28. Quản Trị Marketing

Xây Dựng Chiến Lược Phát Triển Sản Phẩm Cần Ưu Tiên Yếu Tố Nào?

Xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm như thế nào để tiếp tục gia tăng doanh số? Đây vẫn luôn là câu hỏi thường trực của những ai là dân Product. Bởi, công việc của một Product Manager vốn không dừng lại ngay sau khi sản phẩm được tung ra thị trường, mà còn bao gồm định hướng phát triển sản phẩm nhằm mang lại những giá trị về sau cho doanh nghiệp.

Đọc tới đây, có lẽ bạn sẽ bắt đầu thắc mắc liệu quá trình này có phức tạp hay không mà luôn được liên tục nhắc đến như vậy – cụ thể là ở trong công ty. 

Đừng lo, Masterskills hi vọng bài viết sau đây sẽ phần nào giúp bạn dễ hiểu hơn về chiến lược phát triển sản phẩm nói chung, cũng như 7 yếu tố quan trọng không nên bỏ qua khi bắt tay vào xây dựng bản kế hoạch cho công ty mình. 

Chiến lược phát triển sản phẩm là gì?

Trước tiên bạn hãy lưu ý rằng, chiến lược phát triển sản phẩm (Product development strategy) không phải là danh sách loạt các tính năng về sản phẩm mới, hay sản phẩm hiện tại của doanh nghiệp.

Mà cụ thể hơn, chiến lược này là một bản kế hoạch tổng hợp nhằm định hướng các phương pháp và hành động triển khai khi phát triển sản phẩm mới, hay cải tiến sản phẩm hiện có cho hoạt động kinh doanh của công ty. Nhờ đó, quá trình phát triển sản phẩm có thể diễn ra “mượt mà” hơn.

Chiến lược phát triển sản phẩm là gì?
© Freepik.com

Ví dụ, nếu như bạn muốn phát triển một phần mềm giáo dục dạy tiếng Anh cho người đi làm. Thì chiến lược phát triển sản phẩm ở đây sẽ tập trung đề cập đến “quá trình thực hiện”  – trong trường hợp này, chính là cách mà bạn và đội ngũ lên kế hoạch để dựng phần mềm dạy tiếng Anh này. 

Tầm quan trọng của chiến lược phát triển sản phẩm

Báo cáo từ Catalina cho thấy chỉ có 11% người tiêu dùng sẽ tiếp tục hưởng ứng với sản phẩm mới sau 52 tuần ra mắt. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng không hề nhỏ của quá trình định hướng và lên chiến lược phát triển sản phẩm, tiếp tục tạo ra những giá trị đổi mới và thu hút khách hàng mục tiêu.

Tầm quan trọng của chiến lược phát triển sản phẩm
© Freepik.com

Có trong tay một chiến lược hiệu quả, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ có khả năng cao biến ý tưởng thành thực thi, thậm chí phát triển sản phẩm mang lại lợi nhuận cũng như tính cạnh tranh lâu dài trên thị trường. 

Quy trình cơ bản khi định hướng chiến lược phát triển sản phẩm

Quá trình phát triển sản phẩm bao gồm đầy đủ các khía cạnh của quy trình quản lý sản phẩm mới, từ lúc đưa ra ý tưởng cho tới khi đưa sản phẩm tiến vào thị trường. 

Quy trình cơ bản khi định hướng chiến lược phát triển sản phẩm
© Freepik.com

Về cơ bản, quy trình này gồm 7 bước chính:

  1. Phát triển ý tưởng: Bao gồm thảo luận về ý tưởng cho sản phẩm mới, hay đề xuất các phương án để cải thiện sản phẩm hiện có phù hợp với nhu cầu thị trường.
  2. Chỉnh sửa và sàng lọc ý tưởng: Bạn và đội ngũ của mình cần xác định ý tưởng tiềm năng, khả thi nhất trước khi tiến hành triển khai phát triển sản phẩm.
  3. Tạo mẫu thử nghiệm: Bước kế tiếp chính là tạo một bản nháp cho ý tưởng của bạn và xác định xem: Liệu giải pháp từ sản phẩm bạn đưa ra có thực sự thu hút khách hàng mục tiêu?
  4. Phân tích: Tại giai đoạn này, nghiên cứu thị trường là điều bắt buộc. Bạn cần phân tích và đánh giá các vấn đề có thể xảy ra với sản phẩm khi được đưa vào sử dụng.
  5. Chế tạo sản phẩm: Sản phẩm hoàn chỉnh sẽ được ra đời ngay sau khi hoàn thiện các vấn đề tồn đọng ở bản thử nghiệm.
  6. Thử nghiệm thị trường: Trước khi chính thức ra mắt thị trường, sản phẩm cần được thử nghiệm với một số lượng khách hàng nhất định, hay còn gọi là thị trường giả định.
  7. Thương mại hóa: Trải qua đầy đủ các bước như trên, bao gồm chỉnh sửa và thay đổi sau thử nghiệm. Giờ đây, sản phẩm đã sẵn sàng để được đón nhận trên thị trường.
Tham khảo:   Kiểm toán marketing (Marketing Audit) là gì?

Ma trận Ansoff – 4 loại chiến lược định hướng phát triển sản phẩm

Ma trận Ansoff, hay còn gọi là ma trận sản phẩm-thị trường, là một công cụ giúp phân tích quy mô và lên kế hoạch cho chiến lược phát triển sản phẩm và thị trường của doanh nghiệp.

ma trận ansoff trong chien luoc phat trien san pham
Ma trận Ansoff

Trong đó, 4 loại chiến lược sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những rủi ro vốn có trong chiến lược doanh nghiệp nói chung, và sản phẩm nói riêng. Các loại chiến lược đó là:

  1. Thâm nhập sâu thị trường: Chiến lược này tập trung vào tăng lượng doanh thu và thị phần của sản phẩm hiện có tại thị trường mục tiêu.
  2. Phát triển sản phẩm: Chú trọng ra mắt sản phẩm mới vào thị trường mục tiêu sẵn có.
  3. Phát triển thị trường: Bằng cách phát huy và cải tiến sản phẩm hiện có để tạo ra một thị trường mới.
  4. Đa dạng hóa: Đây được coi là chiến lược có rủi ro cao nhất, khi mục tiêu tập trung sẽ bao gồm cả phát triển sản phẩm mới đồng thời khai phá, chiếm lĩnh thị trường mới.

Với các loại chiến lược này, công ty có thể định hướng đâu là chiến lược tốt nhất để tăng doanh thu về cho mình, dựa vào các yếu tố liên quan như nguồn lực sẵn có, cơ sở hạ tầng, vị trí thị trường, vị trí và ngân sách.

7 yếu tố quan trọng của một chiến lược phát triển sản phẩm thành công

Chúng ta đã biết được sơ qua chiến lược phát triển sản phẩm là gì, quy trình cơ bản, các loại định hướng, v.v.. Đã đến lúc cần phải ghi chú xem, những yếu tố quan trọng nào cần được ưu tiên để bạn có thể xây dựng một chiến lược hiệu quả và thành công, dù là bạn “tự thân vận động” hay cùng làm việc với bộ phận phát triển sản phẩm.

Cùng đọc xem phần dưới đây nhé!

7 Yếu tố quan trọng của chiến lược phát triển sản phẩm thành công
7 Yếu tố quan trọng của chiến lược phát triển sản phẩm thành công

1. Tầm nhìn sản phẩm 

Một tầm nhìn sản phẩm đầy cảm hứng và tiềm năng chính là kim chỉ nam cho một chiến lược hiệu quả. Điều này thường được diễn ra ngay bước đầu tiên của quy trình định hướng chiến lược sản phẩm – phát triển ý tưởng. 

Vậy thế nào là một tầm nhìn sản phẩm lý tưởng? Nôm na mà nói, tầm nhìn sản phẩm của bạn, thoạt tiên, phải thành công thuyết phục khách hàng mục tiêu. Đại loại như bạn đang nói với họ rằng: “Nhìn này, sản phẩm của chúng tôi được tạo ra dành cho cho bạn, hãy mua chúng mà trải nghiệm thử xem sao.” 

Ngoài ra, tầm nhìn cũng cần chỉ rõ lợi thế cạnh tranh, những khác biệt từ phía sản phẩm của bạn so với các đối thủ khác trên thị trường. 

tầm nhìn sản phẩm giúp định hướng phát triển sản phẩm
© Freepik.com

Nếu bạn cảm thấy những định nghĩa hàn lâm trên có vẻ phức tạp, bạn có thể tham khảo qua những ví dụ điển hình về các tầm nhìn sản phẩm hiệu quả từ các công ty lớn như sau:

  • “Trở thành biểu tượng niềm tin số một Việt Nam về sản phẩm dinh dưỡng và sức khỏe phục vụ cuộc sống con người” – Vinamilk
  • “Hãy làm cuộc sống tốt đẹp hơn từng ngày từng ngày cho tất cả mọi người” – IKEA
  • “Chúng tôi muốn Nike trở thành một công ty cung cấp trang phục thể thao tốt nhất và vững mạnh nhất” – Nike
Tham khảo:   Truyền Thông Nội Bộ Và Những Câu Chuyện Nghề “Chưa Kể”

Bạn có thể nghiên cứu thị trường và dựa vào báo cáo phân tích doanh nghiệp, đồng thời thử nghiệm ý tưởng về tầm nhìn sản phẩm với tệp khách hàng tiềm năng tại những bước đầu tiên của chiến lược phát triển sản phẩm.

2. Mục tiêu “thông minh”

Bên cạnh tầm nhìn, yếu tố tiên quyết cho việc xác định định hướng phát triển sản phẩm chính là một hệ thống mục tiêu rõ ràng. 

Hãy thử áp dụng tiêu chí SMART cho quá trình đặt mục tiêu xuyên suốt quá trình triển khai chiến lược phát triển sản phẩm của bạn. 

Mục tiêu SMART cần được đảm bảo 5 tính chất sau đây: Cụ thể (Specific), Có thể đo lường (Measureable), Khả thi (Achievable), Thực tế (Realistic), và Thời gian cụ thể (Time-based).

Ví dụ như: “Phát triển 4 tính năng mới trên website để tăng doanh thu bán hàng lên 120% trong vòng 2 năm”. Mục tiêu cụ thể này sẽ định hướng cho bạn một cách rõ ràng các bước kế tiếp nên thực hiện để đạt được nó. 

Từ đây, bạn cũng có thể thiết kế được Lộ trình sản phẩm (Product Roadmap) cho chiến lược phát triển sản phẩm của mình.

3. Mô hình kinh doanh sản phẩm

Có một điều chắc chắn rằng: Bạn sẽ chẳng tài nào bắt tay vào giai đoạn thương mại hóa, nếu như không thấu hiểu được giá trị lợi nhuận của sản phẩm, cũng như cách thức để đạt được và duy trì nó về lâu dài.

Một gợi ý nhỏ từ Masterskills nếu bạn đang gặp rắc rối khi xoay sở giữa việc tìm quỹ hay nhà đầu tư cho mô hình kinh doanh của mình. Bạn cần phải lên kế hoạch đảm bảo rằng giải pháp sản phẩm bạn đưa ra sẽ mang lại lợi nhuận – và Mô hình kinh doanh Canvas (Business Model Canvas) sẽ là công cụ đắc lực mà chắc hẳn bạn sẽ cần.

business model chiến lược phát triển sản phẩm
© Freepik.com

Đây sẽ là “khung sườn” vô cùng hữu ích giúp bạn giải thích một cách trực quan về cơ sở hạ tầng, khách hàng mục tiêu, đối tác, năng lực tài chính, v.v.. khi trình bày chiến lược phát triển sản phẩm của mình và xác định mô hình kinh doanh. 

4. Lộ trình sản phẩm (Product Roadmap)

Bạn đã có tầm nhìn, mục tiêu và mô hình cụ thể cho sản phẩm của mình. Những gì bạn cần lúc này chính là thiết kế một lộ trình dẫn lối cho bạn, Product Roadmap.

Hiểu một cách đơn giản, Product Roadmap là một công cụ giúp theo dõi quá trình phát triển sản phẩm. Nó bao gồm danh sách tính năng, kế hoạch, và các đầu công việc cần giải quyết cho đội ngũ của bạn trong một khoảng thời gian xác định, cũng như định hướng tương lai sản phẩm. 

Lộ trình này nên được thiết kế để dễ dàng chỉnh sửa và cập nhật linh hoạt khi các ưu tiên thay đổi. 

5. Mockup

Thuật ngữ “mockup” có vẻ sẽ xa lạ với những bạn không phải dân chuyên Product, hay dân thiết kế. Nhưng chắc hẳn bạn đã từng nghe phong phanh đâu đó về từ này rồi. Để Masterskills giải thích đơn giản cho bạn trước mắt đã nhé!

Mockup là một bản mô hình ví dụ cho sản phẩm của bạn dựa trên tỉ lệ của thiết kế cụ thể. Bạn có thể hiểu nôm na đây là một “bản nháp” cung cấp các tính năng cơ bản.

Mockup được sử dụng như một công cụ trực quan trong việc thử nghiệm thiết kế. Từ đó, bạn có thể thu thập phản hồi người dùng dựa trên mô hình này và có những chỉnh sửa cần thiết để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh về sau.

mockup
© Freepik.com

Bạn có thể vẽ mockup trên giấy hoặc trên các phần mềm/website hỗ trợ, và đưa ý tưởng sản phẩm của mình cho ban thiết kế hoặc lập trình để hoàn thiện nó. 

Tham khảo:   Phân đoạn thị trường ngân hàng là gì? Vai trò

Không cần làm quá phức tạp, hãy cố gắng trình bày ý tưởng của mình trên mockup một cách rõ ràng dựa trên tầm nhìn và mục tiêu định hướng phát triển sản phẩm ban đầu.

6. Chỉ số đo lường 

Tưởng tượng mà xem, bạn đang đi một hành trình dài xuyên Việt, từ đất mũi Cà Mau đến Lũng Cú – điểm cực Bắc. Cả một chặng đường dài bạn không hề đánh dấu những địa điểm mình đã đi qua và không may, bạn bắt đầu bị mất phương hướng.

Điều này cũng tương tự như việc theo dõi các chỉ số đo lường (metrics) vậy. Bằng cách thiết lập các chỉ số đo lường cụ thể, doanh nghiệp sẽ tập trung hơn cho các chi tiết sản phẩm, trong khi vẫn đảm bảo chiến lược đi theo đúng lộ trình vạch ra, hướng tới vạch đích là đáp ứng được nhu cầu người dùng.

Bạn có thể đo lường hiệu quả công việc bằng cách xác định KPIs (Key Performance Index) cho đội ngũ của mình, hay theo dõi tiến trình và kết quả bằng OKR (Objectives and Key Results) để đánh giá xem mục tiêu ban đầu đã được hoàn thành hay chưa.

7. Đội ngũ vững chắc

Một điều không thể phủ nhận, yếu tố con người vẫn đóng vai trò then chốt cho một chiến lược phát triển sản phẩm thành công. Như cái cách Phillip Knights đã quy tụ những “người bạn đồng hành” giỏi giang để cùng gây dựng ra “gã khổng lồ” Nike hôm nay.

Hãy đảm bảo đội ngũ của bạn đều nắm rõ tầm nhìn và mục tiêu sản phẩm xuyên suốt quá trình lên kế hoạch và triển khai chiến lược. Đừng quên tham khảo ý kiến và kêu gọi góp ý mang tính xây dựng từ những người đồng đội của mình khi hợp tác làm việc.

Và điều quan trọng hơn cả, dưới vai trò là một Product Manager, bạn cần dẫn dắt và theo dõi công việc của những thành viên trong đội ngũ, không chỉ trên tinh thần “hoàn thành công việc” mà còn là “đưa ra những giải pháp tốt nhất”.

Nếu những thông tin trên hữu ích với bạn, hãy click ngay vào hashtag Product Management bên dưới để cập nhật những bài viết mới nhất về ngành Product management nhé!

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo