Kỹ năng giải quyết vấn đề

Những điều nên tránh trong giao tiếp ứng xử

Trong cuộc sống và giao tiếp ứng xử hàng ngày, con người luôn phải ứng phó với rất nhiều tình huống, có lúc dễ dàng xử lý, có lúc rất phức tạp, khó xử. Xã hội càng văn minh thì nhu cầu trong giao tiếp của con người càng cao. Giao tiếp ứng xử khôn khéo, tế nhị, và tạo lập quan hệ hiệu quả được xem như bí quyết thành công trong cuộc đời, trong công việc của mỗi người. Việc giao tiếp hiệu quả giúp chúng ta thể hiện bản thân mình một cách tích cực. Từ đó bạn sẽ tạo ấn tượng tốt với người xung quanh.

Những điều tối kỵ cần tránh trong giao tiếp ứng xử hàng ngày

1. Nói nửa chừng rồi dừng lại hoặc cướp lời người đang nói, làm nhiễu thứ tự hoặc luồng suy nghĩ của người đó.

2. Không nói rõ và giải thích đầy đủ làm người nghe cảm thấy đột ngột, khó hiểu đề tài nói chuyện của bạn hoặc khó hiếu ý bạn muốn nói. Không nên đưa những trọng tâm, những khái quát, giải thích lan man, làm người tiếp chuyện khó theo dõi mạch chuyện.

Kỹ năng mềm: Những điều nên tránh trong giao tiếp ứng xử

Những sai lầm trong giao tiếp ứng xử có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ

3. Nói sai đề tài, không quan tâm và tập trung đến điều mình muốn nói.

4. Nói thao thao bất tuyệt, không ngừng nêu các câu hỏi, làm người tiếp chuyện có cảm giác mình yêu cầu hơi nhiều quá.

5. Không trả lời thẳng vào câu hỏi mà người khác nêu ra, quanh co, dài dòng, gây nên cảm giác không trung thực cho người hỏi.

6. Tự cho rằng mọi điều mình đều biết cả, người nghe sẽ cảm thấy bạn là người tự cao tự đại.

7. Làm ra vẻ hiểu biết sâu rộng, người nghe có thể sẽ cảm thấy bạn là người không khiêm tốn, hay khoe khoang.

8. Phát triển câu chuyện không tập trung vào chủ đề chính làm cho người tiếp chuyện cảm thấy nhàm chán.

9. Ngắt bỏ hứng thú nói chuyện của người khác để ép người đó phải chuyển sang nói về đề tài mà bạn thích.

10. Thì thầm với một vài người trong đám đông.

11. Dùng ngôn ngữ quá bóng bảy hoặc quá nặng nề.

12. Chêm những câu tiếng nước ngoài trong câu nói của mình một cách tùy tiện.

13. Đột ngột cao giọng.

14. Dùng những lời quá suồng sã với mức độ quan hệ.

15. Dùng những từ đệm không cần thiết.

16. Nói với giọng khích bác, chạm vào lòng tự ái của người khác.

Lưu ý những chi tiết nhỏ nhặt nhưng quan trọng trong giao tiếp sau đây

Bên cạnh những điểm trên đây, bạn cũng cần phải lưu ý tới những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại khá quan trọng trong nghệ thuật giao tiếp:

– Không dùng ngón tay ngoáy lỗ mũi, lỗ tai hoặc lấy cái gì mắc ở hàm răng.

– Đối với phụ nữ không phải là người thân thuộc thì không nên bắt tay quá chặt hoặc không nên vồn vã ôm hoặc choàng vai người đó.

Tham khảo:   Những kỹ năng giải quyết vấn đề bạn cần biết

– Khi bắt tay thì không nên tay phải bắt tay, còn tay trái lại đút túi quần hoặc túi áo. Bắt tay ai, nhìn vào người đó.

– Khi nói chuyện, không nên khoa múa tay trước mặt người đối thoại, không dùng tay chỉ trỏ người này người khác.

– Nét mặt lúc nào cũng tươi vui, bình tĩnh. Không nên lộ vẻ quá lo buồn hoặc quá vui vẻ. Khi nói chuyện, thái độ lúc nào cũng ôn tồn, không nóng nảy, không hấp tấp, không vội vàng.

– Không bẻ ngón tay hoặc vặn mình, lắc cổ kêu răng rắc, lúc ngồi có thể gác chân nọ lên chân kia, nhưng không rung đùi. Phụ nữ mặc váy, nên khép chân và kéo váy che đầu gối.

– Quần áo hợp thời trang và hợp hoàn cảnh. Màu sắc trang nhã, hài hòa, sạch sẽ, không nhàu, không đứt cúc, không sờn rách. Nam thì khi mặc áo Vest luôn luôn được cài cúc; túi áo vétxtông trên ngực, mặt ngoài, phía trái, không được để kính, lược, bút máy, và chỉ được để khăn nhỏ màu sắc hợp với màu cravat, hoặc không để gì.

– Quần áo không để có mùi băng phiến và mùi nước hoa nồng nặc.

– Trước mặt người khác, khi cần phải giơ tay để đỡ một vật gì hoặc khi cần phải dạng chân để tránh bị ngã, đều phải có lời xin lỗi.

– Không nên ngáp và ợ, nên lấy tay che miệng; nếu chẳng may bị nấc, cố gắng đừng để thành tiếng to và cần uống nước liền mấy ngụm một cách nhẹ nhàng, sẽ hết nấc. Khi hắt hơi phải dùng mùi xoa để che mũi, miệng, không nên xì mũi quá mạnh vào mùi xoa, không khạc nhổ xuống đất.

– Không nên cười quá mức.

– Không nên dùng lược chải đầu khi đứng gần người khác, hoặc trang điểm trước mặt mọi người, trừ việc phụ nữ dùng gương để xem qua lại nét mặt.

– Khi mang con nhỏ đi theo ở nơi công cộng, lúc cho con bú, hoặc “xử lý” những việc cần thiết cho con…, cần làm nhẹ nhàng, kín đáo, tránh gây phiền phức cho người chung quanh.

– Không được hút thuốc ở những nơi cấm hút thuốc. Ở một số chỗ, khi muốn hút thuốc phải xin phép những người ngồi cạnh mình.

– Khi nói chuyện, muốn cắt ngang người đang nói, cần “xin phép”, “xin lỗi” đối với người đó trước.

– Ở những nơi có bảng cấm làm việc gì, cần làm theo đúng những điều đã cấm.

– Không được bóc thư người khác nếu không được người đó cho phép; không may bóc nhầm thư người khác cần bỏ thư đó vào phong bì, dán kín lại gửi cho người nhận thư, kèm lời xin lỗi chân thành. Khi gửi ảnh kèm thư, cần đề ngoài bì thư: “Trong thư có ảnh, xin đừng gấp! Cảm ơn!”.

Tham khảo:   5 Công cụ Giải quyết Vấn đề

– Luôn luôn mang theo người: kính đeo mắt (nếu cần), lược, bút, danh thiếp cá nhân (nếu có), một mảnh giấy trắng hoặc cuốn sổ con.

– Không đội mũ kéo xuống quá gáy đằng sau, hoặc kéo xuống sát mặt đằng trước.

– Không đi giày hoặc xăng đan lẹm gót. Trời lạnh, hoặc mưa, trước khi vào phòng khách, cần rũ nước mưa và treo ở ngoài (ô, dù cũng treo ở ngoài); khi vào nhà cần chùi giày vào thảm

Làm thế nào để khắc phục các sai lầm trong giao tiếp hiệu quả?

Để khắc phục các điểm yếu trong kỹ năng giao tiếp, việc trước tiên là đánh giá khả năng hiện tại của bạn về việc “quản lý cảm xúc”, bạn hãy tự hỏi mình: – “Khi cảm thấy bị kích động, tôi có biết làm thế nào để nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh?”. Cụ thể như: – “Tôi có thể nhận biết sự tức giận của mình ngay lúc tôi đang tức giận?”

Né tránh những tình huống nổi giận

Một trong những nguyên nhân khiến bạn không thể kiềm chế được cảm xúc của mình đó là tình trạng “đổ thêm dầu vào lửa”. Bạn đang bực bội về một việc làm, lời nói của ai đó, bạn sẽ rất dễ có ấn tượng không tốt và khó lòng cư xử một cách mềm mỏng, nhã nhặn với họ. Lúc ấy, bất cứ lời nói việc làm nào của họ cũng sẽ bị bạn nhìn nhận một cách tiêu cực. Và khi bạn nổi giận, bạn sẽ đánh mất cảm tình của mọi người, kể cả người mắc lỗi gây ra rắc rối. Chính vì vậy, cách tốt nhất là chưa nên tiếp xúc với họ vội. Hãy để khi cảm xúc của bạn lắng xuống, cơn giận tan đi, bạn sẽ tỉnh táo hơn để đánh giá, nhận xét mọi thứ một cách thực sự khách quan. Khi bạn bình tĩnh giải quyết vấn đề, mọi người sẽ nể phục bạn, người có lỗi sẽ hối hận và nhớ mãi sai lầm của mình… Tóm lại, bởi bạn rất coi trọng hình ảnh bản thân, hãy biết rằng người khác cũng vậy. Đừng bao giờ đánh giá người khác chỉ dựa trên vẻ ngoài.

Nghệ thuật xin lỗi

Một vài người cho rằng xin lỗi sẽ làm họ mất thể diện và là một hành động hạ mình, nhưng nếu không xin lỗi kịp thời bạn dễ làm tổn thương người đối diện và phá hỏng mối quan hệ đang có. Đừng quên lời xin lỗi chân thành, kịp thời có thể giúp bạn hàn gắn mối quan hệ đang xấu đi và cũng tạo điều kiện để ai đó tha thứ cho bạn.

Kỹ năng giao tiếp thông minh là một phần, điều quan trọng nhất là thành ý và thái độ của bạn. Trước bạn bè, có thể bạn không cần quá rườm rà nhưng phải thật sự chân thành nếu muốn được tha thứ và nên cho thấy mình hối hận về những gì đã làm. Hãy tỏ ra có trách nhiệm bằng cách nhìn nhận lỗi lầm của mình và không cố gắng bào chữa hay đổ lỗi cho người khác. Cho người ta biết bạn đã hiểu rằng hành động đó làm tổn thương đối phương ra sao và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bù đắp những tổn thương đã gây ra. Nếu lời xin lỗi trực tiếp không có tác dụng, nên tìm cách khác như viết một bức thư để họ có thời gian suy xét và đưa ra quyết định. Có thể lúc đầu họ từ chối, nhưng theo thời gian, bạn sẽ được tha thứ.

Tham khảo:   Giải quyết vấn đề trong nhóm

Nghệ thuật nói “không đồng ý”

Đừng nói “không đồng ý” với một quan điểm nào đó khi chưa đưa ra được lý do chính đáng (mà chỉ muốn “đàn áp” giành phần thắng). Đừng nói không đồng ý chỉ để chứng tỏ bạn khôn ngoan, sành sỏi và để thỏa mãn cái tôi của mình.

Dù trong mối quan hệ nào, xung đột là điều không thể tránh khỏi, nhưng để giữ được mối quan hệ tốt đẹp, cả hai phía cần phải cảm thấy đã được lắng nghe. Mục tiêu không phải để giành chiến thắng, mà là giải quyết cuộc xung đột với sự tôn trọng và tình yêu.

Luôn hài hước trong mọi hoàn cảnh

Sự hài hước luôn tạo cảm xúc tốt ngay cả khi bạn ở vào thời điểm đen tối nhất. Nếu bạn muốn cuộc sống của mình thú vị và được nhiều người yêu mến, hãy luôn mỉm cười mỗi khi có thể! Hãy quan sát mọi người, mọi sự việc bằng con mắt hài hước, vui vẻ. Hãy học cách tự giễu bản thân và giúp người khác nhận ra lỗi cũng bằng cách vui vẻ, hài hước như vậy (nhưng đừng quá mức nhé!). Bạn càng tập trung vào những điểm tích cực của sự việc thì bản thân bạn sẽ càng dễ kiềm chế cảm xúc và bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái hơn.

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo