Kỹ năng Tư duy tích cực

Tư duy tích cực: 5 phương pháp rèn luyện để tiến gần đến thành công

Kỹ năng tư duy tích cực chính là “chìa khóa” giúp bạn thay đổi cuộc sống. Dưới đây là 5 phương pháp định hình lại tư duy để bạn sẵn sàng vươn tới thành công ngay hôm nay!

Năm 1919, một họa sĩ biếm họa trẻ đầy tham vọng đã bị sa thải khỏi một tờ báo của Thành phố Kansas. Biên tập viên nói rằng anh không đủ sáng tạo và nên đi tìm việc ở một nơi khác.

Nếu anh chàng họa sĩ ấy nghe theo ông chủ, quyết định từ bỏ và để những suy nghĩ tiêu cực kiểm soát bản thân, có lẽ chúng ta đã không có đế chế Walt Disney như ngày hôm nay.

Disney đã từng có ý định nghỉ việc hoặc theo đuổi một công việc khác, tuy nhiên ông vẫn không bỏ cuộc. Ông luôn giữ vững niềm tin vào chính mình – rằng ông sở hữu những tố chất cần thiết để thành công, và luôn lắng nghe tiếng nói bên trong để tiếp tục cố gắng.

Nói cách khác, ông đã chọn cách suy nghĩ tích cực – và nhờ đó được truyền thêm sức mạnh để tiến về phía trước, thay vì bị khuất phục bởi nỗi sợ thất bại.

Chính bạn cũng có thể thay đổi cuộc sống của mình – thông qua thực hành tư duy tích cực.

Tư duy tích cực là gì?

“Nếu bạn muốn hạnh phúc, bạn sẽ được y như vậy.”

Abraham Lincoln

Tư duy tích cực là việc tập trung cảm xúc và tinh thần vào những điều tốt đẹp – mong đợi những kết quả có lợi sẽ xảy đến với bạn.

Về cơ bản, đó là khi bạn mong chờ được hạnh phúc, sức khỏe và thành công – rèn luyện bản thân để sẵn sàng suy nghĩ lạc quan và nuôi dưỡng lòng biết ơn đối với thành công của chính bạn và người khác.

Suy nghĩ tích cực không có nghĩa là cố tình phớt lờ những tình huống không mấy dễ chịu trong cuộc sống. Điều đó chỉ có nghĩa là tiếp cận khó khăn theo hướng tích cực, hiệu quả hơn – là tập trung nghĩ về điều tốt nhất có thể xảy ra, thay vì những kết quả xấu nhất.

Đặc điểm tư duy tích cực

  • Lạc quan. Người suy nghĩ tích cực có mong muốn, sẵn sàng nỗ lực và làm mọi việc – thay vì cảnh giác hoặc nghi ngờ năng lực bản thân. Họ sẽ luôn nắm lấy cơ hội và nỗ lực để thành công. Trong cuộc sống, họ luôn tìm cách nhìn vào khía cạnh tích cực của mọi sự.
  • Kiên tâm. Kiên cường khi đối mặt với nghịch cảnh, buồn bã, mất mát, thất vọng hay thất bại là những đặc điểm bạn sẽ tìm thấy ở một người suy nghĩ tích cực. Thay vì chỉ đơn giản từ bỏ, họ sẽ quay trở lại ngay sau khi vấp ngã.
  • Biết ơn. Một trong những biểu hiện của tư duy tích cực là thái độ biết ơn đối với những điều tốt đẹp trong cuộc sống – ngay cả khi người khác cho rằng họ chẳng có gì cả.
  • Chánh niệm. Ngay cả trong những thời điểm khó khăn, những người suy nghĩ tích cực sẽ không để tâm trí của họ bị kích động – nhưng vẫn tỉnh táo và giữ vững hy vọng.
  • Chính trực. Chính trực là yêu cầu rất quan trọng nếu bạn muốn trở thành một người tích cực. Cùng với việc nhìn thấy điều tốt ở người khác, bạn cũng cần rèn luyện thái độ tôn trọng, cũng như tránh xa mọi hành vi lừa dối hoặc phục vụ bản thân.

Vì sao cần phải tư duy tích cực?

Suy nghĩ tích cực có ảnh hưởng như thế nào?

Xin thưa: nó có thể hình thành, hoặc ngược lại hủy hoại cả một con người.

Suy nghĩ ảnh hưởng đến hành động, hành động ảnh hưởng đến thành công trong công việc, cũng như chất lượng các mối quan hệ và cách thức bạn nhìn nhận thế giới.

Chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn không thể xem thường vai trò của tư duy tích cực.

Trên thực tế, nghiên cứu chỉ ra rằng, những đặc điểm tính cách như lạc quan hay bi quan có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và mức độ hạnh phúc của bạn. Suy nghĩ tích cực đi cùng với tinh thần lạc quan là một phần quan trọng trong quản lý căng thẳng.

Sau đây là tổng hợp những lợi ích của tư duy tích cực về phương diện sức khỏe:

  • Gia tăng tuổi thọ.
  • Giảm tỷ lệ trầm cảm.
  • Giảm bớt mức độ đau khổ.
  • Tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất.
  • Phát triển kỹ năng ứng phó với căng thẳng và khó khăn tốt hơn.
  • v.v…

Tư duy tích cực – Chìa khóa thay đổi cuộc sống

Nếu bạn là người có xu hướng bi quan – không sao cả. Suy nghĩ tích cực là một kỹ năng bạn hoàn toàn có thể học được.

Mối quan hệ giữa tư duy tích cực và độc thoại bản thân

Suy nghĩ tích cực thường bắt đầu bằng việc tự trò chuyện với bản thân (self talk). Đó là khi những dòng suy nghĩ không thành lời chạy qua trong tâm trí bạn.

Những suy nghĩ này có thể theo hướng tích cực, cũng có thể tiêu cực. Một số xuất phát từ logic và lý trí, trong khi số khác nảy sinh từ những quan niệm sai lầm của chính bạn.

Nếu những suy nghĩ hiện ra trong đầu bạn hầu hết là tiêu cực, thì cái nhìn của bạn về cuộc sống sẽ theo chiều hướng bi quan. Ngược lại, nếu suy nghĩ của bạn chủ yếu là tích cực, bạn sẽ trở nên lạc quan yêu đời hơn.

Tham khảo:   Ngừng bận tâm đến những điều này để hạnh phúc hơn

Tư duy tích cực – bạn chính là những gì bạn nghĩ

Sức mạnh của tư duy tích cực: Câu chuyện của Jay và Fariha

Câu chuyện của Jay và Fariha là một ví dụ thực tế về quyền năng của tư duy tích cực trong cuộc sống.

Một trong những điều đầu tiên Fahira nhận thấy nơi Jay là sự tích cực – . Jay thực hành lòng biết ơn mỗi ngày và luôn hết lòng nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực. Anh đã chia sẻ những điều này với Fahira, và cả hai cùng tham gia chương trình đào tạo “Unleash the Power Within” – nơi Fariha học được những phương pháp giúp thay đổi tư duy và bắt đầu kiến tạo cuộc sống hằng mơ ước.

Từ việc giúp duy trì kết nối với đối tác – đến việc hỗ trợ phát triển văn hóa doanh nghiệp, suy nghĩ tích cực sẽ đưa cuộc sống của bạn lên một tầm cao mới.

Giống như Fariha, suy nghĩ tích cực có thể không đến với bạn một cách tự nhiên. Thế nhưng, khi bạn chịu khó dành thời gian áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của mình, chắc chắn kết quả sẽ đến với bạn.

5 phương pháp rèn luyện tư duy tích cực

Điều quan trọng đầu tiên bạn cần “ghi tâm khắc cốt” là: tất cả đều tùy thuộc vào chính bạn.

Chìa khóa tư duy tích cực là làm chủ cảm xúc bản thân, để từ đó bạn có thể kiểm soát tư duy – bất chấp những tác động từ bên ngoài.

Bằng cách chịu trách nhiệm về những gì bản thân suy nghĩ, hành động và cảm nhận, mọi thứ trong cuộc sống sẽ diễn ra theo đúng như bạn mong muốn.

Đôi khi, chúng ta không thể làm chủ những gì xảy ra trong cuộc sống – nhưng lại có thể kiểm soát cách ta phản ứng với những điều đó.

Một khi cho phép bản thân thay đổi những gì nằm trong tầm kiểm soát của mình, đó là lúc bạn sẵn sàng để phát huy sức mạnh của tư duy tích cực.

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu với bạn 5 cách rèn luyện tư duy tích cực.

1. Học cách kiểm soát trạng thái của bản thân

Đã bao giờ bạn để ý rằng, nếu vừa trải qua một ngày tồi tệ, ngôn ngữ cơ thể của bản thân cũng sẽ phản ánh điều ấy?

Khả năng lớn là bạn sẽ ngã người trên ghế, khoanh tay và tránh giao tiếp bằng mắt với người đối diện. Bạn không tập trung và để mọi thứ xung quanh tùy ý kiểm soát cảm xúc của mình.

Đây không phải một trạng thái tốt – nó báo hiệu cho những người xung quanh rằng bạn đang bất an, tức giận hoặc buồn bã và muốn được ở một mình. Từ đó, bạn sẽ nhận lại phản hồi giống như những gì đã thể hiện ra.

Tư duy tích cực liên quan nhiều đến cơ thể cũng như não bộ của bạn. Do đó, hãy học cách kiểm soát tình trạng sinh lý của cơ thể – thông qua việc tự tin thể hiện bản thân và suy nghĩ tích cực.

Điều chỉnh tư thế của bản thân sao cho phù hợp với thông điệp mà bạn muốn phát ra cho mọi người xung quanh – rằng bạn đang cảm thấy mạnh mẽ và tích cực, đồng thời sẵn sàng lắng nghe họ. Bên cạnh đó, hãy cố gắng từ bỏ những thói quen thể hiện sự lo lắng, chẳng hạn như bồn chồn hoặc xoắn tóc – ngay khi có dấu hiệu khởi phát.

Kỹ thuật này đòi hỏi bạn phải quan sát bản thân thật kỹ. Ngay khi bạn bắt đầu cảm thấy lo lắng hoặc suy sụp, hãy đứng thẳng người lên.

Khi cơ thể ở trong một tư thế quyền lực, suy nghĩ tích cực có thể “lưu thông” trong bạn một cách hiệu quả hơn.

Khi nhận được những dấu hiệu tích cực từ bạn, mọi người xung quanh cũng sẽ phản hồi theo chiều hướng tích cực. Khi bạn thể hiện sự tích cực và người khác nhìn nhận bạn theo cách tích cực, bạn sẽ lại tiếp tục suy nghĩ tích cực hơn. Cứ như vậy, vòng tuần hoàn này diễn ra liên tục.

2. Điều chỉnh cách suy nghĩ

Điều chỉnh tâm sinh lý chỉ là một phần của vấn đề – điều quan trọng là bạn phải nắm bắt được nguyên nhân dẫn đến sự tiêu cực ban đầu.

Tư duy sẽ chi phối những suy nghĩ lướt qua bạn, cũng như cách bạn cảm nhận và phản ứng với chúng. Nếu tư duy của bạn không vững chắc, mọi thứ xung quanh sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Lấy ví dụ: Bạn đang ở sân bay và nhận được tin chuyến bay bị hoãn lại bởi những thủ tục kiểm tra an ninh “rườm rà”. Sau đó, nhân viên hàng không có hành xử thô lỗ với bạn. Một nhân viên khác tình cờ nghe được, xin lỗi và đề nghị đổi vé lên hạng thương gia cho bạn.

Vậy sau khi đã lên máy bay, bạn có còn phiền lòng về những vấn đề mà mình phải đối mặt ở sân bay, hay cảm thấy biết ơn vì chỗ ngồi rộng rãi và ly cocktail miễn phí?

Bạn xem sự trì hoãn đó là lãng phí thời gian – hay là một cách để dành thời gian cho bản thân?

Bạn có tự động trở lại với tư duy tích cực – hay sẽ để suy nghĩ tiêu cực cuốn mình đi?

Tham khảo:   Điều chỉnh tư duy theo hướng tích cực cho bản thân

Trong bất kỳ tình huống nào, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn tập trung vào mặt tiêu cực hoặc tích cực của vấn đề.

Nếu quyết định chú tâm vào những điều đang làm phiền bạn, tức là bạn đang “thu hút” những tác động tiêu cực đến. Khi bạn thể hiện sự cau có và tức giận, phản ứng nhận lại từ những người xung quanh sẽ không mấy thân thiện. Hệ quả là những tình huống tiêu cực sẽ càng xảy ra nhiều hơn.

Cuối cùng, bạn quên mất mình có thể cho phép bản thân giải quyết mọi vấn đề, và bắt đầu tin rằng bạn không thể suy nghĩ tích cực nữa. Bạn thậm chí có thể đưa ra những hành động đáp trả hoặc trừng phạt đối phương và những người xung quanh, làm xói mòn đi các mối quan hệ và tăng thêm phần cay đắng.

Tư duy tích cực giúp bạn sẵn sàng kềm chế cơn thịnh nộ và những cảm giác thoải mái, cho phép bản thân tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn. Bằng cách tập trung có ý thức vào những khoảnh khắc tích cực trong cuộc sống, bạn sẽ bắt đầu điều chỉnh lại suy nghĩ của mình, nuôi dưỡng lòng biết ơn và cởi mở hơn – thay vì cảm thấy tiêu cực và khép mình lại.

3. Thay đổi thói quen

Bạn sẽ không thể hình thành thói quen mới và khai thác sức mạnh của tư duy tích cực – nếu bạn không ý thức được về những thói quen hiện tại của mình.

Liệu có điều gì khiến bạn rơi vào vòng xoáy tiêu cực của sự thiếu tự tin không? Bạn phản ứng với khó khăn một cách cởi mở hay phòng thủ? Những phản ứng đó là gì?

Có thể bạn cảm thấy kích động mỗi khi nghĩ đến việc được thăng chức trong công ty. Suy nghĩ này đưa bạn đến một nơi “đen tối”, lấn át hoàn toàn những suy nghĩ tích cực. Bạn bắt đầu tính toán thời gian mình đã gắn bó với công ty – và thắc mắc tại sao mình vẫn chưa được thăng chức.

Liệu sếp có biết điều gì mà bạn không biết? Hay họ cho rằng bạn không đủ năng lực? Bạn bắt đầu đặt nghi vấn đối với năng lực bản thân, rồi phân vân có nên tiếp tục cố gắng. Thậm chí, bạn có thể còn đi xa hơn khi nghĩ đến ý định bỏ cuộc…

Hãy nghĩ về khoảng thời gian bạn đang lãng phí cho thói quen tiêu cực này. Sự thiếu tự tin hầu hết đều bắt nguồn từ nỗi sợ hãi – đa phần là nỗi sợ thất bại.

Khi bạn làm gì đó và gặp thất bại, bạn cảm thấy như không thể chịu đựng nổi. Tâm trí bạn bắt đầu đưa ra đủ loại lý do vì sao nên từ bỏ.

Nếu nhượng bộ cho những suy nghĩ tiêu cực này, bạn có thể sẽ không thất bại – nhưng điều chắc chắn là bạn sẽ trì trệ, mà điều này còn tệ hại hơn là thất bại. Như Tony Robbins từng nói:

Nếu bạn không phát triển, tức là bạn đang chết đi

Nếu thất bại, ít nhất bạn còn có thể học được điều gì đó. Nhưng nếu bạn trì trệ, sẽ chẳng có gì để hy vọng cả.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn hành động ngược lại, tái tập trung năng lượng và hình thành thói quen suy nghĩ tích cực? Những suy nghĩ tích cực sẽ giúp bạn ngăn chặn vòng xoáy của sự nghi ngờ.

Bằng cách rèn luyện tâm trí suy nghĩ theo hướng tích cực, nỗi sợ hãi sẽ không thể kiểm soát bạn nữa. Đó chính là sức mạnh của tư duy tích cực.

4. Cẩn trọng trong lời nói

Một biện pháp để có tư duy tích cực khác là thay đổi cách nói chuyện của bạn. Những từ ngữ bạn sử dụng – cả khi trò chuyện và trong suy nghĩ – đều tác động sâu sắc đến tư duy của bạn.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng độc thoại tích cực giúp cải thiện trạng thái tâm lý, hỗ trợ điều chỉnh cảm xúc cũng như mang lại nhiều tác dụng khác. Từ ngữ bạn nói ra ảnh hưởng không nhỏ đến cách người khác phản hồi lại – một lần nữa tạo ra “vòng tròn” tích cực hoặc tiêu cực.

Trước khi quyết định thay đổi cách nói chuyện, bạn cần biết bản thân đang sử dụng những từ ngữ nào. Hãy lưu ý cách bạn phân loại và mô tả vấn đề trong lúc đối thoại, đặc biệt là cảm xúc cá nhân.

Bạn có thực sự cảm thấy “kinh khủng” về bài thuyết trình đó, hay chỉ lo lắng một chút? Bạn đang thực sự “tức giận” với đối tác của mình, hay chỉ khó chịu nhẹ với một thói quen xấu của họ?

Khi bạn xem xét lại từ ngữ của mình và sử dụng những từ ít mang tính cảm xúc hơn, bạn sẽ nhận thấy tư duy của mình trở nên hòa hợp hơn với suy nghĩ tích cực.

Viết ra những từ tiêu cực mà bạn sử dụng hằng ngày cũng là một phương pháp tốt để rèn luyện tư duy tích cực. Đối với mỗi từ phủ định, hãy viết một từ khẳng định bên cạnh. Ghi nhớ những từ ngữ này để thay thế cho những cuộc trò chuyện sau.

Bạn có nhận thấy sức mạnh áp đảo của tư duy tích cực? Hãy thử lựa chọn một khía cạnh của cuộc sống gây ra những suy nghĩ tiêu cực cho bạn – chẳng hạn như công việc hoặc các mối quan hệ. Hình dung ra chính mình trong những khoảnh khắc đó – và bắt đầu xây dựng lại hệ thống ngôn từ của bản thân.

Tham khảo:   Thái độ của bạn sẽ quyết định và làm thay đổi cuộc đời bạn

5. Tìm đến những người bạn ngưỡng mộ

Hãy nghĩ về một người nào đó có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của bạn. Đó có thể là bạn thân, thành viên gia đình, hoặc người mà bạn chưa từng gặp, chẳng hạn như một vận động viên chuyên nghiệp, doanh nhân hoặc một người nổi tiếng nào đó.

Họ sống theo những phương châm nào? Có phải họ đã có được một cuộc sống phi thường nhờ vào những thói quen tư duy tích cực không?

Rất có thể, họ đã sử dụng sức mạnh của suy nghĩ tích cực để đạt được thành công cho riêng mình, và bạn cũng có thể làm điều tương tự.

Khi bạn bắt đầu cảm thấy bản thân rơi vào trạng thái tiêu cực và không thể tìm ra lối thoát, hãy tìm đến một câu nói truyền cảm hứng của người mà bạn ngưỡng mộ. Nghiền ngẫm và suy nghĩ về cách tốt nhất để áp dụng câu nói ấy cho bản thân.

Bạn cũng có thể viết ra câu nói đó và đặt ở nơi mình có thể nhìn thấy thường xuyên, chẳng hạn như trước tủ lạnh hoặc bên cạnh màn hình máy tính.

Sẽ càng tốt hơn nếu người bạn ngưỡng mộ là người quen biết và có thể cố vấn (mentor) cho bạn. Hãy nhấc điện thoại lên gọi cho họ và thể hiện mong muốn được lắng nghe họ chia sẻ về cách tư duy tích cực.

Phương pháp nhận diện suy nghĩ tiêu cực

Bạn không chắc liệu những suy nghĩ của mình là tích cực hay tiêu cực? Sau đây là tổng hợp những hình thức suy nghĩ tiêu cực phổ biến:

  • Chọn lọc. Bạn phóng đại những khía cạnh tiêu cực của một tình huống và bỏ qua tất cả những mặt tích cực. Ví dụ, bạn đã có một ngày làm việc tuyệt vời. Bạn hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn và được khen ngợi vì đã thực hiện công việc một cách nhanh chóng và kỹ lưỡng. Buổi tối hôm đó, bạn chỉ tập trung vào kế hoạch thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn – mà quên mất những lời khen mình đã nhận được.
  • Cá nhân hóa. Khi một điều tồi tệ xảy ra, bạn tự động đổ lỗi cho chính mình. Ví dụ, bạn nghe nói có một cuộc hẹn với bạn bè bị hủy, và bạn cho rằng việc thay đổi kế hoạch là vì không ai muốn ở bên mình.
  • Phóng đại. Bạn tự động lường trước những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Cửa hàng cà phê làm sai đơn đặt hàng của bạn, và bạn nghĩ rằng phần còn lại trong ngày sẽ là một “thảm họa”.
  • Phân cực. Bạn thấy mọi thứ hoặc là tốt, hoặc xấu, không có trạng thái trung lập. Bạn cảm thấy rằng nếu không thể trở nên hoàn hảo, bạn là một kẻ thất bại hoàn toàn.

Làm chủ tư duy tích cực thông qua thực hành mỗi ngày

Giữ tâm trí tích cực cần trở thành một thói quen hàng ngày của bạn. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng những trải nghiệm và sức mạnh mà suy nghĩ tích cực mang lại cho cuộc sống của bạn thực sự rất xứng đáng.

Bạn có thể bắt đầu ngày mới bằng cách thiền định hoặc thực hành khẳng định tích cực. “Nghi thức” buổi sáng này sẽ định hình “giai điệu” và “màu sắc” trong ngày, đưa bạn vào lối tư duy đúng đắn và trải nghiệm ngày sống một cách tốt đẹp hơn.

Nếu bạn có thói quen suy nghĩ tiêu cực, việc trở thành người lạc quan trong một sớm một chiều là không thể. Tuy nhiên, bằng cách không ngừng luyện tập, hạn chế tự phê bình và chấp nhận bản thân nhiều hơn, bạn sẽ học được cách ít phán xét thế giới xung quanh hơn.

Khi tâm trí ở trạng thái lạc quan, bạn sẽ có thể đối mặt với căng thẳng hàng ngày theo chiều hướng xây dựng hơn. Đây chính là lúc cuộc sống của bạn bắt đầu thay đổi – sang một trang mới.

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo