31. Kỹ năng làm việc

Nhận tiền thưởng Tết rồi nghỉ việc đồng nghĩa với vô ơn?

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi độ Tết đến xuân về người ta lại được dịp kháo nhau về câu chuyện tiền thưởng Tết và lá đơn thôi việc. Vì đủ thứ lý do, rất nhiều người lao động lựa chọn gửi đơn thôi việc sau khi nhận thưởng Tết như một lẽ hiển nhiên.

Tâm lý chờ nhận tiền thưởng Tết rồi nghỉ

Đang là nhân viên thiết kế cho một công ty về dịch vụ nhân sự, Hà Quyên ấp ủ chuyện nộp đơn nghỉ việc sau hơn 3 năm gắn bó. Lý do đưa ra của Quyên là muốn làm mới bản thân và tìm môi trường tốt hơn. “Gắn bó với việc thiết kế banner cho các khóa học rồi brochure trong thời gian dài khiến mình cạn kiệt ý tưởng. Mình muốn thử sức ở ngành nghề khác để xem sức sáng tạo của mình đến đâu”, Quyên chia sẻ. “Kế hoạch là vậy nhưng chắc sau Tết mình mới nộp đơn. Còn gần tháng nữa là Tết rồi, giờ mà nghỉ coi như mình đang hoang phí cả năm trời. Cày cuốc suốt 12 tháng chỉ đợi tiền thưởng Tết nên bỏ thì tiếc lắm”.

Có ý định bỏ phố về quê nên 2 tháng nay Phương Vũ, Nhân viên QC đã tranh thủ nộp hồ sơ ứng tuyển vào các công ty sản xuất gần nhà. “Mình đã đậu phỏng vấn và công ty muốn mình làm việc luôn vì họ đang cần người. Nhưng nghĩ lại cũng gần Tết, được thưởng ít nhất 1 tháng lương nên mình quyết định qua Tết rồi nghỉ. Lúc đó chắc cũng dễ kiếm việc”, chị bày tỏ.

Giống như Hà Quyên và Phương Vũ, Thanh Mỹ – Lập trình viên cũng có ý định chuyển việc khi bắt đầu năm mới. Sếp cô ít chịu lắng nghe ý tưởng của nhân viên nên nhiều sản phẩm bị đánh giá thấp, phải làm lại khá nhiều khiến cô và các đồng nghiệp cảm thấy rất ức chế. Nhiều lần Thanh Mỹ “cả gan” đề xuất ý tưởng mới nhưng bị gạt bỏ không thương tiếc. Cứ thế ngày làm việc của cô cứ trôi qua trong mệt mỏi và chán nản. “Lúc mình sắp sửa nộp đơn thì các anh chị khuyên cứ chờ lãnh tiền thưởng Tết rồi nghỉ. Dù sao đó cũng là một khoản kha khá đủ cho mình sắm sửa trong dịp Tết và sống sót trong thời gian xin việc mới. Thôi thì ráng chờ vậy!”, cô tâm sự. 

Tham khảo:   6 điều cần tránh nếu muốn nổi bật trong công việc mới

Nhận thưởng Tết rồi nghỉ có phải là bội bạc?

“Mong chờ nhận tiền thưởng Tết rồi tìm kiếm việc mới là vậy nhưng trong thâm tâm của nhiều người lao động lại cảm thấy áy náy, có lỗi khi nghỉ việc vào thời điểm này.”

 “Mấy ngày nay theo dõi mạng xã hội thấy cư dân mạng chia sẻ chuyện nhận thưởng Tết xong nghỉ việc là vô ơn, bội bạc, cạn tàu ráo máng khiến mình bối rối quá, vừa muốn nghỉ để bắt đầu việc mới trong năm mới vừa lo ngại sẽ bị đánh giá những điều không hay dù trong thời gian qua mình đã nỗ lực đóng góp cho công ty”, Phương Linh – Nhân viên chăm sóc khách hàng nói về nỗi lo lắng mà cô đang trải qua. 

Bàn về ý kiến này, chị Tú Anh, nhân viên Logistic bày tỏ: “Nếu nói nhân viên nghỉ việc sau khi được thưởng Tết là vô tình với công ty thì mình cho rằng không đúng. Quan hệ giữa nhân viên và người sử dụng lao động là có qua có lại, lợi cho cả đôi bên, chứ không phải cho – nhận để nói đến chuyện tình cảm, ơn nghĩa. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta phải đánh giá một nhân viên xin nghỉ việc dựa trên quá trình người đó làm việc và lý do xin nghỉ của họ là gì”.

Cùng nhận định, bạn Thế Nam – nhân viên Sales bộc bạch: “Tiền thưởng Tết không phải khoản chi bắt buộc và con số cụ thể hoàn toàn không được nhà nước quy định trong Bộ Luật lao động. Điều đó có nghĩa doanh nghiệp chính là người chủ động đánh giá và quyết định khoản tiền mà mỗi người được nhận sau khi kết thúc chu kỳ kinh doanh, cũng có nghĩa người lao động hoàn toàn xứng đáng với khoản tiền đó. Vậy nên không thể nói họ bạc bẽo trong khi họ chỉ nhận những thứ mà họ xứng đáng có được và khoản tiền đó do chính doanh nghiệp tự nguyện trao tặng”.

Tham khảo:   Làm ca xoay là gì? Điều cơ bản bạn cần biết về ca xoay và ca gãy

“Doanh nghiệp trao cho nhân viên một công việc, cho họ nguồn thu nhập đều đặn hàng tháng cùng những chính sách phúc lợi khác, đổi lại họ đã cống hiến thời gian, sức khỏe, trí não và sức lao động cho doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ win – win, hoàn toàn không phải mối quan hệ xin – cho. Vì vậy, nếu nói ra hai chữ vô ơn thì quá khập khiễng” – Thanh Hằng, nhân viên Marketing nêu quan điểm.

Với Thanh Trà, Nhân viên nhân sự thì việc nhận tiền thưởng Tết là hoàn toàn chính đáng. “Cả năm quần quật, thưởng Tết là nguồn động viên, ghi nhận nỗ lực cống hiến của mình trong năm qua. Thưởng Tết lấy từ doanh số của năm vừa rồi, là thành quả của 12 tháng cố gắng, chứ hoàn toàn không phải là khoản tiền trả trước để ràng buộc chúng ta gắn bó và cống hiến trong năm tới. Nếu đã như vậy, người lao động hoàn toàn có quyền nhận nó dù họ có tiếp tục gắn bó cùng doanh nghiệp hay không”.

Đình Khôi, nhân viên dịch vụ khách hàng nhấn mạnh: “Mình cho rằng nhận thưởng Tết rồi nghỉ việc không đồng nghĩa với sự vô ơn hay ăn cháo đá bát. Vấn đề ở đây là cách cư xử khi nghỉ việc. Để hình ảnh của mình không trở nên xấu xí và đáng chê trách, đừng bao giờ nghỉ việc một cách quá đột ngột mà hãy cho doanh nghiệp có đủ thời gian để tìm kiếm nhân sự thay thế và ổn định. Trước lúc đó, hãy tiếp tục nỗ lực và cống hiến hết mình cho công việc như chúng ta đã từng!”

Tham khảo:   Portfolio là gì? Bật mí cách thiết kế Portfolio ấn tượng

Câu chuyện nhận tiền thưởng Tết xong nộp đơn xin nghỉ việc vẫn chưa có hồi kết khi nhiều người bày tỏ sự đồng cảm với doanh nghiệp và số khác cho rằng việc nhận thưởng Tết là hoàn toàn chính đáng. Còn bạn, bạn nghĩ thế nào về vấn đề này?

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo