Kỹ năng Tư duy tích cực

Tư duy tích cực có thể thay đổi số phận của bạn

Nếu xét về mặt tâm lý, thì tư duy tích cực là điều giúp cho con người có sự tự tin, để từ đó có thể khám phá ra những tiềm năng vô tận của bản thân. Nhờ các năng lượng mà ta gọi là nội lực này được tác động khiến cho con người có thể phát triển, vượt qua mọi thách thức. Ngược lại tư duy tiêu cực làm con người trở nên sợ hãi, mất niềm tin vào bản thân, dễ bị áp lực từ bên ngoài để trở nên lệ thuộc, tự đánh mất phẩm chất của con người.

Nếu xét về mặt xã hội thì tư duy tích cực là nguồn sáng tạo trong mỗi con người và ngay tại trong gia đình, với tư duy tích cực thì mỗi thành viên sẽ góp phần hình thành một môi trường lành mạnh để nuôi dưỡng nhân cách, phát triển tài năng. Ngược lại, với những gia đình mà tư duy tiêu cực hiện diện, nó sẽ làm xói mòn tình cảm và sự tôn trọng giữa các thành viên, tạo thành một môi trường bệnh hoạn, hình thành những thói quen bạo hành và gia trưởng, độc đoán và là cội nguồn của những cá nhân ích kỷ, tham lam và độc đoán sau này.

Tư duy hay suy nghĩ là cái cốt lõi trong quá trình nhận thức, là hiện tượng tâm lý chỉ có ở người. Nhờ có tư duy, con người mới hơn loài vật và tác động chi phối thế gới tự nhiên. Và qua tư duy, con người mới nhận biết được thế giới một cách cụ thể và sâu sắc hơn.

Vậy để trả lời cho câu hỏi: “Làm thế nào để có tư duy tích cực?” trước hết chúng ta cần phải biết tư duy là gì? Tư duy tích cực là gì? Và tại sao phải tư duy tích cực?

Tư duy là quá trình nhận thức, phản ánh những thuộc tính bên trong bản chất, những mối liên hệ và quan hệ có tính chất quy luật của sự vật, hiện tượng khách quan hay nói cách khác tư duy là một quá trình tâm lý, đi tìm kiếm và phát hiện cái mới.

Như chúng ta đã biết để có một cơ thể khỏe mạnh, chúng ta cần ăn uống đầy đủ, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Đây chính là thực phẩm, những hoạt động cần thiết cho cơ thể. Còn đâu là thực phẩm cho tinh thần. Tinh thần chúng ta cần những thực phẩm bổ dưỡng gì? Chính những thực phẩm bổ dưỡng đó là suy nghĩ hay tư duy tích cực. Vậy tư duy tích tực là gì?

Tư duy tích cực là nghĩ đúng, nhắm trúng – thành công với quan điểm tư duy tích cực. Tư duy tích cực chính là “sống tích cực” hay “thái độ tích cực” khi nhìn mọi sự, mọi vật, mọi vấn đề ta luôn luôn thấy cái hay, cái đẹp, cái tốt; nếu thấy cái xấu ta có khả năng biến cái xấu thành cái tốt; và luôn luôn hướng đến hành động đến mọi sự tốt đẹp. Hay nói ngắn gọn hơn tư duy tích cực là một đầu óc tích cực luôn đề cập đến sự vui sướng, hạnh phúc, lành mạnh và kết quả thành công trong mọi tình huống, mọi hành động.

Tư duy hay suy nghĩ của chúng ta cũng giống như những hạt giống, mỗi suy nghĩ sẽ đơm hoa kết trái để tạo ra một hương vị riêng biệt. Suy nghĩ có thể là sự sáng tạo hay phá hủy, yêu thương hay thù hận, nâng đỡ hay vùi dập. Khi chúng ta hiểu và học cách kiểm soát những ý nghĩ của bản thân thì chúng ta sẽ trải nghiệm được sự bình an, niềm hạnh phúc và sự vững vàng trong tâm hồn. Suy nghĩ tích cực mang lại lợi ích cho chính bản thân chúng ta và người khác, nó dạy chúng ta cách hành động thay vì phản ứng.

Bạn đã bao giờ dừng lại để quan sát những hình ảnh đang hiện diện trong tâm trí bạn cũng như những suy nghĩ mà bạn tạo ra? Theo tính toán, mỗi người trung bình có khoảng 30.000 – 50.000 ý nghĩ mỗi ngày. Một tâm trí đang trong tình trạng stress sẽ tạo ra nhiều suy nghĩ hơn, có thể lên đến 80.000 suy nghĩ. Hẳn bạn đã từng rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh vì gặp phải một sự kiện đột ngột xảy ra trong đời, lúc ấy có đến hàng ngàn ý nghĩ chạy dồn dập trong đầu bạn.

Tâm trí chúng ta có một khả năng rất lớn, làm việc không ngừng nghỉ ngay cả khi ngủ. Như đã nói, suy nghĩ chính là hạt giống cho những hành động và cảm xúc. Vì vậy, bằng cách tạo nên những suy nghĩ tích cực và lành mạnh, chúng ta đã kích hoạt tiềm năng tích cực của chính mình.

Cuộc đời bạn là tổng kết những lựa chọn (bao gồm có ý thức hay không có ý thức) của bạn. Nếu bạn có thể kiểm soát được quá trình lựa chọn của mình, bạn cũng có thể kiểm soát được tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc đời của bạn. Bạn có thể tìm thấy sự tự do từ việc chịu trách nhiệm về chính bản thân mình.

Tư duy tích cực giúp chúng ta luôn nhìn cuộc sống một cách lạc quan, biết cách chuyển những tình huống khó khăn thành thuận lợi không những cho bản thân mà còn cho người khác.

Tư duy tích cực là biết nắm bắt những khoảnh khắc tốt đẹp của cuộc sống một cách trọn vẹn và sáng tạo, phù hợp với từng thử thách, biết tự tạo ra cơ hội từ thử thách.

Tư duy tích cực nhằm khơi dậy những khả năng còn tiềm ẩn ở bản thân mỗi người, giúp chúng ta sống với tâm trạng quân bình, kiên nhẫn, khiêm nhường, chân thật và với một tâm trí rộng mở để có thể thay đổi cuộc sống mỗi ngày.

Tại sao bạn nên rèn luyện tư duy tích cực?

Khi bạn nghĩ rằng mọi chuyện đang xấu đi và rằng mình sẽ thất bại, suy nghĩ đó sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ và có xu hướng trở thành sự thật. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn đang phấn đấu để đạt được thành công hoặc đang kêu gọi sự hỗ trợ của mọi người giúp bạn thành công. Suy nghĩ của bạn sẽ quyết định bạn thành công hay thất bại. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng những suy nghĩ đó luôn “ủng hộ” bạn.

Có thể nói, trừ những người có những khó khăn rối nhiễu về tâm lý ngay từ lúc mới sinh, hay bị những tổn thương về trí tuệ khiến họ chậm phát triển về nhiều mặt, thì hầu như ai cũng đều có khả năng hình thành và phát triển điều mà nhiều khi phải tìm kiếm, học hỏi rất khó khăn. Đó là cách nghĩ, cách nhìn với tư duy tích cực về cuộc sống và về kỹ năng giao tiếp. Nhiều người thường nhìn nhận cuộc sống một cách đơn giản và tự nhiên, nhưng chính những ứng xử của bố mẹ, của thầy cô và bạn bè làm không ít bạn trẻ “vỡ mộng” lần hồi mà bắt đầu ngày càng trở nên bi quan với cuộc sống xung quanh, nhất là với những gia đình không hình thành được những mối tương giao lành mạnh.

Với một số bạn trẻ cũng thế, khi còn là học sinh thường có những ước vọng, đôi khi khá viễn vông hay quá khích dù rất tốt đẹp. Khi họ bước vào cuộc đời thường có những mong ước, khát vọng đóng góp năng lực để làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Thế rồi, khi tiếp cận với những công việc, những vấn đề thì thực tế không giống với những gì mình hình dung, và thế là vỡ mộng, là thất vọng, từ đó hình thành những cái nhìn tiêu cực về cuộc sống. Cũng có khi họ sẽ chấp nhận để “hòa nhập” với những tính chất ấy và không còn giữ được thái độ tích cực trong mọi lĩnh vực nữa.

Thực ra, đối với cuộc sống hiện nay cũng khó mà có được một cái nhìn vô tư và tích cực với quá nhiều những bất công và phi lý diễn ra hằng ngày. Nhưng đối với trẻ em, học sinh hay thậm chí ở lứa tuổi sinh viên thì chính sự gìn giữ cho các em những suy nghĩ tích cực về cuộc sống, về những cách ứng xử của mọi người sẽ giúp cho em có được một bản lĩnh để gìn giữ và hình thành những tư duy tích cực sau này khi các em trưởng thành.

Bốn nhóm tư duy thường gặp

Người ta thống kê rằng mỗi ngày trí óc ta sản sinh ra khoảng 30.000 đến 50.000 ý nghĩ. Trong con số khá lớn này, liệu có bao nhiêu ý nghĩ là có ích và bao nhiêu đã làm mất năng lượng một cách vô ích? Để phân loại chúng, người ta chia ý nghĩ thành bốn nhóm:

(1) Tư duy tích cực: là những suy nghĩ có lợi không những cho mình mà cho cả người khác như: tự tin, lạc quan, yêu thương, bao dung, đoàn kết…

Tham khảo:   Câu chuyện 52 chiếc lá tư duy tích cực diệu kỳ

(2) Tư duy tiêu cực: là những suy nghĩ làm tổn hại đến mình và đến người khác như: tự ti, ganh tỵ, mặc cảm, ích kỷ… “May mà tôi không vớ phải cô ta!” cũng thuộc nhóm câu “Nho trên cành còn xanh lắm!” có lợi cho mình, nhưng không có lợi cho người khác (vì cô ấy đang bị bạn nói xấu).

(3) Tư duy lãng phí: là những suy nghĩ “rác”, nghĩ vơ vẩn về những gì đã qua hoặc chưa đến làm tiêu hao năng lượng và mất thời gian của hiện tại. Một thí sinh trong phòng thi mà lại mơ tưởng đến chuyến đi nghỉ sắp tới hay tưởng tượng thầy giám thị tặng cho đáp án thay vì tập trung vào làm bài thì thật là đang tư duy lãng phí.

(4) Tư duy cần thiết: là những suy nghĩ cần thiết về công việc đang phải làm, đang phải giải quyết. Như thầy cô giáo thì phải suy nghĩ về bài giảng, diễn viên suy nghĩ cách nhập vai hay người hùng thì phải nghĩ cách chứng minh điều đó…

Lối tư duy góp phần quyết định chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta. Tất cả các ý nghĩ sinh ra dù cần thiết hay không, dù tiêu cực hay tích cực thì nó cũng làm ảnh hưởng đến cảm xúc, lời nói và hành động. Và vô hình trung nó cũng sẽ ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến chúng ta tùy theo điểm xuất phát của nó thuộc loại tư duy nào.

3. Tư duy tích cực trong kinh doanh

Tư duy tích cực cần cho tất cả mọi người. Tuy nhiên trong các công ty thương mại, những người được huấn luyện tư duy tích cực dữ dội nhất là những đội quân bán hàng và tiếp thị. Đây là những đội quân tiên phong trên chiến trường, mang tiền về cho doanh nghiệp. Họ là mạch máu của doanh nghiệp. Tất cả các ngành nghề khác trong doanh nghiệp đều là hậu cần của đội tiền phong này. Nếu đội này thất trận là cả doanh nghiệp sẽ thua lỗ. Cho nên đội ngũ bán hàng và tiếp thị phải luôn luôn là những chiến sĩ ưu tú, đánh đâu thắng đó, không sợ thua.

Việc huấn luyện đội ngũ bán hàng và tiếp thị nhắm vào một việc duy nhất – họ phải luôn luôn vui vẻ yêu đời, luôn luôn tin là mình sẽ thắng, luôn luôn quyết thắng, không có chữ “thất bại” trong tự điển của họ.

Việc huấn luyện ở đây không có nghĩa là một vài lớp học, học xong lấy chứng chỉ là xong. Nó là sự đúc kết kinh nghiệm trong suốt quá trình làm việc. Các cuộc họp hàng ngày, họp hàng tuần, picnic, đi chơi chung thường xuyên… chỉ nhắm vào một điểm duy nhất – giữ cho mọi người tích cực, tích cực, và tích cực.

Thế thì những điểm nào được chú trọng nhất trong tiến trình đào tạo đó?

Nói chung, kỹ thuật thì nhiều, nhưng có thể tạm chia thành bốn nhóm: Tư duy tích cực về chính mình, tư duy tích cực về mọi người, tư duy tích cực về sản phẩm và công việc của mình, và tác phong tích cực trong giao tiếp.

(1) Tư duy tích cực về chính mình

Muốn thành công, bạn hãy luôn tâm niệm trong lòng mình “Tôi làm được, tôi phải làm được, tôi sẽ thành công, tôi sẽ chiến thắng!”

Tôi có thể làm những gì tôi muốn. Bạn luôn có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Một đứa trẻ lớn lên có thể trở thành một chính khách vĩ đại, một thương gia giàu có, một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử. Cũng như Siemens, người khi còn bé có một gia cảnh cực kỳ khó khăn, nhưng ông đã kiên quyết đeo đuổi việc học và nghiên cứu để trở thành một chuyên gia cơ khí, một thương gia lỗi lạc của thế giới, và ông được vinh danh đặt tên cho hãng điện tử Siemens nổi tiếng ngày nay.

Tự kỷ thành công của mình. Đây là một cách tự kỷ để giúp cho tinh thần của bạn thêm phấn chấn. Bạn hãy hỏi: “Mình sẽ được gì nếu đạt được mục tiêu đề ra?” và hãy liệt kê những “thành quả tương lai” của bạn. Thành công trong tâm tưởng bạn sẽ “quyến rũ” thành công thực sự.

Luôn nuôi dưỡng động lực mọi lúc mọi nơi. Hãy viết ra những mục tiêu của bạn trên giấy và luôn đem theo chúng bên mình để xem đi xem lại khi có thể. Nếu mục tiêu là “vật hữu hình”, hãy vẽ nó ra và đặt ở những nơi quan sát được. Điều này sẽ giúp bạn hâm nóng bầu nhiệt huyết của mình.

Nghĩ tốt về mình: mình có tài, mình thông minh, mình làm việc chăm chỉ, mình đẹp, mình có duyên… Người tiêu cực nghĩ về chính mình không thể bán hàng hay tiếp thị được, vì nếu chính mình mà còn không thấy được cái hay của mình thì làm sao thấy được cái hay của sản phẩm mà mình đang kinh doanh.

Luôn luôn nói chuyện với nụ cười và vui vẻ. Ví dụ: “Hôm nay chị thế nào?” “Hôm nay trời nắng đẹp, em rất vui, và công việc đầy một bàn, bận rộn là em vui rồi”. (Thay vì: Hôm nay nóng mệt quá. Công việc lại dồn đống, quá mệt). Ngay cả khi bị bệnh, thì câu trả lời vẫn tích cực: “Mấy hôm nay ốm phải ở nhà, hôm nay em đi làm được rồi. Vẫn còn nhức đầu một tí. Nhưng đi làm được là em vui rồi”. (Thay vì: Em vẫn còn bệnh, nhưng phải cố đi làm, sợ công việc dồn đống).

(2) Tư duy tích cực về mọi người

Tất cả khách hàng đều là bạn tốt của mình. Công việc của mình là giúp đỡ bạn mình.

Hàng bán được hay không, không quan trọng. Tình cảm và liên hệ “bạn bè” giữa mình và khách hàng mới là điều quan trọng. “Liên hệ tốt” sẽ tự động bán được hàng cho mình.

Tất cả khách hàng bước vào cửa hàng của mình, dù có mua hay không, đều là những người có thể quảng cáo cho mình với thân nhân bè bạn của họ. Cho nên, mua hay không là chuyện phụ, làm cho họ vui vẻ và yêu mình là chuyện chính. Cho nên, hãy xem họ như bạn.

(3) Tư duy tích cực về sản phẩm và công việc

Mình biết được công dụng của sản phẩm mới này, nó rất tiện lợi cho việc nấu nướng mình rất thích món hàng đó, mình dùng nó, và mình muốn chia sẻ với các bạn về món hàng đó để các bạn  cũng có được những lợi ích mà mình đang có.

Công việc của mình là giới thiệu đến bạn bè của mình một sản phẩm tốt, giúp bạn có được những lợi ích mà sản phẩm đó mang lại. Đây là “giúp bạn” chứ không chỉ là “bán hàng”.

(4) Tư duy tích cực trong giao tiếp với khách hàng

Khách hàng là bạn. Nếu bạn hỏi câu nào thì trả lời thành thật. Nếu bạn không hiểu điều gì thì giúp bạn hiểu.

Không nói chuyện kiểu tiêu cực. Tiêu cực thường bắt đầu bằng, “tôi không thích …”, “tôi ghét…”, “tôi khinh thường…”, “mấy loại người đó..”, …

Không chê bai sản phẩm của các công ty cạnh tranh với mình. Nếu được hỏi về sản phẩm của công ty khác, câu trả lời thường xuyên là: “Tôi mê hàng của công ty tôi nên tôi không dùng hàng của các công ty khác…”

Không nói chuyện về các vấn đề tiêu cực. Như, chiến tranh ở Iraq, tin người chết đâu đó… Nếu khách nói chuyện tiêu cực thì ừ hử cho qua chuyện, nhưng nếu có dịp là hướng khách về những chuyện vui vẻ yêu đời.

Mục đích của nói chuyện là “cùng vui với bạn” chứ không phải là cố bán hàng. Làm cho khách vui và giúp khách hiểu rõ các tiện ích liên quan đến sản phẩm. Nếu khách không mua, cũng vui vẻ và cảm ơn như là khách mới mua món hàng. Khách không mua (có thể vì tìm không ra món họ cần‎) nhưng vẫn có thể giới thiệu người quen vào cửa hàng, nếu khách thích mình.

Tóm lại, công việc của mình không phải là “bán hàng”, mà là “xây dựng mối liên hệ bạn bè”. “Liên hệ” sẽ làm việc bán hàng cho mình. Công việc của mình là tạo dựng và bảo trì “liên hệ”. Các kỹ thuật buôn bán và tiếp thị này thực ra cũng là qui luật sống tích cực cho tất cả chúng ta, trong kinh doanh.

4. Luyện tập tư duy tích cực trong cuộc sống

Là một doanh nhân, đối mặt với thử thách và thất bại là công thức đi đến thành công của doanh nghiệp. Rèn luyện tư duy tích cực có thể giúp bạn phát triển sự bền bỉ và khả năng va chạm.

Con người luôn có những định kiến tiêu cực và thái độ bi quan về thất bại, Matthew Dalla Porta, một nhà tâm lý học và chuyên viên cố vấn, cho biết. Bộ não luôn phản hồi và lưu trữ những thông tin xấu. Dù việc nhận thức được vấn đề và đối mặt với thất bại là bước đầu giúp ta tìm ra phương án giải quyết tối ưu, nhưng chúng ta thường xuyên dằn vặt bản thân về những lỗi lầm đã phạm phải.

Tham khảo:   Câu chuyện về Nửa cốc nước đầy

Mỗi chúng ta có một con người phi thường đang say ngủ. Mỗi người đều có thực tài, có năng khiếu và có cả một chút khí chất thiên tài chỉ đang chờ bạn đánh thức… Chính vì vậy, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm cho chính suy nghĩ, lời nói và hành động của mình. Mỗi người đều có quyền nghĩ, nói và hành động theo ý mình.  Cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, ta luôn là người quyết định cách mình phản ứng trước sự việc đó. Suy nghĩ tích cực, hành động tích cực sẽ luôn dẫn đến kết quả tích cực.

Không biết đã bao nhiêu lần chúng ta buông tay từ bỏ khi mà chỉ cần thêm một chút nỗ  lực nữa… Thường chúng ta muốn bỏ cuộc khi kết quả xuất hiện không như ý muốn. Ta gieo hạt tốt nhưng quả xấu lại xuất hiện, rồi ta hoài nghi liệu quy luật này có đúng hay không? Thực ra, mỗi hạt giống đều có thời gian nảy mầm và lớn lên riêng. Rau muống sau một vài tuần là có thể thu hoạch trong khi xoài phải mất vài năm mới cho quả. Vì vậy ta cần kiên nhẫn và tiếp tục chăm sóc cho “hạt giống” tích cực đã được gieo. Đừng vội nản chí khi thấy quả chưa chín.

Chúng ta hãy hết sức thực tế khi bắt tay vào việc thay đổi suy nghĩ của mình. Chuyện kể rằng có một vị vua muốn đi khắp vương quốc của mình chỉ bằng đôi chân trần. Khi ngài đang đi thì giẫm phải một hòn đá nhọn sắc bên lề đường nên đành phải quay về cung điện với đôi chân trầy xước và tím bầm. Vua triệu ngay quan tể tướng vào cung và ra lệnh cho ông ta lót da khắp mọi con đường trong vương quốc để vua có thể đi một cách thoải mái. Vị tể tướng tâu rằng: “Thưa bệ hạ, thần nghĩ đây không phải là cách giải quyết hay vì nó rất tốn kém, mà lại không thực tế”. Quan tể tướng xin phép vua ra ngoài, rồi sau đó quay lại với một đôi giày da. Ông dâng nó lên cho đức vua và nói: “Thần nghĩ bệ hạ nên mang đôi giày này. Bệ hạ có thể đi khắp nơi mà không sợ bị xước chân”.

Không phải chỉ có mỗi vị vua này là ngớ ngẩn. Đôi khi chúng ta cũng như vậy – tìm cách thực hiện những thay đổi lớn lao vượt ngoài khả năng, trong khi vẫn còn nhiều thứ có thể thực hiện dễ dàng hơn mà hiệu quả lại cao. Hoặc thậm chí ta còn cho rằng người khác cần thay đổi, thay vì tự thân ta phải thay đổi trước tiên.

“Để xua tan bóng tối, ta cần bật đèn lên; để vượt qua giá lạnh, ta cần bật lò sưởi; để vượt qua những ý nghĩ tiêu cực, ta cần phải thay thế chúng bằng những ý nghĩ tốt đẹp. Hãy khẳng định những cái tốt, khi đó cái xấu sẽ biến mất” – Dr. Joseph Murphy (trích từ sách Lăng kính Tâm hồn do First News – Trí Việt phát hành).

Tập trung vào những yếu tố tích cực dần dần giúp chúng ta lấy lại cân bằng, sự lạc quan, động lực và năng suất làm việc, và đích tới là thành công. Khám phá 3 phương pháp rèn luyện tư duy tích cực dưới đây:

(1) Thể hiện lòng biết ơn

Khi gặp khó khăn, bạn nên nhắc nhở bản thân về những điều thuận lợi,” Della Porta nói. Suy nghĩ tích cực giúp bạn lấy lại cân bằng, và tạo điều kiện cho não bạn nhận thức và ghi nhớ những điều tốt đẹp. Ít nhất một lần mỗi tuần, hãy thể hiện lòng biết ơn của bạn và nguyên do vì sao. Hãy viết những điều may mắn bạn gặp được trong cuộc sống, như cơ hội được làm công việc bạn yêu thích, hoặc may mắn có được sự ủng hộ từ gia đình. Mỗi tối, bạn cũng có thể viết lại những điều tốt đẹp xảy ra trong ngày. Tuy nhiên, hãy viết một cách xúc tích và dễ nhớ. Quá nhiều điều “may mắn” khiến những điều đặc biệt trở nên tầm thường.

(2) Quả quyết khẳng định những điều tích cực

Bí quyết thành công của những nhà chính trị hoặc những người hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo là khi một thông điệp được lặp đi lặp lại nhiều lần, người nghe sẽ dễ có niềm tin vào thông điệp đó hơn. Tương tự, hãy lặp lại thông điệp về con người và khả năng của bạn vào mỗi buổi sáng. Dần dần, não của bạn sẽ được rèn luyện để ghi nhớ những điều tích cực. Hãy chọn ra hai tới ba điều tiêu biểu cho những giá trị và mục tiêu của bạn, ví dụ như: “Tôi sẽ quyết tâm thực hiện dù có gặp khó khăn gì”, “còn nhiều thời gian”, “tôi đang dần tiến bộ hơn”. Việc lặp đi lặp lại những điều tích cực sẽ cải thiện sự kiên cường của bạn.

(3) Thử thách những ý nghĩ tiêu cực

Mỗi khi có một ý nghĩ tiêu cực, chúng ta có quyền lựa chọn cách phản hồi. Theo phản xạ tự nhiên, chúng ta thường ghi nhớ những điều bất lợi. Não của chúng ta tập trung vào những yếu tố tiêu cực, khiến chúng trở nên nghiêm trọng hơn so với thực tế. Để sửa đổi, hãy nhìn những suy nghĩ tiêu cực như một vật thể riêng biệt để có quan sát khách quan hơn và loại bỏ chúng.

Sau đó, hãy thử thách những ý nghĩ quá tiêu cực và thiếu thực tiễn. Ví dụ, nếu con đường khởi nghiệp không được bằng phẳng như bạn mong đợi, bạn có thể sẽ nghĩ rằng: “Mình là một kẻ bất tài”. Đó là những suy nghĩ không thực tế và bất lợi. Hãy tập tư duy theo hướng khác, ví dụ: “Mình đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Mình cảm thấy thất vọng, nhưng sẽ thu thập thêm thông tin và thử nghiệm lại”. Đó là một cách tư duy vị tha hơn, sát với thực tế hơn, và có khả năng khích lệ bạn. Việc suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề một cách tích cực không hề dễ dàng, nhưng nếu bạn quyết tâm rèn luyện, bạn sẽ thành công.

5. Bài học làm giàu từ tư duy tích cực

Có nhiều cách để chúng ta cải thiện cuộc sống và thu nhập, nhưng với “cha giàu, cha nghèo” của Robert Kiyosaki, bạn sẽ biết được chìa khóa nền tảng để trở nên giàu có.

Robert Kiyosaki có hai người cha. Một người cha ruột và một người là cha nuôi. Hai người cha đều thành công trong lĩnh vực của mình. Họ cùng có tính cách mạnh mẽ, và có ảnh hưởng đến người khác. Nhưng cả hai khác nhau hoàn toàn về những gì liên quan đến tiền.

Trong khi cha ruột cho rằng: “Sự đam mê tiền bạc là nguồn gốc của những điều xấu xa” và không quan tâm đến tiền, cha nuôi lại nghĩ rằng: “Thiếu hụt tiền bạc mới là nguồn gốc của những điều xấu” và cho rằng tiền chính là quyền lực.

Câu nói cửa miệng của người cha ruột là: “Tôi không có khả năng mua món đồ này”. Trong khi đó người cha giàu tự hỏi mình: “Làm sao để tôi có thể mua được món đồ này?”.

Người cha ruột – vốn là người học giỏi và có bằng tiến sĩ – luôn khuyên nhủ tác giả cố gắng học giỏi, lấy bằng về luật, kế toán hay thạc sĩ quản trị kinh doanh để có thể kiếm công việc tốt, lương cao.

Người cha nuôi – vốn chưa học xong lớp 8 – khuyến khích tác giả học để thông minh hơn về tài chính, biết cách vận hành của tiền bạc, để biết cách bắt tiền bạc làm việc cho mình và để trở nên giàu có.

Chính điểm này đã giúp Kiyosaki quan sát được bức tranh tổng quát về cách thế giới vận hành từ đó đúc kết kinh nghiệm của hai người cha và giúp ông đưa ra các quyết định quan trọng trong cả cuộc đời. Kiyosaki cho rằng, đa số chúng ta đang bị kìm hãm bởi nỗi lo sợ. Tính cách được quyết định bởi thái độ của chúng ta với tiền bạc. Nếu chúng ta có thể thay đổi thái độ của mình với rủi ro và của cải, chúng ta sẽ bắt đầu suy nghĩ, hành động và sống với nền tảng thật của chính mình. Nhưng trước hết chúng ta phải trang bị và trở nên thông minh với những kỹ năng tài chính.

Sau đây là 8 bài học giàu có từ cuốn “Cha giàu, cha nghèo” của Robert Kiyosaki:

(1) Người nghèo bị kiểm soát bởi hai cảm xúc sợ hãi và sự khát khao. Cứ thế vòng luẩn quẩn buộc chặt thời gian và tâm trí của người nghèo. Ngược lại, người giàu không làm việc để kiếm tiền mà bắt tiền làm việc cho mình. Làm việc để học cách làm giàu, chứ không phải làm việc để kiếm tiền như cha nghèo và nhiều người khác đang làm. Luôn suy nghĩ, quan sát để tìm ra những cơ hội làm ra tiền vốn luôn hiện hữu chung quanh chúng ta. Tuy vậy, nhiều người nghèo không nhìn thấy những cơ hội này bởi vì họ đang bận rộn và quan tâm đến việc kiếm tiền, và sự đảm bảo trong công việc. Làm giàu không phải làm việc để kiếm tiền mà bắt tiền làm việc cho mình.

Tham khảo:   Suy nghĩ tích cực - 10 lợi ích tuyệt vời cho chính bạn

(2) Tại sao người giàu phải học về tài chính. Để làm giàu, chúng ta phải học về tài chính để có kiến thức về tài chính và biết cách chăm sóc, phát triển cây tiền bạc của mình. Nhiều bài học thực tiễn cho chúng ta thấy rằng việc chúng ta kiếm được bao nhiêu tiền không quan trọng bằng chúng ta giữ được bao nhiêu tiền và làm cho nó sinh sôi nảy nở.

(3) Người giàu quan tâm đến việc kinh doanh của chính mình. Tức là phải xây dựng và luôn giữ cho cột tài sản vững chắc. Bất cứ 1 đồng nào được đưa vào tài sản đều phải trở thành một nhân công làm việc cho người giàu.

(4) Người giàu thông minh về tài chính và thành lập công ty.

Người giàu không cần phải học quá cao và hiểu rõ 4 lĩnh vực sau: Sự hiểu biết về kế toán, tài chính; nắm vững các chiến lược đầu tư; hiểu rõ về thị trường, về tiếp thị và hiểu biết luật pháp.

– Sự hiểu biết về kế toán, tài chính. Đó là khả năng đọc và hiểu những báo cáo tài chính. Khả năng này giúp người giàu nhận biết mặt mạnh, mặt yếu của bất kỳ công ty nào sau khi đọc báo cáo tài chính của nọ.

– Nắm vững các chiến lược đầu tư. Đó là khả năng chọn tài sản có khả năng sinh lợi, ra những quyết định đầu tư khôn ngoan.

– Hiểu rõ về thị trường, về tiếp thị. Người giàu nắm rõ quy luật cung và cầu để nhận diện các cơ hội kinh doanh. Người giàu cần nắm vững kỹ năng về tiếp thị và bán hàng.

– Hiểu biết luật pháp. Người giàu thành lập công ty nhằm đạt những thuận lợi về thuế và bảo vệ tài sản của mình. Người nghèo và trung lưu kiếm tiền, trả thuế rồi mới được dùng tiền. Người giàu – sở hữu công ty – thì kiếm tiền, dùng rồi mới trả thuế.

 

(5) Người giàu tạo ra tiền. Mọi người đều có những tài năng bẩm sinh, tuy vậy rất nhiều người đã không phát huy được tài năng đó bởi vì sự thiếu tự tin vào bản thân và sự sợ hãi. Người thành công là người không sợ hãi sự thất bại và luôn chủ động tạo ra may mắn cho mình, chứ không thụ động ngồi chờ cơ hội.

(6) Người giàu làm việc để học chứ không làm việc để kiếm tiền. Người giàu, nếu phải làm việc, họ sẽ không làm việc để kiếm tiền, mà họ sẽ nhắm đến những công việc giúp họ học hỏi những kỹ năng cơ bản của thông minh tài chính: kế toán đầu tư, tiếp thị và những hiểu biết về luật kinh doanh, đầu tư cũng như những kỹ năng quản lý tài chính để thành công: quản lý vòng quay tiền mặt, quản lý hệ thống, quản lý nhân sự.

(7) Người giàu phải biết vượt qua được những chướng ngại vật. Có nhiều người thông minh về tài chính nhưng vẫn không thể làm giàu, và vẫn kẹt trong vòng luẩn quẩn của người làm thuê. Đó là bởi vì họ không vượt qua được 5 cản trở sau:

– Lo sợ bị mất tiền. Nỗi lo sợ bị mất tiền là nỗi lo sợ có thật và hiện hữu trong mỗi chúng ta. Những người quá lo sợ mất tiền chọn việc đi làm thuê để suốt đời kẹt trong vòng luẩn quẩn. Những người lo sợ ít hơn thì chọn lối đầu tư an toàn: học cách cân bằng đầu tư, hoặc chọn những tài sản ít rủi ro như trái phiếu. Chỉ những người can đảm dám chấp nhận rủi ro – đã tính toán trước – với những đầu tư của mình mới có thể làm giàu một cách nhanh chóng.

– Sự hoài nghi. Mỗi chúng ta đều có một chú gà con – hoài nghi và sợ hãi – trong tâm hồn. Chúng kêu lên thảng thốt “trời sắp sập” mỗi khi chúng ta muốn làm một điều gì đó mới, có tính bứt phá.

– Sự lười biếng. Sự lười biếng ngự trị trong mỗi con người chúng ta. Những người trông có vẻ bận rộn thật ra là họ đang lười biếng. Họ đang cố gắng bận rộn để trốn chạy việc quan trọng nào đó. Để chữa bệnh lười biếng trong việc làm giàu, chúng ta cần có một chút lòng tham. Ít lòng tham thì không đủ để chúng ta hành động. Lòng tham quá cao cũng không tốt.

– Thói quen. Những thói quen, chứ không phải giáo dục, quyết định cuộc sống của chúng ta. Người giàu cần phải có những thói quen của người giàu. Thói quen quan trọng của người giàu là trả cho mình đầu tiên, sau đó mới trả cho những người khác. Nhờ áp lực của những chủ nợ, người giàu phải tìm cách kiếm tiền trả cho họ.

– Tính kiêu ngạo. Sự kiêu ngạo, và tự cho mình biết hết mọi thứ đã làm cho nhiều người mất đi những cơ hội làm giàu.

(8) Hãy khởi đầu bằng 10 bước.

Bước 1: Hãy xác định một mục tiêu lớn hơn thực tế để giúp mình luôn vượt qua khó khăn và đạt mục tiêu của mình.

Bước 2: Hãy lựa chọn được giàu có vào mỗi ngày. Hãy đầu tư vào việc học trước khi bắt đầu làm giàu.

Bước 3: Luôn giao tiếp và học hỏi. Chọn bạn cẩn thận.

Bước 4: Nắm vững một công thức trước khi học công thức khác.

Bước 5: Hãy trả cho bản thân mình đầu tiên. Trong trường hợp bị áp lực về tài chính, hãy cố gắng tìm cách làm ra tiền mới để trả nợ. Không bao giờ đụng đến tài sản.

Bước 6: Chỉ sử dụng những người môi giới giỏi và trả cho họ xứng đáng.

Bước 7: Luôn quan tâm đến tiền lời từ đầu tư (ROI) và những kết quả khác.

Bước 8: Luôn nhớ tài sản sẽ giúp chúng ta mua được những vật dụng, đồ dùng cao cấp. Hãy mua tài sản trước.

Bước 9: Khi làm việc gì hãy tưởng tượng những anh hùng của lĩnh vực đó. Khi ấy chúng ta sẽ được truyền cảm hứng và cũng thấy công việc trở nên dễ hơn.

Bước 10: Hãy dạy cho người khác, và chúng ta cũng sẽ được học; hãy cho và chúng ta sẽ được nhận lại.

Tóm lại, khác biệt trong tư duy của người giàu là tự tạo ra cuộc đời mình, sẵn sàng đón nhận cơ hội, theo đuổi ước mơ nuôi lớn niềm tin và bỏ đói nỗi sợ, đồng thời tham gia cuộc chơi tiền bạc để giành chiến thắng… là những tư duy của một người giàu có, trái ngược hoàn toàn với góc nhìn của người nghèo giết chết ước mơ nuôi lớn nỗi sợ và bỏ đói niềm tin. “Mức độ thành công của một người được đánh giá qua những khát vọng, mơ ước của anh ta và cách anh ta đương đầu với những thất vọng trong cuộc sống” – đó là quan điểm của Robert Kiyosaki.

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo