Hình minh họa. Nguồn: Utahinvestorlaw.com
Nghĩa vụ trái phiếu thế chấp
Khái niệm
Nghĩa vụ trái phiếu thế chấp, tiếng Anh gọi là collateralized bond obligation, viết tắt là CBO.
Nghĩa vụ trái phiếu thế chấp (CBO) là một dạng trái phiếu đầu tư được đảm bảo bằng một rổ trái phiếu đầu cơ. Trái phiếu đầu cơ tuy không được xếp loại là trái phiếu đầu tư nhưng nếu gom nhiều trái phiếu đầu cơ với chất lượng tín dụng khác nhau thành một rổ thì nó đủ độ đa dạng để được xếp loại là trái phiếu đầu tư.
Hiểu rõ hơn về nghĩa vụ trái phiếu thế chấp
Nghĩa vụ trái phiếu thế chấp là một dạng chứng khoán nợ đã được cơ cấu, bao gồm những loại trái phiếu đầu tư được đảm bảo bằng khoản phải thu của các trái phiếu đầu cơ hay trái phiếu rủi ro cao khác.
Công cụ nợ này được cơ cấu bằng cách chứng khoán hóa một rổ gồm nhiều trái phiếu có chất lượng tín dụng khác nhau. Rổ trái phiếu này là một tập hợp của những trái phiếu rủi ro cao và trái phiếu rủi ro thấp. Chúng được phân ra thành các bậc. Mỗi bậc sẽ đại diện cho một mức độ rủi ro và từ đó xác định mức lãi suất sẽ trả cho nhà đầu tư.
Một nghĩa vụ nợ trái phiếu bậc cao sẽ bao gồm những trái phiếu chất lượng cao, rủi ro thấp và cũng trả lãi suất thấp. Bậc trung thì sẽ gồm những trái phiếu có rủi ro cao hơn và lãi suất trả cũng cao hơn. Bậc thấp là những trái phiếu có chất lượng thấp nhất và sẽ được nhận tất cả khoản thanh toán còn lại sau khi chi trả cho hai bậc kia. Và bởi vì nghĩa vụ nợ trái phiếu bậc thấp có rủi ro cao nên nhà đầu tư cũng sẽ nhận được lợi suất cao hơn.
Việc chứng khoán hóa để tạo ra CBO là một cách để chuyển những trái phiếu đầu cơ thành chứng khoán đầu tư. Do không hẳn trái phiếu đầu cơ nào cũng bị vỡ nợ nên rủi ro của nghĩa vụ trái phiếu thế chấp sẽ thấp hơn từng cá thể trái phiếu cấu thành nó. Và vì thế mà nghĩa vụ trái phiếu thế chấp được xếp loại đầu tư.
Sự hấp dẫn của CBO còn nằm ở việc giá trị tài sản đảm bảo cao hơn giá trị của nó. Nhờ đó mà việc bán những nghĩa vụ trái phiếu thế chấp được xếp hạng cao cũng dễ dàng hơn do bên phát hành phải đảm bảo nhiều tài sản cho nó hơn để được xếp hạng cao. Vì vậy mà cho dù một vài trái phiếu cấu thành có bị vỡ nợ hay chậm tri trả thì việc thanh toán lãi suất của nghĩa vụ trái phiếu thế chấp cũng được đảm bảo nhờ vào thặng dư trong giá trị tài sản đảm bảo.
CBO giúp nhà đầu tư tiếp cận được với khoản lợi nhuận cao từ những trái phiếu đầu cơ với mức rủi ro thấp hơn. Ngoài ra, nó còn là cách để những bên đang nắm giữ quá nhiều trái phiếu đầu cơ có thể giảm bớt danh mục của họ bằng cách gom chúng lại thành nghĩa vụ trái phiếu thế chấp và bán đi.
(Theo Investopedia)