33. Bài học thành công

Cái gì cũng có thể mất, nhưng chữ Tín thì không: Một lần bất tín, vạn lần bất tin, đừng tin những kẻ đã dối và đừng dối những người đã tin

Người xưa có câu: “Nói lời phải giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay”. Câu nói này mang ý nghĩa khẳng định tầm quan trọng của việc giữ đúng lời hứa, cũng là giữ đúng chữ Tín cho tất cả những lời nói và hành động của mình. Một khi đã nói thì nhất định phải làm, còn nếu không làm được thì đừng nên nói ra để không ảnh hưởng niềm tin của những người xung quanh. Chữ Tín trong cuộc sống không chỉ là sự tôn trọng dành cho người khác mà đó còn là tôn trọng danh dự của chính mình.

Ngũ thường của người xưa bao gồm năm yếu tố: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Trong đó, Nhân là sự nhân từ nhân ái; Nghĩa là chính nghĩa, là sự biết ơn và trả ơn; Lễ là sự lễ phép, lễ độ, chuẩn mực trong giao tiếp; Trí là trí tuệ, kiến thức và Tín là sự tin tưởng, uy tín của mỗi người. Nếu con người sống mà thiếu một trong năm điều trên thì sẽ không bao giờ có thể trở thành một quân tử đầu đội trời, chân đạp đất, chẳng đáng để những người xung quanh kính ngưỡng và khâm phục. Thiếu đi một chữ Tín, lời nói của chúng ta trở nên không có trọng lượng, rất khó giành được lòng tin từ người khác.

Dù là trong cuộc sống, hay trong kinh doanh, yếu tố chữ Tín cũng luôn được đặt lên hàng đầu. Đối với một người muốn đạt được thành công lớn, họ nhất định phải có một tầm nhìn kinh doanh thật lâu dài. Và chiến lược quan trọng nhất trong đó chính là giữ được chữ Tín cho cá nhân cũng như sự nghiệp chung. Trong công việc, chữ Tín không cầu kỳ, không hoa mỹ mà nó chỉ là sự tin thực, không gian dối hay lươn lẹo, hoàn toàn tin cậy lẫn nhau trong quan hệ làm ăn. Người ta dùng uy tín để đánh giá lẫn nhau, để ký kết hợp đồng, cũng như để giải quyết các tranh chấp, mẫu thuẫn. Khi khó khăn cần tới sự giúp đỡ, người ta ít khi nhìn vào vị thế hay địa vị của một người mà chủ yếu xem xét dựa trên uy tín người đó đã tích lũy được có xứng đáng để họ giúp đỡ hay không. Đó chính là chuẩn mực để xây dựng các mối quan hệ lâu dài, bền vững.

Nhắc đến bài học về chữ Tín, người ta không thể không kể đến vị tỷ phú châu Á nổi tiếng Lý Gia Thành. Chữ Tín của ông không chỉ nặng trong sự nghiệp mà còn nặng trong đời sống, nặng trong cả những giây phút hiểm nguy nhất cuộc đời. Năm 1996, vị tỷ phú Hồng Kông đã gặp một biến cố lớn khi con trai của ông là Lý Trạch Cự bị một nhóm tội phạm bắt cóc đòi tiền chuộc. Chúng dặn ông không được phép báo cảnh sát, nếu không sẽ ngay lập tức xử lý con tin và Lý Gia Thành đã đồng ý.

Tham khảo:   Họp lớp sau 20 năm khiến tôi nhận ra: Đời người như cuộc đua marathon, sau 3/4 chặng đường mới nhìn ra ai thành ai bại

Ngay khi bọn bắt cóc tới, chúng lùng sục khắp nơi vì nghi ngờ có cảnh sát đang ẩn núp xung quanh. Nhưng Lý Gia Thành chỉ nói: “Cả cuộc đời kinh doanh của tôi chẳng có thành tựu gì lớn, ngoại trừ chữ Tín trong từng lời nói của mình.” Rồi ông để mặc bọn bắt cóc tìm kiếm khắp một vòng quanh nhà, mở cửa tất cả các phòng để tự kiểm chứng không có bóng dáng cảnh sát nào gần đây.

Bấy giờ, bọn bắt cóc yêu cầu 2 tỷ đô la Hồng Kông làm tiền chuộc. Lý Gia Thành chỉ có thể gấp rút chuẩn bị một nửa số tiền đó từ ngân hàng và hứa sẽ chuyển nốt một nửa còn lại đến tận tay bọn họ sau 2 ngày. Lúc đầu, đám bắt cóc còn bán tín bán nghi, nhưng sự thật sau đó đã chứng minh rằng, dù con trai đã trở về, vị tỷ phú Hồng Kông vẫn giữ đúng lời hứa và chuyển cho họ 1 tỷ đô la còn lại.

Khi được hỏi tại sao lại hành động như vậy, Lý Gia Thành đã khẳng định: “Chữ Tín là sinh mệnh thứ hai, một khi đã mất đi thì dù có đánh đổi bao nhiêu tiền bạc và công sức cũng không thể lấy lại được. Do đó, tôi đã bằng lòng điều gì, thì nhất định tôi sẽ thực hiện điều đó đến cùng.” Đó chính là bản lĩnh giúp cho người đàn ông này xây dựng nên cả gia tài và sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Nó đại biểu cho một phần đạo đức, một phần nhân phẩm không thể thiếu của mỗi con người.

Áp dụng vào trong đời sống kinh doanh, khi chúng ta biết cách xây dựng danh dự và phẩm cách cho doanh nghiệp của mình, người tiêu dùng nhìn vào mới có thể đặt trọn niềm tin. Những đối tác kinh doanh cũng muốn xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài. Từ đó, họ sẵn lòng giới thiệu chúng ta với những người xung quanh. Còn ngược lại, khi chúng ta không thể giữ đúng những cam kết của mình, gây ra tác hại mất mát cho người khác, thậm chí là tha hóa nhân cách của chính mình thì rất khó giữ được một niềm tin dài lâu. Người bị lừa dối cũng có thể cảm thấy tổn thương, cùng kêu gọi tẩy chay để đòi lại công bằng. Đây chính là nguồn gốc nảy sinh ra những mâu thuẫn và xung đột lẫn nhau, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững lâu dài của mọi cá thể cũng như tổ chức.

Tham khảo:   Tại sao người càng thành công, càng muốn lựa chọn sống giản dị? Lý do nằm trong 3 đạo lý này

Người xưa đã nói: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Trong đời sống hiện nay, có quá nhiều người sẵn sàng bán rẻ danh dự và nhân phẩm của mình, cũng là uy tín của cả doanh nghiệp để thu về những lợi ích không chính đáng. Họ lợi dụng lòng tin của người khác để đánh tráo những giá trị ban đầu. Điều đó không chỉ chặt đứt năng lực phát triển lâu dài của thương hiệu, mà còn đẩy tương lai vào một ngõ cụt không có lối thoát. Thậm chí, người xưa còn dạy rằng: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã”, câu này mang ý nói rằng người mà không giữ chữ Tín thì không biết có thể trở thành người được không.

Chữ Tín chính là cầu nối để liên kết giữa người với người, cũng là nền tảng để chúng ta sống với nhau trong một cộng đồng, hình thành sự hòa thuận và chân thành. Có tin tưởng thì mới hình thành nghĩa tình. Có nghĩa có tình thì các mối quan hệ mới trở nên dài lâu và bền chặt. Con người biết đặt trọn niềm tin vào nhau thì mới có thể đoàn kết, gắn bó, cùng nhau chung sức tạo nên những sức mạnh to lớn cho cả đời sống và ảnh hưởng trong công việc.

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo