Kỹ năng quản lý bản thân

Tự lãnh đạo bản thân – nền tảng của thành công

“Bạn chỉ có thể trở thành nhà lãnh đạo tài ba khi bạn có thể tự lãnh đạo tốt bản thân mình” (You can only be a great leader when you can lead yourself well first) – nhà thần học Richard Norris.

Tự lãnh đạo bản thân là gì? Đó là khả năng tự làm chủ bản thân.

Làm chủ bản thân là một việc không đơn giản, nhưng chắc chắn là nó rất quan trọng, nếu không thì John Maxwell – một học giả về lãnh đạo, trong quyển sách “Phát triển nhà lãnh đạo trong bạn” đã không viết: “Dại thời muốn chinh phục cả thế giới / Khôn thời chỉ muốn thắng bản thân mình” (When we are foolish we want to conquer the world. When we are wise, we want to conquer ourselves).

Chiến thắng bản thân luôn là một cuộc chiến thách thức và quan trọng nhất trong sự nghiệp của người thành đạt. Thành công hay không đa số đều khởi nguồn từ đây. Việc làm đúng ngay từ đầu của nhà lãnh đạo/CEO/ khởi nghiệp gia cũng vì thế, nên bắt đầu từ đây.

Làm sao để làm chủ bản thân mình một cách tốt nhất? Sau đây là những điều quan yếu nhất tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ đang lập nghiệp:

Hiểu rõ về mình

Binh pháp có nói: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Trong đó “biết ta” là yếu tố cơ bản, dễ khai thác nhất nhưng lại thường bị xem thường, bỏ qua nhiều nhất.

Biết mình muốn gì. Hoài bão, mơ ước, tầm nhìn của mình là gì? Những sứ mệnh nào mình muốn gánh vác? Những giá trị cốt lõi nào mình đang tôn thờ? Hay nói nôm na là biết mình đang ở đâu, muốn đi về đâu và định đi đến đó như thế nào, bằng cách nào, với những nguồn lực nào.

Xác định rõ đích đến/điều mình muốn đạt là điều vô cùng quan trọng để định hướng cho mọi hoạt động, mọi nỗ lực của mình trong mọi việc. Đây chính là chiếc la bàn không thể thiếu trên đường lập nghiệp.

Nếu như bạn vẫn còn mơ hồ về điều mình mơ ước, hãy bình tĩnh ngồi xuống, lấy một cây viết ra và suy nghĩ thật kỹ trước khi trả lời các câu hỏi sau: “Mình muốn trở thành người như thế nào sau 10/15/20 năm?”. Có sự nghiệp thành đạt? Có gia đình hạnh phúc? Có sức khỏe tốt?…

Tại sao mỗi dịp xuân về, các công ty dịch vụ thường hay gửi đến khách hàng của họ lời chúc “Một năm mới có thật nhiều sức khỏe, thành công và hạnh phúc”? Bởi vì ba yếu tố sức khỏe, thành công và hạnh phúc tuy 3 mà 1, chúng có quan hệ mật thiết và tương hỗ lẫn nhau.

Tham khảo:   Tạo động lực để có thể làm bất kỳ việc gì qua 3 bước đã được khoa học chứng minh

Người thành đạt là người có tư duy chiến lược, sự minh mẫn, nhạy bén trên thương trường, sự kiên trì, dũng cảm trong chiến đấu/cạnh tranh… Tất cả những yếu tố đó đều đòi hỏi một “phần cứng” vô cùng nền tảng, đó chính là một cơ thể khỏe mạnh. Sức khỏe của bạn đã đủ tốt chưa – cả về thể chất lẫn tinh thần? Bạn có giữ được sự dẻo dai và sáng suốt đều đặn trong 8 giờ làm việc mỗi ngày không? Năng suất làm việc của bạn bị giảm dần khi thời gian trôi qua trong ngày hay theo năm tháng?

Bạn đã ăn uống điều độ, đúng giờ không? Trong tình hình an toàn thực phẩm có nhiều vấn đề như hiện nay, ngoài ăn uống điều độ, ăn đủ chất ra, chúng ta còn phải biết cách chọn lựa thực phẩm sạch khi ăn uống.

Bạn có đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ 8 tiếng đồng hồ không? Chất lượng giấc ngủ là quan trọng nhất, nhưng số giờ ngủ cũng không nên xem thường. Khi chúng ta ngủ, não sẽ tự tiến hành sắp xếp, điều chỉnh lại những lệch lạc, thay đổi trong cơ thể (như máy tính defragment vậy) để điều hòa lại mọi thứ cho ổn định, góp phần quan trọng cho việc giữ gìn sức khỏe. Nếu sau khi ngủ dậy mà chúng ta còn cảm giác lừ đừ, mệt mỏi, nghĩa là giấc ngủ đó chưa tốt, cần phải tìm hiểu ngay lý do để phòng ngừa tái phát.

Bạn có tập thể dục đều đặn không? Đây là câu hỏi rất ít người trả lời “có”. Ai cũng biết tập thể dục là vô cùng quan trọng và cần thiết, nhưng không nhiều người có được nếp tập luyện đều đặn, nhất là giới trẻ lại càng ít xem trọng việc này.

Cần hiểu rằng việc tập thể dục đều đặn không chỉ đơn thuần giúp chúng ta rèn luyện sức khỏe thể chất từ đó tác động đến tinh thần, mà còn giúp chúng ta rèn luyện một ý chí kiên cường, tự chủ. Chính việc tự mình “bắt” mình mỗi ngày hoặc tuần 3 ngày phải tham gia tập luyện đều đặn một môn nào đó đúng giờ giấc sẽ rèn luyện khả năng tự chủ của mình, nghĩa là mình làm chủ được bản thân mình, không để cho sự lười nhác, ham vui, ngại khó chiến thắng bản thân mình. Khả năng làm chủ bản thân đa phần được tôi luyện từ đây.

Tham khảo:   Đời người, hơn - kém nhau dựa vào 4 chữ: Tư duy tích cực

Gia đình hạnh phúc và sự thành đạt

Mối quan hệ với mọi người trong gia đình là một chất xúc tác quan trọng khi chúng ta ra ngoài lập nghiệp. Một gia đình trên dưới thuận hòa sẽ là một hậu phương vững chắc, giúp bạn yên tâm khi làm việc và có động lực phấn đấu. Ngược lại, bạn sẽ không thể yên tâm để tập trung vào công việc và động lực cũng dễ bị mất đi từ đó.

Chúng ta thấy rõ 3 yếu tố trên có liên quan mật thiết với nhau: Phải có sức khỏe tốt, có gia đình hạnh phúc thì mới có sự thành đạt.

Dale Carnegie – tác giả quyển sách nổi tiếng Đắc nhân tâm đã từng nói: “Thành công là có những gì mình thích; Hạnh phúc là thích những gì mình có”. Tôi định nghĩa sự thành đạt như thế này: “Thành đạt là đạt được những gì mình thích nhưng không phải đánh đổi những thứ mà sau này không thể mua lại bằng tiền”. Đó chính là sức khoẻ và hạnh phúc!

Biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình

Điểm mạnh là vốn liếng quan trọng để thành công nên cần phải phát huy tối đa. Điểm yếu là rào cản ngăn lối đến thành công nên cần phải khắc phục và cải tiến.

Làm chủ bản thân là biết rõ mình mạnh cái gì để gia tăng sự tự tin và hiểu mình yếu cái gì để khắc phục.

Làm chủ bản thân là luôn có thái độ lạc quan, tích cực trên thương trường: tự tin vào điểm mạnh của mình và không khiếp sợ trước điểm mạnh của đối phương; không tự ty về điểm yếu của mình, luôn tìm cách cải thiện và tìm điểm yếu của đối phương để có sách lược tiến công hiệu quả.

Biết rõ những giá trị mà mình theo đuổi

Giá trị là những niềm tin bền vững và lâu dài về những điều được coi là quan trọng trong các tình huống khác nhau. Niềm tin này định hướng các quyết định và hành động của chúng ta. Nói cách khác, giá trị chính là nhận thức về những điều tốt hay xấu, đúng hay sai.

Giá trị là cơ sở để hình thành nên văn hóa doanh nghiệp, vì thế hãy hiểu rõ, chọn lựa, kiến tạo và duy trì những giá trị tích cực bạn đang có liên quan mật thiết đến ngành nghề doanh nghiệp bạn cần phát triển.

Tham khảo:   Xây dựng quỹ tiết kiệm cho riêng mình, bạn đã biết?

Có tính kỷ luật

Tính kỷ luật là yêu cầu không thể thiếu để làm chủ chính mình. Soạn giả Joseph Joubert từng nói: “Hãy hiền dịu bao dung với tất cả mọi người trừ chính mình”.
Làm chủ bản thân là biết “ép” mình vào khuôn khổ kỷ luật, biết nhập gia tùy tục, thích ứng mọi sự thay đổi để đạt được mục tiêu của mình.

Tính kỷ luật sẽ giúp chúng ta tăng thêm sức mạnh của bản thân, như triết gia Lucius Amaeus Seneca đã nói: “Người có sức mạnh lớn nhất là người biết kiểm soát bản thân mình”.

Tóm lại, nền tảng của mọi thành công đều bắt nguồn từ việc biết tự lãnh đạo bản thân mình. Để có thể làm chủ doanh nghiệp thành công, phải biết làm chủ chính mình trước đã. Muốn làm chủ chính mình phải hiểu thật rõ về mình, đồng thời không ngừng lắng nghe và học hỏi.

Một sự khởi đầu đúng cách là đã thành công một nửa!

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo