|
Áp dụng cho:
Balanced scorecard trong tiếng có nghĩa nôm na là “Thẻ điểm cân bằng”.
Đây là một mô hình quản trị chiến lược ở cấp độ cơ bản nhất, định hướng cho
doanh nghiệp trong suốt quá trình thiết lập, triển khai, theo dõi và đo lường
kết quả của chiến lược đặt ra.
Sử dụng tài liệu Mô hình Thẻ điểm cân bằng - BSC này như một phương pháp cập nhật kiến
thức cá nhân trên mô hình này hoặc trong quá trình đào tạo Phát triển Kinh
doanh.
Nội dung:
Được phổ biến bởi Robert Kaplan và David Norton vào những năm 90, Thẻ điểm cân
bằng là một công cụ quản lý hiệu suất chiến lược, như tên gọi của nó, thúc đẩy
cách tiếp cận cân bằng trong quản lý hiệu suất. Kaplan và Norton mô tả bốn quan
điểm cốt lõi mà một công ty nên đo lường để tạo ra giá trị lâu dài. Công cụ này
cho phép bạn sắp xếp các hoạt động kinh doanh theo tầm nhìn và chiến lược của
doanh nghiệp.
Cấu trúc mô hình BSC (Balanced
scorecard)
Mô hình BSC (Balanced scorecard) bao gồm 4 yếu tố được coi là 4 thước đo của
hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Chúng được sắp xếp theo một trật tự nhất định
và có ảnh hưởng lẫn nhau từ dưới lên trên theo kế hoạch đặt ra từ trước.
1. Thước đo tài chính
Thước đo tài chính bao gồm các yếu tố như chi phí cố định, chi phí khấu hao, lợi
tức đầu tư, lợi nhuận thu về, tốc độ tăng trưởng doanh thu,... Không phải yếu tố
nào cũng dễ dàng đo được ngay sau khi thực hiện, nhưng chúng là sự xác nhận muộn
cho hiệu quả của hoạt động đó.
Ngày trước, doanh nghiệp dùng một chỉ tiêu duy nhất để đánh giá hiệu quả hoạt
động là số tiền kiếm được. Con số này lớn có nghĩa là doanh nghiệp đang rất ổn,
còn tình hình tài chính ở mức khó khăn đồng nghĩa với nguy cơ sụp đổ doanh
nghiệp.
Nhưng trong kỷ nguyên hiện đại hoá, tài chính không còn là thước đo duy nhất mà
bạn cần quan tâm nữa. Chúng chỉ thể hiện được một mảnh ghép trong bức tranh tổng
thể. Nghĩa là doanh nghiệp có thể thu về rất nhiều tiền nhưng vẫn tồn tại các
rủi ro lớn dễ gây phá sản. Vì vậy, bạn cần quan tâm tới 3 thước đo còn lại của
BSC để dễ dàng định hướng dài hạn.
2. Thước đo khách hàng
Sự hài lòng của khách hàng chính là một chỉ số thành công của doanh nghiệp, bởi
nó ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu thu về của cả hiện tại và tương lai. Thước
đo này nhằm trả lời câu hỏi: Khách hàng đang thấy doanh nghiệp như thế nào? Từ
đó, bạn sẽ dễ dàng đặt ra các mục tiêu và kế hoạch thực hiện tập trung vào sự
hài lòng của khách hàng.
Để có được nhận định chính xác nhất về quan điểm đánh giá của khách hàng, bạn có
thể dựa trên bộ khung là các câu hỏi sau: Đó có đúng là khách hàng mục tiêu của
bạn? Họ có thích thú với sản phẩm / dịch vụ của bạn không? % phản hồi của họ sau
khi sử dụng sản phẩm / dịch vụ là bao nhiêu? Trong đó có bao nhiêu % tích cực và
tiêu cực? Họ so sánh như thế nào giữa bạn và đối thủ cạnh tranh?
3. Thước đo quá trình hoạt động nội bộ
Rõ ràng, không có doanh nghiệp nào có thể tự hào về thành tích đạt được nếu
không có những hành động chứng minh điều đó. Nhận định xem doanh nghiệp đang
hoạt động tốt ở mức nào giống như việc tự đánh giá và kiểm điểm, rút kinh nghiệm
bản thân vậy.
Dấu hiệu của một doanh nghiệp hoạt động trơn tru được tập hợp lại từ nhiều chỉ
số nhỏ lẻ như tốc độ tăng trưởng của quy mô, % người lao động gắn bó tăng, %
thời gian xử lý công vụ được rút ngắn,... Bạn cần rà soát lại các quy trình nội
bộ của công ty để phân loại đâu là bộ phận đã làm tốt và đâu là điều chưa hợp
lý. Sau đó, hãy đưa nhiệm vụ cải thiện các lỗ hổng của quá trình hoạt động nội
bộ vào thành một mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp.
4. Thước đo học tập & phát triển
Việc quan tâm tới chất lượng nguồn nhân sự và công cụ hỗ trợ làm việc chính là
một yếu tố quyết định đến nền tảng phát triển doanh nghiệp. Điều đặc biệt là
không có con số chính xác và giới hạn cao nhất cho thước đo này, mà mọi tiêu chí
đều có thể trau dồi tốt hơn song song với sự tiến bộ không ngừng của khoa học -
công nghệ.
Hãy xem xét các công cụ, hành động và chính sách có liên quan tới năng lực, năng
suất làm việc của nhân viên trong doanh nghiệp bạn. Bạn sẽ nhận được câu trả lời
thoả đáng cho câu hỏi: Làm thế nào doanh nghiệp có thể cải thiện năng suất và
tạo ra giá trị?
Nếu như thước đo học tập & phát triển trả về kết quả tốt, bạn đang có thế mạnh
về đào tạo nhân viên và biết cách áp dụng các công cụ làm việc hiệu quả. Doanh
nghiệp như vậy sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, dễ thích ứng hơn với
các thay đổi và thức thời hơn với các điều mới mẻ, đặc biệt là với các phần mềm
4.0 hiện nay.
5. Mối quan hệ giữa các thước đo trong mô hình BSC
Trong những ngày đầu tiên mô hình BSC được xây dựng, 4 thước đo tình hình sức
khoẻ của doanh nghiệp kể trên độc lập với nhau và doanh nghiệp có quyền lựa chọn
thực hiện hoặc bỏ qua một vài trong số đó. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng
chúng đều quan trọng và có mối quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau rất khăng khít.
Dựa theo mô hình, quy trình hoàn thiện các thước đo trong BSC (Balanced
scorecard) được thực hiện từ dưới lên trên, nghĩa là mỗi thành phần của mô hình
được xây dựng bởi một hoặc nhiều mô hình trước đó.
Nếu bạn chú trọng đào tạo nhân viên và xây dựng được một nền văn hoá chia sẻ
thông tin hiện đại (Thước đo học tập & phát triển), doanh nghiệp sẽ hoạt động
trơn tru và năng suất hơn (Thước đo quá trình hoạt động nội bộ). Nhờ sự bền vững
trong nền tảng nội bộ đó, doanh nghiệp sẽ có khả năng tạo ra giá trị và chăm sóc
khách hàng tốt hơn (Tiêu chí khách hàng). Khi khách hàng cảm thấy hài lòng, chắc
chắn họ sẽ ủng hộ sản phẩm / dịch vụ của bạn; nhờ vậy mà doanh nghiệp thu về
doanh thu và lợi nhuận cao.
Bên cạnh đó, từng yếu tố mục tiêu trong một thước đo cũng có thể có mối quan hệ
nhân - quả với nhau. Ví dụ: Trong thước đo tài chính, giảm chi phí và tăng doanh
thu đều dẫn tới chung một mục đích là tối đa hoá lợi nhuận.
4 Lợi ích lớn nhất của mô hình BSC (Balanced scorecard) đối với doanh nghiệp
1. BSC giúp lập kế hoạch chiến lược tốt hơn
Balanced Scorecard cung cấp một bộ khung thể hiện mối quan hệ nhân quả giữa các
yếu tố mục tiêu với nhau, nghĩa là chúng đã đồng thuận với một chiến lược cốt
lõi nhất định. Kết quả thực hiện các yếu tố mục tiêu này chính là các mảnh ghép
để tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh về chiến lược của doanh nghiệp bạn.
2. BSC giúp cải thiện truyền thông doanh nghiệp
Khi đã có một bức tranh chiến lược hoàn chỉnh - tất cả chiến lược được “vẽ” trên
một mặt giấy, bạn sẽ dễ dàng hơn để triển khai kế hoạch truyền thông doanh
nghiệp, bao gồm cả truyền thông bên ngoài và truyền thông nội bộ. Mô hình BSC
không những giúp đối tác và nhân viên của bạn hiểu rõ hơn về nội dung chiến lược
mà còn có ấn tượng và dễ nhớ tới từng ưu điểm, nhược điểm,... của các thước đo
bạn đang thực hiện.
3. BSC giúp liên kết chặt chẽ các dự án khác nhau trong doanh nghiệp
Khi đã có bộ khung là mô hình BSC, mọi kế hoạch dự án nhỏ lẻ đều có nền móng và
cơ sở chiến lược để dễ dàng xây dựng. Nhờ vậy, bạn có thể đảm bảo rằng toàn thể
doanh nghiệp đang thống nhất đi chung một hướng mà không có dự án nào bị lãng
phí cả.
4. BSC giúp cải thiện hiệu suất báo cáo
BSC có thể được sử dụng để làm đề cương báo cáo tổng quan. Điều này giúp cho
việc báo cáo trở nên nhanh chóng và gọn gàng hơn, với các nội dung tập trung
được rõ nhất vào các vấn đề chiến lược quan trọng nhất.
Mục tiêu:
Một công cụ phát triển hữu ích cho các khóa đào tạo.
Viện Đào Tạo Kỹ Năng
Quản Lý & Lãnh Đạo MASTERSKILLS
Công ty CP Giáo Dục TINH NGHỆ .MST: 0309177901 .Ngày cấp: 02/07/2009 .Nơi
cấp: Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư Thành Phố Hồ Chí Minh
Bản quyền © 2009 - 2025 Masterskills.org