20. Kinh tế học

Chi trả dịch vụ hệ sinh thái (Payments for ecosystem services – PES) là gì?

Hình minh hoạ (Nguồn: whygreeneconomy)

Chi trả dịch vụ hệ sinh thái

Khái niệm

Chi trả dịch vụ hệ sinh thái hay chi trả dịch vụ môi trường trong tiếng Anh được gọi là Payments for ecosystem services – PES hay Payments for environmental services.

Chi trả dịch vụ hệ sinh thái là công cụ kinh tế được sử dụng để những người hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của hệ sinh thái đó. 

Thí dụ, các thảm rừng ngập mặn ven biển có tác dụng chắn sóng, chống lại tác động của thiên tai, duy trì nguồn lợi thủy hải sản của khu vực… 

Vì vậy, những người được hưởng lợi thông qua việc khai thác trực tiếp các giá trị mà rừng ngập mặn tạo ra phải có trách nhiệm chi trả một khoản tương xứng cho những người trực tiếp tham gia duy trì và bảo vệ các chức năng của rừng ngập mặn (Forest Trend, 2011).

Trong đó

Dịch vụ hệ sinh thái bao gồm những lợi ích mà con người khai thác hoặc hưởng lợi (trực tiếp hoặc gián tiếp) từ các hệ sinh thái.

Các dịch vụ cơ bản nhất mà con người có thể khai thác bao gồm: 

– Dịch vụ cung cấp thức ăn, nước uống, gỗ, vật liệu xây dựng, nguồn gen, nguyên liệu thô, cây thuốc dược phẩm, phân bón.

– Dịch vụ điều hòa: khí hậu, chống xói lở bờ biển, làm sạch nước, bẫy trầm tích…

– Dịch vụ văn hóa: giáo dục, du lịch sinh thái, nghỉ ngơi…

– Dịch vụ hỗ trợ hình thành đất, hình thành đảo, năng suất sơ cấp, duy trì đa dạng sinh học.

Tham khảo:   Lí thuyết phát triển không cân đối (Unbalanced growth theory) là gì?

Phương thức áp dụng

Mặc dù là một khái niệm mới được đưa vào tư duy và thực tiễn bảo tồn gần một thập kỉ trở lại đây nhưng PES đã nhanh chóng được phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. 

Hiện nay, PES ngày càng phát triển lan rộng và được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật bởi những nước coi trọng PES như một giải pháp chính sách để khuyến khích, chia sẻ các lợi ích trong cộng đồng và xã hội. 

Riêng việc áp dụng PES biển thì hiện nay các nước trên thế giới đã sử dụng một số phương thức như sau (Forest trends, 2011):

– PES thông qua thu phí quyền sử dụng không gian biển

Ví dụ cụ thể, theo Luật Bảo vệ Môi trường của Trung Quốc, đất đai và các đảo, biển thuộc sở hữu nhà nước và nhà nước sẽ giao cho các cá nhân, tổ chức sử dụng vào đúng mục đích dựa trên qui hoạch phát triển không gian biển đã được phê duyệt. 

Để sở hữu đất ven biển vào các mục đích phát triển khu thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng…, chủ đầu tư phải đóng thuế sử dụng đất, trong đó 30% tiền thuế sử dụng đất được nhà nước sử dụng cho mục đích bảo vệ môi trường và tài nguyên biển.

– PES thông qua thu phí dịch vụ

Ở các nước quanh vùng Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan…, khách tham quan các KBT biển ngoài việc trả phí tham quan còn phải trả phí bảo tồn cho cơ quan quản lí sở tại.

Tham khảo:   Hàng hóa thứ cấp (Inferior Good) là gì? Ví dụ về hàng hóa thứ cấp

– PES thông qua cấp phép khai thác

Các nước phát triển như Canada, Mỹ, Australia thực hiện việc cấp phép khai thác hải sản cho các tàu đánh cá với sản lượng cho phép khai thác nhất định vào các mùa trong năm. 

Giấy phép này sẽ được các cơ quan có thẩm quyền thanh tra hàng năm trước khi xét cho phép đổi mới, gia hạn. Điều kiện cho các tàu khai thác hoạt động là phải tuân thủ các qui định bảo vệ nguồn lợi thủy sản nghiêm ngặt. 

Tiền phí thu được từ các giấy phép khai thác này chỉ phục vụ cho các hoạt động tuần tra các hoạt động khai thác trái phép và bảo vệ các ngư trường quan trọng.

– PES thông qua chuỗi thị trường

Một số chuỗi cửa hàng ở Mỹ như Wal Mart chỉ cho phép bán các sản phẩm hải sản khai thác từ tự nhiên sau khi đã được các cơ quan chức năng dán tem “thân thiện với môi trường” (Environmental Friendly). 

Các sản phẩm này được người tiêu dùng mua và trong đơn giá sản phẩm đã được tính có chi phí PES.

– PES thông qua các hiệp định liên chính phủ

Hiện nay có rất nhiều hiệp định về đánh bắt, khai thác hải sản đã được kí kết. Ví dụ cá ngừ đại dương là đối tượng chịu sự chi phối, điều chỉnh của Hiệp định về đàn cá di cư quốc tế, nằm trong Công ước quốc tế Luật biển. Theo Hiệp định này, mỗi vùng biển trên thế giới đều được phân chia và quản lí theo vùng.

(Tài liệu tham khảo: Biển Việt Nam: Kì vọng phát triển & rủi ro môi trường, Trung tâm Con người và Thiên nhiên)

Tham khảo:   Hiện tượng thiên nga đen (Black Swan) trong nền kinh tế là gì?

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo