TRÒ CHƠI KỸ NĂNG GIAO TIẾP - LẮNG NGHE

1. Tam sao thất bản
Chia thành các nhóm và yêu cầu các nhóm xếp theo thứ tự để lên nhận tin. Yêu cầu mọi người chỉ được nói thầm cho nhau trong thời gian càng ngắn càng tốt và người nghe không được hỏi lại.

Yêu cầu người mang số 1 lên và trao bản tin để nghiên cứu trong vòng một phút rồi thu lại. Gọi người mang số 2 lên nhận tin từ người số 1. Khi người số 1 nói xong thì về chỗ và người 3 lên nhận tin từ người thứ 2 nói. Lần lượt cho đến người cuối cùng. Người cuối cùng ghi lại những gì mình nghe thấy. So sánh nội dung và thời gian của 2 đội.

2. “Tôi”
Trò chơi chứng minh quan điểm mỗi chúng ta thường có xu hướng nghĩ về bản thân nhiều hơn là nghĩ về người khác. Giới thiệu với học viên rằng họ có thể nói chuyện thoải mái với nhau trong 5 phút với một điều kiện là không được nhắc đến chữ “Tôi” trong suốt cuộc nói chuyện. Thảo luận: Nhóm nào vi phạm luật nhiều nhất? Tại sao việc tránh không nhắc đến chữ “Tôi” lại khó khăn như vậy? Bạn cảm thấy thế nào khi luôn nghe người khác nói về mình? Có cách giao tiếp nào tốt hơn không?

3. Tình huống đặt câu hỏi thăm dò
Giảng viên có thể đưa tình huống, dựa vào tình huống đó học viên đặt các câu hỏi thăm dò để tìm ra sự thật:
Một mình Lan nằm trong nhà. Bỗng cửa mở, một người đàn ông to, cao bước vào. Hắn đi thẳng đến tủ, mở khóa tủ và lấy hết quần áo, tiền và vàng. Trước khi ra khỏi nhà, hắn còn mang nốt cả chiếc tivi. Khi hắn đi khỏi, Lan vẫn nằm yên, không kêu cứu, không báo cảnh sát. Hỏi tại sao?
Trò chơi này có thể giúp học viên về kỹ năng đặt câu hỏi thăm dò hoặc giúp phân tích về giả định do con người đưa ra ảnh huởng như thế nào đến hành vi của chúng ta.
(Giải đáp: Lan mới có 6 tháng tuổi)

4. Xếp hình
Chọn một học viên tự nhận là có khả năng truyền đạt ý kiến và một học viên khác tự nhận là có khả năng nghe tốt. Hai người chơi ngồi quay lưng vào nhau sao cho họ không nhìn thấy nhau trong quá trình chơi. Những học viên khác ngồi quan sát hai người chơi.

Hai người chơi mỗi người được cấp một bộ xếp hình như nhau. Chú ý pha trộn màu sắc của các khối hình để gây lẫn lộn. Đầu tiên, yêu cầu người chơi thứ nhất tự lắp ráp một khối theo ý thích của anh ta. Sau khi kết thúc, người chơi thứ nhất sẽ hướng dẫn bằng miệng cho người chơi thứ hai xếp lại hình giống như anh ta (chú ý người thứ hai chỉ nghe và làm theo chứ không được hỏi lại). Sau khi anh ta hoàn thành, yêu cầu người thứ nhất nhận xét “tác phẩm” của người thứ hai.

Hai người chơi hoán đổi vị trí cho nhau và lặp lại trò chơi, tuy nhiên trong lần này, người thứ hai được phép hỏi lại người thứ nhất những điều anh ta chưa rõ. Sau khi tác phẩm được hoàn thành, tất cả nhận xét và so sánh với tác phẩm thứ nhất.

5. Những người nổi tiếng
Chia nhóm ngẫu nhiên, mỗi nhóm chọn ra một người. Những người được chọn sẽ đứng quay mặt lại nhóm mình (quay lưng lại bảng). Người điều khiển sẽ viết từng tên của người nổi tiếng lên bảng và yêu cầu người chơi đoán tên. Người chơi sẽ được hỏi những câu hỏi, người trong nhóm chỉ được trả lời đúng hoặc sai chứ không được giải thích.
Ví dụ: Khi người điều khiển viết Mỹ Linh Người chơi hỏi: Người ấy là nam giới? Thành viên của nhóm: Sai
Người chơi hỏi: Cô ấy là ca sĩ. Thành viên: Đúng

6. Đoán từ
Chia nhóm, mỗi nhóm chọn ra một người. Những người này sẽ ngồi quay lưng lại bảng. Khi người điều khiển viết từ lên bảng thì người trong nhóm sẽ dùng các từ tương tự hoặc hành động để chỉ cho người chơi biết được từ trên bảng. Giải thích VD: Khi người điều khiển viết từ Ô-Tô. Người trong nhóm sẽ nói: Nó có bốn bánh, chạy bằng xăng, có còi...Nhóm nào đoán được nhiều từ hơn sẽ thắng.

 

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo