Quản trị cảm xúc bản thân

Lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc (EQ): Bí quyết quản trị thời hiện đại

Lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc là gì?

Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence hay EQ) là khả năng hiểu – và làm chủ – cảm xúc của chính bạn cũng như những người xung quanh. Người có trí tuệ cảm xúc cao hiểu rõ bản thân họ đang cảm thấy gì, cảm xúc của họ có ý nghĩa gì, và những xúc cảm đó tác động đến người khác như thế nào.

Kỹ năng chuyên môn tuy có thể giúp chúng ta vươn lên vị trí lãnh đạo – nhưng sẽ không đủ để đảm bảo thành công tại vị trí này. Để thực hiện trọn vẹn vai trò của người lãnh đạo, hiểu biết về cảm xúc con người là yêu cầu tiên quyết – qua đó, cấp quản lý mới có thể thành công trong huấn luyện (coaching) cho đội nhóm, quản lý căng thẳng, phản hồi tích cực và biết cách cộng tác với các thành viên khác.

Vì sao cần lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc?

Hơn một thập kỷ trước, Daniel Goleman đã nhấn mạnh tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc trong lãnh đạo, trong buổi phỏng vấn với Harvard Business Review. Ông tuyên bố:

Các nhà lãnh đạo tài năng nhất đều giống nhau ở một điểm cốt yếu: Họ là những người có chỉ số cảm xúc (EQ0 cao. IQ và kỹ năng chuyên môn không liên quan ở đây. Tuy quan trọng, nhưng chúng chỉ là những yêu cầu cơ bản để đảm nhiệm vị trí quản lý.

Trong những năm gần đây, trí tuệ cảm xúc (EQ) đã nhanh chóng trở thành một kỹ năng lãnh đạo tối quan trọng. Nghiên cứu đã cho thấy mối tương quan mật thiết giữa EQ và thành công của cá nhân người quản lý cũng như toàn bộ tổ chức:

  • Năm 2004, theo một bài báo trên Harvard Business Review, EQ chiếm tỷ trọng gần 90% trong số yếu tố giúp cải thiện hiệu suất làm việc giữa những người có kiến thức chuyên môn tương tự nhau.
  • Năm 2011, 71% nhà tuyển dụng được Masterskills khảo sát cho biết họ đánh giá EQ hơn IQ – rằng những nhân viên có trí tuệ cảm xúc cao thường biết giữ bình tĩnh trước áp lực, giải quyết xung đột hiệu quả  hơn, cũng như sẵn sàng thể hiện sự đồng cảm với các đồng nghiệp khác.
  • Năm , nghiên cứu của TalentSmart kết luận: trí tuệ cảm xúc là yếu tố có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến hiệu suất chung.

Sức mạnh của trí tuệ cảm xúc trong lãnh đạo

Khả năng kết nối về phương diện tình cảm với nhân viên là bí quyết làm nên nhà lãnh đạo thực thụ. Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc cảm xúc của nhân viên về cấp trên có ảnh hưởng không nhỏ đến sự gắn kết cũng như năng suất làm việc của họ.

Theo tác phẩm Closing the Engagement Gap của Julie Gebauer và Don Lowman, chỉ 1/5 lực lượng lao động cảm thấy gắn kết với công việc/ tổ chức họ đang làm việc. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm – đặc biệt khi các doanh nghiệp phải trải qua những thời điểm khủng hoảng như đại dịch Covid-19. Chính trong những thời điểm như thế này, người sử dụng lao động mới nhận thấy – rõ ràng hơn bao giờ hết – rằng đội ngũ nhân viên nắm giữ vai trò quan trọng giúp tổ chức vững mạnh và phát triển bền vững cho tương lai.

Nếu nhân viên của bạn trung thành và gắn kết, họ sẽ làm việc hiệu quả hơn – điều này sẽ tác động tích cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong một nghiên cứu do Center for Creative Leadership (CCL) thực hiện, các chuyên gia nhận thấy năng lực lãnh đạo thấu cảm (một yếu tố tương quan mật thiết với trí tuệ cảm xúc) có tác động tích cực đến hiệu suất công việc cũng như cảm xúc của các thành viên trong tổ chức. Những người quản lý biết thể hiện sự đồng cảm với nhân viên được cấp trên đánh giá là hoàn thành công việc tốt hơn hẳn.

Ngày nay, tình trạng nhân viên nghỉ việc gia tăng đang tạo thành “gánh nặng” to lớn cho doanh nghiệp. Để trở nên đồng cảm và thúc đẩy tương tác tại nơi làm việc, các nhà lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc cần cố gắng hướng tới hoàn thiện 4 phẩm chất sau:

  • Cố gắng nhìn nhận vấn đề từ quan điểm của người khác.
  • Tránh không phán xét.
  • Trao đổi để hiểu được cảm xúc của người xung quanh.
  • Thể hiện sự hiểu biết của bạn về cảm xúc của người đối diện.

Trước đây, tôi từng phải làm việc cho một cấp quản lý thiếu các kỹ năng quản lý con người. Đó là một khoảng thời gian vô cùng áp lực. Tôi cảm thấy bất mãn và mất hứng thú với các công việc tôi từng đam mê. Năng suất làm việc sa sút. Thay vì áp dụng sự đổi mới và tư duy sáng tạo, tôi tập trung hoàn thành công việc càng nhanh càng tốt – chỉ gói gọn trong 8 tiếng, hạn chế tương tác tối đa có thể với quản lý – miễn sao có lương là được.

ShMasterskillsy Thompkins – Giảng viên cao cấp tại CCL, chuyên gia tư vấn phát triển lãnh đạo

5 thành tố của trí tuệ cảm xúc trong lãnh đạo

Theo Daniel Goleman, có 5 thành phần chính cấu thành năng lực lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc:

  • Nhận thức về bản thân (Self-awareness).
  • Khả năng tự làm chủ chính mình (Self-regulation).
  • Năng lực tạo động lực cho bản thân (Motivation).
  • Thấu cảm (Empathy).
  • Kỹ năng giao tiếp xã hội (Social skills).
Tham khảo:   7 Cách kỹ năng điều chỉnh và quản lý cảm xúc hiệu quả nhất

1. Nhận thức về bản thân

Tự nhận thức (self-awareness) là khi bạn biết rõ bản thân cảm thấy thế nào – rằng cảm xúc và hành động của mình ảnh hưởng đến những người xung quanh ra làm sao. Ở cương vị lãnh đạo, đó là khi ta ý thức rõ ràng về điểm mạnh – điểm yếu của mình, từ đó biết hành xử với thái độ khiêm nhường và cầu tiến.

Bí quyết tăng cường nhận thức về bản thân:

  • Viết nhật ký – Chỉ dành vài phút mỗi ngày để viết ra những suy nghĩ của mình, cũng đủ để đưa bạn đến mức độ tự nhận thức cao hơn.
  • Chậm lại trong hành động – Khi bạn cảm thấy tức giận hoặc bị chi phối những cảm xúc mạnh khác, hãy học cách bình tĩnh để xem xét lý do tại sao. Dù trong bất kỳ tình huống nào, bạn luôn có thể lựa chọn cách bạn phản ứng với nó.

2. Tự điều chỉnh

Những nhà lãnh đạo biết làm chủ bản thân hiệu quả hiếm khi vấp phải các sai phạm như: công kích người khác bằng lời nói, đưa ra quyết định vội vàng hoặc cảm tính, rập khuôn hoặc thỏa hiệp các giá trị của chính họ. Theo Goleman, yếu tố trí tuệ cảm xúc này cũng nói lên sự linh hoạt và cam kết của nhà lãnh đạo đối với trách nhiệm giải trình cá nhân.

Bí quyết tăng cường năng lực làm chủ chính mình:

  • Ý thức rõ hệ giá trị cốt lõi của bản thân – Bạn có ý tưởng rõ ràng về những lĩnh vực bạn tuyệt đối sẽ không nhân nhượng không? Bạn có biết những giá trị nào là quan trọng nhất đối với bạn không? Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về hệ thống “quy tắc đạo đức” của bản thân. Nếu bạn biết điều gì là quan trọng nhất đối với mình, thì bạn có thể sẽ không phải suy nghĩ khi đối mặt với một quyết định về đạo đức hoặc luân lý.
  • Tự chịu trách nhiệm – Nếu bạn có xu hướng đổ lỗi cho người khác khi xảy ra sự cố, hãy dừng lại thói quen này. Thay vào đó, bạn cần học cách thừa nhận sai lầm của chính mình và đối mặt với hậu quả, dù nghiêm trọng như thế nào. Thoạt đầu có thể khó khăn – nhưng sau đó, bạn sẽ không những được thanh thản trong tâm hòn, mà còn nhận được sự tôn trọng từ những người xung quanh.
  • Luyện tập đức điềm tĩnh – Lần tới khi bạn ở trong một tình huống khó khăn, hãy chú ý thật kỹ đến cách bạn hành động. Bạn có tìm cách giải tỏa căng thẳng bằng cách hét vào mặt người khác không? Thực hành các bài tập thở sâu để giữ bình tĩnh. Ngoài ra, hãy cố gắng viết ra giấy tất cả những điều tiêu cực bạn muốn nói, sau đó xé bỏ đi. Thể hiện những cảm xúc này trên giấy sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc lớn tiếng với các đồng nghiệp.
Tham khảo:   Chiến lực quản lý cảm xúc tiêu cực

3. Tạo động lực cho bản thân

Các nhà lãnh đạo năng nổ luôn cố gắng hướng tới mục tiêu – họ tự đặt ra những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng công việc họ làm.

Bí quyết tạo động lực cho bản thân:

  • Suy ngẫm lại lý do tại sao bạn đang làm công việc hiện tại – Rất dễ để chúng ta quên mất điều mình thực sự yêu thích trong công việc. Vì vậy, hãy dành một chút thời gian để nhớ lại lý do tại sao bạn lại muốn công việc này. Nếu không hài lòng với vị trí hiện tại và không thể nhớ vì sao ban đầu mình lại chọn nó, bạn có thể thử áp dụng kỹ thuật Five Whys để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.
  • Biết được vị trí hiện tại của mình – Hãy suy ngẫm lại về động lực làm lãnh đạo của bạn, từ đó trau đồi những kỹ năng và tiếp cận các nguồn lực cần thiết để cải thiện động lực này.
  • Học cách tư duy tích cực – Những nhà lãnh đạo năng nổ luôn giữ vững thái độ lạc quan, bất kể họ gặp phải vấn đề gì. Việc thực hành tư duy tích cực tuy khó khăn lúc ban đầu, nhưng thực sự rất đáng để bạn nỗ lực. Mỗi khi bạn đối mặt với thử thách hay thất bại, hãy cố gắng tìm ra ít nhất một “điểm sáng” trong đó. Đó có thể là một điều gì rất nhỏ nhặt, như biết được một người bạn mới, hoặc một cái gì đó có tác dụng lâu dài (ví dụ: học được một bài học quan trọng). Nếu chủ động tìm kiếm, bạn sẽ luôn nhận thấy điểm tích cực trong mọi vấn đề.

4. Đồng cảm

Ở cương vị lãnh đạo, khả năng đồng cảm (empathy) là rất quan trọng để quản lý đội nhóm/ tổ chức thành công. Các nhà lãnh đạo đồng cảm luôn biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Họ hỗ trợ sự phát triển của các thành viên trong nhóm, thách thức những cá nhân có hành động sai trái, đưa ra phản hồi mang tính xây dựng, cũng như sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến và chia sẻ của người khác.

Nếu bạn muốn nhận được sự tôn trọng và lòng trung thành của đội nhóm, hãy cho họ thấy bạn quan tâm đến hoàn cảnh của họ như thế nào.

Bí quyết nâng cao năng lực thấu cảm:

  • Đặt mình vào vị trí của người khác – Thật dễ dàng để ủng hộ quan điểm cá nhân của chính mình! Thế nhưng, để trở nên đồng cảm hơn, bạn cần phải học cách dành thời gian để xem xét tình huống từ quan điểm của người khác.
  • Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể – Khi lắng nghe người khác nói, chúng ta thường có những biểu hiện như: khoanh tay, di chuyển chân qua lại, cắn môi, v.v… Ngôn ngữ cơ thể nói lên rất nhiều về việc bạn thực sự cảm thấy thế nào về vấn đề. Học cách đọc và làm chủ ngôn ngữ cơ thể có ý nghĩa rất quan trọng đối với lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc – qua đó, bạn sẽ biết cách xác định tốt hơn cảm giác thực sự của một người nào đó. Đây sẽ là cơ hội để bạn đưa ra phản hồi cách thích hợp.
  • Đáp lại tình cảm – Hãy thử hình dung bạn yêu cầu trợ lý phải ở lại văn phòng trễ. Dù anh ta đồng ý, bạn có thể nhận thấy rõ sự thất vọng trong giọng nói của anh. Khi đó, hãy đáp lại cảm xúc của người trợ lý. Nói với anh ta rằng bạn đánh giá cao mức độ sẵn sàng làm thêm giờ của anh – rằng bạn cũng thất vọng khi phải về trễ. Nếu có thể, hãy cố gắng tìm cách bù đắp lại (ví dụ: cho anh ấy nghỉ làm buổi sáng thứ Hai).

5. Giao tiếp xã hội

Nhà lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc tốt cũng đồng thời là những chuyên gia về giao tiếp. Họ sẵn sàng tiếp nhận thông tin trái chiều từ nhiều nguồn, và họ rất giỏi trong việc phát huy năng lực và sự hào hứng của nhân viên với một công việc/ dự án mới.

Tham khảo:   Xác định rõ tính cách cho thương hiệu

Kỹ năng xã hội là nền tảng quan trọng để quản lý sự thay đổi và giải quyết xung đột thông qua goại giao. Nhà lãnh đạo với kỹ năng xã hội tốt hiếm khi hài lòng với hiện tại; nhưng đồng thời, họ cũng không ỷ lại và bắt mọi người làm việc. Thay vào đó, họ làm gương bằng chính hành vi của mình.

Bí quyết cải thiện kỹ năng xã hội:

  • Nghiên cứu phương pháp giải quyết xung đột – Người quản lý phải biết cách giải quyết xung đột giữa các thành viên trong nhóm, khách hàng hoặc nhà cung cấp. Kỹ năng quản lý xung đột là yêu cầu tối quan trọng để thành công ở vị trí lãnh đạo.
  • Cải thiện kỹ năng giao tiếp – Giao tiếp là một phần không thể thiếu của công việc lãnh đạo.
  • Học cách khen ngợi người khác – Là người quản lý, bạn có thể truyền cảm hứng gắn kết cho đội nhóm – chỉ bằng cách đưa ra lời khen khi họ hoàn thành công việc.

Bí quyết lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc

Trí tuệ cảm xúc (EQ) đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với thành công ở cương vị quản lý. Sau đây là những việc bạn có thể làm để cải thiện năng lực lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc mỗi ngày:

1. Xây dựng mối quan hệ cá nhân với nhân viên

Khi thể hiện tinh thần sẵn sàng giúp đỡ nhân viên và ghi nhận những nỗ lực của họ, bạn đồng thời thể hiện sự quan tâm đến con người cá nhân của họ. Hành động này là nền tảng xây dựng lòng tin giữa lãnh đạo và các cấp dưới quyền.

2. Tìm hiểu động lực làm việc

Mặc dù lương thưởng và phúc lợi rất quan trọng, đó không phải là yếu tố duy nhất giúp giữ chân nhân viên và nuôi dưỡng tinh thần gắn kết. Trong phần lớn trường hợp, để biết rõ động lực chính thúc đẩy nhân viên, bạn chỉ cần đặt câu hỏi và lắng nghe phản hồi của họ. Một khi hiểu rõ động cơ làm việc của họ, bạn có thể lên kế hoạch cải thiện khả năng duy trì, tác động tích cực đến sự hài lòng với công việc của các thành viên trong tổ chức.

3. Học cách hiểu mọi người

Việc bạn hiểu rõ nhân viên của mình – bản sắc xã hội, trải nghiệm, quan điểm sống của họ – nói lên rất nhiều điều về thái độ sẵn sàng nhìn thế giới qua quan điểm của người khác, một cách không phán xét. Để phát huy tiềm năng nhân viên và thành công trong bối cảnh thị trường hiện tại, nhà lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc phải ý thức rõ những trải nghiệm sống khác nhau của các thành viên – để có thể giúp đội nhóm phát huy hết tiềm năng của họ.

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Facebook
btn-dangkyhoc