31. Kỹ năng làm việc

Trễ giờ: lí do bạn không nên mắc phải và cách xử lý

Bạn nên tránh trễ giờ trong bất cứ cuộc hẹn nào của bạn như gọi điện cho khách hàng, họp với đồng nghiệp hoặc cấp trên, hay tất cả các công việc đã được lên kế hoạch khác. Sự chậm trễ chưa bao giờ được đánh giá cao nơi công sở, bởi các lí do sau đây.

Bạn thể hiện thái độ thiếu tôn trọng

Việc trễ giờ luôn thể hiện một thông điệp rằng thời gian của bạn quý giá hơn thời gian của người khác và bất cứ điều gì bạn đang làm quan trọng hơn những gì người khác đang làm. Ngay cả khi đó là sự thật bởi vì bạn đang thực hiện một dự án quan trọng nhất đối với công ty nhưng hành động này cũng cho thấy sự thiếu tôn trọng, thậm chí xem thường. Nó khiến mọi người đánh giá rằng bạn không đáng tin cậy, bất cẩn, vô tổ chức và nếu đó là khách hàng thì chắc rằng họ sẽ xem xét lại việc hợp tác với bạn. Thế nên, đây là một thông điệp “khủng khiếp” mà bạn không nên thể hiện trong mọi trường hợp.

Bạn sẽ không ở trong trạng thái tốt nhất

Việc đến muộn chắc chắn sẽ làm bạn ít nhiều lo lắng khi bạn bước vào cuộc họp hoặc cuộc hẹn. Có phải mọi người đang khó chịu hay không? Có phải bạn đã bỏ lỡ điều gì quan trọng hay không? Những lo lắng này xuất hiện trong đầu sẽ khiến bạn khó tập trung hơn vào vấn đề đang giải quyết, bất kể đó là gì. Bằng cách đến đúng giờ, bạn sẽ cho bản thân thêm vài phút để bình tĩnh, suy nghĩ về lập luận của mình và bạn có thể tự tin, đĩnh đạc và kiểm soát tình hình tốt hơn.

Bạn đang lãng phí tiền bạc

Đi muộn có thể dẫn đến một số sai lầm tốn kém. Chẳng hạn, nếu bạn được trả lương theo lịch trình làm việc nghiêm ngặt từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều thì việc đến trễ giờ, thậm chí vài phút bạn cũng sẽ bị trừ lương. Điều này đồng nghĩa rằng bạn đang lãng phí số tiền bạn có thể có được.

Bạn không biết cách quản lý thời gian

Một số người nghĩ rằng đi làm trễ hay xuất hiện muộn trong một cuộc họp hoặc các sự kiện ngụ ý rằng họ rất bận rộn và là nhân vật quan trọng. Thực tế, đây là một sai lầm. Sự chậm trễ, đặc biệt là chậm trễ trường kỳ chỉ cho thấy rằng bạn không biết cách (hoặc không muốn) quản lý thời gian của bạn một cách hiệu quả. 

Không ai muốn làm việc với người không thể đảm bảo đúng thời hạn

Trễ giờ không chỉ được đề cập đến việc xuất hiện tại một cuộc họp hay sự kiện mà còn là không đáp ứng đúng thời hạn đặt ra. Thật khó để làm việc với một người không đáng tin cậy như vậy và không ai muốn làm việc với kiểu người đó. Có thể, lý do bạn hoàn thành muộn là để mang lại một kết quả hoàn hảo hơn. Thế nhưng, công ty bạn có thể dễ dàng tìm được một người khác thay thế – người thậm chí có thể đạt được kết quả tốt hơn và hoàn thành đúng thời gian hơn bạn.

Tham khảo:   Tạo không khí hài hước vui nhộn cho bài thuyết trình đúng cách

Bạn sẽ không được lòng cấp trên

Siêng năng và trách nhiệm là điều rất quan trọng nếu bạn muốn đưa sự nghiệp của mình lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, khi bạn được biết đến như một người đến muộn, bạn sẽ không bao giờ là nhân viên được sếp tin tưởng và được thăng chức hoặc tăng lương.

Bạn đang làm xấu đi văn hóa công ty

Trễ giờ đi ngược lại với văn hóa công ty, đạo đức làm việc và kỳ vọng của bất kỳ nhà quản lý nào. Dĩ nhiên đó là điều không nên có trong đời sống công sở của bạn. Đi làm muộn hoặc xuất hiện trễ trong các cuộc họp cho thấy sự bất cần và là dấu hiệu của sự thiếu trách nhiệm khi thực hiện công việc. Đúng giờ có vẻ là điều hết sức nhỏ nhặt so với những điều lớn lao ngoài kia, nhưng đó là một nơi tốt để cho thấy bạn có tinh thần trách nhiệm.

Đúng giờ không phải điều quá khó

Ngoại trừ các trường hợp khẩn cấp thực sự hoặc các lí do khách quan, thì bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được giờ giấc của mình và điều đó thật dễ dàng. Chắc chắn, bạn phải mất thời gian để lên kế hoạch nhằm giữ đúng tiến độ nhưng so với những thử thách mà bạn có thể gặp phải khi thiếu tổ chức, thì đó là một điều rất đáng giá.

Bạn nên làm gì nếu trễ giờ?

Gọi điện thông báo

Nếu nghĩ rằng mình sẽ đến công ty trễ vài phút so với thời gian quy định, bạn có thể sẽ ổn nếu không gọi báo hoặc làm cho đồng nghiệp bớt lo lắng. Tuy nhiên, ngay sau khi chắc chắn là bạn sẽ trễ giờ, bạn nên gọi điện cho sếp để báo cho họ về sự chậm trễ.

Khi bạn đã thực hiện cuộc gọi đó, hãy cố gắng đừng căng thẳng. Không có quá nhiều thứ bạn có thể làm, đặc biệt là nếu bạn đang kẹt xe. Ngừng nhìn chằm chằm vào đồng hồ một cách ám ảnh và cố gắng làm điều gì đó giúp bạn thư giãn. Nếu bạn để việc đi trễ làm hỏng tâm trạng của mình, bạn sẽ làm việc kém hiệu quả hơn khi cuối cùng bạn cũng đến được bàn làm việc.

Tham khảo:   15 từ khóa bạn cần khi ứng tuyển cho các vị trí cấp cao

Hãy chắc chắn rằng công việc của bạn được kiểm soát

Gọi điện thoại cho sếp chỉ là bước đầu tiên. Nếu công việc của bạn phụ thuộc vào việc bạn phải có mặt tại bàn làm việc ở thời điểm quy định, hãy liên hệ với một trong những đồng nghiệp của bạn để nhờ sự hỗ trợ. Nếu bạn cần phải thực hiện một báo cáo hoặc nhiệm vụ quan trọng, hãy xem liệu người khác có thể giúp bạn không. Chuyển tiếp bất kỳ email hoặc thông tin cho đồng nghiệp của bạn và giải thích những gì bạn cần họ làm. Nhớ là đừng quên cảm ơn họ khi bạn đến nơi làm việc.

Nói sự thật

Nếu bạn đến muộn, hãy đến thẳng văn phòng của sếp và xin lỗi vì đã không có mặt đúng giờ. Nhiều nhà quản lý chia sẻ rằng khi một nhân viên đến trễ, họ chỉ ước nhân viên đó có thể nói sự thật. Thực tế là lý do tại sao bạn đến muộn không phải là điều nhà quản lý quan tâm mà điều họ muốn xem xét là thái độ của bạn khi đến trễ. Do đó, hãy trung thực. Sự thật luôn có cách để khiến bạn phải trả giá vì đã nói dối.

Đưa ra cam kết và thực hiện theo đó

Cố gắng tránh đưa ra lời bào chữa và thay vào đó là tập trung vào những gì bạn dự định làm để ngăn điều này xảy ra trong tương lai. Nếu điều đó có nghĩa là rời khỏi nhà sớm hơn 30 phút để tránh kẹt xe, hãy cho người quản lý biết bạn có kế hoạch cụ thể để làm điều đó.

Sau khi đưa ra những lời hứa đó, hãy nỗ lực thực hiện. Hãy chắc chắn rằng bạn chỉ đến muộn một lần này. Luôn luôn đúng giờ, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác.

Làm việc suốt giờ ăn trưa

Khi bạn đã có mặt ở bàn làm việc, hãy bù đắp thời gian đã mất và cân nhắc việc ăn trưa tại bàn làm việc nếu bạn đi làm trễ giờ. Làm hai việc cùng một lúc như ăn trưa và làm bài thuyết trình có thể khó khăn, vì thế bạn nên làm các công việc dễ dàng hơn như trả lời các email hoặc hoàn thành các nhiệm vụ nhỏ, có thể được hoàn thành trong thời gian ngắn.

Ở lại muộn hơn

Khi ngày làm việc kết thúc và danh sách việc cần làm đã giảm đáng kể, bạn có thể muốn rời khỏi văn phòng như mọi người khác. Tuy nhiên, vì đã đi làm trễ giờ, bạn nên cân nhắc ở lại muộn hơn một chút và hoàn tất các nhiệm vụ cần thiết. Khi công việc cuối cùng của bạn hoàn tất, hãy dành chút thời gian để tạo danh sách việc cần làm cho ngày hôm sau hoặc sắp xếp bàn làm việc của bạn. Nếu người quản lý và đồng nghiệp của bạn thấy rằng bạn đang dành thời gian bù đắp vào việc đi trễ, họ có thể đánh giá cao những nỗ lực của bạn.

Tham khảo:   Bí quyết giúp nhân viên mới nhanh hòa nhập

Không ai muốn trễ giờ khi đi làm hoặc trong các buổi hẹn, nhưng điều đó vẫn xảy ra với những người giỏi nhất trong chúng ta. Nếu bạn biến nó thành một ngoại lệ thay vì thói quen, sếp của bạn có thể sẽ hiểu và khoan dung hơn khi điều đó xảy ra. Điều tốt nhất bạn có thể làm là cho sếp biết trước rằng bạn sẽ đến trễ và cố gắng hết sức để đảm bảo công việc của bạn được thực hiện tốt.

Đến đúng giờ là một cách cực kỳ đơn giản để tạo ấn tượng tốt với người khác, khiến mọi người thích bạn và khiến bản thân bạn trông thật chuyên nghiệp. Vậy thì tại sao bạn không khắc phục thói quen trễ giờ ngay hôm nay?

7/ 

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo