09. Quản Trị & Lãnh Đạo

Giám đốc Marketing là gì? Nhiệm vụ và mô tả công việc CMO

Giám đốc Marketing chịu trách nhiệm chính trong việc tạo ra doanh thu thông qua các hoạt động tiếp thị nhằm tăng khách hàng tiềm năng và bán hàng. CMO đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong doanh nghiệp, họ cung cấp giá trị cho khách hàng và các đối tác kinh doanh.

Giám đốc Marketing là gì?

Giám đốc Marketing là người chịu trách nhiệm lãnh đạo và quản lý các hoạt động marketing của một tổ chức hoặc doanh nghiệp, tên tiếng Anh là Chief Marketing Officer – viết tắt CMO. CMO có trách nhiệm xây dựng chiến lược marketing theo tầm nhìn của doanh nghiệp và góp phần đạt mục tiêu kinh doanh, phát triển và thực hiện các chiến dịch quảng bá thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ, cũng như đánh giá hiệu quả của các hoạt động marketing. 

Trách nhiệm của một CMO có những thay đổi đáng kể tùy vào lĩnh vực hoạt động, nhu cầu của doanh nghiệp. Giám đốc Marketing phải sở hữu bộ kỹ năng đa dạng, cũng như hiểu biết sâu rộng về các công cụ và phương tiện marketing, xu hướng thị trường, nhu cầu của khách hàng và đối thủ cạnh tranh để cung cấp giá trị, nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Tham khảo: CMO là gì?

Vai trò của giám đốc Marketing trong doanh nghiệp

Giám đốc Marketing đóng vai trò vô cùng quan trọng và thiết yếu trong tổ chức. Đây là vị trí đầu tàu dẫn dắt, chèo lái đội ngũ thực hiện các chiến dịch, mục tiêu Marketing để mang lại giá trị cho doanh nghiệp. Cụ thể:

  1. Thấu hiểu, đồng cảm và cải thiện trải nghiệm người tiêu dùng
  2. Xây dựng và định vị thương hiệu trên thị trường
  3. Nắm bắt, triển khai các xu hướng Marketing mới nhất cho doanh nghiệp
  4. Nuôi dưỡng môi trường và văn hóa hợp tác trong doanh nghiệp

Thấu hiểu, đồng cảm và cải thiện trải nghiệm người tiêu dùng

Cùng với giám đốc kinh doanh, giám đốc Marketing cũng phải đứng ở cương vị của khách hàng để nhìn nhận, đánh giá và cải thiện những trải nghiệm của người tiêu dùng, bằng cách nghiên cứu thị trường, tương tác trực tiếp với khách hàng của mình.

Giám đốc Marketing có thể thực hiện các hoạt động như cải thiện chất lượng sản phẩm/ dịch vụ, tăng cường dịch vụ chăm sóc khách hàng, tăng cường trải nghiệm khách hàng trên các kênh truyền thông, thiết kế giao diện dễ sử dụng trên website hoặc ứng dụng di động, đồng bộ tất cả các kênh truyền thông của doanh nghiệp để tạo ra một trải nghiệm đồng nhất cho khách hàng.

Xây dựng và định vị thương hiệu trên thị trường

Marketing là hoạt động cần có, thậm chí là bắt buộc trong hầu hết mọi doanh nghiệp hiện nay. Xây dựng và định vị thương hiệu trên thị trường là vai trò quan trọng của một giám đốc Marketing. Một thương hiệu mạnh giúp tăng uy tín cho doanh nghiệp, thu hút người tiêu dùng, đồng thời tăng lượng khách hàng trung thành đối với các sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp.

Một thương hiệu mạnh được thể hiện rõ ràng nhất thông qua các báo cáo tài chính, và giám đốc Marketing là người thực hiện điều đó. Giám đốc Marketing đảm nhiệm việc xây dựng những nhận thức tích cực về sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp từ người tiêu dùng. Đảm bảo khách hàng sẽ nhớ đến thương hiệu và sẽ ưu tiên lựa chọn sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp đầu tiên.

Nắm bắt, triển khai các xu hướng Marketing mới nhất cho doanh nghiệp

Thị trường thay đổi liên tục và ngày càng trở nên phức tạp hơn, các xu hướng Marketing mới cũng xuất hiện ngày càng nhiều, nhu cầu, kỳ vọng và xu hướng mua của khách hàng ngày càng cao. Tuy nhiên mỗi doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau sẽ phù hợp với những xu hướng Marketing nhất định, không giống nhau.

Chính vì vậy, giám đốc Marketing phải là người triển khai các xu hướng Marketing mới nhất cho doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi họ phải luôn cập nhật, nắm bắt các xu hướng Marketing mới nhất, từ đó phân tích và đưa ra quyết định phù hợp với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu chọn đúng xu hướng Marketing thì đây chính là nền tảng giúp doanh nghiệp “lấy đà” phát triển, vươn xa hơn nữa.

Nuôi dưỡng môi trường và văn hóa hợp tác trong doanh nghiệp

Là người đứng đầu bộ phận Marketing trong doanh nghiệp, CMO cần phải phối hợp làm việc với các bộ phận/ phòng ban khác trong công ty nhằm xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp cũng như đánh giá kết quả các chiến dịch một cách khách quan và chính xác nhất. Điều này cần một môi trường làm việc chuyên nghiệp và văn hóa hợp tác giữa các bộ phận/ phòng ban, đội ngũ nhân viên.

Chính vì vậy, giám đốc Marketing cần thiết lập, nuôi dưỡng một môi trường mà ở đó, sự tương trợ lẫn nhau giữa các nhân viên phải diễn ra thường xuyên, tất cả mọi người đều được lắng nghe, đưa ra ý kiến cũng như đóng góp cho một chiến lược kinh doanh hoàn chỉnh. Một CMO xuất sắc sẽ biết cách dung hóa các nguyên tắc vào công việc, gợi mở sự sáng tạo, ý tưởng độc đáo trong kế hoạch Marketing.

>> Tham khảo: Văn hóa doanh nghiệp là gì? 5 bước xây dựng văn hóa công ty

Nhiệm vụ, công việc chính của giám đốc Marketing

 

  1. Lãnh đạo, giám sát bộ phận Marketing
  2. Nghiên cứu, phân tích thị trường
  3. Thiết lập và triển khai chiến lược Marketing
  4. Quản trị chiến lược sản phẩm
  5. Giám sát, đánh giá và thay đổi hoạt động Marketing trong doanh nghiệp
  6. Đưa văn hóa chuyển đổi số vào doanh nghiệp
  7. Thiết lập, nuôi dưỡng các mối quan hệ hợp tác

Lãnh đạo, giám sát bộ phận Marketing

Giám đốc Marketing là người đứng đầu, quản lý, điều hành bộ phận Marketing trong doanh nghiệp, họ phải đảm bảo rằng, đội ngũ nhân viên của mình đang nhận thức đúng đắn về những chiến lược, hướng đến mục tiêu chung là tạo ra giá trị cho khách hàng, thị trường, đồng thời đóng góp vào sự phát triển, tăng trưởng của doanh nghiệp.

Tham khảo:   Quản lý nhân sự trong quá trình thay đổi

Ở vị trí này, CMO sẽ đánh giá, phê duyệt các kế hoạch Marketing của đội ngũ quản lý cấp dưới, đảm bảo hiệu quả và chất lượng công việc, đồng thời tối ưu hóa chi phí cho doanh nghiệp. Bộ phận Marketing sẽ thực hiện rất nhiều đầu mục công việc, giám đốc Marketing phải đảm bảo toàn bộ các nhóm làm việc chặt chẽ, liền mạch, đồng nhất. Đồng thời, họ còn là người trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ nhân viên cấp dưới triển khai các hoạt động, góp phần nâng cao kỹ năng và phát triển trong sự nghiệp của mỗi người.

Nghiên cứu, phân tích thị trường

Giám đốc Marketing cần tiến hành phân tích thị trường vĩ mô bao gồm kinh tế, chính trị, xã hội, công nghệ, xu hướng,… đến môi trường vi mô như khách hàng mục tiêu, đối thủ cạnh tranh, nhà cung cấp,… Bằng các dữ liệu và thông tin đã được phân tích, giám đốc Marketing sẽ có cơ sở để xây dựng kế hoạch, chiến lược, mục tiêu và đưa ra những quyết định phù hợp với tình hình thị trường, doanh nghiệp hiện tại. Bước nghiên cứu và phân tích này rất quan trọng, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi triển khai kế hoạch trong tương lai.

Thiết lập và triển khai chiến lược Marketing

Truyền thông Marketing cần quản lý cách thức mà doanh nghiệp truyền đạt thông tin, thông điệp qua trong tới khách hàng mục tiêu. Giám đốc Marketing trong doanh nghiệp cần đảm bảo rằng, thông điệp truyền tải trên tất cả các kênh cần phải nhất quán, dễ hiểu, nhắm đúng vào khách hàng mục tiêu.

Chiến lược truyền thông Marketing đa kênh hiện nay đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng, bởi nó đem lại nhiều tín hiệu tích cực. Giám đốc Marketing có nhiệm vụ tìm hiểu, phân tích kỹ lưỡng các hình thức truyền thông, bao gồm cả online lẫn offline, đồng thời cùng đội ngũ sáng tạo ra thông điệp ý nghĩa, đầy đủ, “chạm” được khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp.

Trong quá trình triển khai, CMO cần theo dõi, giám sát để đưa ra những thay đổi phù hợp hoặc giải quyết những sự cố trước khi chúng làm ảnh hưởng đến toàn bộ chiến lược. Quá trình này đòi hỏi giám đốc Marketing phải điều hành, quản lý đội ngũ nhân viên để họ tập trung vào công việc và mang lại hiệu suất tốt nhất.

Quản trị chiến lược sản phẩm

Quản trị chiến lược sản phẩm là những hoạt động liên quan đến việc phát triển sản phẩm mới và tiếp thị các sản phẩm ra thị trường. Trong nhiệm vụ này, giám đốc Marketing cần nghiên cứu tính khả thi của sản phẩm, xác định nhu cầu khách hàng, đưa ra các chương trình khuyến mãi, theo dõi sự cạnh tranh và thường xuyên theo dõi những phản hồi của khách hàng.

Giám sát, đánh giá và thay đổi hoạt động Marketing trong doanh nghiệp

Sau khi đã triển khai xong một chiến dịch Marketing, doanh nghiệp cần đánh giá xem chúng có hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra hay chưa. Do đó, ngoài việc giám sát, triển khai hoạt động thì giám đốc Marketing cần phải có hoạt động đo lường, đánh giá hiệu quả của mỗi chiến dịch.

Song song đó, họ cũng cần thiết lập một hệ thống các tiêu chí đánh giá khách quan. Điều này giúp CMO có cơ sở để đưa ra những điều chỉnh, thay đổi cần thiết trong chiến lược, đảm bảo đạt được mục tiêu và báo cáo kết quả cho cấp trên.

Giám đốc Marketing chịu trách nhiệm các hoạt động liên quan đến Marketing, từ truyền thông, PR, quảng cáo, SEO, design,…do đó họ cần giám sát chặt chẽ toàn bộ các hoạt động này để đưa ra những đánh giá chính xác nhất.

Không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra suôn sẻ, các chiến lược Marketing cũng vậy, những tác động chủ quan (nhân viên, khách hàng,…) và khách quan (tình hình thị trường, dịch bệnh,…) có thể khiến các chiến lược không còn như dự định ban đầu. Chính vì vậy, CMO cần phải theo dõi sát sao tình hình, nhìn nhận được các rủi ro để đưa ra những chỉnh sửa phù hợp và kịp thời.

Đưa văn hóa chuyển đổi số vào doanh nghiệp

Những tiến bộ công nghệ trong vài thập kỷ qua đòi hỏi những người lãnh đạo doanh nghiệp phải kịp thời cập nhất, nắm bắt và ứng dụng công nghệ vào doanh nghiệp, giúp tiết kiệm thời gian, xử lý những công việc nhỏ, thủ công để nhân viên có thời gian làm những công việc quan trọng khác.

Internet, điện toán di động, IoT, AI, Big data, các nền tảng truyền thông xã hội đều đang tạo ra các vấn đề và cơ hội cần phải giải quyết. Khách hàng có khả năng chia sẻ suy nghĩ của họ về thương hiệu và các thương hiệu hiện có quyền tiếp cận khách hàng theo nhiều cách khác nhau.

Vì vậy, giám đốc Marketing cần có khả năng khai thác các công nghệ này và tận dụng tiềm năng để kết nối cũng như gây ảnh hưởng đến khách hàng. Có nghĩa là, CMO cần có trách nhiệm góp phần đưa văn hóa chuyển đổi số vào toàn bộ doanh nghiệp, cùng với các ban lãnh đạo cấp cao khác.

Thiết lập, nuôi dưỡng các mối quan hệ hợp tác

Mối quan hệ kinh doanh là không thể thiếu đối với các nhà lãnh đạo. Giám đốc Marketing đại diện cho doanh nghiệp ở nhiều phương diện, do đó họ cần thiết lập, nuôi dưỡng các mối quan hệ hợp tác kinh doanh nhằm xúc tiến việc phân phối các sản phẩm/ dịch vụ ra thị trường. Bằng cách tận dụng các mối quan hệ, thiết lập mối quan hệ với những người có tầm ảnh hưởng, mời những người nổi tiếng quảng bá cho thương hiệu,…

Tham khảo:   3 CÂU HỎI GIÚP “ĐỊNH NGHĨA LẠI LÃNH ĐẠO”

Yêu cầu cần có của một Giám đốc Marketing

Chuyên môn

Vị trí giám đốc Marketing đòi hỏi phải có chuyên môn sâu rộng về Digital Marketing nói riêng và Marketing nói chung, bên cạnh đa dạng các lĩnh vực và các bộ phận liên quan như Sales, kinh doanh, tài chính,… để biết cách phối hợp cũng như cân bằng các chiến dịch Marketing sao cho phù hợp. Ngày nay, nhà tuyển dụng có những yêu cầu khắt khe hơn đối với vị trí CMO, bên cạnh bằng cử nhân về các ngành Quản trị như Kinh doanh, Marketing, Kinh tế, Sales, công nghệ thông tin,… giám đốc Marketing giờ đây ở một số doanh nghiệp, yêu cầu phải có bằng Thạc sĩ trở lên trong các lĩnh vực kể trên.

Kinh nghiệm

Kinh nghiệm là bắt buộc đối với một giám đốc Marketing, hầu hết các nhà tuyển dụng ngày nay yêu cầu vị trí này từ 10 – 15 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan, làm ở vị trí quản lý, lãnh đạo. Ứng viên có kinh nghiệm làm việc tại những doanh nghiệp quy mô lớn, lĩnh vực hoạt động đa dạng là một lợi thế.

Kỹ năng Giám đốc Marketing cần có

Kỹ năng lãnh đạo

Khả năng lãnh đạo dường như là bắt buộc đối với bất cứ một nhà quản lý cấp cao nào. Kỹ năng này giúp giám đốc Marketing đưa ra các quyết định chiến lược đúng đắn, thiết lập và nuôi dưỡng môi trường chuyên nghiệp, tích cực, truyền cảm hứng để thúc đẩy nhân viên làm việc hiệu quả, gắn bó lâu dài với tổ chức. Khả năng lãnh đạo đồng thời cũng cho phép CMO thúc đẩy sự đổi mới, khuyến khích những ý tưởng sáng tạo, độc đáo, giải quyết các thách thức trong kinh doanh và trước một môi trường diễn biến phức tạp như hiện nay.

Kỹ năng tổ chức

Khi phải quản lý quá nhiều công việc, hoạt động và nhân viên khác nhau, các CMO cần phải có kỹ năng tổ chức để đảm bảo tất cả các hoạt động được thực hiện hiệu quả. Kỹ năng này giúp giám đốc Marketing biết cách sắp xếp, phân bổ nguồn lực phù hợp để xử lý các nhiệm vụ. Từ đó tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, chặt chẽ, tăng thêm sự hài lòng và tin cậy từ các nhân viên cấp dưới cũng như ban lãnh đạo cấp cao.

CMO cần phải có kỹ năng tổ chức để đảm bảo tất cả các hoạt động được thực hiện hiệu quả

Tầm nhìn chiến lược, tư duy phân tích

Một tầm nhìn chiến lược rõ ràng và tư duy phân tích sắc bén giúp giám đốc Marketing có thể định hướng về các chiến lược phát triển sản phẩm/ dịch vụ, tiếp thị, quảng cáo, các hoạt động khác liên quan đến Marketing,… phù hợp với tình hình hiện tại của doanh nghiệp và thị trường. Tầm nhìn chiến lược rõ ràng giúp phát triển một kế hoạch dài hạn cho công ty, tạo ra giá trị cho khách hàng và giúp doanh nghiệp phát triển.

Tư duy phân tích giúp giám đốc Marketing có khả năng đọc và phân tích dữ liệu thị trường, đánh giá hoạt động của đối thủ cạnh tranh và đưa ra những quyết định phù hợp. Kỹ năng này cũng giúp CMO dễ dàng đánh giá hiệu quả của chiến dịch Marketing và đưa ra những điều chỉnh cần thiết để tối ưu hóa hiệu quả.

Kỹ năng giao tiếp

Các nhà lãnh đạo cấp cao thường xuyên phải làm việc với các đối tác, khách hàng và đội ngũ nhân viên trong tổ chức, do đó họ cần có một kỹ năng giao tiếp tuyệt vời. Giám đốc Marketing cần giao tiếp hiệu quả trong mọi hoạt động như thuyết trình các chiến lược, kế hoạch Marketing trong các cuộc họp, trình bày với khách hàng (thường trong các doanh nghiệp Agency), giải quyết các xung đột trong tổ chức,…

Kỹ năng giao tiếp tốt cũng giúp các CMO có khả năng lắng nghe, thấu hiểu và ghi nhận những ý kiến đóng góp của đội ngũ nhân viên, khách hàng, từ đó đưa ra những quyết định tốt nhất cho doanh nghiệp.

Kỹ năng quản lý thời gian

Kỹ năng quản lý thời gian giúp giám đốc Marketing đảm bảo các công việc, nhiệm vụ được xử lý đúng thời hạn, tránh tình trạng chậm trễ, chồng chéo hoặc bỏ quên các nhiệm vụ nhỏ khác. Kỹ năng quản lý thời gian giúp CMO có thể tổ chức và lên lịch cho các cuộc họp, công việc quan trọng, ưu tiên các nhiệm vụ gấp để đạt được kết quả tốt nhất trong thời gian có hạn.

Kỹ năng giải quyết vấn đề

Thực tế, trong công việc thường ngày, giám đốc Marketing thường phải đối mặt với rất nhiều áp lực, khó khăn, trước những quyết định quan trọng và khẩn cấp cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, kỹ năng giải quyết vấn đề tốt là rất cần thiết để họ bình tĩnh trước những thử thách, có sự tập trung và kỹ lưỡng trước những vấn đề để đưa ra các quyết định quan trọng một cách đúng đắn. Đồng thời, CMO cũng cần dự đoán các vấn đề, rủi ro có thể xảy ra để đưa ra những kế hoạch dự phòng phù hợp.

Giám đốc Marketing cần có kỹ năng giải quyết vấn đề xuất sắc

So sánh CMO (Chief Marketing Officer) và Marketing Director

Yếu tố so sánh

CMO (Chief Marketing Officer)

Marketing Director

Vị trí trong tổ chức

Người đứng đầu bộ phận Marketing, lãnh đạo toàn bộ chiến lược Marketing của tổ chức

Người đứng đầu một nhóm/ bộ phận Marketing, giám sát và quản lý các hoạt động cụ thể, thực hiện báo cáo cho CMO

Chiến lược Marketing

Xây dựng và định hướng chiến lược Marketing cho tổ chức

Triển khai và thực hiện các dự án Marketing cụ thể

Phạm vi trách nhiệm

Lãnh đạo toàn bộ bộ phận Marketing, xây dựng và quản lý mối quan hệ khách hàng, phát triển chiến lược thương hiệu và đảm bảo đóng góp vào mục tiêu doanh thu của tổ chức

Quản lý bộ phận Marketing, quản lý ngân sách, làm việc với khách hàng và nhà cung cấp, đảm bảo đạt mục tiêu Marketing

Trách nhiệm chiến lược

Xây dựng nền tảng chiến lược cho toàn bộ bộ phận Marketing và đảm bảo rằng các hoạt động Marketing tuân theo mục tiêu và chiến lược dài hạn của tổ chức

Thực hiện các hoạt động Marketing theo mục tiêu và chiến lược được định hướng

Tầm nhìn chiến lược

Có tầm nhìn chiến lược tổng thể cho toàn bộ bộ phận Marketing và tổ chức

Có tầm nhìn chiến lược cụ thể cho bộ phận Marketing mà họ quản lý

Quyết định chiến lược

Là người quyết định chiến lược Marketing và định hướng toàn bộ bộ phận Marketing

Tham gia vào quyết định chiến lược Marketing của tổ chức

Tham khảo:   Quản trị rủi ro là gì? Quy trình quản trị rủi ro hiệu quả

Ghi chú: vai trò và trách nhiệm của CMO và Marketing Director có thể có sự khác biệt tùy thuộc vào tổ chức và ngữ cảnh cụ thể.

Lộ trình trở thành giám đốc Marketing

Giáo dục

Bằng cấp ngày nay là bắt buộc, một người muốn tiến đến vị trí giám đốc Marketing cần sở hữu bằng cử nhân liên quan như Quản trị kinh doanh, kinh tế, Marketing, Sales,… tốt hơn nữa là bằng Thạc sĩ trở lên.

Tích lũy kinh nghiệm 

Trong những năm làm việc tại vị trí nhân viên, hãy cố gắng tích lũy kinh nghiệm, học hỏi từ cấp trên. Có thể làm nhiều vị trí tại một doanh nghiệp hoặc làm cho nhiều công ty khác nhau để hiểu sâu hơn về nhiều lĩnh vực, tình huống, va chạm với càng nhiều vấn đề càng tốt.

Có một cách để đi nhanh hơn trên mọi lộ trình chính là cọ xát, va chạm với các tình huống thực tế. Trên thực tế, kinh nghiệm không tính bằng số năm, quá trình đó tính trên những số lần mà một người vượt qua những thách thức, khó khăn và giải quyết mọi vấn đề một cách suôn sẻ.

Phát triển mạng lưới mối quan hệ

Nếu muốn trở thành giám đốc Marketing thành công thì việc xây dựng và phát triển mạng lưới mối quan hệ là rất cần thiết. Trong lĩnh vực marketing, mối quan hệ vững mạnh có thể giúp một cá nhân nhận được các cơ hội mới, tạo tiền đề để phát triển xa hơn trong sự nghiệp.

Để xây dựng mối quan hệ, mỗi người cần trau dồi kỹ năng giao tiếp, kết nối và chia sẻ một cách chân thành. Đồng thời thường xuyên gặp gỡ và tương tác với các chuyên gia trong ngành, các đối tác kinh doanh, khách hàng tiềm năng và những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực của mình.

Học giám đốc Marketing ở đâu tốt nhất?

Ngày nay, với bối cảnh cạnh tranh khốc liệt cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã định hình lại toàn bộ tư duy của Marketing. Giám đốc Marketing cũng cần định nghĩa lại vai trò, công việc để góp phần giúp doanh nghiệp thành công trong kỷ nguyên mới.

Hiểu được điều đó, Masterskills triển khai chương trình đào tạo “Giám đốc Marketing/ Chief Marketing Officer” (CMO). Chương trình được thiết kế bởi các giảng viên giàu kinh nghiệm của Masterskills giúp học viên biết cách sử dụng dữ liệu để hoạch định chiến lược Marketing, thực hiện chiến lược tiếp thị đa kênh nhằm tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Chương trình Giám đốc Marketing cũng giúp các CMO nhanh chóng hiểu rõ xu hướng quản trị Marketing mới nhất trên thế giới, biết cách áp dụng để đạt được mục tiêu kinh doanh.

“Giám đốc Marketing” (CMO) là một trong số những chương trình đào tạo đặc biệt được Masterskills triển khai thành công trong suốt hơn 20 năm qua. Khóa học được triển khai đào tạo và cấp chứng chỉ bởi Trường Quản Trị Marketing Masterskills (thuộc Học Viện Quản Lý Masterskills).

Thị trường kinh doanh không thể đoán trước. Điều này cũng có nghĩa là vai trò của giám đốc Marketing cũng phải thay đổi linh hoạt tùy vào lĩnh vực, thị trường hoạt động của doanh nghiệp. CMO thường phải làm việc hướng tới các mục tiêu như tạo doanh thu, giảm chi phí và giảm thiểu rủi ro trong môi trường đầy phức tạp này.

>> Tìm hiểu thêm các chức danh Giám đốc khác:

  • Giám đốc Điều hành (CEO)

  • Giám đốc Kinh doanh (CCO)

  • Giám đốc Nhân sự (CHRO)

  • Giám đốc Tài chính (CFO)

  • Giám đốc Sản xuất (CPO)

  • Giám đốc Chuyển đổi số (CDO)

  • Giám đốc Sáng tạo 

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo