30. Kỹ năng sống

13 mẹo hữu ích giúp bạn nâng cao kỹ năng tự học

Việc tự học có thể đưa bạn đến những chân trời mới, giúp bạn mở rộng thế giới quan và nhân sinh quan. Nỗ lực trau dồi kiến thức mới và phát triển các kỹ năng cần thiết để áp dụng vào nhiều khía cạnh trong cuộc sống chưa bao giờ là một điều thừa thãi, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều biến chuyển và dễ đào thải người “lạc hậu”. Để quá trình tự học đạt được hiệu quả cao, bạn nên tìm hiểu các phương pháp, chiến lược phù hợp nhằm hỗ trợ bản thân dễ dàng tiếp nhận thông tin, và duy trì niềm đam mê học tập lâu dài để nhận được kết quả bản thân mong muốn. Sau đây là 13 mẹo hữu ích do Masterskills gợi ý giúp bạn nâng cao kỹ năng tự học. 

Tự học là gì?

Tự học là quá trình chủ động tìm hiểu, tiếp thu kiến thức hoặc kỹ năng mới nhưng không thông qua môi trường học thuật chuyên nghiệp hay đến các trung tâm, cơ sở dạy thêm bên ngoài. Trong quá trình tự học, bạn có thể tự do lựa chọn nội dung học tập, xây dựng phương pháp và lộ trình phù hợp với bản thân. Nhìn chung, đây là kỹ năng đòi hỏi tính tự giác, chủ động, cần bạn rèn luyện một cách kỷ luật mới có thể đạt hiệu quả cao nhất.

cô gái nón đỏ tự học

Ảnh: Pexels/Antoni Shkraba

Lợi ích của việc tự học

Tự học mang lại nhiều lợi ích nổi bật cho quá trình phát triển và hoàn thiện bản thân của mỗi người. Một mặt, bạn có thể vận dụng những kiến thức, kỹ năng tự học để giải quyết các vấn đề trong công việc hay cuộc sống hằng ngày. Mặt khác, tự học giúp cải thiện sự tự tin vì bạn thấu hiểu khả năng và làm chủ được năng lực của mình. Đặc biệt, bạn sẽ không sợ hãi trước những thay đổi nhanh chóng của thời đại trí tuệ nhân tạo, giảm thiểu nguy cơ bị “bỏ lại” trong lĩnh vực mình theo đuổi sau một khoảng thời gian. 

Một điểm cộng khác của tự học là bạn được tự do cá nhân hóa lộ trình học phù hợp với thế mạnh bản thân. Dựa trên phong cách, thời gian biểu và thói quen hằng ngày, bạn có thể chủ động vạch ra một lộ trình phù hợp để tiếp thu kiến thức mới. Hơn nữa khi tự học, bạn không cần tuân theo một chương trình giảng dạy đã được thiết kế sẵn. Điều này cho phép bạn linh hoạt điều chỉnh kế hoạch để tối ưu hóa hiệu suất học tập.

cô gái váy xanh tự học

Ảnh: Pexels/Pavel Danilyuk

Những mẹo giúp nâng cao kỹ năng tự học

1. Xác định phong cách học tập

Mỗi người có cách riêng để tìm hiểu và tiếp thu thông tin mới. Do đó, việc hiểu rõ phong cách học tập của bản thân sẽ giúp bạn xác định và áp dụng những phương pháp, kỹ thuật phù hợp để tối ưu hóa quá trình tự học. Một số phong cách học tập phổ biến hiện nay là visual (học bằng thị giác), auditory (học bằng thính giác), verbal (học bằng ngôn ngữ), kinesthetic (học bằng vận động)… Để xác định phong cách học tập của riêng mình, bạn có thể quan sát cách bản thân tiếp thu hay ghi nhớ kiến thức, hoặc tìm kiếm và thực hiện những bài trắc nghiệm sẵn có trên Google. 

2. Xác định mục đích học tập

Trước khi bắt đầu, hãy xác định kiến thức hoặc kỹ năng muốn học và lý do tại sao bạn muốn thực hành tự học. Hành động này có khả năng mang lại cho bạn động lực để bắt đầu và theo đuổi quá trình tự học. Đồng thời, bạn nên cân nhắc ảnh hưởng của kiến thức mới đến cuộc sống hiện tại và nhu cầu sử dụng nó trong tương lai. 

cô gái áo trắng ngồi ghi chú

Ảnh: Pexels/Roman Odintsov

3. Thiết lập mục tiêu phù hợp

Mẹo nhỏ hữu ích này giúp bạn tập trung và nỗ lực hơn trong quá trình tự học nhằm chinh phục mục tiêu đã đề ra. Mặt khác, việc có một mục tiêu cụ thể còn hỗ trợ bạn đặt ra các tiêu chuẩn chính xác để theo dõi, đánh giá tiến độ học tập của mình. 

Tham khảo:   Chàng trai 23 tuổi mở ‘đế chế’ kinh doanh kem doanh thu 15 tỷ đồng/năm: Không học đại học, lấy tiền tiết kiệm, đầu tư cổ phiếu và vay mượn họ hàng để làm vốn

4. Lập thời khóa biểu

Để quá trình tự học diễn ra hiệu quả, bạn nên lập một thời khóa biểu cho các buổi tự học. Thời khóa biểu cần có tính khả thi, phù hợp với khả năng, lịch trình của bạn, đồng thời giúp bạn tối đa hóa sự tập trung. Tùy theo sở thích cá nhân, bạn có thể thực hiện công việc này bằng cách sử dụng sổ tay, bảng tính, lịch, ứng dụng hay phần mềm phù hợp. 


Xem thêm

• 8 loại thực phẩm giúp tăng cường trí nhớ và sự tập trung

• 10 kỹ năng quan trọng bạn cần trang bị trong năm 2024

• 40 câu nói hay truyền động lực thành công trong năm 2024


5. Xây dựng môi trường học tập tích cực, phù hợp

Môi trường học tập có tác động đáng kể đến hiệu quả tự học của bạn. Mặt khác, mỗi chúng ta đều có một không gian học tập yêu thích khác nhau. Bạn có thể cảm thấy năng suất nhất khi học tập tại nhà, trong khi cô bạn thân lại được tiếp thêm động lực khi học ở những nơi công cộng như thư viện, quán cafe… Vì vậy, hãy chủ động chọn một không gian phù hợp với sở thích, phong cách và nhu cầu của bản thân để tối ưu hóa hiệu suất học tập. 

nhiều người tự học tại thư viện

Ảnh: Unsplash/Hümâ H. Yardım

6. Chọn lựa sách và các nguồn tài liệu học thuật

Khi tìm hiểu một kiến thức mới, bạn nên tìm đọc các tựa sách và các bài viết học thuật từ các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực. Việc này góp phần mang lại cho bạn cái nhìn tổng quan, chính xác về chủ đề cần tìm hiểu. Hiện nay, thư viện và các cơ sở dữ liệu trực tuyến là những nguồn cung cấp tài liệu học thuật đa dạng và đáng tin cậy nhất. Tuy nhiên, khi chọn nguồn tài liệu, bạn cần đảm bảo tài liệu có độ chính xác cao, hay phù hợp với tình hình thực tế trong thời điểm hiện tại. 

Tham khảo:   Post Concert Depression Là Gì? 5 Giai Đoạn Mà Ai “Luỵ” Concert Cũng Từng Trải Qua

7. Tận dụng các nguồn học tập trực tuyến

Trong quá trình tự học, đừng quên tận dụng các nguồn học tập trực tuyến để mở rộng kiến thức. Phương pháp này đặc biệt phù hợp nếu bạn có phong cách học bằng thính giác hoặc thị giác. Bạn có thể truy cập YouTube và một số trang web giáo dục để tìm kiếm những video hướng dẫn, giảng dạy về các chủ đề đa dạng. Podcast cũng là một kênh học tập trực tuyến hữu ích bạn nên thử. Thêm vào đó, nhiều trang web hay tổ chức còn thường xuyên cung cấp các khóa học trực tuyến có chứng chỉ, vừa giúp bạn bổ sung kiến thức, vừa góp phần làm đẹp hồ sơ cá nhân. 

cô gái tự học trên máy tính

Ảnh: Pexels/Julia M Cameron

8. Kết hợp ghi chú trong khi học

Kết hợp ghi chú trong khi học giúp bạn nâng cao sự tập trung và lĩnh hội kiến thức mới. Lời khuyên này đặc biệt hữu ích khi tiếp nhận thông tin từ video hoặc podcast. Một số phương pháp ghi chú phổ biến bạn có thể thử là mapping (sử dụng sơ đồ tư duy), outline (sử dụng các gạch đầu dòng để thể hiện các nội dung chính – phụ) và charting (sắp xếp thông tin theo nhiều cột và hàng).

9. Ôn lại bài học trong cùng một ngày

Mẹo nhỏ này có thể tăng khả năng ghi nhớ của bạn, giúp bạn tiến bộ hơn trong hành trình tự học. Bạn có thể tận dụng quãng thời gian khi di chuyển hoặc trước khi bắt đầu một cuộc hẹn để xem lại bài. Ngoài ra, trước khi ngủ cũng là thời điểm lý tưởng để bạn ôn tập nội dung đã học trong ngày. 

10. Sắp xếp, lưu trữ thông tin hợp lý

túi đựng hồ sơ vật lý

Ảnh: Pexels/Anete Lusina

Có nhiều cách sắp xếp và lưu trữ thông tin, như sử dụng túi hồ sơ vật lý hoặc tận dụng không gian lưu trữ trên các thiết bị điện tử. Tùy theo nhu cầu và thói quen, bạn có thể chọn một trong hai cách hoặc kết hợp cả hai. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo thông tin được sắp xếp gọn gàng, hợp lý, giúp bạn dễ dàng tìm kiếm hay truy cập khi có nhu cầu. 

11. Vận dụng kiến thức đã học

Việc vận dụng nội dung đã học vào thực tiễn cho phép bạn kiểm tra khả năng tiếp thu của mình và tính hiệu quả của quá trình tự học. Đồng thời, phương pháp này còn giúp bạn khắc sâu kiến thức vào não bộ. Ví dụ, nếu bạn đang học một ngôn ngữ mới, đừng ngần ngại giao tiếp với người khác bằng ngôn ngữ đó, đặc biệt là người bản xứ. Hoặc khi bạn vừa kết thúc một quá trình tự học dựng phim, bạn có thể ứng dụng ngay vào việc dựng những vlog đơn giản như hoạt động trong một ngày của bản thân. 

Tham khảo:   Nomophobia Là Gì? Bạn Có Phải Là Một Kẻ “Nghiện” Điện Thoại?

12. Học nhóm

hai cô gái học nhóm với nhau trên bãi cỏ

Ảnh: Unsplash/Anna Keibalo

Nếu bạn có xu hướng học tập hiệu quả hơn trong môi trường tập thể, hãy thử học cùng bạn bè hoặc tham gia các diễn đàn, hội nhóm học tập trực tuyến. Bằng cách này, bạn có thể trình bày rõ ràng kiến thức và quan điểm của mình với người khác, tạo điều kiện cho quá trình ghi nhớ thông tin diễn ra dễ dàng hơn. Đồng thời, đây còn là phương pháp giúp bạn có cơ hội được học hỏi từ người khác và cùng trao đổi những nguồn tài nguyên hữu ích. 

13. Tự đánh giá quá trình học tập

Tự đánh giá là kỹ năng cần thiết cung cấp cho bạn thông tin quan trọng về những điểm tiến bộ hay hạn chế của bản thân. Vì vậy, bạn nên dành một ít thời gian mỗi tuần để đánh giá, kiểm tra quá trình tự học để có thể điều chỉnh lộ trình, phong cách hay nguồn tài liệu học tập cho phù hợp. 

Trả lời

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo