Hình minh họa (Nguồn: Thư viện Pháp Luật)
Biện pháp bảo đảm (Security Interests)
Biện pháp bảo đảm – danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Security Interests.
Biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng kinh tế là việc các bên thoả thuận với nhau về việc áp dụng một hoặc có thể kết hợp nhiều biện pháp để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng kinh tế.
Pháp luật về hợp đồng kinh tế có đưa ra ba biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng kinh tế. Việc áp dụng biện pháp nào là do các bên quyết định.
Nếu các bên thấy không cần thiết phải áp dụng các biện pháp bảo đảm trong hợp đồng kinh tế thì các bên có quyền không áp dụng (trừ trường hợp pháp luật bắt buộc không áp dụng đối với 1 số hợp đồng kinh tế). (Theo PGS.TS Lê Thị Bích Ngọc, Pháp luật về hợp đồng kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)
Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng kinh tế
Thế chấp tài sản
Thế chấp tài sản là việc bên có nghĩa vụ dùng tài sản (động sản, bất động sản) hoặc giá trị tài sản khác thuộc quyền sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền. Trong trường hợp các bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ, bên có quyền sẽ xử lí tài sản thế chấp để đảm bảo quyền lợi của mình.
Việc thế chấp phải được lập thành văn bản và phải được cơ quan công chứng nhà nước chứng thực hoặc có sự xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi chưa có công chứng. Trong văn bản thế chấp phải ghi rõ tài sản thế chấp là tài sản nào? Giá trị của tài sản thế chấp, tình trạng tài sản thế chấp, cách xử lí tài sản thế chấp.
Thông thường khi thế chấp tài sản, bên thế chấp vẫn giữ tài sản thế chấp. Bên nhận thế chấp giữ toàn bộ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản thế chấp.
Trong thời gian văn bản thế chấp có hiệu lực bên thế chấp phải đảm bảo giữ nguyên giá trị tài sản thế chấp, không được bán, tặng, cho thuê, cho mượn, chuyển đổi tài sản thế chấp và không được dùng tài sản đã thế chấp để thế chấp cho một nghĩa vụ khác trong thời gian văn bản thế chấp còn hiệu lực.
Cầm cố tài sản
Cầm cố là việc bên có nghĩa vụ giao tài sản là động sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên có quyền để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã kí kết.
Việc cầm cố phải lập thành văn bản và phải được cơ quan công chứng chứng thực. Trong văn bản cầm cố phải ghi rõ tài sản cầm cố, giá trị của tài sản cầm cố, quyền và nghĩa vụ của bên giữ tài sản cầm cố, phương thức xử lí tài sản cầm cố, thời hạn cầm cố.
Người giữ vật cầm cố có nghĩa vụ đảm bảo giữ nguyên giá trị của vật cầm cố và không được chuyển giao vật cầm cố cho người khác trong thời gian văn bản cầm cố còn hiệu lực.
Bảo lãnh tài sản
Bảo lãnh tài sản là một biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng, trong đó cá nhân hay tổ chức (người bảo lãnh) cam kết với bên có quyền trong hợp đồng là sẽ dùng tài sản của mình chịu trách nhiệm thay cho người có nghĩa vụ (người được bảo lãnh) khi người này không thực hiện được nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã kí.
Trong văn bản bảo lãnh phải xác định rõ phạm vi của sự bảo lãnh. (Theo PGS.TS Lê Thị Bích Ngọc, Pháp luật về hợp đồng kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)