Quản trị dự án

Vòng đời dự án và vòng đời phát triển

Vòng đời Dự án (Project Life Cycle)

Vòng đời dự án là một chuỗi các giai đoạn phát triển của một dự án. Đó là cách bạn tổ chức thực hiện công việc của dự án – phân chia hợp lý về những gì bạn cần làm để tạo ra các giao phẩm của dự án. Vòng đời dự án dựa trên ngành nghề mà dự án đang được thực hiện, những ưu tiên của tổ chức và cách tiếp cận phát triển (như cách tiếp cận theo kế hoạch hay cách tiếp cận linh hoạt Agile).

Vòng đời dự án có thể sử dụng cách tiếp cận theo định hướng kế hoạch, định hướng thay đổi hoặc kết hợp cả hai. Ví dụ về vòng đời dự án bao gồm:

  • Phát triển sản phẩm (Product Development) bao gồm: Xác định, Thiết kế, Phát triển, Triển khai, Chuyển giao
  • Phát triển phần mềm (Software Development) bao gồm: Lấy yêu cầu, Thiết kế, Code, Kiểm thử, Triển khai
  • Xây dựng (Construction) bao gồm: Đánh giá tính khả thi, Lấy yêu cầu, Thiết kế, Xây dựng, Kiểm tra, Thu lợi

Bất kể tiếp cận theo phương pháp nào, các thành phần của vòng đời dự án cũng được thể hiện theo từng giai đoạn để có thể lập kế hoạch và thực thi công việc thông qua việc xây dựng chi tiết từng bước (progressive elaboration).

Vòng đời Phát triển (Development Life Cycle) so với Phương pháp Phát triển (Development Approach)

Vòng đời phát triển và Phương pháp phát triển có ý nghĩa giống nhau. Cả hai đều dựa trên một quyết định để lập kế hoạch và quản lý dự án bằng cách sử dụng một phương pháp phát triển cụ thể. Có một số cách tiếp cận để quản lý dự án như sau:

  • Định hướng theo kế hoạch (Plan-driven). Cách tiếp cận này còn được gọi là cách truyền thống, có thể dự đoán trước hoặc mô hình thác nước (waterfall). Nó đòi hỏi việc lập kế hoạch chi tiết về phạm vi, tiến độ, chi phí và các ràng buộc khác trong giai đoạn đầu của vòng đời dự án trước khi bắt đầu công việc để tạo ra các giao phẩm.
  • Định hướng thay đổi (Change-driven). Các loại dự án này thường lặp đi lặp lại (iterative ) và gia tăng (incremental) các tính năng sau các vòng lặp. Còn được gọi là phương pháp linh hoạt (agile) hay thích ứng (adaptive), cách tiếp cận này thường xác định phạm vi trong giai đoạn đầu – ở mức đủ để ước tính sơ bộ thời gian, chi phí và tiến độ của dự án. Phạm vi dự án được điều chỉnh dần sau mỗi vòng lặp. Với vòng đời lặp lại (iterative life cycle), sản phẩm được xây dựng gia tăng từng chi tiết nhỏ và liên tục để tạo nên kết quả cuối cùng.
Tham khảo:   Giao tiếp tạo ra tác động như thế nào đến việc quản lý dự án thành công?

Vòng đời dự đoán (predictive life cycle) phù hợp nhất khi các yêu cầu của dự án được xác định rõ ràng; trong khi vòng đời thích ứng (adaptive life cycle) nên được lựa chọn khi các yêu cầu ít rõ ràng hơn. Vòng đời kết hợp (hybrid life cycle) là sự kết hợp của cả hai phương pháp trên.

Lựa chọn phương pháp phát triển

Việc lựa chọn phương pháp phát triển sẽ ảnh hưởng đến cách giám đốc dự án điều chỉnh việc lập kế hoạch, quản lý và kiểm soát dự án. Nó ảnh hướng đến các công cụ được sử dụng cũng như cách thức thực hiện. Ngoài ra, phương pháp phát triển giúp giám đốc dự án xác định cách tương tác với các bên liên quan, những ai thuộc đội ngũ quản lý dự án (PM team) và những ai thuộc đội dự án (project team).

Phương pháp phát triển cũng giúp xác định cách thức lập kế hoạch quản lý rủi ro, cách trình bày báo cáo và các khía cạnh về ước tính cũng như đo lường tiến độ công việc.

Tầm quan trọng của các Nhóm quy trình quản lý dự án

Các nhóm quy trình quản lý dự án là hệ thống được giám đốc dự án sử dụng để lập kế hoạch và tổ chức công việc nhằm đảm bảo thực hiện các lợi ích và giá trị của dự án. Giám đốc dự án sử dụng chúng để dẫn dắt phương pháp phát triển và đảm bảo các công việc được thực hiện một cách hiệu quả trong suốt vòng đời dự án.

Tham khảo:   Giả định Assumption là gì? Định nghĩa, ví dụ, giải thích

Bạn cần hiểu quản lý dự án từ hai quan điểm khác nhau nhưng tương tự nhau. Quy trình quản lý dự án nói chung có thể được quản lý thông qua cấu trúc của năm nhóm quy trình: Khởi tạo, Lập kế hoạch, Thực thi, Kiểm soát và giám sát, Đóng dự án. Một quan điểm cấu trúc khác lại được thể hiện trong ba lĩnh vực: Con người, Quy trình và Môi trường kinh doanh.

Trong khi các nhóm quy trình chủ yếu được phân loại theo trình tự, thì thực tế có rất nhiều sự trùng lắp giữa các nhóm quy trình tại bất kỳ thời điểm nào. Là một giám đốc dự án, bạn có thể thấy rằng có nhiều hoạt động dự án diễn ra đồng thời. Quản lý dự án có xu hướng xảy ra theo một trình tự nhất định, nhưng không phải theo tuyến tính (linear) mà mang tính linh động (dynamic).

Tác động đối với Giám đốc dự án

Cả Phương pháp phát triển và Vòng đời dự án đều là các yếu tố bắt buộc của kế hoạch quản lý dự án. Việc hiểu được sự khác biệt là điều quan trọng và phù hợp ở vai trò của bạn với tư cách là một người giám đốc dự án.

Nếu bạn đang ôn luyện cho kỳ thi PMP, việc hiểu rõ vai trò và ứng dụng của các phương pháp phát triển cũng như các nhóm quy trình sẽ giúp bạn trả lời chính xác các câu hỏi về chủ đề này. Việc hiểu rằng mỗi vòng đời dự án là duy nhất, phù hợp với người giám đốc dự án và kế hoạch quản lý dự án sẽ giúp bạn không hiểu sai các câu hỏi trong bài thi.

Tham khảo:   Từ Data Analyst lên Project Manager, bạn cần gì?

Lược dịch: Trần Lan – Masterskills

Nguồn: Project Life Cycle Vs. Development Life Cycle

Dự án và vòng đời sản phẩm: Tích hợp, không phải Tách biệt

Project Life Cycles: Predictive, Iterative, Incremental, Agile, Hybrid

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo