|
Để triển khai có hiệu quả hoạt động mua hàng, khai thác tốt nhất nguồn hàng
phục vụ cho nhu cầu kinh doanh, các nhà quản trị mua hàng cần thực hiện tốt
công tác quản trị mua hàng. Quản trị mua hàng là quá trình phân tích, lựa
chọn và đi đến quyết định mua, mua cái gì ?, mua bao nhiêu ?, mua của ai ?,
giá cả và các điều kiện thanh toán như thế nào?...
Đây là một quá trình
phức tạp được lặp đi, lặp lại thành một chu kì, nó liên quan đến việc sử
dụng các kết quả phân tích, các yếu tố trong quản lí cung ứng như đánh giá
môi trường chung, hiện tại và triển vọng, thực trạng về cung - cầu hàng hoá
trên thị trường cơ cấu thị trường của sản phẩm với thực trạng và thực tiễn
thương mại, giá cả hiện hành và dự báo, thời hạn giao hàng và các điều khoản,
tình hình vận tải và chi phí vận chuyển, chi phí đặt hàng lại, tình hình tài
chính, lãi suất trong nước và ngoài nước, chi phí lưu kho... và hàng loạt
các vấn đề khác. Để quá trình mua hàng được tốt các nhà quản trị mua hàng
cần thực hiện tốt quá trình mua hàng.
1. Xác định nhu cầu mua hàng
Mua hàng là hoạt động xuất phát từ nhu cầu do vậy trước khi mua hàng nhà
quản trị phải xác định được nhu cầu mua hàng của doanh nghiệp trong mỗi thời
kì. Thực chất của giai đoạn này là trả lời cho câu trả lời là mua cái gì,
mua bao nhiêu, chất lượng như thế nào.
Để xác định xem mình cần mua cái gì thì doanh nghiệp phải đi nghiên cứu tìm
hiểu xem khách hàng cần gì, nắm chắc nhu cầu của khách hàng để thoả mãn.
Nghiên cứu thị trường giúp cho các doanh nghiệp xác định được nhu cầu, từ đó
xác định được tổng cung hàng hoá, đây là kế hoạch tạo nguồn và mua hàng.
Đồng thời xác định cụ thể lượng cung của từng khu vực, từng chủng loại để
lựa chọn chủ hàng, phương thức mua hàng phù hợp, đảm bảo số lượng, loại hàng
mua, thời gian mua phù hợp với kế hoạch bán ra của doanh nghiệp, tạo ra lợi
nhuận hợp pháp, hiệu quả.
Mua với số lượng bao nhiêu? để xác định được số lượng hàng hoá mua vào là
bao nhiêu trên thực tế người ta thường dựa vào công thức cân đối lưu chuyển.
M + D dk = B + D ck + Dhh
Trong đó:
M - Lượng hàng hoá cần mua vào trong toàn bộ kì kinh doanh.
B – Lượng hàng bán ra (theo kế hoạch) của doanh nghiệp trong kì
D dk- Lượng hàng hoá tồn kho của doanh nghiệp đầu kì kinh doanh
D ck –Lượng hàng hoá dự trữ cuối kì (kế hoạch) để chuẩn bị cho kì kinh doanh
tiếp theo.
Dhh- Định mức hao hụt (nếu có)
Từ công thức cân đối có thể xác định được nhu cầu mua vào trong kì như sau:
M = B + D ck – D dk +Dhh
Công thức trên được dùng để xác định nhu cầu mua vào của từng mặt hàng. Tổng
lượng hàng mua vào của doanh nghiệp bằng tổng các lượng hàng mua vào của
từng mặt hàng.
Chất lượng mua vào như thế nào? xác định theo nhu cầu bán ra của doanh
nghiệp. Mua vào phụ thuộc vào mức bán ra của doanh nghiệp cả về số lượng,
chất lượng, cơ cấu.
Yêu cầu về chất lượng:
+ Doanh nghiệp phải đưa ra mục tiêu chất lượng đối với hàng hoá mua vào.
+ Cần chú ý theo đuổi mục tiêu chất lượng tối ưu chứ không phải mục tiêu
chất lượng tối đa. Chất lượng tối ưu là mà tại đó hàng hoá đáp ứng một cách
tốt nhất một chu cầu nào đo của người mua và như vậy người bán hay người sản
xuất có thể thu được nhiều lợi nhuận nhất. Còn chất lượng tối đa là mức chất
lượng đạt được cao nhất của doanh nghiệp khi sử dụng các yếu tố đầu vào để
tạo ra sản phẩm, mức chất lượng này có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức chất
lượng tối ưu nhưng trình độ sử dụng các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp chưa
tối ưu.
+ Ngoài ra doanh nghiệp cần chú ý đến yêu cầu về cơ cấu, chủng loại, mẫu mã,
thời gian để đảm bảo được mục tiêu chi phí và mục tiêu an toàn.
Việc xác định nhu cầu mua hàng sẽ giúp doanh nghiệp có được lượng hàng tối
ưu mà doanh nghiệp sẽ mua từ đó mới có thể tìm và lựa chọn nhà cung cấp cho
phù hợp.
2. Tìm và lựa chọn nhà cung cấp
Thực chất là để trả lời câu hỏi mua của ai. Để thực hiện được mục tiêu trên
doanh nghiệp phải đi tìm và lựa chọn nhà cung cấp. Câu hỏi đặt ra là doanh
nghiệp sẽ tìm ở đâu và như thế nào.
Tìm nhà cung cấp: Có rất nhiều cách mà doanh nghiệp thương mại có thể tìm
kiếm những nhà cung cấp tiềm tàng. Doanh nghiệp có thể tìm thông qua các
hình thức:
+ Thông qua chương trình quảng cáo, giới thiệu của nhà cung cấp.
+ Thông qua hội chợ, triển lãm.
+ Thông qua đơn thư chào hàng.
+ Thông qua hội nghị khách hàng.
Các danh sách trên càng đầy đủ càng tốt.
Lựa chọn nhà cung cấp: Khi lựa chọn các nhà cung cấp cần vận dụng một cách
sáng tạo nguyên tắc “ không nên chỉ có một nhà cung cấp ”. Muốn vậy phải
nghiên cứu toàn diện và kĩ các nhà cung cấp trước khi đưa ra quyết định chọn
lựa, phải đánh giá được khả năng hiện tại và tiềm ẩn của họ trong việc cung
ứng hàng hoá cho doanh nghiệp. Việc lựa chọn nhà cung cấp với giá rẻ nhất
cũng như với chi phí vận tải nhỏ nhất ảnh hưởng không nhỏ tới giá thành sản
phẩm, làm tăng lợi nhuận. Vì vậy việc lựa chọn nhà cung cấp có ý nghĩa rất
quan trọng đối với nhà quản trị.
Có nhiều quan điểm khác nhau về lựa chọn nhà cung cấp. Quan điểm truyền
thống cho rằng phải thường xuyên chọn nhà cung cấp vì có như thế mới có
thể lựa chọn được nhà cung cấp với giá cả đem lại với chi phí thấp nhất. Họ
thường thay đổi nhà cung cấp bằng các biện pháp: Thường xuyên tính toán lựa
chọn người cấp hàng, tổ chức đấu thầu cho mỗi lần cấp hàng...
Có quan điểm hoàn toàn ngược lại: Thông qua marketing lựa chọn người cấp
hàng thường xuyên cấp hàng với độ tin cậy cao, chất lượng đảm bảo và giá cả
hợp lý...
Có hai loại nhà cung cấp chủ yếu: Người cung cấp đã sẵn có trên thị trường
và người cung cấp mới xuất hiện.
Những người cung cấp mới xuất hiện thường tự tìm đến giới thiệu xin được
cung cấp hàng hoá mà doanh nghiệp đang có nhu cầu. Con đường tìm đến của nhà
cung cấp có thể trực tiếp hoặc gián tiếp. Doanh nghiệp cũng có thể tự tìm
đến nhà cung cấp thông qua hội chợ triển lãm, qua giới thiệu, qua tạp chí,
qua niêm qiám, qua gọi thầu...
Qua phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến cung ứng so sánh và cân nhắc những
người cấp hàng, doanh nghiệp có thể chọn người cấp hàng cho mình. Các nguyên
tắc lựa chọn được đặt ra cân nhắc là:
+ Nếu lựa chọn quá ít nhà cung cấp mà doanh nghiệp mua hàng với số lượng mua
nhiều doanh nghiệp có lợi thế mua hàng với giá ưu đãi, về lâu dài có thể trở
thành khách hàng truyền thống... nhưng lại có hạn chế là rủi ro cao khi nhà
cung cấp gặp rắc rối không có đủ hàng hoặc không có hàng cung cấp cho doanh
nghiệp trong trường hợp đó doanh nghiệp sẽ không kịp chuẩn bị đủ hàng để bán,
đôi khi bị ép giá...
+ Ngược lại nếu lựa chọn nhiều nhà cung cấp cho mình có ưu điểm là giảm được
độ rủi ro, tránh được sự ép giá... nhưng lại có hạn chế là không được giảm
giá do mua ít, doanh nghiệp khó trở thành bạn hàng truyền thống, tính ổn
định về giá cả và chất lượng không cao... các nhà quản trị cần có sự lựa
chọn hợp lý. Ngoài ra các nhà quản trị cần chú ý đến vấn đề sau:
+ Đối với những mặt hàng mà doanh nghiệp đang sẵn có nhà cung ứng (tức là
những mặt hàng doanh nghiệp đang kinh doanh) thì việc có cần phải tìm kiếm
các nhà cung cấp mới hay không cần phải dựa trên nguyên tắc “ nếu các nhà
cung cấp còn làm cho chúng ta hài lòng thì còn tiếp tục mua hàng của họ ”
+ Đối với những hàng hoá mới được đưa vào danh mục mặt hàng kinh doanh của
doanh nghiệp hoặc trong tường hợp phải tìm kiếm nhà cung cấp mới thì cần
phải tiến hành nghiên cứu kĩ các nhà cung cấp.
Phương pháp để lựa chọn:
+ Xây dựng hàng loạt các tiêu và cho điểm các nhà cung cấp khác nhau để có
quyết định lựa chọn.
Trên cơ sở danh sách đã lập ở trên tiến hành lựa chọn các nhà cung cấp dựa
trên các tiêu thức khác nhau gắn với mục tiêu của việc mua hàng đã xác định.
Các tiêu thức để lựa chọn nhà cung cấp:
+ Vị thế và uy tín của nhà cung cấp trên thương trường( so với các nhà cung
cấp khác)
+ Vị trí của nhà cung cấp trong các giai đoạn phát triển.
+ Khả năng tài chính của các nhà cung cấp: họ đang ở giai đoạn ổn định và
phát triển với tình hình tài chình lành mạnh hay đang trong thời kì thua lỗ
và có khó khăn về tài chính.
+ Uy tín của nhà cung cấp: uy tín về chất lượng sản phẩm, uy tín trong việc
giao nhận hàng hoá (đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng sản phẩm)
+ Các dịch vụ sau bán hàng của nhà cung cấp.
+ Vị trí địa lí của nhà cung cấp: điều này ảnh hưởng đến khả năng giao hàng.
+ Khả năng thích ứng của nhà cung cấp với thị trường nói chung và những đòi
hỏi của doanh nghiệp nói riêng. đặc biệt khi xem xét các nhà cung cấp phải
xem xét đến khả năng thay đổi, tốc độ phản ứng trước yêu cầu thay đổi..
Sau đó doanh nghiệp tiến hành cho điểm từng tiêu thức có gắn với hệ số quan
trọng, từ đó xác định được tổng số điểm của mỗi nhà cung cấp. Dựa vào tổng
số điểm để lựa chọn nhà cung cấp cho doanh nghiệp.
3. Thương lượng và đặt hàng
Sau khi đã có trong tay danh sách các nhà cung cấp đã lựa chọn doanh nghiệp
tiến hành thương lượng và đặt hàng để đi đến kí kết hợp đồng mua bán với họ.
Thương lượng giữa doanh nghiệp với nhà cung cấp thực chất là việc giải bài
toán mua hàng với hàm mục tiêu là các mục tiêu đã xác định và các ràng buộc
bằng các ràng buộc chặt và ràng buộc lỏng. Những ràng này liên quan đến số
lượng hàng hoá, chủng loại hàng hoá, chất lượng hàng hoá,giá cả, các điều
kiện liên quan đến việc mua hàng, các biện pháp xử lí nếu như vi phạm hợp
đồng và để có thể đi được đến thoả thuận chung thì hai bên cần phải phân
chia các ràng buộc chặt và ràng buộc lỏng.
Trong quá trình thương lượng và đặt hàng thì thương luợng giữ một vị trí
quan trọng ảnh hưởng tới quyết định mua hàng. Các vấn đề cần thương lượng
bao gồm:
- Các tiêu chuẩn kĩ thuật của hàng hoá cần mua về mẫu mã, chất lượng, phương
tiện và phương pháp kiểm tra.
- Giá cả và sự giao động về gía cả khi giá cả trên thị trường lúc giao hàng
có biến động
- Phương thức thanh toán ngay, chuyển khoản, tín dụng chứng từ… và xác định
thời hạn thanh toán.
- Thời gian và địa điểm giao hàng : địa điểm giao hàng liên quan đến chi phí
vận chuyển, điều kiện giao thông vận tải nên ghi cụ thể khi nào thì giao
hàng, ghi rõ giao hàng một lần hay nhiều lần, ai giao cho ai…
Khi đã tham gia đàm phán thương lượng với các đối tác, doanh nghiệp phải lựa
chọn những nhân viên có trình độ chuyên môn cao, khả năng giao tiếp tốt. Có
như vậy, doanh nghiệp mới đạt được các mục đích của mình trong đàm phán.
Sau khi đã thoả thuận các điều kiện trong bước thương lượng nếu chấp nhận,
doanh nghiệp cần tiến hành kí kết hợp đồng hay đơn hàng bằng văn bản. Đây là
cơ sở để các bên cùng thực hiện theo và khi xảy ra tranh chấp thì nó là bằng
chứng để đưa ra trọng tài kinh tế. Hợp đồng đơn hàng phải được lập thành
nhiều bản (ít nhất là hai bản). Doang nghiệp tiến hành đặt hàng với các nhà
cung cấp bằng một trong những hình thức sau:
+ Kí kết hợp đồng mua – bán. đây là hình thưc mang tình pháp lí cao nhất.
Nội dung của hợp đồng mua – bán bao gồm:
. Tên, địa chỉ của các bên mua- bán hoặc người đại diện cho các bên.
. Tên, số lượng, quy cách, phẩm chất của hàng hoá.
. Đơn giá và phương định giá.
4. Phương pháp và điều kiện giao nhận
. Điều kiện vận chuyển.
. Phương thức và điều kiện thanh toán(thời hạn thanh toán, hình thức và
phương thức thanh toán, các điều kiện ưu đãi trong thanh toán nếu có)
+ Đơn đặt hàng ( đứng tên người mua) đây là hình thức mang tính pháp lí thấp
hơn hình thức trên.
+ Hoá đơn bán hàng. ( đứng tên người bán) đây là hình thức mang tính pháp lí
thấp nhất.
Sau khi doanh nghiệp đồng ý đặt hàng nếu phá vỡ hợp đồng doanh nghiệp sẽ
phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
5. Theo dõi và kiểm tra giao nhận hàng
Việc giao nhận hàng được thực hiện trên cơ sở hợp đồng tuy nhiên cần đôn đốc,
thúc giục các nhà cung cấp nhanh chóng chuyển hàng để tránh tình trạng hàng
đến chậm làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, làm gián
đoạn quá trình lưu thông. Cần giám sát, theo dõi toàn bộ quá trình giao hàng
xem bên cung cấp có thực hiện đúng các điều kiện ghi trong hợp đồng không.
Cụ thể:
+ Hàng hoá nhập kho phải nghiệm thu cẩn thận: làm tốt khâu này hay không sẽ
ảnh hởng đến kinh doanh sau này của doanh nghiệp, ngăn ngừa thất thoát tài
sản, ngăn chặn các hàng hoá kém phẩm chất vào tay người tiêu dùng nhằm nâng
cao uy tín của công ty.
+ Kiểm tra số lượng: căn cứ vào hợp đồng thu mua, đối chiếu chứng từ, kiểm
tra kiện hàng, kiểm kê số lượng. Nếu không có gì sai sót kí vào biên bản
nhận hàng.
+ Kiểm tra chất lượng: căn cứ vào hợp đồng mua hàng và đơn hàng kiểm tra tên
hàng hoá, mẫu mã, chất lượng. Nếu phát hiện hàng hoá và đơn hàng không phù
hợp như hàng bị hỏng, bao bì bị thủng, từ chối nhận hàng đồng thời lập biên
bản và báo ngay cho người cung cấp.
Sau khi làm thủ tục nhập hàng hoá xong người quản lí kho hàng kí vào biên
bản nhập hàng, kho giữ một bản, kế toán giữ một bản, gửi một bản cho người
cung cấp, đến đây quá trình thu mua kết thúc.
6. Đánh giá kết quả thu mua
Sau mỗi lần kết thúc hợp đồng mua hàng, doanh nghiệp cần tổ chức đánh giá
kết quả và hiệu quả mua hàng. Cơ sở của việc đánh giá là những mục tiêu mua
hàng được xác định ngay từ đầu cũng như mức độ phù hợp của hoạt động mua
hàng với mục tiêu bán hàng và mục tiêu tài chính của doanh nghiệp. Có thể
xảy ra hai trờng hợp:
+ Trường hợp 1: Nếu thoả mãn nhu cầu nghĩa là người cung cấp đáp ứng được
các cho nhu cầu sản xuất kinh doanh để cho đầu vào được ổn định. Như vậy
quyết định mua hàng của doanh nghiệp là có kết quả và có hiệu quả.
+ Trường hợp 2: Nếu không thoả mãn thì quyết định mua hàng của doanh nghiệp
là sai lầm, doanh nghiệp phải tiếp tục tìm kiếm lại nhà cung cấp mới, tìm ra
và khắc phục những sai sót để tránh phạm phải sai lầm đó.
Việc đánh giá kết quả mua hàng phải làm rõ những thành công cũng như những
mặt tồn tại của hoạt động mua hàng, đo lường sự đóng góp của các thành viên,
từng bộ phận có liên quan, đồng thời làm rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân và
mỗi bộ phận.
Trên đây là tất cả quá trình mua hàng của doanh nghiệp, hoạt động quản trị
luôn gắn liền với từng bước của quá trình này từ khâu khởi điểm đến khâu
kết thúc. Bất kể một sai sót nào của nhà quản trị cũng đều ảnh hưởng đến kết
quả mua hàng, từ đó ảnh hưởng đến kết quả bán ra của doanh nghiệp.
Bạn đang tìm kiếm khóa học theo nhu cầu riêng của doanh nghiệp? Chúng tôi hợp tác với bạn để đánh giá nhu cầu đào tạo hiện tại của tổ chức, đồng thời thiết kế khóa học phù hợp cho từng bộ phận cụ thể tại doanh nghiệp. Cần tư vấn chương trình đào tạo, Quý doanh nghiệp có thể gửi yêu cầu hỗ trợ tại đây. |
Viện Đào Tạo Kỹ Năng
Quản Lý & Lãnh Đạo MASTERSKILLS
Công ty CP Giáo Dục TINH NGHỆ .MST: 0309177901 .Ngày cấp: 02/07/2009 .Nơi
cấp: Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư Thành Phố Hồ Chí Minh
Bản quyền © 2009 - 2024 Masterskills.org