Quản trị dự án

Technical debt (Nợ kỹ thuật) là gì?

Nợ kỹ thuật, giống như nợ tài chính, phát sinh từ việc vay mượn từ tương lai để hoàn thành các dự án trong hiện tại. Nhưng nợ kỹ thuật chính xác là gì? Trong quản lý dự án hoặc phát triển phần mềm, nợ kỹ thuật là phép ẩn dụ cho chi phí hoặc hậu quả của việc ưu tiên phân phối (delivery) hơn hiệu suất.

Đối với người quản lý dự án, nợ kỹ thuật có thể tích lũy khi chúng ta bỏ qua các phương pháp, yêu cầu tối ưu nhất để đáp ứng thời hạn của dự án. Đó là chi phí tích lũy để giải quyết các vấn đề phát sinh do quyết định chọn một lộ trình nhanh hơn (lối tắt) thay vì một lộ trình tốt nhất hoặc hiệu quả nhất.

Thuật ngữ “nợ kỹ thuật” đến từ đâu?

Thuật ngữ “nợ kỹ thuật” được đặt ra bởi Ward Cunningham, một nhà phát triển phần mềm nổi tiếng và là một trong 17 tác giả của Bản tuyên ngôn Agile, bao gồm các giá trị và nguyên tắc của tuyên ngôn Agile. Ông đã sử dụng thuật ngữ này để giải thích cho tình huống khi chất lượng của sản phẩm phải hy sinh để đáp ứng các mục tiêu của dự án trong thời gian ngắn.

Nợ kỹ thuật trong Agile là gì?

Agile cho phép các nhà quản lý và nhóm dự án đáp ứng các đổi mới công nghệ, thực hiện phản hồi và giải quyết các vấn đề phát sinh. Trong một môi trường Agile, cải tiến liên tục được xem là chìa khoá thành công cho mọi dự án. Tuy nhiên, luôn có sự đánh đổi, sẽ có vài điều nằm ngoài tầm kiểm soát và dẫn đến nợ kỹ thuật.

Tham khảo:   Assumption (giả định) và Constraint (ràng buộc) trong quản lý dự án là gì?

Bố mẹ bạn đột xuất lên thăm bạn và bạn bắt buộc phải dọn phòng thật sạch sẽ trong vòng 15 phút. Thời gian 15 phút là quá ngắn cho bạn để có thể sắp xếp lại mọi thứ trong phòng nên bạn chọn cách sẽ “giấu” hết tất cả đồ không gọn gàng vào một cái tủ và dọn dẹp nó sau. “Tất cả đồ đạc trong tủ” là nợ kỹ thuật mà bạn đánh đổi để đảm bảo thời gian dọn dẹp căn phòng là 15 phút. 

Cách đo lường nợ kỹ thuật

Chúng ta không thể quản lý những gì chúng ta không đo lường. Nếu không có số liệu rõ ràng, đánh giá chất lượng cũng như kiểm tra và đánh giá sản phẩm thường xuyên, chúng ta không thể nhận ra liệu khoản nợ kỹ thuật của mình đang gia tăng hay đang trong tầm kiểm soát.

Khi bạn thực hiện các lối tắt trong bất kỳ dự án nào, điều quan trọng là phải đo lường tác động, đo lường thời gian và nguồn lực cần thiết để giải quyết bất kỳ vấn đề nào có thể xảy ra. Đồng thời ghi chép và lưu trữ ở một nơi mà toàn bộ nhóm dự án có thể thấy được để đảm bảo tính minh bạch. 

Làm thế nào để tránh nợ kỹ thuật

Một lựa chọn lý tưởng là chủ động ngăn chặn nhóm của bạn trở nên quá phụ thuộc vào nợ kỹ thuật. Các bước sau đây sẽ giúp bạn tránh nợ kỹ thuật:

  • Hướng dẫn team của bạn: Các thành viên trong nhóm càng nhận thức rõ ràng về nợ kỹ thuật thì càng ít khả năng họ vay mượn nợ kỹ thuật.
  • Có kế hoạch dự án rõ ràng: Trước khi đi sâu vào một dự án mới, điều quan trọng là phải xây dựng kế hoạch dự án và chia sẻ với team để làm rõ các mục tiêu và chỉ số của dự án. Thống nhất Definittion of Done – Định nghĩa sự hoàn thành? Ai kiểm tra và phê duyệt các giao phẩm?… Những câu trả lời rõ ràng sẽ cung cấp cho bạn lộ trình cần thiết để triển khai thành công và giảm nợ kỹ thuật.
  • Kiểm tra tất cả các sản phẩm bàn giao: Kiểm tra và xem xét tất cả các sản phẩm bàn giao của dự án để xác định các lỗ hổng càng sớm càng tốt. Điều này cung cấp thời gian và không gian cho nhóm của bạn để loại bỏ lỗi và giảm nợ kỹ thuật.
  • Giao tiếp rõ ràng: Sự thiếu rõ ràng trong giao tiếp là nguyên nhân chính gây ra các lỗi và sai lệch trong quá trình làm dự án, làm tăng nợ kỹ thuật. Bạn có thể giải quyết vấn đề này bằng cách duy trì các kênh liên lạc chung, nơi mà tất cả các thành viên trong nhóm có thể dễ dàng trao đổi và làm việc với nhau.
Tham khảo:   Mô hình năng lực mua hàng/Procurement Competencies

Có phải tất cả các khoản nợ kỹ thuật đều xấu?

Không phải tất cả các khoản nợ kỹ thuật đều xấu. Trên thực tế, một số khoản nợ kỹ thuật là cần thiết, do nguồn lực, thời gian và các hạn chế khác. Đôi khi, chúng ta nên sử dụng lối tắt phát triển phần mềm nếu điều đó giúp nhóm đưa ra các giao phẩm của dự án đúng hạn, phát hành ra thị trường sớm hơn hoặc đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhanh hơn.

Mong một vài kiến thức chia sẻ ở trên hữu ích với bạn, hẹn gặp lại bạn trong các bài viết khác của Masterskills.

Nguồn: wrike.com

 

Xem thêm

PMI-ACP Guide – Hướng dẫn pass PMI-ACP on the first try

Bí kíp thi đậu PMI-ACP®

PMI AGILE CERTIFIED PRACTITIONER (PMI-ACP)® EXAMINATION CONTENT OUTLINE

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo