20. Kinh tế học

Đầu tư (Investment) là gì? Xác định hàm đầu tư

Hình minh họa. Nguồn: iMoney

Đầu tư (Investment)

Định nghĩa

Đầu tư trong tiếng Anh là Investment. Trong Kinh tế, đầu tư được hiểu là việc bỏ vốn ngày hôm nay với kỳ vọng sẽ thu được khoản lợi nhuận mong muốn trong tương lai.

Bên cạnh tiêu dùng, đầu tư là thành tố quan trọng thứ hai cấu thành Tổng chi tiêu.

Những dạng đầu tư chính bao gồm: đầu tư vào tài sản cố định của doanh nghiệp (máy móc, thiết bị nhà xưởng) và đầu tư tăng thêm hàng tồn kho…

Vai trò của đầu tư

Đầu tư có vai trò rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến sản lượng trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Trong ngắn hạn, đầu tư tác động đến sản lượng thông qua việc làm thay đổi tổng cầu.

Trong dài hạn, đầu tư có tác động làm thay đổi khả năng cung ứng, tăng sản lượng tiềm năng của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Các nhân tố ảnh hưởng đến đầu tư

(1) Sản lượng

Khi nền kinh tế đang có xu hướng hoạt động trôi chảy, trơn chu, sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng. Các doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận bằng cách tăng doanh thu, điều này làm tăng đầu tư. 

Ngược lại, nền kinh tế bị suy thoái, sản lượng sản xuất và tiêu thụ ở múc thấp làm hạn chế đầu tư, vốn đầu tư trong nền kinh tế theo đó mà sụt giảm.

(2) Chi phí đầu tư

Có hai nhân tố làm thay đổi chi phí sản xuất và tác động mạnh đến quyết định đầu tư đó là: lãi suất và thuế.

Tham khảo:   Thâm dụng lao động (Labor Intensive) là gì? Đặc điểm

– Lãi suất

Đây là cái giá phải trả cho tiền vay trong một thời hạn nhất định. Lãi suất càng cao thì chi phí phải trả cho vốn vay đầu tư càng cao, làm cho các hộ gia đình và các hãng kinh doanh có xu hướng giảm đầu tư. 

Ngược lại nếu lãi suất thấp thì cả người vay vốn và người cho vay vốn đều sẵn sàng đầu tư nhiều hơn.

– Thuế

Thuế cũng có thể làm thay đổi chi phí sản xuất và do đó ảnh hưởng đến đầu tư. Đương nhiên không phải mọi loại thuế đều có tác động rõ ràng đến đầu tư, mà chỉ có các loại thuế làm giảm lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp mới làm giảm đầu tư (thuế thu nhập doanh nghiệp). 

Chính vì vậy, để khuyến khích đầu tư nhiều nước đã áp dụng chính sách miễn giảm thuế đối với phần lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp.

(3) Kì vọng về tương lai

Đây là sự nhận định, niềm tin về điều gì đó sẽ xảy ra trong tương lai. Nếu các hãng tin rằng tương lai nền kinh tế sẽ hoạt động tốt hơn, có nhiều cơ hội trong việc tối đa hóa lợi nhuận thì người ta sẽ tích cực gia tăng đầu tư và ngược lại. Tuy nhiên, tin tưởng vào tương lai thì may rủi có thể lớn, vì vậy mà các hãng rất thận trọng trong việc phân tích tình hình các dự án, nhằm giảm thiểu các rủi ro.

Xác định hàm đầu tư (Investment Function)

Trường hợp 1: Hàm đầu tư không phụ thuộc vào sản lượng

Chúng ta bắt đầu phân tích tổng cầu bằng cách giả định đơn giản về nhu cầu đầu tư, và cho nó là nhu cầu tự định (hằng số Ī ).

Tham khảo:   Vốn nhân lực (Human capital) là gì?

Nếu ta vẽ đường đầu tư so với thu nhập thì ta sẽ có một đường thẳng nằm ngang luôn nằm phía trên trục hoành một khoảng không đổi.

Như vậy: hàm đầu tư 

I = Ī     (1′)

Có nghĩa là đầu tư không phụ thuộc vào thu nhập hiện tại

Trường hợp 2: Hàm đầu tư phụ thuộc vào sự thay đổi sản lượng

Nhiều nhà kinh tế lại cho rằng sản lượng tăng sẽ làm đầu tư tăng. Điều này đã được minh họa bằng lí thuyết gia tốc. Nội dung của lí thuyết này là “Tốc độ tăng đầu tư chủ yếu do tốc độ thay đổi sản lượng quyết định. Có nghĩa là đầu tư cao khi sản lượng tăng và khi sản lượng giảm thì đầu tư cũng thấp đi.”

Hàm đầu tư theo sản lượng I = f(Y) phản ánh sự phụ thuộc của sản lượng đầu tư dự kiến vào sản lượng (thu nhập) quốc gia.

Giả sử hàm đầu tư là một hàm đồng biến theo sản lượng có dạng:

I = Ī + MPI x Y     (2′) 

Trong đó MPI là xu hướng đầu tư biên (phản ánh lượng thay đổi của đầu tư khi sản lượng thay đổi 1 đơn vị).

Ta nói phương trình (2′) là phương trình dạng tổng quát cho hàm đầu tư nói chung vì trong trường hợp đầu tư không phụ thuộc vào sản lượng, có nghĩa là MPI = 0 và hàm đầu tư sẽ trở về dạng ban đầu (trường hợp 1), tức là I = Ī.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế vĩ mô, NXB Tài chính; Giáo trình Kinh tế học, NXB Đại học kinh tế quốc dân)

Tham khảo:   Tính chuyển dịch của lao động (Labor Mobility) và tầm quan trọng của tính chuyển dịch của lao động

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo