20. Kinh tế học

Giá trị của hàng hóa (Exchange value) là gì? Mối quan hệ với giá trị sử dụng của hàng hóa

Hình minh hoạ (Nguồn: fleetowner)

Giá trị của hàng hóa

Khái niệm

Giá trị của hàng hóa trong tiếng Anh được gọi là Exchange value hay value in exchange.

Giá trị của hàng hóa là một trong hai thuộc tính của hàng hoá.

Muốn hiểu được giá trị của hàng hoá phải đi từ giá trị trao đổi. 

Giá trị trao đổi trước hết là một quan hệ về số lượng, là tỉ lệ theo đó một giá trị sử dụng loại này được trao đổi với những giá trị sử dụng loại khác.

Thí dụ: 1m vải = 5 kg thóc.

Tức là 1 mét vải có giá trị trao đổi bằng 5 kg thóc.

Vấn đề là, tại sao vải và thóc lại có thể trao đổi được với nhau, và hơn nữa chúng lại trao đổi với nhau theo một tỉ lệ nhất định (1 : 5)?

Hai hàng hóa khác nhau (vải và thóc) có thể trao đổi được với nhau thì giữa chúng phải có một cơ sở chung nào đó. Cái chung đó không phải là giá trị sử dụng của chúng, bởi vì, giá trị sử dụng của vải là để mặc, hoàn toàn khác với giá trị sử dụng của thóc là để ăn. 

Cái chung đó là: cả vải và thóc đều là sản phẩm của lao động, đều có lao động kết tinh trong đó. Nhờ có cơ sở chung đó mà các hàng hóa có thể trao đổi được với nhau. 

Tham khảo:   Kinh tế sinh học (Bioeconomics) là gì? Nội dung về kinh tế sinh học

Vì vậy, người ta trao đổi hàng hóa cho nhau chẳng qua là trao đổi lao động của mình ẩn giấu trong những hàng hóa ấy.

Chính lao động hao phí để tạo ra hàng hóa là cơ sở chung của việc trao đổi và nó tạo thành giá trị của hàng hóa.

Như vậy, giá trị của hàng hóa là lao động xã hội của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa. 

Còn giá trị trao đổi mà chúng ta đề cập ở trên, chẳng qua chỉ là hình thức biểu hiện ra bên ngoài của giá trị, giá trị là nội dung, là cơ sở của giá trị trao đổi. 

Đồng thời, giá trị biểu hiện mối quan hệ giữa những người sản xuất hàng hóa. Cũng chính vì vậy, giá trị là một phạm trù lịch sử, chỉ tồn tại trong kinh tế hàng hóa.

Mối quan hệ với giá trị sử dụng của hàng hóa

Giá trị sử dụng của hàng hóa và giá trị hàng hoá có quan hệ chặt chẽ với nhau, vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn với nhau.

Mặt thống nhất thể hiện ở chỗ: hai thuộc tính này cùng đồng thời tồn tại trong một hàng hóa, một vật phải có đầy đủ hai thuộc tính này mới là hàng hóa.

Nếu thiếu một trong hai thuộc tính đó vật phẩm sẽ không phải là hàng hóa. Chẳng hạn, một vật có ích (tức có giá trị sử dụng), nhưng không do lao động tạo ra (tức không có kết tinh lao động) như không khí tự nhiên thì sẽ không phải là hàng hóa.

Tham khảo:   Quảng cáo xanh (Greenwashing) là gì?

Mâu thuẫn giữa hai thuộc tính của hàng hóa thể hiện ở chỗ:

– Thứ nhất, với tư cách là giá trị sử dụng thì các hàng hóa không đồng nhất về chất. Nhưng ngược lại, với tư cách là giá trị thì các hàng hóa lại đồng nhất về chất, đều là “những cục kết tinh đồng nhất của lao động mà thôi”, tức đều là sự kết tinh của lao động, hay là lao động đã được vật hoá.

– Thứ hai, tuy giá trị sử dụng và giá trị cùng tồn tại trong một hàng hóa, nhưng quá trình thực hiện chúng lại tách rời nhau về cả mặt không gian và thời gian: giá trị được thực hiện trước trong lĩnh vực lưu thông, còn giá trị sử dụng được thực hiện sau, trong lĩnh vực tiêu dùng.

Do đó nếu giá trị của hàng hoá không được thực hiện thì sẽ dẫn đến khủng hoảng sản xuất.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế chính trị Mác – Lênin, PGS. TS. Nguyễn Văn Hảo, Bộ Giáo dục và đào tạo)

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo