30. Kỹ năng sống

Hội Chứng FOMO Là Gì? Tích Cực Hoá & Biến FOMO Thành JOMO

Bạn đã bao giờ nghe tới định nghĩa “FOMO” chưa? Trên thực tế, kể cả chưa từng biết đến cụm từ này, bạn cũng có khả năng đã trải nghiệm cảm giác đó ít nhất 1 lần trong đời. Vậy FOMO là gì và làm sao để biến FOMO thành JOMO? Cùng Masterskills khám phá ngay.

FOMO là gì?

FOMO là viết tắt của từ gì và có nghĩa là gì? FOMO là “fear of missing out”, dịch ra tiếng Việt là “nỗi sợ bỏ lỡ” hoặc “hội chứng sợ bỏ lỡ”. Theo World Journal of Clinical Cases, cụm từ này bắt đầu gây sự chú ý vào năm 2004 – thời điểm nền tảng Facebook được công bố và đi vào hoạt động. 

fomo là gìfomo là gì
FOMO – “fear of missing out”, nghĩa là hội chứng sợ bỏ lỡ.

FOMO diễn tả khi một người cảm giác lo lắng, thất vọng vì không được là một phần trong các hoạt động mà người khác tham gia. Dù định nghĩa này đã xuất hiện từ trước sự phổ biến của mạng xã hội, tình trạng sợ bỏ lỡ trở nên rộng rãi và dễ gặp hơn bao giờ hết sau khi mọi người có thói quen chia sẻ mọi thứ trên mạng.

Mặt khác, khi đi làm, nhiều nhân viên cũng thường cảm nhận FOMO ngay trong môi trường họ đang làm việc. Họ không dám nghỉ làm hoặc có cảm giác khó chịu, bứt rứt khi không được tham gia các hoạt động hoặc dự án có nhiều người. 

Các dấu hiệu của FOMO

Hội chứng FOMO được thể hiện qua một số dấu hiệu như:

  • Liên tục kiểm tra mạng xã hội và hoạt động của người khác
  • Cảm giác tiêu cực khi so sánh cuộc sống của mình với cuộc sống của người khác
  • Cảm thấy mệt mỏi khi chứng kiến hoạt động của người khác mà không có mình
  • Cố gắng có mặt mọi lúc có thể (dù không cần thiết)
  • Khó tập trung
  • Khó ngủ
  • Tự tách mình ra khỏi tập thể

Hệ quả của hội chứng FOMO là gì?

Không có tiêu chuẩn riêng

Tâm lý sợ bỏ lỡ là một hiện tượng hay gặp vì hầu như ai trong chúng ta cũng đã từng so sánh bản thân với người khác và cảm thấy kém cỏi khi chứng kiến người khác thành công hơn mình ở một mặt nào đó. Trong công việc và học tập cũng vậy, chắc hẳn không ít bạn cũng cảm thấy lạc lõng và khá lo lắng khi cảm thấy mình chưa bắt kịp những bạn học, những đồng nghiệp cùng môi trường, cùng vị trí.

Bạn sẽ không có tiêu chuẩn của riêng mình mà lại vô tình áp đặt mình vào khuôn mẫu của người khác. 

Giảm sự tự tin

Hậu quả khá rõ ràng của FOMO là sự tự ti gia tăng một cách trông thấy. Bạn sẽ không thấy hài lòng với những gì mình có và luôn cảm thấy tiêu cực. 

bẫy fomo là gìbẫy fomo là gì
Bẫy FOMO làm bạn cảm thấy sa sút sự tự tin.

Nghiên cứu của đại học Toledo đã tìm ra mối liên hệ giữa những người dùng điện thoại quá nhiều và trạng thái FOMO. Trung bình một người sẽ dùng điện thoại trong vòng 147 phút/ngày. Việc liên tục vô tình nhìn thấy và chủ động theo dõi hoạt động của người khác trên mạng xã hội làm họ cảm thấy cuộc sống của mình quá tầm thường.

Tham khảo:   Bạn thuộc nguyên mẫu nào trong 7 nguyên mẫu tính nữ phổ biến?

Sau khi tự đặt bản thân lên bàn cân, họ sẽ lo lắng vì câu hỏi “Tại sao tôi không được như vậy?”. Hệ quả của FOMO là bạn sẽ ngày càng tự ti và không thấy hài lòng với bất kỳ những gì bạn làm.

Trạng thái lo âu

Nỗi sợ bỏ lỡ sẽ làm gia tăng mức độ lo lắng của chúng ta. FOMO có phải là một dạng lo âu hay trầm cảm không? Nếu để tình trạng diễn ra quá lâu, chắc chắn nó sẽ  ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm lý của bạn. 

Biến FOMO thành JOMO?

Ngược lại với FOMO – “fear of missing out”, thì JOMO là “joy of missing out” – nghĩa là niềm vui trong việc bỏ lỡ.

Tại sao bỏ lỡ lại vui được? Nhiều bạn có thể tự hỏi như vậy và cảm thấy thật vô lý. Tuy nhiên, JOMO không hề là một cụm từ “vô tri” vì thực chất nó có ý nghĩa sâu xa hơn, đó là xây dựng niềm vui và nhận thức bản thân kể cả khi bạn chưa có được những thứ tương tự mà người khác thể hiện.

Vậy cách để đối mặt với FOMO là gì? Bạn có thể tham khảo các cách sau:

Đừng “vì tham cứ đâm đầu”

“Quá khó thì dễ nản, quá dễ thì nhanh chán”.

Khi thực hiện những việc quá dễ hoặc quá khó với khả năng của mình, chúng ta thường dễ mất tập trung và để “đầu óc lang thang không điểm dừng”. Bởi vì khi không được làm những gì người khác làm thì chúng ta thấy lạc lõng, nhưng khi thật sự “chinh chiến” thì chưa chắc đó là thứ phù hợp với khả năng và phạm trù hiểu biết của bản thân.

Chọn lọc các cơ hội phù hợp với bản thân.

Do đó, thay vì đâm đầu vào thực hiện công việc có tính chất không phù hợp với mình, bạn nên áp dụng hiệu ứng Goldilock, ngắn gọn là “sự vừa phải”.

Bạn có thể thử làm công việc hoặc dự án nào đó phù hợp với kỹ năng và kiến thức của bản thân. Sau đó mới dần dần mở rộng tìm hiểu những điều mới trong những dự án khó hơn nhưng có sự liên quan tới những điều cơ bản bạn đã biết.

Đề cao thế mạnh riêng

Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng những người cảm nhận rõ hơn về thế mạnh của mình sẽ có nhận thức tốt hơn về mục đích sống. 

Theo một nghiên cứu của The Journal of Positive Psychology, các nhà nghiên cứu yêu cầu những người tham gia dành 15 phút để ghi ra và nghĩ đến phiên bản tốt hơn của bản thân cũng như cuộc đời họ sẽ thay đổi ra sao nếu mọi thứ xảy ra như ý họ muốn. Ngược lại, một nhóm người khác dành ra 15 phút để viết về một ngày bình thường như mọi ngày và rồi tưởng tượng tương lai của họ.

Tham khảo:   Nice Guy Syndrome Là Gì? Bạn Có Đang Gặp Hội Chứng Người Tốt?

Kết quả cho thấy nhóm người tưởng tượng ra những điều tích cực cũng có cảm giác tích cực hơn. Do đó, việc nhận thức rõ những ưu điểm của mình và có cách suy nghĩ tích cực về tương lai sẽ phần nào giúp bạn thu hút chính những kết quả tốt đẹp đó về phía mình.

Xây dựng các mối quan hệ ngoài đời thực

Nghiên cứu cho thấy những người cô đơn thường trải qua cảm giác FOMO sâu sắc hơn. Mặc khác, cảm giác kết nối, gắn bó với người khác là một trong những yếu tố hỗ trợ tạo nên động lực nội tại (intrinsic motivation) và nâng cao nhận thức về bản thân. Do đó, việc cải thiện mối quan hệ của chúng ta và những người xung quanh sẽ giúp bạn bớt cảm thấy sợ bỏ lỡ. 

Chế độ làm việc như hybrid working hoặc remote working dễ làm bạn cảm thấy xa cách với đồng nghiệp và cấp trên. Nếu bạn trải qua cảm giác sợ thua kém và lạc lõng với họ, bạn có thể hẹn họ đi cafe tán gẫu hoặc gặp mặt làm việc trực tiếp đôi ba buổi để quen biết nhau hơn. Nếu khoảng cách không cho phép thì một vài cuộc 1:1 meeting cũng là một ý kiến hay.

Với mối quan hệ bạn học, bạn bè hay người nhà cũng vậy. Cảm giác thân thiết và tin tưởng sẽ làm giảm khả năng bạn sợ bỏ lỡ hơn. Và thay vì cảm thấy ghen tị, thì chúng ta nên cảm thấy mừng vì những người xung quanh có được thành công hoặc tiến triển của riêng họ.

So sánh “lùi”

cách tránh bị fomo là gìcách tránh bị fomo là gì
So sánh lùi là một cách tránh bị ảnh hưởng bởi FOMO.

Chúng ta thường so sánh với những thành tựu cao hơn mà người khác đạt được. Khi cảm thấy nghi ngờ giá trị của bản thân, suy nghĩ FOMO là không thể tránh khỏi. Vậy để tránh tình trạng này, hãy tư duy ngược một chút.

Thay vì so sánh “lên” và mắc vào cái bẫy FOMO, thì chúng ta có thể so sánh lùi. Điều này có nghĩa là hãy đặt lên bàn cân bạn của thời điểm hiện tại và bạn của 2 đến 5, thậm chí 10 năm trước. Bạn đã làm được những gì? Bạn của quá khứ có tự hào về những gì bạn đã có được hay không?

Hoặc khi bạn thấy bài đăng trên mạng của ai đó khoe nhà mới của họ, bạn có thể nghĩ rằng “Nhà mình dù đơn giản nhưng ấm cúng hơn”, hoặc “Mình chưa có nhà riêng nhưng sau này sẽ có thể và cố gắng có được tổ ấm còn xịn hơn vậy”.

Tham khảo:   Guilty Pleasure Là Gì? Bạn Có “Thú Vui Tội Lỗi” Nào Khó Nói Không?

Một điểm trừ của phương pháp so sánh lùi là nó có thể dẫn tới tâm lý kiêu căng, ngạo mạn và không coi trọng thành quả của người khác. Nên dù có ích, cách này cũng nên được vận dụng một cách chọn lọc hơn.

Tạm kết

FOMO có thể gây ra ảnh hưởng cực lớn đến cuộc sống hàng ngày, sự nghiệp và tâm lý của chúng ta. Bạn chắc chắn sẽ không muốn chứng kiến đồng đội nắm bắt những cơ hội mới, đảm nhận những công việc mang đến sự thăng tiến trong khi mình thì dậm chân tại chỗ. Nhưng hậu quả của FOMO là gì khi bạn chỉ lo lắng mà không chịu hành động? Bạn sẽ chỉ ngày càng trở nên lo âu, thiếu tự tin, rồi dần ganh ghét mà không thể tiến bộ.

Do đó, khi cảm thấy FOMO sắp nhấn chìm mình trong những suy nghĩ tiêu cực, bạn hãy cố gắng nhận định những điểm mạnh chỉ riêng mình mới có và đứng lên tự chớp lấy cơ hội.

Hy vọng bạn đã tìm được thông tin hữu ích qua bài viết trên của Masterskills. Đừng ngại để lại bình luận và chia sẻ ý kiến với Masterskills nhé!

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo