31. Kỹ năng làm việc

Gặp người hướng dẫn có tâm cũng như đi học gặp người thầy tốt

Mình từng đọc được ở đâu đó rằng: “Đời người có 3 thứ may mắn nhất, đó chính là đi học gặp được thầy tốt, đi làm gặp được người hướng dẫn (mentor) tốt và lập gia đình gặp được người bạn đời tốt”. Có một người bạn đời lý tưởng là điều may mắn không ai có thể chối cãi nhưng gặp được một mentor tốt chính là phúc phận trong sự nghiệp của bất cứ ai bởi vì có một mentor tận tâm đồng nghĩa với việc bạn đã có được một người thầy vĩ đại.

Người hướng dẫn hay mentor – họ là ai?

Hiểu một cách đơn giản, mentor là người cố vấn, hướng dẫn, giúp đỡ bạn hoàn thiện bản thân mỗi ngày, giúp bạn ngày càng tiến bộ và phát triển hơn trong một lĩnh vực nào đó. Trong công việc, mentor có thể là sếp của bạn, cũng có thể chỉ đơn thuần là một người đi trước, là một ai đó có đầy đủ năng lực chuyên môn cũng như có tầm ảnh hưởng đối với bạn. Sếp không nhất định sẽ trở thành mentor của bạn bởi vì có thể gặp được mentor hay không là do “duyên số”, không thể cầu, cũng không thể cưỡng ép mà có được.

Người hướng dẫn là một tấm gương sáng để bạn noi theo và là người có khả năng tác động tích cực đến lối suy nghĩ cũng như hành động của bạn. Họ truyền động lực và định hướng cho bạn trong công việc cũng như trong cuộc sống, giúp bạn tháo gỡ những khó khăn, tôi luyện những kỹ năng cần có để trở thành một người tài giỏi hơn, vững vàng hơn.

Trong từng giai đoạn của sự nghiệp, mentor của bạn sẽ đóng những vai trò khác nhau. Có khi là trực tiếp hướng dẫn, có khi là gợi mở động viên, hoặc đơn giản là cho bạn lời khuyên khi thực sự cần thiết hoặc là khích lệ kịp thời trong những lúc bạn gần như đánh mất lòng tin đối với bản thân.

Đặc biệt hơn cả, một mentor có tâm sẽ là người nhận ra, đánh thức và khai phá mọi tiềm năng ẩn tàng trong bạn bằng cách trao cho bạn cơ hội, cho bạn “sân khấu” để thể hiện, tin tưởng rằng bạn có thể làm được và dẫn dắt bạn đến những nấc thang cao hơn trong sự nghiệp.

Tham khảo:   7 điều nên hỏi vào ngày đầu đi làm

“Người hướng dẫn không nhất thiết phải luôn sát sao kèm cặp bạn, không cần cầm tay chỉ việc cho bạn, họ có thể chỉ đứng từ xa quan sát cách làm của bạn và hỗ trợ bạn khi cần.”

Làm thế nào để tìm được một người hướng dẫn có tâm?

Có thể tìm được mentor hay không hoàn toàn là do duyên số, tuyệt không thể cưỡng cầu. Không ai có trách nhiệm hay nghĩa vụ làm mentor cho một ai đó, trừ khi họ cảm thấy bạn thực sự xứng đáng. Đôi khi, sự xứng đáng đó không nhất thiết sẽ đến từ năng lực, thái độ của bạn mà đến từ sự tương đồng thần kỳ về “tần số” giữa đôi bên. Vậy nên, hãy thể hiện rằng bạn xứng đáng và họ sẽ chủ động giúp đỡ, hỗ trợ mà không cần bạn phải mở lời.

Như cách mình tìm được mentor đến rất tự nhiên. Khi mới chập chững gia nhập vào lĩnh vực Digital Marketing, mình thường xuyên tham gia offline các chủ đề liên quan để nâng cao hiểu biết. Lúc đó tình cờ mình ngồi gần một chị tiền bối có khá nhiều kinh nghiệm ở khía cạnh này. Sau một lúc nói chuyện, thấy tâm đầu ý hợp nên cả hai đã chia sẻ liên hệ của nhau rồi cứ thế những buổi gặp gỡ của hai chị em ngày càng nhiều. Có gì vướng mắc trong công việc mình cũng đều tâm sự với chị, còn chị luôn lắng nghe, cho mình những lời khuyên thiết thực và chí lý. Mặc dù gọi chị xưng em nhưng trong thâm tâm mình đã xem chị như một người thầy đáng quý.

Mặc dù nói là do duyên nhưng khi xác định mình cần một người hướng dẫn thì cũng không nên để mọi việc đến đâu thì đến. Hãy tự tạo cơ hội cho chính mình bằng cách tiếp cận với người mà bạn muốn trở thành mentor của mình và để mối quan hệ phát triển theo thời gian.

Tham khảo:   Đừng bất mãn khi sếp ít tuổi và không dày dặn kinh nghiệm

Điều tệ nhất bạn có thể làm khi tìm kiếm mentor là yêu cầu họ làm người hướng dẫn cho bạn ngay lập tức, đặc biệt nếu bạn chưa từng gặp họ trước đây. Tìm kiếm mentor cũng giống như việc hẹn hò vậy. Khi tìm hiểu về một người nào đó và nếu nhận thấy một số điểm tương đồng, bạn có thể mời họ uống cà phê, đi ăn cùng. Dần dần mối quan hệ sẽ bền chặt hơn. Đừng mới chỉ gặp gỡ ai đó sau vài câu xã giao đã vội vàng hỏi “Em có muốn làm dâu của má anh không?”. Làm như vậy chỉ khiến người ta sợ hãi và xa lánh bạn. Đừng ép buộc và cũng đừng đưa ai vào thế khó xử giữa việc đồng ý hay từ chối làm mentor của bạn. Hãy thư giãn, bài học và lời khuyên sẽ đến theo thời gian.

Nên sử dụng “quyền hỗ trợ” của mentor như thế nào?

Người đóng vai trò quan trọng nhất trên con đường công danh sự nghiệp của bạn là chính bạn, người chịu trách nhiệm cho cuộc đời của chính bạn cũng là bạn vì chỉ có bạn mới hiểu bản thân mình cần gì, điểm mạnh, điểm yếu ra sao và ước mơ, mục đích sống của bạn là gì. Mặc dù một mentor có tâm sẽ tác động không nhỏ đến sự nghiệp và cuộc đời của bạn nhưng hãy nhớ điều này, thành công mà bạn có được chỉ có 20% nhờ vào tác động bên ngoài, 80% còn lại phụ thuộc vào nỗ lực của bạn. Không ai có thể giúp bạn tiến lên nếu bản thân bạn không muốn bước đi, không ai có thể kéo bạn chạy thật nhanh, thật xa nếu bản thân bạn không muốn tăng tốc.

Do đó, đừng quá phụ thuộc vào mentor mà tự bản thân hãy luôn nỗ lực hết sức. Quỹ thời gian của mỗi người là có hạn, đừng trông mong mentor sẽ dắt bạn lên núi trong khi bản thân bạn chẳng chịu trèo. Trước mọi vấn đề, mọi trường hợp, hãy luôn chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích, tự mình đưa ra phương án và chỉ tham khảo ý kiến của mentor khi thực sự cần thiết.

Tham khảo:   7 điều nên biết trước khi làm việc tại startup

May mắn lớn nhất của cuộc đời không phải nhặt được tiền, cũng không phải trúng số mà là có người có thể dẫn bạn đi đến một tầng cao mới. Tiền bạc ai cũng có thể tự mình kiếm được, nhưng tiền kiếm được rồi cũng sẽ phải vơi đi. Chỉ có kiến thức và tư duy là sẽ còn mãi và có thể thay đổi cả đời người. Gặp được người hướng dẫn có tâm, bạn có thể rút ngắn chặng đường chông gai, bế tắc, mất phương hướng để đến đích nhanh hơn và sống hạnh phúc hơn.

Trang Đoàn

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo