẫn nhau và
qua đó lớp học sẽ trở nên gắn bó hơn.
• Số học viên thích hợp : từ 25 đến 30 người.
• Cách làm : Mỗi học viên được phát 2 tờ giấy nhỏ. Trên tờ giấy thứ nhất, học
viên ghi tên món quà ưa thích thường được nhận. Trên tờ giấy thứ hai, học viên
ghi tên món quà mong ước mà chưa bao giờ được nhận. Tất cả các tờ giấy được gom
lại trong một cái hộp và sau đó bạn cho mỗi học viên nhận lại hai tờ giấy theo
tình cờ. Mỗi học viên sẽ chia sẻ cảm tưởng về hai món quà đã nhận được : ưa
thích hay không, tại sao ? hoặc có muốn đổi món quà nào của học viên khác không
và nếu có thì tại sao ?
• Tác động của trò chơi : Bạn và các học viên sẽ thích thú về các món quà là lạ
và khi học viên giải thích thì mọi người sẽ có nhiều khám phá về kinh nghiệm,
cảm xúc, suy nghĩ của từng học viên.
TRÒ CHƠI 12 : ĐOÁN HÌNH VẼ
• Mục tiêu : Giúp học viên cùng hòa nhập, đồng hành với tâm tư, ý tưởng, ý muốn
của người bạn của mình, tạo thêm sự gắn bó thân thiện giữa các học viên sau
những ngày học cùng lớp.
• Số học viên : Không giới hạn số người ( tất nhiên lớp học ít người bầu không
khí sẽ thân mật hơn).
• Cách làm : Trước hết bạn mời một học viên tình nguyện lên bảng vẽ một nét hình
mà học viên ấy đã chọn trước trong đầu. Khi vẽ, học viên chỉ được vẽ những nét
nửa chừng ( khoảng 30 - 50% của hình vẽ). Sau đó, bạn hỏi lớp ai có thể vẽ tiếp
để làm sao khớp với ý muốn của người trước. Người này sẽ cho biết người sau vẽ
có khớp với ý muốn của mình hay không. Bạn làm tiếp tục như thế với một vài cặp
khác, thậm chí bạn có thể làm với ba người: người thứ nhất vẽ 1/3 hình, người
thứ hai dự đoán và vẽ tiếp 1/3 và người cuối cùng phải dự đoán được ý muốn của 2
người trước và hoàn chỉnh hình vẽ. Cuối trò chơi, bạn có thể cho học viên cho
biết ý nghĩa của trò chơi : muốn thành công trong mối quan hệ người và người,
con người phải hiểu được ý muốn của nhau để cùng hòa hợp.
CÁC SINH HOẠT TRÒ CHƠI THEO
ĐỀ TÀI GIẢNG DẠY
I. CÁC TRÒ CHƠI LIÊN QUAN
ĐẾN MỐI QUAN HỆ NGƯỜI VÀ NGƯỜI ( TRUYỀN THÔNG)
TRÒ CHƠI 13 : TỰ
KHÁM PHÁ BẢN THÂN
• Mục tiêu : Giúp học viên nhận thức về : Con người của mình ở bất cứ khía cạnh
nào (ưu nhược điểm, khuynh hướng, sở thích niềm tin...). Sự quan tâm của mình
hoặc hoàn cảnh quá khứ và thực tại. Khi tự hiểu biết chính mình và chấp nhận
chính mình thì ta sẽ thành công hơn trong công việc cũng như trong mối quan hệ
người và người.
• Thời gian thực hiện : 120 phút
• Cách làm : Bạn phát cho mỗi học viên một tờ giấy trắng ( loại giấy đánh máy)
và đề nghị họ vẽ trên tờ giấy đó một biểu tượng ( có thể là đồ vật, cây cỏ, thú
vật...) phù hợp với đặc tính con người của họ. Không đòi hỏi phải là hình vẽ đẹp
vì thông thường họ hay nói không biết vẽ. Bạn an tâm - khi vẽ thì ai cũng là họa
sĩ cả và họ vẽ rất đẹp. Thời gian vẽ là 30 phút - Bạn cứ để họ tự chọn. Thời
gian chọn là khó nhất đối với họ, nhưng khi họ đã chọn được thì thường rất đúng
với bản chất của chính họ.
Khi vẽ xong, bạn nhờ họ mang dán biểu tượng của họ lên tường chung quanh phòng
học. Khi tất cả đã được dán lên, bạn cho họ đi vòng quanh phòng và xem biểu
tượng của nhau trong 15 phút. Sau đó, họ trở về chỗ ngồi, rồi bạn mời từng người
một lên giải thích ý nghĩa biểu tượng của họ. Bạn cần đồng hành với họ vì lúc
này họ đang tự bộc lộ về họ. Nếu họ giải thích chưa hết trong khi hình vẽ của họ
còn nhiều chi tiết lạ cần diễn giải, bạn nên hỏi thêm họ hoặc bạn có thể lý giải
chi tiết đó theo cách nhận định của bạn ( bạn cần có kỹ năng phân tích hình vẽ
về mặt tâm lý đó ! ). Nếu bạn giúp được họ khám phá hơn về họ, họ sẽ thầm cảm ơn
bạn !
Nếu lớp học ít người ( dưới 30 ) thì bạn nên cho tất cả mọi người có cơ hội nói
về họ ( kinh nghiệm là họ muốn nói ). Nếu lớp đông hơn, bạn chỉ cần chọn những
biểu tượng nào nổi bật, lạ. Thường nữ có khuynh hướng vẽ cây cỏ, bông hoa,
thuyền, cảnh đồi núi, thôn quê, nam thì vẽ thú vật, đồ vật hoặc hình thể trừu
tượng.
• Tác động :
Học viên hiểu rõ lẫn nhau nhiều hơn. Sau đó bầu không khí trở nên thân thiện
hơn, gần gũi hơn, mọi người cảm thấy nhẹ nhàng vì đã nói được những gì trước đây
mình không bao giờ có cơ hội để nói.
• Ứng dụng : Các môn Tâm lý học, Tâm lý trị liệu, Tham vấn, Công tác xã hội,
Truyền thông, Quản trị, Lãnh đạo.
TRÒ CHƠI 14 : VẼ CÂY
• Mục tiêu : Giúp học viên khám phá về chính mình, nhận thức về khái niệm bản
thân và tự bộc lộ về mình. Giúp các học viên hiểu lẫn nhau, tăng cường mối quan
hệ.
• Thời gian thực hiện : 60 phút.
• Cách làm : Bạn phát cho mỗi học viên một tờ giấy trắng (loại giấy đánh máy) và
cho họ vẽ một cái cây ( bất kỳ loại cây nào) biểu tượng cho đặc tính của con
người họ. Bạn không nên gợi ý gì về việc phải vẽ ra sao, để họ tự suy nghĩ và tự
vẽ.
Kết quả luôn khác nhau : có người vẽ cây to, có người cây nhỏ, ốm yếu, có người
không vẽ lá, cành khô, có người vẽ lá rất nhỏ, có người vẽ rễ cây to, có người
vẽ rễ cây ốm yếu hoặc không vẽ. Bạn cho mỗi người giải thích ý nghĩa các chi
tiết của cây mà họ vẽ và mối liên hệ về họ. Bạn cần biết các ý nghĩa sau đây để
hỗ trợ thêm cho học viên.
- Rễ : Gia đình, nơi được sinh ra và những ảnh hưởng sâu xa cho đến bây giờ ( rễ
to : hãnh diện về gia đình mình, thỏa mãn với nguồn gốc - không vẽ rễ hoặc rễ ốm
yếu : chưa thỏa mãn, trách móc gia đình ).
- Thân cây : Cơ cấu của cuộc sống hiện đại ( công việc gia đình, tổ chức mà mình
là thành viên). Nếu vẽ to có nghĩa là khỏe mạnh, công việc vững. Vẽ nhỏ là ốm
yếu : sức khỏe kém, công việc tạm thời, chưa cảm thấy an toàn.
- Lá cây : Nguồn gốc thông tin ( báo chí, sách, TV... bạn bè, giao lưu). Nếu vẽ
chung chung một khối, không thấy từng lá rõ rệt là người ấy nhiều bạn nhưng
không có bạn thân. Nếu vẽ lá rõ, cụ thể, người đó có bạn ra bạn.
- Trái : Những thành quả ( công việc đã làm có kết qua ).
- Nụ hoa : Niềm hy vọng ở tương lai.
• Số lượng học viên : Không giới hạn
TRÒ CHƠI 15 : BỘC LỘ -
PHẢN HỒI
• Mục tiêu : Giúp học viên tự bộc lộ về những gì họ thường hay che dấu và nhận
được sự phản hồi của người khác về phần mình bị “mù” ( người khác biết về mình
mà mình lại chưa biết về mình).
• Thời điểm thực hiện : Khi học viên đã quen biết nhau nhiều. Trò chơi này không
hiệu quả nếu được làm đầu khóa học khi các học viên còn chưa biết nhau.
• Thời gian làm : 60 phút.
• Cách làm : Bạn chuẩn bị cho mỗi học viên một tờ giấy lớn (khổ 0,7m x 1m) bạn
nhờ học viên xếp đôi tờ giấy theo chiều ngang và khoảng giữa, khoét một lỗ vừa
đủ để đưa đầu vào ở cổ. Phía trước, học viên tự giới thiệu về mình ( mặt mạnh,
mặt yếu, tính tình, sở thích, nguyện vọng...) bằng cách viết trên mặt phía trước
ngực (viết trước khi đưa tờ giấy vào co ). Xong, mỗi học viên đi vòng quanh
phòng học, mỗi người cầm theo cây bút, xem những dòng tự giới thiệu của người
khác và ghi nhận xét tích cực ( chỉ ghi nhận xét tích cực ) của mình về người ấy
trên tờ giấy mặt phía lưng. Mỗi người sẽ được nhiều người ghi nhận xét về mình.
Cuối cuộc sinh hoạt, mỗi người trở về chỗ ngồi, bốc tờ giấy ra và so sánh giữa
cái mình nghĩ về mình và người khác nghĩ về mình, có gì khác không. Mỗi người sẽ
thú vị khi khám phá thêm về mình qua nhận xét của người khác.
• Tác động : Đây là cuộc sinh hoạt tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, góp ý cho
nhau để mỗi người nhận diện ra chính mình và biết người khác nghĩ gì về mình,
đáp ứng nhu cầu được chấp nhận. Giảng viên cần nhắc nhở học viên không được lợi
dụng để bêu xấu, trêu ghẹo người khác, làm lệch mục tiêu học tập.
• Số lượng học viên : Không quá 30 người.
Nếu lớp có khoảng 40 - 50 người mà phòng học không được rộng, bạn có thể thay
đổi cách làm như sau : mỗi học viên tự giới thiệu về mình trên một mặt của một
tờ giấy nhỏ (tập học sinh), có ghi tên mình. Bạn thu lại tất cả các tờ giấy này
và phát lại tình cờ cho lớp. Mỗi học viên nhận được tờ giấy của người khác ghi
nhận xét của mình về người đó vào mặt sau tờ giấy mà không ghi tên mình. Bạn thu
lại một lần nữa và trả lại cho khổ chủ ban đầu. Thời gian sinh hoạt trò chơi này
ngắn hơn cách làm trước. Sau sinh hoạt, bạn cho học viên nói lên cảm tưởng của
mình.
• Ứng dụng : Khi giảng dạy về cửa sổ Johari trong Truyền Thông, Quan hệ người và
người, Quản trị, Công tác Xã hội, Tâm lý xã hội, Tham vấn.
TRÒ CHƠI 16 : CHỌN MỘT
ĐỒ VẬT
• Mục tiêu :
1. Giúp học viên phát triển cảm nhận về bản thân.
2. Giúp họ chia sẻ với nhau cảm nghĩ ấy, nhận được sự phản hồi của người khác về
sự bộc lộ ấy.
• Thời gian : Từ 60 đến 90 phút
• Cách làm : Bạn chuẩn bị trước một số lượng lớn (nhiều hơn số học viên) các đồ
vật khác nhau và nhiều cở kích ( hình thù, trọng lượng, màu, tính chất, mềm,
cứng... khác nhau).
Bạn bày các đồ vật này ra trên bàn đặt giữa phòng. Bạn cho học viên đi quanh
phòng quan sát kỹ các đồ vật và nhờ họ thầm chọn một đồ vật tượng trưng cho con
người của mình. Sau 10 phút, họ trở lại chổ ngồi và suy nghĩ về sự tương ứng
giữa các đặc điểm của món đồ vật đã được chọn với đặc điểm của hình ảnh bản thân
của mình. Bạn mời từng người chia sẻ suy nghĩ của họ và mời mọi người đón góp ý
kiến cho nhau ( tất nhiên một cách tích cực ).
• Số lượng học viên : Từ 15 đến 30.
• Ứng dụng : Truyền thông giao tiếp, Công tác tham vấn, lãnh đạo.
TRÒ CHƠI 17 : CÁCH NHÌN VỀ MÌNH VÀ VỀ NGƯỜI KHÁC
• Mục tiêu :
1- Giúp học viên tự hiểu mình.
2- Giúp khả năng phản hồi.
3- Giúp nhận thấy tính chủ quan trong quan hệ xã hội.
• Thời gian thực hiện : 60 phút
• Cách làm :
Bạn chọn một nhóm khoảng 4 - 5 người. Bạn ghi tên mỗi người lên bảng. Bạn nhờ
mỗi người trong nhóm ví mình như là một con vật, đồ vật, hoặc loại cây nào đó.
Sau đó, từng người cho biết kết quả và viết kết quả đó dưới từng tên của mỗi
người trên bảng và giải thích tại sao chọn như thế ( nói về đặc điểm của thú
vật, đồ vật, cây cỏ, mối tương đồng nào với mình và các người bạn của mình ).
Phần tổng kết cần nhấn mạnh: Khó khăn cảm nhận được khi thực hiện : sợ, ngại va
chạm người khác, tránh né những điều cấm kỵ...).
Phân biệt cách nhìn, cơ chế phóng chiếu.
• Số lượng học viên : Không quá 30.
• Ứng dụng : Công tác xã hội - Truyền thông và Giao tiếp - Công tác Tham vấn -
Quản trị.
TRÒ CHƠI 18 : NĂM GƯƠNG
MẶT
• Mục tiêu :
1. Giúp khám phá nguồn gốc của tính chủ quan trong cách nhìn các vấn đề hoặc các
khái niệm.
2. Giúp kiểm tra lại và đo lường thái độ, quan điểm, giá trị, trước một vấn đề
hay một thực tế trong cuộc sống hoặc trong mối quan hệ người với người.
• Thời gian thực hiện : từ 30 đến 45 phút.
• Cách làm : Bạn vẽ trên bảng hình 5 gương mặt với trạng thái khác nhau : bình
thường (vô tư), ghét, rất ghét, thích, rất thích ( Bạn có thể vẽ sẵn trên một tờ
giấy trắng và sao chụp phát cho học viên). Bạn nêu một số khái niệm như : trẻ
em, người già, vui chơi, làm việc, gia đình, khách sạn, học hành, thành thị,
thôn quê, khiêu vũ, âm nhạc, nắng, mưa, v.v... (tùy theo bạn chọn).
Bạn nhờ học viên ghi các khái niệm trên ở dưới các gương mặt được chọn tùy theo
cách nhìn, thái độ của mình đối với các khái niệm ấy.
Bạn mời một vài học viên lên bảng ghi kết quả của sự lựa chọn của họ và họ giải
thích lý do của sự lựa chọn ấy. Thông thường, cách nhìn, thái độ của con người
phát xuất từ các kinh nghiệm tích cực hay tiêu cực của mình trong quá khứ.
• Số lượng học viên : Không giới hạn.
• Ứng dụng : Tâm lý học, Truyền thông - Giao tiếp - Công tác tham vấn - Công tác
xã hội - Quản trị.
TRÒ CHƠI 19 : MÔ
TẢ HÌNH
• Mục tiêu :
Giúp học viên nhận thức về các điều kiện truyền thông hiệu quả.
Giúp học viên rèn luyện kỹ năng truyền thông hiệu quả.
Giúp học viên nhận thức về những trở ngại trong truyền thông.
• Cách làm : Bạn mời 6 học viên tình nguyện và chia họ ra làm 3 cặp đôi : cặp 1,
cặp 2 và cặp 3. Bạn nói họ ra khỏi lớp học trong giây lát và sẽ lần lượt mời vào
từng cặp thực hiện trò chơi. Khi họ đã ra khỏi lớp, bạn trình cho các học viên
còn lại trong lớp xem tấm ảnh hình học mà bạn đã chuẩn bị sẵn ( các hình mẫu ở
trang kế). Bạn giải thích cách làm để họ theo dõi hoạt động và chính họ phải rút
ra những điểm cần thiết sau khi 3 cặp thực hiện xong trò chơi.
Bạn mời cặp 1 vào lớp và 2 người này sẽ quyết định ai là người mô tả tấm hình và
ai là người vẽ hình trên bảng. Bạn cho người sẽ mô tả xem tấm hình trong 1 - 2
phút và nói họ hãy cố nhớ từng chi tiết và mô tả như thế nào để bạn mình vẽ lại
đúng hình ấy trên bảng và khi mô tả, người này chỉ được phép nói một lần một (
không lập lại lần thứ hai ) từng chi tiết một và người vẽ không được hỏi. Bạn
lấy lại tấm hình và người mô tả thực hiện theo lời chỉ dẫn của bạn và theo trí
nhớ.
Tiến trình hoạt động này được lập lại với cặp 2 và chỉ có điểm khác là người mô
tả được quyền cầm tấm hình để mô tả. Riêng ở cặp 3, người mô tả có quyền lập đi
lập lại lời mô tả của mình và người vẽ hình trên bảng được quyền hỏi lại.
Chắc bạn cũng đoán được là kết quả 3 hình sẽ khác biệt nhau và hình của cặp 3 là
hình đúng hoặc gần đúng nhất. Tuy nhiên, bạn cũng nên dự trù trước là cũng có
trường hợp hiếm có xảy ra là hình ở cặp 1 lại đúng do ngoại lệ ( người mô tả có
trí nhớ tốt, biết cách mô tả phù hợp với người nghe và người nghe nắm bắt thông
tin và có kinh nghiệm về hình học). Dù thế nào, bạn cũng có thể giúp lớp rút ra
những kết luận theo mục tiêu bài giảng của bạn. Bạn cần theo dõi và ghi lại chi
tiết mô tả tốt hoặc
chưa tốt ( thường dùng từ sai, méo mó thông tin, diễn đạt không rõ...) để giúp
lớp khám phá vấn đề lúc thảo luận chung.
• Ứng dụng : Sử dụng khi giảng dạy Truyền thông, về quan hệ giao tiếp, Lãnh đạo,
Quản trị.
TRÒ CHƠI 20 : CÁCH NHÌN VẤN ĐỀ
• Mục tiêu : Giúp học viên nhận thức về cách nhìn của con người trước một vấn đề
hay sự việc, tùy theo vị trí, hoàn cảnh, tâm trạng, kinh nghiệm sống của mình,
để từ đó dễ dàng hội nhập hơn trong giao tiếp cũng như trong hợp tác làm việc.
• Thời gian thực hiện : từ 30 - 45 phút.
• Cách làm : 3 bước khác nhau:
1. Bạn đến đứng bên cạnh một cái bàn đặt giữa phòng. Bạn mời một học viên ở một
hướng nào đó nói cho biết vị trí của bạn ở đâu so với cái bàn. Học viên ấy nói:
“Thầy đứng trước cái bàn”. Xong bạn mời một học viên khác đối nghịch với vị trí
của học viên trước với cùng câu hỏi. Học viên ấy sẽ nói “Thầy đứng sau cái bàn”.
Cách nhìn tùy thuộc vị trí riêng của mỗi người.
2- Bạn chuẩn bị một số hình vẽ và trình cho học viên xem:
Hình 1: Có người thấy 3 chữ nhật nối liền nhau, 2 chữ H hoặc 3 quả tạ...
Hình 2: Có người cho đó là 3 mũi tên hoặc 3 căn nhà nhìn phía bên hông hoặc 2
chữ K... Bạn nhìn hình trên, bạn thấy đó là cái ly hay 2 gương mặt nhìn nhau?
Hình vẫn là hình, nhưng không phải ai cũng thấy giống nhau. Kinh nghiệm, hoàn
cảnh, tâm trạng đều chi phối cách nhìn và lý giải nó. Ngoài ra, còn có yếu tố
tác động của môi trường. Bạn cho học viên xem các hình.
TRÒ CHƠI 21 : CUỘC
RƯỢT ĐUỔI
• Mục tiêu :
1. Giúp nhận biết tính chủ quan trong mối quan hệ, trước một thực tế được nhìn
thấy.
2. Giúp nhận biết được cảm tưởng.
3. Giúp phát hiện cơ chế phóng chiếu của mình trên một thực tế.
• Thời gian thực hiện : 30 phút
• Cách làm : Bạn cho lớp xem một tấm ảnh (hình bên) và gắn hình đó trên bảng.
Mọi người xem ảnh và tưởng tượng một câu chuyện ngắn bằng cách trả lời 3 câu hỏi
sau :
1- Cái gì đã xảy trước khi có cảnh này ?
2- Cái gì đang diễn ra trong cảnh này ?
3- Cái gì sẽ tiếp sau đó ?
(Câu hỏi phụ : Chi tiết nào được chú ý nhất, thử cho một cái tựa?)
Vài người nói về so sánh các câu chuyện được nêu : giống nhau và khác nhau - Bạn
có thể giúp từng người liên hệ cái tưởng tượng của họ với một mảng đời sống của
họ: công việc, giá trị, nhu cầu, lo sợ, ước vọng...
Phần tổng kết, bạn : Phân loại các chi tiết theo loại chủ quan và loại khách
quan.
Chỉ rõ mối liên quan với nhu cầu, công việc, sự chọn lọc trong cách nhìn. Phân
biệt cách nhìn và phóng chiếu.
Cần kiểm tra lại cách nhìn của mình.
• Số lượng học viên : Không giới hạn.
• Ứng dụng : Tâm lý xã hội - Công tác xã hội - Tham vấn - Truyền thông và Giao
tiếp.
TRÒ CHƠI 22 : KHOẢNG CÁCH
• Mục tiêu :
1. Giúp khám phá các thông điệp không lời qua khoảng cách.
2. Giúp xác định mức độ thoải mái hoặc khó chịu qua khoảng cách.
3. Giúp ghi nhận các thông tin khác nhau tùy theo khoảng cách.
4. Quan sát để thấy khoảng cách có thể thuận lợi hoặc không thuận lợi như thế
nào cho chất lượng quan hệ.
• Thời gian thực hiện : 30 phút
• Cách làm : 1- Bạn chọn 2 học viên ( A và B ), cho họ đứng đối diện nhau, cách
ít nhất là 2 mét - A tiến từ từ đến B ( bất động ). Mỗi lần bước tới vài bước
thì ngừng và cho biết cảm giác ( thoải mái hay không ) và ngừng lại ở khoảng
cách mà A cho là tiện nhất.
A tiếp tục tiến gần B, vượt qua vùng thân mật và ngừng trước B cách vài cm. Ghi
nhận ở khoảng cách đó : hơi ấm cơ thể, mùi, cái nhìn bị méo mó, hơi thở, ghi
nhận ý tưởng, cảm xúc lúc đó. Giữ khoảng cách trong 30 giây, trở lại vị trí cũ.
Đổi vai : A bất động và B tiến từ từ đến A.
2- A và B đều nhắm mắt lại. Mỗi người tưởng tượng đang ở trong một cái bong
bóng, lớn nhỏ tùy mình và tiến gần nhau một lần nữa và chỉ ngừng khi hai bong
bóng đụng nhau ( theo tưởng tượng của hai người ).Bạn so sánh hai khoảng cách đã
thực hiện.
A và B cách nhau hai mét. Một người nhắm mắt và bất động. Người kia tiến tới từ
từ. Khi người nhắm mắt cảm nhận người kia đến ở khoảng cách thích hợp và an toàn
thì ngăn lại và mở mắt ra. Kế đó, đổi vai.
• Số lượng học viên : Không tùy thuộc vào số lượng.
• Ứng dụng : Khoa học giao tiếp, truyền thông, công tác xã hội - Quản trị.
TRÒ CHƠI 23 : XEM
HÌNH
• Mục tiêu :
1. Giúp nhận thức tính chủ quan trong quan hệ người và người, khi nhìn thấy một
ván đề hay một thực thể.
2. Giúp phân biệt những cảm nhận và khám phá khuynh hướng và cơ chế phóng chiếu
của mình vào thực thể thấy được.
• Thời gian thực hiện : 30 phút.
• Cách làm :
Bạn chuẩn bị sẵn khoảng 20 tấm ảnh các loại (ảnh chụp phong cảnh, các hình thức
sinh hoạt trong đời sống, ảnh vẽ...) lấy từ các tạp chí. Bạn đánh số từng tấm
ảnh và bày dọc theo cạnh một cái bàn lớn đặt giữa phòng học. Bạn cho học viên đi
chậm dọc theo bàn, giữ im lặng, nhìn các bức ảnh (nếu bạn chuẩn bị thêm một máy
cassette phát ra một bản nhạc êm dịu, âm lượng nho nhỏ thì không còn gì bằng !).
Học viên thầm chọn 1 - 2 bức ảnh theo số đánh dấu mà họ ưng ý nhất, gây ấn tượng
đối với họ nhất.
Sau khi họ trở lại chỗ ngồi, bạn mời từng học viên cho biết cảm nghĩ của mình
khi chọn bức ảnh và nó liên quan đến cảm xúc, tình cảm và kinh nghiệm cuộc sống
hiện tại hay quá khứ của họ. Các học viên có thể góp ý với nhau. Bạn có thể nhờ
họ cho cái tựa cho từng bức ảnh.
• Số lượng học viên : từ 20 đến 30.
• Ứng dụng : Các môn tâm lý học - Truyền thông và Giao tiếp - Công tác tham vấn
- Công tác xã hội - Quản trị.
TRÒ CHƠI 24 : LẮNG NGHE
• Mục tiêu :
1. Giúp học viên nhận thức : lắng nghe không phải là việc đơn giản, cần tập
luyện kỹ năng lắng nghe để giao tiếp, để làm việc và hợp tác.
2. Giúp nhận thức về vấn đề thông tin và nhận thông tin.
• Thời gian thực hiện : 30 phút
• Cách làm : Qua hai bước :
Bước 1 : Bạn nhờ học viên chuẩn bị lắng nghe và khi bạn báo bắt đầu lắng nghe
thì các học viên sẽ lắng nghe những tiếng động xung quanh mình hoặc từ xa vọng
đến và ghi lại tất cả các tiếng động ấy trên tờ giấy nháp trong khoảng thời gian
60 giây.
Bạn chọn hai học viên ngồi gần nhau và đọc to kết quả ghi lại tiếng động của hai
người ấy. Bạn so sánh hai kết quả và thông thường là không giống nhau hoàn toàn.
Bạn tiếp tục chọn hai người khác ngồi gần nhau và kết quả cũng khác nhau. Bạn
hỏi ý kiến của lớp nhận xét tại sao.
Con người khi nghe có khuynh hướng chọn lọc. Dù có chú ý, nhưng tiếng động không
được chọn sẽ không vào và não không ghi nhận tiếng động đó.
Bước 2 : Bạn phát cho năm học viên tình nguyện lên đứng trước lớp theo hàng
ngang, mỗi người cầm một tờ giấy ( loại giấy đánh máy A4 ) và họ cầm tờ giấy
thẳng đứng. Họ sẽ
thực hiện theo lời yêu cầu của bạn. Bạn bắt đầu nói rõ ràng, không nhanh, không
chậm :
“Xếp đôi tờ giấy từ trên xuống dưới, xé bỏ góc trên bên phải, sau đó xếp đôi tờ
giấy 1 lần nữa từ phải sang trái, xé góc dưới bên trái và xếp đôi tờ giấy lần
nữa từ trên xuống xé góc trên bên phải”.
Bạn nhờ năm học viên này mở tờ giấy của họ ra. Kết quả là những ai nghe đúng thì
hình dáng tờ giấy còn lại sẽ giống nhau. Kinh nghiệm cho thấy tỷ lệ người nghe
khác nhau thường chiếm số cao hơn.
• Số lượng học viên : Không tùy thuộc vào số lượng học viên.
• Ứng dụng : Các đề tài về truyền thông - Giao tiếp, Công tác xã hội, tham vấn,
quản trị, lãnh đạo...
• Biến đổi : Bạn có thể thực hiện bước 2 theo một cách khác :
Bạn chia cả lớp thành nhóm 2 người, quay lưng vào nhau, chỉ có một người nhìn
thấy bạn. Mỗi nhóm chuẩn bị một tờ giấy trắng. Người không nhìn thấy bạn sẽ cầm
tờ giấy này. Người nhìn thấy bạn có nhiệm vụ quan sát và nói lại cho người kia
những gì mình thấy được, để người kia cứ thế mà làm. Không được phép hỏi lại.
Bạn cầm tờ giấy, gấp theo bất cứ hình gì mình thích, làm chậm, không được nói,
để học viên,
người có nhiệm vụ quan sát thấy được. Sau đó bạn sẽ xé một góc của tờ giấy đã
gấp. Và bạn yêu cầu các nhóm đưa tờ giấy của nhóm ra, các tờ giấy nhất định
không hoàn toàn giống nhau. Trò chơi này giúp người học nhận thức được mối quan
hệ của việc truyền tin và nhận tin.
TRÒ CHƠI 25 : “CÂY GẬY PHÁT BIỂU”
• Mục tiêu :
1. Giúp học viên rèn luyện kỹ năng trao đổi, lắng nghe người khác, khả năng nói
về mình trong hiện tại.
2. Giúp rèn luyện tính kiên nhẫn trong khi tập trung nghe liên tục.
• Thời gian : 30 phút.
• Cách làm : Bạn chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ 4 - 5 người. Mỗi nhóm chọn một đồ
vật tượng trưng cho cây gậy phát biểu ( nón, khăn, hoặc quyển tập...) và đặt tại
giữa vòng tròn của nhóm. Mọi người đều im lặng. Ai cầm gậy thì có quyền phát
biểu, tùy ý nói về mình và nói trong bao lâu cũng được. Ai không có gậy trong
tay thì không có quyền nói mà chỉ lắng nghe. Nói xong, đặt gậy trở lại vị trí cũ
ở giữa vòng tròn để ai muốn nói thì cầm gậy trên tay.
(Phương pháp thảo luận này dựa theo phương pháp thảo luận của người Haida, một
bộ lạc ở dọc Thái Bình Dương khi họp Hội Đồng Tư Vấn, họ đến ngồi vòng tròn, im
lặng ở giữa để “cây gậy phát biểu").
• Số lượng học viên : từ 20 đến 30
• Ứng dụng : Truyền thông - Công tác tham vấn - Tâm lý Trị liệu - Công tác xã
hội.
• Kết luận sau trò chơi :
1. Khó khăn trong việc giữ im lặng và tập trung chú ý.
2. Khó khăn khi nói về mình.
II. CÁC TRÒ CHƠI LIÊN QUAN
ĐẾN NHÓM LÃNH ĐẠO
TRÒ CHƠI 26 : TÌM
VAI
• Mục tiêu :
1. Giúp học viên phát hiện vai trò ( khuôn mẫu hành vi ) của từng nhóm viên được
thể hiện lúc sinh hoạt nhóm.
2. Giúp rèn luyện kỹ năng quan sát cách ứng xử, mối tương tác, các biến chuyển
vai trò trong nhóm để hiểu được cơ cấu nhóm, giúp lãnh đạo nhóm điều hành hoặc
can thiệp khi cần thiết để hoạt động nhóm được hiểu quả hơn.
• Thời gian thực hiện : từ 30 đến 45 phút
• Cách làm :
Bạn nêu trên bảng 8 khuynh hướng thường có khi thảo luận nhóm ở từng thành viên
của nhóm.
CHỦ ĐỘNG;
CẠNH TRANH;
LÃNH ĐẠO;
GÂY HẤN;
GIÚP ĐỠ;
THẮC MẮC;
GÂY RỐI;
THEO ĐUÔI;
KHÔNG LỆ THUỘC
QUAN TÂM
THỤ ĐỘNG
Bạn giải thích mỗi vai có những khuôn mẫu hành vi như sau:
1. Vai người lãnh đạo
Mở đầu, đặt vấn đề
Mời tham gia ý kiến
Hòa giải nếu có mâu thuẫn
Tóm lược các ý kiến
Trắc nghiệm sự nhất trí
Kết thúc buổi họp
2. Vai người giúp đỡ
Hỗ trợ người lãnh đạo
Giải thích, cung cấp thông tin
Giúp nhóm theo hướng của người lãnh đạo
3. Vai người theo đuôi
Ít chủ động nêu ý kiến riêng, chỉ chờ người khác nói xong thì ủng hộ. Thường
thay đổi ý kiến theo người khác.
Có theo dõi cuộc họp.
4. Vai người lệ thuộc
Chủ yếu thụ động hơn người theo đuôi. Có theo dõi cuộc họp.
Không tham gia ý kiến.
Phó thác cho người khác quyết định.
5. Vai người không quan tâm
Ít theo dõi buổi họp
Làm việc riêng, hoặc nhìn về hướng khác
Không tham gia ý kiến
6. Vai người thắc mắc, gây rối
Hay đặt những câu hỏi, thắc mắc lặt vặt hoặc lật ngược vấn đề.
Có khi mở rộng đề tài, lạc đề làm nhóm mất thời gian, gây khó chịu cho nhóm.
7. Vai người gây hấn
Loại người bất mãn hoặc không thích 1-2 nhóm viên nào đó trong nhóm. Hay chê bai
ý kiến củ người mình không thích.
Nói to, quơ tay, đứng lên ngồi xuống.
8. Vai người cạnh tranh
Khuyến khích sự tham gia của nhóm. Chủ động tham gia ý kiến.
Có khi tóm lược các ý kiến hoặc trắc nghiệm sự nhất trí.
Bạn mời 8 học viên và giao vai cho mỗi người qua tờ giấy có hướng dẫn cách thể
hiện vai như phần trên. Mỗi người chỉ biết vai của mình. Nhóm 8 người này sẽ họp
tại một bàn giữa phòng và các học viên khác ngồi xung quanh quan sát. Bạn cho
một đề
tài để nhóm thảo luận, ví dụ : “Thảo luận một kế hoạch tổ chức đi picnic ở ngoại
thành” - Bạn dành khoảng 10 - 15 phút cho cuộc thảo luận, không cần phải đợi
xong cuộc thảo luận.
Bạn mời các học viên khác cho biết vai đảm nhận của từng người và giải thích
do những chi tiết nào trong hành vi mà mình đã nhận diện được.
Điều bạn cần lưu ý là thực tế có khi có người sắm vai bị lôi cuốn vào cuộc thảo
luận lại quên vai của mình thì đó là hiện tượng bình thường của sự biến chuyển
vai trò trong nhóm. Vai trò khó mà giữ cố định và chúng ta thường có khi gây hấn
một chút, rồi trở thành lệ thuộc, không quan tâm, rồi có khi canh tranh một tí.
Chỉ khi nào một
vai trò được thể hiện nổi bật mạnh nhất trong suốt buổi họp thì đó mới là điều
cần quan
tâm của người lãnh đạo nhóm.
• Số lượng học viên : Từ 20 đến 30
• Ứng dụng : Tâm lý nhóm - Công tác xã hội nhóm - Phát triển cộng đồng - Quản
trị học
TRÒ CHƠI 27 : CHUYỆN ANH
THỢ ĐẬP ĐÁ VÀ NGƯỜI ĐI ĐƯỜNG
• Mục tiêu : Giúp học viên thảo luận qua câu chuyện để rút ra bài học về sự cần
thiết thu thập dữ kiện trước khi đề xuất cách làm, cách giải quyết vấn đề hoặc
đưa ra quyết định.
Một người đi đường đã qua nhiều cánh đồng trơ trọi và gặp một người thợ đập đá.
Anh ta hỏi :
- Xin anh vui lòng cho biết từ đây đến thị trấn gần nhất phải mất bao lâu nữa ?
Người thợ đập đá lắng nghe rồi lại cúi xuống tiếp tục công việc. Người đi đường
nghĩ bụng : “Hoặc là anh ta bị điếc, hoặc là anh ta bị câm”. Và người này tiếp
tục cắm cúi đi. Được một đỗi xa anh ta nghe tiếng người thợ đập đá gọi, bèn quay
trở lại. Người thợ đập đá nói :
- Muốn đến được thị trấn gần nhất anh phải mất ít nhất hai giờ.
Người đi đường bực dọc thốt lên :
- Thế tại sao anh không nói cho tôi biết ngay từ đâu ? Người thợ đập đá thủng
thỉnh trả lời :
- Làm sao tôi có thể trả lời tức thì cho anh được khi tôi chưa biết cách đi của
anh như thế nào ? Trước hết tôi phải quan sát bước đi của anh xem anh đi nhanh
hay chậm. Sau đó tôi mới tính toán quãng đường cần đi. Và bây giờ thì tôi có thể
đoán chắc là anh sẽ đến đó sau ít nhất là hai giờ.
• Ứng dụng : Khi giảng dạy về các đề tài xây dựng Dự án, Phát triển cộng đồng,
Quản trị, Tâm lý nhóm.
LOẠI KỂ CHUYỆN 28 : CHUYỆN
ĐẮM TÀU
• Mục tiêu : Giúp học viên nhận thức về giá trị, quan điểm của mỗi cá nhân trong
mối quan hệ giao tiếp hoặc trước khi lấy quyết định của nhóm.
Một thuyền trưởng đang lái con tàu đến một cộng đồng. Trên tàu có cả thảy 12
hành khách gồm :
- Một linh mục nhân từ giữ nhiệm vụ chăm sóc phần hồn cho các con chiên trong
cộng đồng.
- Một bác sĩ đang trên đường đi tu nghiệp để trở về dập tắt các dịch bệnh đang
có nguy cơ tiêu diệt cả cộng đồng.
- Một cảnh sát giỏi nổi tiếng là có công giữ gìn an ninh trật tự cho cộng đồng.
- Một tù nhân trước đây đã phạm nhiều tội ác nhưng đã thành tâm hối cải. Khi ra
tù anh ta được hứa hẹn là sẽ được tạo điều kiện để trở nên người hữu ích cho xã
hội và anh ta đang quyết chí làm lại cuộc đời.
- Một diễn viên nổi tiếng, có tài, được mọi người ái mộ và mang lại niềm vui
tinh thần cho cộng đồng.
- Một chính trị gia đi tìm các sách lược mới để trở về xây dựng cộng đồng.
- Một cặp vợ chồng mới cưới đang trên đường đi hưởng tuần trăng mật.
- Một thầy giáo giỏi, thông minh, yêu trẻ và nhiệt thành đào tạo lớp trẻ của
cộng đồng.
- Một phụ nữ tuổi trung niên đã cống hiến cuộc đời cho các hoạt động từ thiện xã
hội rất hữu ích và đang còn khả năng tiếp tục công việc này.
- Hai đứa bé, một trai, một gái, là hai học sinh thông minh nhất của cộng đồng
được cử đi học ở nước ngoài và là nhân tài của cộng đồng trong tương lai.
Lúc khởi hành thì sóng lặng gió êm nhưng sau hai ngày thì gặp bão tố. Sóng đánh
vỡ một khoang tàu nên bây giờ tàu chỉ có thể chở được 5 người mà thôi, 7 người
còn lại phải hy sinh. Thuyền trưởng phân vân không biết nên chọn ai và phải bỏ
ai ???
Trong thảo luận, bạn cần lưu ý là không có cách chọn ( quyết định ) nào đúng
hoặc sai mà nó tùy theo nấc thang giá trị, quan điểm, cách nhìn của mỗi cá nhân.
• Ứng dụng : Môn Truyền thông giao tiếp, Quản trị, Tâm lý nhóm.
Bạn cũng có thể sử dụng câu chuyện kế tiếp chuyện “Cô gái nghèo” có cùng mục
tiêu như chuyện “đắm tàu”.
LOẠI KỂ CHUYỆN 29 : CHUYỆN
CÔ GÁI NGHÈO
Ánh là tên của cô gái nghèo, có chồng tên là Bảo. Cô Ánh giúp việc nhà cho một
ông thương gia giàu có tên Cảnh. Một hôm, Bảo về quê, chẳng may gặp tai nạn trên
đường đi. Anh bị thương và được chăm sóc tại nhà cha mẹ ruột - Gia đình của Bảo
cũng nghèo khó. Ánh được tin phải về quê chồng gấp để chăm sóc chồng, nhưng Ánh
cần một số tiền không nhỏ để về nhà chồng. Ánh trình bày vấn đề với ông chủ Cảnh
và ngỏ ý muốn vay số tiền. Sau một hồi do dự, ông chủ Cảnh ra điều kiện là Ánh
phải ngủ với ông một đêm trước khi được cấp số tiền.
Ánh phẫn nộ từ chối và tìm đến người bạn gái tên Duyên để nhờ sự giúp đỡ. Duyên
lạnh lùng từ chối.
Ánh thất vọng và không còn sự lựa chọn nào khác nên quay lại với Cảnh và đồng ý
ngủ với ông ta.
Về nhà chồng, sau một thời gian chăm sóc chồng, Ánh thuật lại câu chuyện cho
chồng nghe để mong được tha thứ. Ngược lại sự mong đợi của Ánh, Bảo đánh đập Ánh
và đuổi Ánh ra khỏi nhà. Xấu hổ và tức giận, Ánh trở lại gặp ông chủ và giết ông
ta. Ánh phải bị đi tù.
Sau khi kể chuyện, bạn cho các học viên lên danh sách theo thứ tự từ trên xuống
ai xấu nhất và ai ít xấu nhất và lý do tại sao chọn như vậy. Kết luận là không
có cách chọn nào đúng hoặc sai.
TRÒ CHƠI 30 : 4
ĐƯỜNG THẲNG QUA 9 ĐIỂM
• Mục tiêu : Giúp học viên nhận thức về cách giải quyết vấn đề, cần có cái nhìn
rộng, bao quát hơn để nhận diện rõ vấn đe, hơn là bị “đóng khung”, theo thói
quen cũ, theo lối mòn cũ trước khi ra quyết định hoặc để có sự sáng tạo trong
công việc.
• Cách làm : Bạn vẽ trên bảng 9 điểm được bố trí đều trên một hình vuông như sau
:
l l l
l l l
l l l
Bạn mời lớp học vẽ bốn đường thẳng liên tục đi qua tất cả 9 điểm này mà không
đưa tay lên và không điểm nào bị lập lai. Thông thường học viên không giải đáp
được bài toán này vì nếu không thêm hai điểm mới thì không bao giờ làm được.
• Tác động : Vấn đề đặt ra không lớn, nhưng có hiệu quả vì học viên vỡ lẽ và sẽ
nhớ lâu.
• Ứng dụng : Quản trị, Phát triển cộng đồng, Truyền thông, Quản lý dự án.
Giải đáp
l l l
l
l
l
l
l
l
TRÒ CHƠI 31 : LẮC
BAO
• Mục tiêu : Giúp học viên nhận thức về các vấn đề sau :
Con người có được cảm nhận bên trong, suy tưởng, phán đoán từ các yếu tố kích
thích bên ngoài qua các giác quan.
Truyền thông hiệu quả. Sự cảm tính trong cách ứng xử, trong cách nhìn vấn đề,
cũng như trong cách lấy quyết định.
• Cách làm :
Bạn cần chuẩn bị trước 10 món đồ vật khác nhau ( bạn cần đa dạng hóa các đồ vật
này, có loại quen thuộc và không quen thuộc ) và bạn cho tất cả vào một cái bao
vải hoặc một hộp carton đậy kín. Bạn thực hiện các bước như sau:
Bạn lắc mạnh bao đựng các món đồ cho 1 - 2 học viên nghe tiếng động nhiều lần và
các học viên này phải nhận diện được cái gì có trong bao ( ghi lên tờ giấy ).
Bạn mời 1 - 2 học viên thò tay vào bao mà không được nhìn bên trong bao ( quay
mặt đi chổ khác) và qua xúc giác để nhận diện các loại đo vật. Họ ghi kết quả
lên tờ giấy. Bạn cho 1 - 2 học viên khác nhìn thấy từng món đồ vật ấy, xong bạn
cất mọi thứ vào bao hay hộp. Họ cũng ghi lại tên các món đồ vật ấy lên một tờ
giấy.
Kết quả là các học viên nghe tiếng động của các đồ vật va chạm vào nhau và vào
vách bao carton là nhận diện sai tên món đồ vật nhiều hơn các học viên khác được
chạm vào các món đồ vật và dĩ nhiên, kết quả tốt nhất là thuộc về những học viên
đã nhìn thấy các món đồ vật.
• Ứng dụng : Có thể sử dụng khi giảng dạy Truyền thông, Tâm lý đại cương, Quản
trị học, Giao tiếp nhân sự.
TRÒ CHƠI 32 : LÃNH ĐẠO
• Mục tiêu : Giúp học viên nhận thức là trong cuộc sống cũng như trong môi
trường làm việc, mỗi cá nhân chúng ta đều có thể lãnh đạo và bị lãnh đạo. Nếu
chúng ta không phải là người có vai trò lãnh đạo thì chúng ta không ít nhiều có
những hành vi lãnh đạo mà chúng ta không nhận biết.
• Thời gian thực hiện : 20 phút.
• Cách làm : có ba bước
1- Bạn mời hai học viên : một người đóng vai một cái gương soi và người kia đứng
trước gương thực hiện nhiều động tác và cái gương phải làm theo. Xong bạn cho
lớp nhận xét rút ra điều gì : lãnh đạo một chiều, cấp thừa hành làm theo như cái
gương.
2- Bạn mời hai học viên khác ( cùng giới tính), đứng đối mặt, tay hai người chập
vào nhau và một người chủ động làm động tác trong khi vẫn giữ tay hai người chập
vào nhau và người kia thụ động nương theo. Xong bạn hỏi cảm nhận của hai người
này
: người chủ động làm động tác có cảm giác bị người thụ động điều khiển trở lại
và người thụ động cũng có cảm giác có lúc anh ta điều khiển hướng động tác. Đó
là tác động qua lại (sự tương tác) khi cùng làm việc chung. Đây mới chỉ là cảm
giác thôi.
3- Bạn mời hai học viên lên bảng và cả hai cùng cầm một viên phấn. Bạn nhờ họ
cùng vẽ một cái hình nào đó. Tất nhiên, muốn vẽ được thì cả hai phải thỏa thuận
nhau là vẽ hình gì. Nhưng khi thực hiện thì có lúc người này điều khiển, có lúc
người khác điều khiển. Vâng, trong thực tế, người lãnh đạo luôn bị chi phối bởi
sự phản hồi của cấp dưới của mình.
• Số lượng học viên : Không phụ thuộc vào số lượng học viên.
• Ứng dụng : Các đề tài về lãnh đạo - Quản trị - Phát triển cộng đồng - Năng
động nhóm - Tâm lý học.
TRÒ CHƠI 33 : TRÒ CHƠI VẼ
GƯƠNG MẶT
• Mục tiêu : Giúp học viên nhận thức về yếu tố cần thiết hiểu rõ mục tiêu của
nhóm hoặc của một dự án trước khi bắt tay vào việc, nếu không mỗi người sẽ lèo
lái theo những hướng khác nhau.
• Thời gian thực hiện : 30 phút
• Cách làm :
Bạn chuẩn bị sẵn một miếng vải đen 4 - 5 tất hoặc một khăn tay sạch, giao cho
nhóm trưởng của một nhóm học viên 6 người. Nhóm trưởng lên vẽ trên bảng vòng
ngoài của một gương mặt người ( không có mắt, mũi, miệng… gì hết ). Kế đó, mỗi
thành viên nhóm sẽ lần lượt bị bịt mắt trước khi lên bảng vẽ tiếp từng chi tiết
trên gương mặt như mắt, mũi, miệng, tai, tóc ( mỗi người vẽ mộtchi tiết thôi ).
Kết quả sẽ có một hình gương mặt người theo kiểu Picasso !
Bạn hướng dẫn học viên rút ra bài học : hình ấy là kết quả của một công việc tập
thể mà các thành viên hiểu các mục tiêu theo cách riêng của mình.
• Ứng dụng : Đề tài Năng động nhóm, Phát triển cộng đồng, Xây dựng dự án, Quản
trị, Lãnh đạo.
• Số lượng học viên : Không tùy thuộc vào số lượng học viên.
TRÒ CHƠI 34 : TRÒ CHƠI
“PHỐI HỢP”
• Mục tiêu : Giúp học viên nhận thức về sự cần thiết có sự đồng bộ trong việc
cùng góp sức hoàn thành mục tiêu chung trong một tổ chức hay một nhóm hành động
: sự phối hợp về công sức, kỹ năng, trách nhiệm ở từng bước, từng giai đoạn.
• Thời gian thực hiện : 20 phút
• Cách làm : Bạn mua một số ống hút nước ( uống ), với số lượng nhiều hơn số học
viên lớp học và vài sợi dây thun cao-su gói hàng. Bạn chia lớp học thành nhiễu
nhóm nhỏ khoảng 10 người mỗi nhóm ( nêu chia đều số người cho mỗi nhóm).
Bạn phát cho mỗi người một ống hút nước. Các nhóm xếp hàng dài theo đội ngũ song
song với nhau. Mỗi nhóm phải có một người theo dõi, giám sát mọi vi phạm luật
chơi.
Trước khi bắt đầu cuộc chơi, bạn cho mỗi người ngậm ống hút nước và bạn móc sợi
dây thun cao-su vào ống hút nước của người đứng đầu mỗi nhóm và người ấy bắt đầu
chuyển sợi dây thun cao-su ấy cho người kế tiếp, mọi động tác được thực hiện
bằng ống hút nước, không được sử dụng tay. Cứ thế tiếp tục cho đến người cuối
hàng của mỗi nhóm. Nếu một thành viên của nhóm làm rớt sợi dây thun cao-su thì
nhóm ấy phải bắt đầu lại từ đầu. Nhóm nào xong trước, nhóm ấy thắng cuộc.
Bạn nên dành một phần thưởng cho nhóm thắng cuộc.
• Số lượng học viên : Không giới hạn.
• Ứng dụng : Phát triển cộng đồng, Xây dựng và điều hành dự án, Quản trị học.
TRÒ CHƠI 35 : TRÒ CHƠI HỢP
TÁC
• Mục tiêu : Giúp học viên nhận thức về sự hợp tác khi làm việc chung để hoàn
thành mục tiêu chung. Sự hợp tác tốt đòi hỏi mọi người phải quan tâm lẫn nhau,
chia sẻ cho nhau vốn kinh nghiệm, vốn kiến thức cũng như vốn tài nguyên. Sự ích
kỷ cá nhân sẽ gây trở ngại cho mục tiêu chung.
• Thời gian thực hiện : 30 phút
• Cách làm : Bạn chuẩn bị trước cho mỗi người một hình chữ nhật khổ 20 x 15 cm
như nhau và được cắt ra làm 6 phần như sau:
Bạn chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ 5 người / nhóm. Để phân phối cho mỗi nhóm, bạn
cắt trước 5 hình chữ nhật ra 6 mảnh như trên, trộn vào nhau, sau đó bạn phân
chia đều theo tình cờ các mảnh vào từng bì thư và giao cho từng người ở mỗi
nhóm.
Công việc của nhóm là bày ra các phần đã được cắt ra để lắp ráp lại thành hình
chữ nhật ban đầu. Tất nhiên, muốn làm được, các nhóm phải san sẻ cho nhau vì có
nhóm dư, có nhóm thiếu các phần để ráp. Sự hỗ trợ nhau chỉ diễn ra trong im
lặng, không nói mà chỉ ra dấu hiệu. Mỗi người quan tâm và giúp đỡ nhau một cách
tự giác. Thực hiện công việc này được kéo dài trong 15 phút. Nhóm nào xong trước
sẽ có phần thưởng. Bạn không nên quên cử người quan sát mỗi nhóm để phát hiện
mọi vi phạm luật chơi.
Sau trò chơi, bạn cho họ rút ra bài học về sự hợp tác và chia sẻ tài nguyên.
• Số lượng học viên : 15 đến 25
• Ứng dụng : Phát triển cộng đồng - Quản trị học - Quản lý dự án.
TRÒ CHƠI 36 : TRÒ CHƠI XÂY
NHÀ
Mục tiêu : - Giúp học viên nhận thức về các vấn đề :
Sự hợp tác của nhóm
Sự phối hợp giữa các cá nhân trong nhóm và sự điều hành của người lãnh đạo
3. Sự tham gia của các thành viên của nhóm
4. Kế hoạch và phân công hợp lý trước khi thực hiện công việc chung
5. Cách tính toán trong chi tiêu
• Thời gian thực hiện : từ 60 đến 90 phút
• Cách làm: Bạn chọn 5 người để lập ban giám khảo chấm điểm trước khi chia lớp
học thành
nhiều nhớm nhỏ 5 - 6 người (tùy số lượng học viên ). Nhiệm vụ của mỗi nhóm là
xây một căn nhà bằng giấy theo tiêu chuẩn do ban giám khảo đặt ra : đẹp, bền,
rẻ, có ý nghĩa.
Bạn thông báo cho học viên biết là họ phải mua nguyên liệu để xây nhà bằng cách
đổi đồ dùng cá nhân của họ.
Bạn niêm yết bảng giá nguyên liệu mà bạn bán và bảng giá mua đồ dùng cá nhân của
họ. Ví dụ
:
GIÁ BÁN NGUYÊN LIỆU GIÁ MUA ĐỒ DÙNG
- Bìa chemise : 250 đ
- Giấy màu : 200 đ
- Áo các loại : 150 đ
- Quần dài : 100 đ
- Giấy màu
Các nhóm khi bắt đầu làm việc cần theo các bước hợp lý sau: Thảo luận về mẫu căn
nhà ( thiết kế )
Dự trù chi phí nguyên liệu xây nhà
Bán đồ dùng và mua nguyên liệu
Thực hiện xây nhà
Ban giám khảo cần lần lượt quan sát từng nhóm, theo dõi cách điều hành, làm việc
của họ để cho điểm và nhận xét sau trò chơi.
Sau khi hết thời gian quy định, các căn nhà đã được chấm điểm, xếp hạng và công
bố kết quả, bạn điều hành cuộc thảo luận :
Các thành viên của mỗi nhóm cho nhận xét về quá trình làm việc của nhóm. Bạn
tổng hợp các ý kiến lên bảng.
Bạn cần lưu ý nên tránh tâm lý hơn thua, không nên quan trọng hóa vấn đề hoặc có
lời chê trách nhóm bị xếp cuối hạng để làm sao sau cuộc chơi, mọi người vui vẻ
và nhận thức được nhiều điều mới.
• Tác động :
Trò chơi tạo bầu không khí làm việc khẩn trương, mọi người rất tự nhiên, gắn bó,
có trách nhiệm. Nếu được tổ chức ở công viên, một nơi thoáng mát thì tuyệt cú
mèo !
• Ứng dụng : Cho các môn học : Năng động nhóm, Lãnh đạo, Phát triển cộng đồng,
Quản trị học, Kế hoạch.
Nếu bạn ngại phải chuẩn bị nhiều thứ linh t inh hoặc bạn cảm thấy trò chơi này
phức tạp thì bạn có thể chọn trò chơi kế tiếp sau đây, nó cũng có cùng mục tiêu.
TRÒ CHƠI 37 : TRÒ CHƠI LÀM
QUÀ SINH NHẬT CHO VUA
• Mục tiêu : Trò chơi này có cùng mục tiêu như trò chơi vừa qua, đơn giản hơn và
có chú trọng nhiều vào vai trò chính của người lãnh đạo và sự sáng tạo của nhóm.
• Thời gian thực hiện : 30 đến 45 phút
• Cách làm : Bạn chọn 5 người để lập ban giám khảo chấm điểm trước khi chia lớp
học thành
nhiều nhóm nhỏ 5 - 6 người. Nhiệm vụ của mỗi nhóm là chọn và thực hiện một món
quà để dâng lên Vua nhân ngày sinh nhật của ngài, theo tiêu chuẩn : nhanh, độc
đáo, có ý nghĩa, vui... trong khoảng thời gian tối đa là 30 phút.
Bạn đóng vai Vua ( hoặc Hoàng Hậu ) và để tạo bầu không khí vui tươi, sôi động,
bạn cần nhập vai tốt. Các nhóm lần lượt dâng quà trong khi đó ban giám khảo cho
điểm. Sau khi công bố kết quả, mỗi nhóm sẽ có nhận xét về quá trình làm viêc của
họ. Thông thường nhóm đoạt giải nhất là nhóm có người lãnh đạo giỏi, biết huy
động sự tham gia trí tuệ của tập thể hơn là áp đặt của cá nhân.
Tác động và ứng dụng như trò chơi trước.
III. TRÒ CHƠI LƯỢNG GIÁ
TRÒ CHƠI 38 :KHỞI ĐỘNG “ĐI
QUANH PHÒNG”
• Mục tiêu : Sinh hoạt này được thực hiện thường ở ngày cuối cùng của khóa học
để học viên trở lại những vấn đề đã thảo luận, xem xét lại các kết quả đã đạt
được sau một thời
gian học tập. Qua đó, học viên có thể nêu cảm tưởng, những thắc mắc đọng lại
hoặc có những ý kiến đánh giá khóa học.
• Cách làm : Bạn đề nghị các học viên đi quanh phòng học theo từng nhóm 2 - 3
người để
xem lại tất cả những tờ giấy ghi lại kết quả thảo luận đã được dán trên tường
trong những ngày hôm trước. Họ vừa xem vừa thảo luận với nhau. Sau thời gian 15
phút, họ trở lại chổ ngồi. Bạn có thể hỏi theo từng nhóm là họ chọn tờ giấy nào
quan trọng nhất, giúp ích cho họ nhiều nhất hoặc nội dung nào chưa đầy đủ và lý
do tại sao. Họ có thể nêu những câu hỏi và lớp cùng trả lời.
• Tác động : Đây là sinh hoạt khởi động rất hữu ích, giúp cho học viên tự ôn lại
những gì đã nhận thức được qua khóa học và qua đó bạn cũng đo lường được hiệu
quả của khóa học.
TRÒ CHƠI 39 : TRÒ CHƠI XÂY
TƯỢNG
• Mục tiêu : Đánh giá khóa học qua truyền thông không lời. Qua hình thể của bức
tượng, học viên diễn tả được nhiều khía cạnh thay đổi nhận thức, thái độ, hành
vi của họ. Giúp học viên có sự sáng tạo tập thể.
• Cách làm : Bạn chia lớp học thành 4 - 5 nhóm nhỏ từ 6 - 7 người. Bạn đề nghị
mỗi nhóm thảo luận chọn một hình tượng có thể diễn tả được các kết quả của khóa
học. Sau 30 phút, mỗi nhóm cử một học viên đại diện lên làm tượng bằng người và
một người thứ hai giải thích ý nghĩa của tượng. Bạn sẽ ngạc nhiên nhiều về sự
sáng tạo của họ. Bạn nên mang theo máy ảnh để ghi lại kỷ niệm này.
• Tác động : - Đây là một hình thức lượng giá vừa nhẹ nhàng vừa ý nhị, nói lên
được suy nghĩ của tập thể bằng trí tưởng tượng tạo nên tư thế của bức tượng
người. Đó có thể là điểm hội tụ trước khi họ chia tay nhau.
• Thời điểm : Buổi học cuối cùng
• Số lượng học viên : từ 20 đến 35 người
TRÒ CHƠI 40 : TRÒ CHƠI
LƯỢNG GIÁ
• Mục tiêu :
1. Giúp học viên phản hồi về bầu không khí, nội dung và phương pháp giảng dạy
trong ngày.
2. Giúp giảng viên và ban tổ chức nắm tình hình lớp học
để có thể điều chỉnh các sinh hoạt của ngày hôm sau.
• Thời gian và thời điểm thực hiện : 15 phút cuối cùng của ngày học.
• Cách làm :
Bạn vẽ sẵn và sao chụp ra nhiều bản tờ giấy vẽ các mặt hình người tượng trưng
cho thái độ của học viên sau một ngày học : bình thường, kém, rất kém, thích và
rất thích. Bạn phát cho mỗi học viên một tờ và họ sẽ ghi nhận xét về bầu không
khí, nội dung và phương pháp giảng dạy dưới gương mặt tương ứng. Họ không bắt
buộc phải ghi tên họ vào tờ giấy.
Sinh hoạt này được thực hiện vào 15 phút cuối của ngày học. Nếu bạn đầu tư
nhiều công sức vào lớp học, bạn sẽ được đền đáp qua các tờ giấy ấy !
• Số lượng học viên : Không quá 30
• Ứng dụng : Cho mọi đề tài.
TRÒ CHƠI 41 : TRÒ CHƠI CÁI
NÓN
• Mục tiêu :
1. Giúp các học viên đo lường được cảm nhận của họ, là họ đã đạt mục tiêu hay
chưa sau một thời gian cùng nhau học hỏi.
2. Giúp giảng viên và ban tổ chức lớp học đo lường được nét chung của sự hiệu
quả của lớp học qua khoảng cách đo lường của học viên.
• Thời gian thực hiện : 30 phút
• Thời điểm thực hiện : cuối buổi của khóa học
• Cách làm :
Bạn cho học viên dọn dẹp phòng được trống và bạn chọn một cái nón ( của học
viên ) đặt giữa phòng, dưới nền nhà. Từng nhóm một từ 4 - 5 người mỗi nhóm đứng
vòng quanh cách chiếc nón từ 2 đến 3m. Sau hiệu lệnh bắt đầu của bạn, họ từ từ
đi, tiến đến cái nón ( trung tâm tượng trưng cho mục tiêu của khóa học ). Họ có
thể đứng lại bên cạnh chiếc nón hoặc còn khoảng cách nào đó so với vị trí của
chiếc nón là tùy vào việc họ cảm nhận họ đã đạt được mục tiêu hay chưa. Sau đó,
họ sẽ giải thích với bạn tại sao họ lại dừng ở một vị trí nào đó.
• Số lượng học viên : tối đa là 30.
• Ứng dụng : cho mọi đề tài
TRÒ CHƠI 42 : TRÒ CHƠI
LƯỚI NHỆN
• Mục tiêu : Giúp từng học viên cho nhận xét và đo lường kết quả học tập của họ
và của khóa học. Giúp giảng viên và ban tổ chức khóa học nắm được các chi tiết
đo lường của học viên về các mặt sinh hoạt của lớp học một cách tổng thể.
• Thời gian thực hiện : 30 phút
• Thời điểm thực hiện : buổi cuối của khóa học
• Cách làm : Bạn vẽ sẵn trên tờ giấy lớn khổ (1m 0,8) hình lưới nhện như sau:
Bạn tham khảo ý kiến lớp học về các mặt cần lượng giá và bạn ghi tên vào từng
phần trên hình ( 8 phần ). Ví dụ như: sự tham gia của lớp, giờ giấc học tập,
hiệu quả khóa học, phương pháp giảng dạy, mục tiêu đạt được, sự sáng tạo, sự
lắng nghe nhau, nội dung giảng dạy.
Các học viên sẽ lần lượt lên bảng đánh dấu chéo (x) vào các phần nêu trên (x),
càng gần tâm có nghĩa là học viên đánh giá cao phần ấy. Khi các học viên đã đánh
dấu hết vào các phần, bạn và lớp học sẽ có ngay một bảng tổng hợp lý thú về kết
quả của lớp học. Qua đó, chúng ta dễ dàng đối chiếu được lãnh vực nào thành
công, lãnh vực nào còn kém.
• Số lượng học viên : Không quá 40
Ứng dụng : Cho mọi đề tài
.
Viện Đào Tạo Kỹ Năng
Quản Lý & Lãnh Đạo MASTERSKILLS
Công ty CP Giáo Dục TINH NGHỆ .MST: 0309177901 .Ngày cấp: 02/07/2009 .Nơi
cấp: Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư Thành Phố Hồ Chí Minh
Bản quyền © 2009 - 2025 Masterskills.org