Quản trị dự án

Tổng quan về Disciplined Agile Delivery – Một phần thiết yếu của Disciplined Agile

Trong bộ công cụ Disciplined Agile (DA), Disciplined Agile Delivery (DAD) là phần đảm nhiệm việc phát triển và chuyển giao giải pháp. Nhiều tổ chức bắt đầu hành trình Agile của họ bằng cách áp dụng Scrum vì nó mô tả một chiến lược tốt cho các nhóm Agile hàng đầu. Mặc dù, Scrum thật sự cần thiết nhưng nó chỉ là một phần rất nhỏ để cung cấp các giải pháp hoàn chỉnh cho các bên liên quan của chúng ta. Đôi khi, các nhóm cần phải xem xét các phương pháp khác để lấp đầy những khoảng trống trong quy trình mà Scrum cố tình bỏ qua (và Scrum rất rõ ràng về điều này). Khi xem xét các phương pháp khác, có sự trùng lặp đáng kể và các thuật ngữ mâu thuẫn nhau có thể gây nhầm lẫn cho các thành viên cũng như các bên liên quan bên ngoài. Tệ hơn nữa, mọi người không phải lúc nào cũng biết nơi để tìm lời khuyên hoặc thậm chí không biết những vấn đề họ cần xem xét.

 

Hình 1 – Sơ đồ mô tả phạm vi của bộ công cụ DA

Để giải quyết những thách thức này, Disciplined Agile Delivery (DAD) cung cấp một cách tiếp cận gắn kết hơn cho việc phát triển và chuyển giao giải pháp. DAD trước tiên là hướng tới con người, định hướng học tập, kết hợp giữa các cách tiếp cận Agile, từ đó cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin. Đây là những khía cạnh quan trọng của DAD:

  1. Con người trước tiên: Con người và cách chúng ta làm việc cùng nhau là yếu tố chính quyết định thành công của một nhóm phát triển và chuyển giao giải pháp (gọi tắt là nhóm giải pháp). DAD hỗ trợ một loạt các vai trò, quyền và trách nhiệm mà chúng ta có thể điều chỉnh để đáp ứng các nhu cầu trong hoàn cảnh của mình.
  2. Hybrid (Lai): DAD là một bộ công cụ kết hợp đưa những ý tưởng tuyệt vời từ Scrum, SAFe, Spotify, Agile Modeling (AM), Extreme Programming (XP), Unified Process (UP), Kanban, Lean Software Development và một số phương pháp khác vào trong ngữ cảnh của nhóm.
  3. Vòng đời đầy đủ (Full-delivery life cycle): DAD giải quyết toàn bộ vòng đời của việc phát triển và chuyển giao giải pháp, từ lúc khởi tạo nhóm cho đến lúc chuyển giao giải pháp cho người dùng cuối.
  4. Hỗ trợ cho nhiều vòng đời: DAD hỗ trợ các vòng đời dựa trên Agile, Lean, Chuyển giao liên tục (Continuous delivery), Khám phá (Exploratory) và vòng đời hỗ trợ các nhóm quy mô lớn. DAD không chỉ định một vòng đời duy nhất bởi vì một cách tiếp cận sẽ không thể nào phù hợp với tất cả.
  5. Hoàn chỉnh: DAD chỉ ra cách mà việc phát triển, mô hình hóa, kiến ​​trúc, quản lý, yêu cầu / kết quả, tài liệu, quản trị và các chiến lược khác kết hợp với nhau trong một tổng thể hợp lý như thế nào. DAD thực hiện giải quyết các phần “khó nhằn” mà các phương pháp khác để lại cho chúng ta.
  6. Nhạy cảm với ngữ cảnh: DAD khuyến khích phương pháp hướng tới mục tiêu (hoặc hướng đến kết quả). Khi làm như vậy, DAD cung cấp nhiều hướng dẫn theo từng ngữ cảnh liên quan đến các lựa chọn thay thế khả thi và sự đánh đổi của mỗi sự lựa chọn, cho phép chúng ta nhận thấy và điều chỉnh cách làm việc để giải quyết tình huống một cách hiệu quả. Bằng cách mô tả những điểm hiệu quả, điểm không hiệu quả và quan trọng hơn là tại sao, DAD sẽ giúp chúng ta tăng cơ hội áp dụng các chiến lược phù hợp với mình và triển khai một cách hợp lý. Hãy nhớ nguyên tắc thứ 3: Giải quyết vấn đề theo từng ngữ cảnh – được đề cập trong bài viết Tám nguyên tắc trong Disciplined Agile.
  7. Giải pháp hữu dụng hơn là phần mềm chạy được: Phần mềm chạy được có thể chuyển giao thuận lợi là một khởi đầu tốt, nhưng những gì chúng ta thực sự cần là các giải pháp có thể dùng được, từ đó mới có thể làm hài lòng khách hàng của mình.
  8. Tự tổ chức với quản trị thích hợp: Các nhóm Agile và Lean đều tự tổ chức, có nghĩa là những người thực hiện công việc là những người lập kế hoạch và ước tính nó. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Họ vẫn phải làm dựa trên việc hiểu rõ về doanh nghiệp, phản ánh các vấn đề ưu tiên của tổ chức và để làm được điều đó họ cần được lãnh đạo cấp cao điều hành một cách thích hợp.

 

Bài viết này cung cấp một cái nhìn tổng quan, ngắn gọn về DAD và chi tiết sẽ được trình bày trong các bài viết tiếp theo.

Con người là trên hết: Vai trò, quyền và trách nhiệm

Hình 2 – cho thấy các vai trò tiềm năng mà mọi người sẽ đảm nhận trong các nhóm DAD (Chi tiết về các vai trò này sẽ được đề cập ở bài viết tiếp theo). Các vai trò được tổ chức thành hai loại:

  • Vai trò chính: Vai trò mà chúng ta nhận thấy là rất quan trọng đối với sự thành công của bất kỳ nhóm Agile nào.
  • Vai trò hỗ trợ: Vai trò này sẽ xuất hiện khi cần thiết.

 

Hình 2 – Các vai trò tiềm năng trong nhóm DAD.

 

Các vai trò chính bao gồm:

  • Stakeholder: Stakeholder là người sẽ ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng bởi công việc của nhóm, bao gồm nhưng không giới hạn như: người dùng cuối, kỹ sư hỗ trợ, nhân viên vận hành, nhân viên tài chính, kiểm toán viên, kiến ​​trúc sư doanh nghiệp và lãnh đạo cấp cao. Một số phương pháp Agile gọi vai trò này là khách hàng.
  • Team Lead: Team Lead sẽ lãnh đạo nhóm, giúp nhóm thành công trong quá trình hoạt động. Điều này tương tự như vai trò Scrum Master trong Scrum.
  • Product Owner (PO): Product Owner chịu trách nhiệm làm việc với các Stakeholder để xác định công việc cần thực hiện, xác định độ ưu tiên công việc đó, giúp nhóm hiểu nhu cầu cũng như tương tác hiệu quả với các Stakeholder.
  • Architecture Owner (AO): Architecture Owner hướng dẫn nhóm thông qua các quyết định về kiến ​​trúc và thiết kế, làm việc chặt chẽ với Team Lead và Product Owner.
  • Team member: Các Team Member làm việc cùng nhau để tạo ra giải pháp. Lý tưởng nhất là các Team member là những chuyên – tổng quát viên (Generalizing Specialist), hoặc đang nỗ lực để trở thành như vậy, những người này thường được gọi là những người có kỹ năng đa dạng. Chuyên – tổng quát viên là người có một hoặc nhiều chuyên môn (chẳng hạn như thử nghiệm, phân tích, lập trình, v.v.) và có kiến ​​thức rộng về chuyển giao giải pháp cũng như lĩnh vực mà họ đang làm việc.
Tham khảo:   Decision Making là gì? Các kỹ thuật ra quyết định nhóm hiệu quả.

 

Các vai trò phụ bao gồm:

  • Specialist – Chuyên viên: Mặc dù hầu hết các Team Member đều là các chuyên – tổng quát viên, hoặc ít nhất là phấn đấu để trở thành như vậy, nhưng đôi khi chúng ta sẽ có các chuyên viên trong nhóm khi được yêu cầu. Ví dụ như các chuyên viên về trải nghiệm người dùng (User experience – UX), chuyên viên bảo mật là những người có thể tham gia nhóm khi nhóm có mối quan tâm về bảo mật,… Đôi khi, sự hiện diện của các chuyên viên phân tích kinh doanh (Business Analyst) là cần thiết để hỗ trợ Product Owner trong việc xử lý các lĩnh vực phức tạp hoặc các Stakeholder được phân bổ nhiều nơi. Hơn nữa, các vai trò từ các phần khác của bộ công cụ DA như kiến ​​trúc sư doanh nghiệp, quản lý danh mục đầu tư, kỹ sư vận hành,… cũng có thể được coi là chuyên viên theo quan điểm của DAD.
  • Independent tester – Người kiểm thử độc lập: Mặc dù phần lớn việc kiểm thử được thực hiện bởi những thành viên trong nhóm, nhưng trên quy mô lớn hoặc giải quyết các vấn đề về tuân thủ quy định (an toàn, tính mạng, môi trường,…) có thể cần một nhóm kiểm thử độc lập.
  • Domain Expert – Chuyên gia lĩnh vực (hay Subject matter expert – SME): Một chuyên gia về lĩnh vực là người có kiến ​​thức sâu về lĩnh vực hoặc vấn đề nhất định. Họ thường làm việc với nhóm hoặc Product Owner để chia sẻ kiến ​​thức và kinh nghiệm của họ.
  • Technical Expert – Chuyên gia kỹ thuật: Đây là người có chuyên môn kỹ thuật sâu, làm việc với nhóm trong thời gian ngắn để giúp họ vượt qua một thử thách kỹ thuật cụ thể. Ví dụ: quản trị viên cơ sở dữ liệu (Database Administrator – DBA) có thể làm việc với nhóm để giúp họ thiết lập, cấu hình và tìm hiểu các nguyên tắc cơ bản của cơ sở dữ liệu.
  • Integrator – Tích hợp viên: Còn được gọi là người tích hợp hệ thống, họ thường sẽ hỗ trợ những người kiểm thử độc lập, những người cần thực hiện kiểm tra tích hợp hệ thống (System Integration Testing – SIT) của một giải pháp phức tạp hoặc tập hợp các giải pháp.

 

Tất cả mọi người trong các nhóm agile đều có quyền và trách nhiệm. Ví dụ, mọi người đều có quyền được tôn trọng, nhưng họ cũng có trách nhiệm tôn trọng người khác. Hơn nữa, mỗi vai trò trong một nhóm agile còn có những trách nhiệm bổ sung cụ thể mà họ phải hoàn thành. Các quyền và trách nhiệm cũng sẽ được đề cập chi tiết trong bài viết tiếp theo.

Sự kết hợp của những ý tưởng tuyệt vời

DAD khai thác các phương pháp, khuôn khổ và các nguồn khác nhau, để xác định các phương pháp cũng như chiến lược tiềm năng mà nhóm của mình có thể thử nghiệm và áp dụng. Chúng ta đưa các kỹ thuật này vào ngữ cảnh, khám phá các khái niệm cơ bản như ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật, khi nào chúng ta sẽ áp dụng kỹ thuật, khi nào chúng ta không áp dụng kỹ thuật và chúng ta sẽ áp dụng nó ở mức độ nào? Câu trả lời cho những câu hỏi này rất quan trọng khi một nhóm đang lựa chọn cách làm việc của mình.

 

Ví dụ, XP là bao gồm các thực hành kỹ thuật như phát triển theo hướng thử nghiệm (Test Driven Development – TDD), tái cấu trúc (refactoring) và lập trình theo cặp (pair programming). Scrum bao gồm các chiến lược như sử dụng product backlog, sprint planning, các cuộc họp phối hợp hàng ngày,… Khi các phương pháp này đi sâu vào chi tiết về các kỹ thuật riêng lẻ, trọng tâm của DAD và DA nói chung là đặt chúng vào ngữ cảnh và giúp chúng ta chọn đúng chiến lược vào đúng thời điểm.

 

Hình 3 – DAD là sự kết hợp của những ý tưởng tuyệt vời.

Lựa chọn là tốt: Mục tiêu quy trình

Như hình 4 cho thấy – DAD bao gồm một tập hợp với 21 mục tiêu hoặc kết quả của quy trình. Mỗi mục tiêu được mô tả như một tập hợp các điểm quyết định, cùng các vấn đề mà nhóm của chúng ta cần xác định xem họ có cần giải quyết hay không và nếu có, họ sẽ thực hiện như thế nào. Các phương pháp / chiến lược tiềm năng để giải quyết một điểm quyết định, có thể được kết hợp trong nhiều trường hợp, được trình bày dưới dạng danh sách. Sơ đồ mục tiêu (về mặt khái niệm thì tương tự như bản đồ tư duy), ví dụ được thể hiện trong Hình 5, có phần mở rộng là mũi tên để thể hiện tính hiệu quả tương đối của các phương án trong một số trường hợp. Trên thực tế, sơ đồ mục tiêu là hướng dẫn để giúp một nhóm chọn các chiến lược tốt nhất mà họ có thể thực hiện ngay bây giờ dựa trên kỹ năng, văn hóa và tình huống của họ.

 

Hình 4 – Các mục tiêu quy trình của DAD.

 

Hình 5 – Sơ đồ mục tiêu của quy trình cải thiện chất lượng.

Lựa chọn là tốt: Hỗ trợ nhiều vòng đời

Vòng đời là gì? Vòng đời xác định thứ tự cho các hoạt động mà một nhóm thực hiện để xây dựng giải pháp. Trên thực tế, nó sắp xếp các kỹ thuật mà chúng ta có thể áp dụng để hoàn thành công việc. Các nhóm giải pháp cần có khả năng chọn một vòng đời phù hợp nhất với bối cảnh mà họ phải đối mặt. Chúng ta có thể thấy trong Hình 6 – DAD hỗ trợ sáu vòng đời:

Tham khảo:   Bạn có đang lắng nghe tiếng nói của khách hàng?

 

  1. Agile. Đây là một vòng đời dựa trên Scrum cho các dự án chuyển giao giải pháp.
  2. Lean: Đây là vòng đời dựa trên Kanban cho các dự án chuyển giao giải pháp.
  3. Continuous Delivery (Chuyển giao liên tục): Agile – Đây là vòng đời dựa trên Scrum dành cho các nhóm lâu đời.
  4. Continuous Delivery (Chuyển giao liên tục): Lean – Đây là vòng đời dựa trên Kanban dành cho các nhóm lâu đời.
  5. Exploratory (Khám phá): Đây là vòng đời dựa trên Lean Startup để chạy thử nghiệm với khách hàng tiềm năng, từ đó giúp chúng ta khám phá những gì họ thực sự muốn. Vòng đời này hỗ trợ cách tiếp cận Design Thinking.
  6. Program (Chương trình): Đây là vòng đời cho một nhóm lớn gồm các nhóm Agile hoặc các nhóm Lean.

 

Hình 6 – DAD hỗ trợ sáu vòng đời.

Các giải pháp hữu dụng hơn là phần mềm chạy được

Tuyên ngôn Agile gợi ý rằng chúng ta có thể đo lường tiến độ dựa trên “phần mềm chạy được – working software”. Nhưng nếu khách hàng không muốn sử dụng thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ không thích sử dụng nó? Từ quan điểm design thinking, rõ ràng rằng “chạy được” là chưa đủ. Thay vào đó, chúng ta cần cung cấp một thứ gì đó hữu dụng được:

  • It works (Nó hoạt động): Những gì mình làm ra phải có chức năng và mang lại kết quả mà các Stakeholder của mình mong đợi.
  • It’s usable (Nó có thể sử dụng được): Giải pháp của chúng ta nên hoạt động tốt với trải nghiệm người dùng được thiết kế tốt.
  • It’s desirable (Nó được mong muốn): Mọi người phải cảm thấy muốn làm việc với giải pháp của chúng ta và tốt hơn hết là cảm thấy cần phải sử dụng giải pháp đó, cũng như trả tiền cho chúng ta ở mức thích hợp. Như nguyên tắc đầu tiên được nhắc đến ở Tám nguyên tắc trong Disciplined Agile đề xuất, giải pháp của chúng ta là phải làm vượt kỳ vọng của khách hàng chứ không chỉ làm hài lòng họ.

 

Ngoài ra, những gì chúng ta làm ra không chỉ là phần mềm, mà thay vào đó là một giải pháp chính thức có thể bao gồm các cải tiến đối với:

  • Software (Phần mềm): Phần mềm là một phần quan trọng, nhưng chỉ là một phần trong giải pháp tổng thể của chúng ta.
  • Hardware (Phần cứng): Các giải pháp của chúng ta chạy trên phần cứng và đôi khi chúng ta cần phát triển hoặc cải thiện phần cứng đó.
  • Business processes (Quy trình kinh doanh): Chúng ta thường cải thiện các quy trình kinh doanh xung quanh việc sử dụng hệ thống mà chúng ta phát triển.
  • Organizational structure (Cơ cấu tổ chức): Đôi khi cấu trúc tổ chức của người dùng cuối trong hệ thống của chúng ta cũng thay đổi để phản ánh những thay đổi trong chức năng được hỗ trợ bởi nó.
  • Supporting documentation (Tài liệu bổ trợ): tài liệu bàn giao, chẳng hạn như tổng quan kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng / hỗ trợ, thường cũng là một phần chính trong các giải pháp của chúng ta.

Thuật ngữ DAD

Bảng 1 – Bảng so sánh thuật ngữ DAD phổ biến với các thuật ngữ tương đương trong các cách tiếp cận khác. Tuy nhiên, trước tiên chúng ta nên tìm hiểu qua một số điểm quan trọng về những thuật ngữ Agile:

  1. Không có thuật ngữ Agile tiêu chuẩn: Không có tiêu chuẩn ISO cho Agile và ngay cả khi có, nó rất có thể sẽ bị những người thực hành Agile bỏ qua.
  2. Thuật ngữ của Scrum: Khi Scrum lần đầu tiên được phát triển vào những năm 1990, những người tạo ra nó đã có chủ đích chọn những thuật ngữ khác thường (một số được lấy từ môn bóng bầu dục) để cho mọi người thấy rằng nó khác biệt. Điều đó hoàn toàn ổn, nhưng do DA là sự kết hợp bởi nhiều phương pháp, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng các thuật ngữ tùy ý.
  3. Các thuật ngữ là quan trọng: Chúng ta cần các thuật ngữ phải rõ ràng. Chúng ta cần giải thích cuộc họp Scrum hàng ngày (Daily Scrum) là gì – nó không phải là cuộc họp cập nhật trạng thái dự án, mà chính xác hơn nó là cuộc họp điều phối, đồng bộ công việc.
  4. Chọn bất kỳ thuật ngữ nào chúng ta muốn: DAD không quy định thuật ngữ, vì vậy nếu chúng ta muốn sử dụng các thuật ngữ như Sprint, Scrum Meeting hoặc Scrum Master, thì hãy tiếp tục.
  5. Một số ánh xạ là khập khiễng: Một điều quan trọng cần chỉ ra là các thuật ngữ không có sự liên kết hoàn hảo với nhau. Ví dụ: chúng ta biết rằng có sự khác biệt giữa Team Leads, Scrum Masters và Project Managers.

 

Bảng 1 – Bảng so sánh một số thuật ngữ khác nhau trong cộng đồng Agile.

DAD Scrum Spotify XP SAFe Traditional
Architecture owner Coach Solution architect Solution architect
Coordination meeting Daily standup Huddle Daily standup Status meeting
Domain expert Customer Customer Product owner Subject matter expert (SME)
Iteration Sprint Sprint Iteration Iteration Timebox

Product owner

Product owner Product owner Customer representative Product owner Subject matter expert (SME)
Stakeholder Customer Customer Customer Stakeholder
Team Team Squad, tribe Team Team Team
Team lead Scrum master Agile coach Coach Scrum master Project manager

Giải quyết vấn đề theo ngữ cảnh: DAD cung cấp nền tảng cho Chiến thuật mở rộng quy mô linh hoạt

Disciplined Agile (DA) phân biệt giữa hai loại “Mở rộng quy mô linh hoạt” :

  1. Tactical Agility at scale – Chiến thuật mở rộng quy mô linh hoạt: Đây là việc áp dụng các chiến lược Agile và Lean cho các đội DAD riêng lẻ. Mục tiêu là áp dụng Agile một cách có chiều sâu để giải quyết các vấn đề phức tạp, cái mà chúng ta gọi là các yếu tố mở rộng, một cách thích hợp.
  2. Strategic Agility at scale – Chiến lược mở rộng quy mô linh hoạt: Đây là việc áp dụng các chiến lược Agile và Lean trên toàn bộ tổ chức của chúng ta. Điều này bao gồm tất cả các bộ phận và nhóm trong tổ chức, không chỉ nhóm phát triển và chuyển giao giải pháp của chúng ta.
Tham khảo:   5 BƯỚC CHIẾN LƯỢC THAY ĐỔI TỔ CHỨC

 

Hình 7 – Các yếu tố mở rộng quy mô một cách chiến thuật.

DAD cung cấp một nền tảng vững chắc để mở rộng quy mô theo một số cách:

  • DAD thúc đẩy vòng đời rủi ro – giá trị trong đó các nhóm sẽ xử lý trước những công việc rủi ro hơn để giúp loại bỏ một số hoặc tất cả rủi ro từ sớm, từ đó tăng cơ hội thành công. Đây còn được gọi là “failing fast – thất bại nhanh”.
  • DAD thúc đẩy nâng cao việc tự tổ chức với khả năng quản trị hiệu quả dựa trên quan điểm rằng các nhóm Agile làm việc trong phạm vi và các ràng buộc của một hệ sinh thái tổ chức lớn hơn. Do đó, DAD khuyến nghị chúng ta nên áp dụng một chiến lược quản trị hiệu quả để hướng dẫn và hỗ trợ các nhóm Agile.
  • DAD thúc đẩy việc cung cấp các giải pháp hữu dụng thay vì chỉ xây dựng phần mềm chạy được.
  • DAD thúc đẩy nhận thức về doanh nghiệp hơn là nhận thức về nhóm (đây là nguyên tắc cơ bản của DA). Ngụ ý là nhóm phải làm những gì phù hợp với tổ chức — làm việc theo tầm nhìn chung, tận dụng các hệ thống và nguồn dữ liệu kế thừa hiện có, đồng thời tuân theo các nguyên tắc chung — chứ không chỉ làm những gì thuận tiện hoặc thú vị đối với nhóm.
  • DAD giải quyết vấn đề theo ngữ cảnh và được định hướng theo mục tiêu, không mang tính quy định (một nguyên tắc DA khác là Lựa chọn là Tốt – xem thêm 8 nguyên tắc của Discipline Agile). Một phương pháp tiếp cận sẽ không thể phù hợp với tất cả và các nhóm DAD có quyền tự chủ lựa chọn và phát triển cách làm việc của họ.

Tóm tắt

Disciplined Agile Delivery (DAD) cung cấp một cách tiếp cận thực dụng để giải quyết các tình huống duy nhất mà các nhóm giải pháp tìm thấy. DAD giải quyết một cách rõ ràng các vấn đề mà các nhóm Agile phải đối mặt – trong khi nhiều phương pháp Agile khác lại muốn che đậy. Điều này bao gồm:

  • Cách khởi tạo thành công các nhóm Agile một cách đơn giản.
  • Cách kiến ​​trúc phù hợp với vòng đời Agile.
  • Cách giải quyết việc ghi chép tài liệu hiệu quả.
  • Cách giải quyết các vấn đề chất lượng trong môi trường doanh nghiệp.
  • Cách áp dụng các kỹ thuật phân tích của Agile để giải quyết vô số mối quan tâm của các Stakeholder.
  • Cách quản trị các nhóm Agile và Lean.
  • Và nhiều vấn đề quan trọng khác.

 

Trong bài viết này, chúng ta đã học được rằng:

  • Disciplined Agile Delivery (DAD) là phần phát triển và chuyển giao giải pháp, thuộc bộ công cụ Disciplined Agile (DA).
  • Nếu chúng ta đang sử dụng Scrum, XP hoặc Kanban, tức chúng ta đang sử dụng các biến thể của một tập con DAD.
  • Chúng ta có thể bắt đầu với cách làm việc hiện có của mình và sau đó áp dụng DAD để cải thiện nó dần dần. Chúng ta không cần phải thực hiện một thay đổi “lớn” đầy rủi ro.
  • DAD cung cấp sáu vòng đời để lựa chọn; nó không quy định một cách tiếp cận duy nhất, mà nó cung cấp cho chúng ta những lựa chọn vững chắc để làm cơ sở cho cách làm việc của mình.
  • DAD giải quyết các mối quan tâm chính của doanh nghiệp và chỉ ra cách thực hiện theo ngữ cảnh.
  • DAD cho thấy công việc phát triển của Agile hoạt động như thế nào từ đầu đến cuối.
  • DAD cung cấp một nền tảng linh hoạt để từ đó mở rộng quy mô có chiến thuật các phương pháp chính thống.

Masterskills – Viện Quản lý dự án Masterskills

Nguồn tham khảo:

  • Sách Choose Your WoW, Scott W. Ambler, Mark Lines
  • Disciplined Agile Delivery

 

Sự kết thúc của Agile? Không, là sự kết thúc của Undisciplined Agile.

Disciplined Agile là gì? Tại sao nên áp dụng Disciplined Agile?

Hệ tư duy của Disciplined Agile – Disciplined Agile Mindset

8 nguyên tắc trong Disciplined Agile

Tổng quan về Disciplined Agile Delivery – Một phần thiết yếu của Disciplined Agile

Vai trò, quyền và trách nhiệm của đội Disciplined Agile Delivery

DASM ONLINE PRO – CHƯƠNG TRÌNH LUYỆN THI DASM HIỆU QUẢ

DASSM ONLINE PRO – CHƯƠNG TRÌNH LUYỆN THI DASSM HIỆU QUẢ

 

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo