Kỹ năng Tư duy phản biện

Các tiêu chuẩn của tư duy phản biện

Tư duy phản biện là thuật ngữ tổng quát dùng để chỉ một loạt các kỹ năng nhận thức và tâm thế trí tuệ cần có để nhận diện, phân tích và đánh giá hiệu quả các luận cứ và những lời tuyên bố có tính đúng sai; phát hiện và khắc phục các tiền niệm và định kiến cá nhân; xây dựng và trình bày các lý do thuyết phục để nâng đỡ các kết luận; và đưa ra những quyết định khôn ngoan và hợp lý về những gì nên tin và những gì nên làm.

Nói cách khác, tư duy phản biện là tư duy có kỷ luật, tuân theo các tiêu chuẩn trí tuệ rõ ràng. Trong số các tiêu chuẩn trí tuệ này, các yếu tố sau đây là những tiêu chuẩn quan trọng nhất: tính rõ ràng, tính chính xác, tính chuẩn xác, tính tương quan xác đáng, tính nhất quán, tính đúng đắn về logic, tính hoàn chỉnh, và tính công minh. Ta hãy xem xét một cách ngắn gọn từng tiêu chuẩn tư duy phản biện quan trọng này.

TÍNH RÕ RÀNG

Trước khi ta có thể đánh giá một cách hiệu quả luận cứ hay tuyên bố của ai đó, ta cần phải hiểu rõ những gì người ấy nói. Khổ nỗi, việc này không phải dễ vì đa phần người ta không diễn đạt chúng cho rõ ràng. Đôi khi tình trạng thiếu rõ ràng này là do thói lười biếng, cẩu thả hoặc thiếu kỹ năng. Nó là kết quả một cố gắng sai lầm là tỏ ra mình thông minh, hiểu biết hay sâu sắc. Hãy xét đoạn văn sau đây trong Tồn tại và Thời gian, một cuốn sách đầy ảnh hưởng nhưng hết sức tối nghĩa của triết gia Martin Heidegger:

Thời tính làm cho sự thống nhất của hiện hữu, kiện tính và sa đọa trở nên khả hữu, và bằng cách này nó cấu tạo một cách tiên khởi tính toàn bộ của cấu trúc lo toan. Các nhân tố của lo toan không được hợp lại với nhau theo cách tích tụ, ngay cả khi bản thân thời tính được hợp lại với nhau “theo dòng thời gian” [“mit der Zeit”] ở bên ngoài tương lai, cái đã là, và Hiện tại. Thời tính không phải “là” một thực thể. Nó không tồn tại, nhưng nó tự mình trở thành thời gian… Thời tính trở thành thời gian, và nó thời gian hóa những phương cách khả hữu của chính nó. Những điều này làm cho tính đa dạng của các thể cách Tồn tại của Dasein trở nên khả hữu, và đặc biệt là khả thể cơ bản của hiện hữu đích thực hay không đích thực.

Đoạn văn này có thể là ý tứ sâu sắc, hoặc có thể là vô nghĩa, hoặc có thể là cả hai. Dù chính xác nó là gì đi nữa, thì nó vẫn hoàn toàn tối nghĩa một cách không cần thiết.

Như William Strunk Jr. và E. B. White nhận xét trong tác phẩm kinh điển Các yếu tố của văn phongcủa họ: ““Tính mù mờ không chỉ là kẻ phá rối văn xuôi, nó còn là kẻ hủy diệt cuộc sống, hủy diệt hy vọng: cái chết trên đường cao tốc do sự biểu đạt kém cỏi các ký hiệu giao thông gây ra, trái tim của đôi tình nhân rạn vỡ do một cụm từ bị đặt nhầm chỗ trong lá thư có chủ ý tốt đẹp…”

Chỉ bằng cách chú ý cẩn thận đến ngôn ngữ ta mới có thể tránh được những lối truyền thông sai hay nhầm và những sự thất vọng không cần thiết như thế.

TÍNH CHÍNH XÁC

Các truyện trinh thám có chứa một số ví dụ thú vị nhất về tư duy phản biện trong thể loại hư cấu. Đương nhiên, nhân vật thám tử nổi danh nhất là Sherlock Holmes, một sáng tạo bất hủ của nhà văn Anh Sir Arthur Conan Doyle. Trong các truyện của Doyle, Holmes thường có khả năng phá các vụ kỳ án phức tạp khi các thám tử vụng về của ScotlandYard (Sở Cảnh sát Thủ đô) thậm chí chẳng có lấy một manh mối nào.

Bí quyết nào để anh ta thành công? Đó là sự chính xác. Trước hết, nhờ khả năng quan sát cẩn thận và hết sức chuyên nghiệp, Holmes có thể phát hiện ra các manh mối mà người khác đã bỏ qua. Sau đó, qua quá trình suy luận logic chính xác, anh có thể từ những manh mối ấy mà suy đoán để tìm ra giải pháp phá án.

Ai cũng nhận thấy tầm quan trọng của tính chính xác trong các lĩnh vực chuyên môn như y học, toán học, kiến trúc, và kỹ thuật. Những người có óc phản biện cũng hiểu được tầm quan trọng của tư duy chính xác trong đời sống hàng ngày. Họ hiểu rằng để nhanh chóng vượt qua những sự lẫn lộn và không chắc chắn đang bao quanh nhiều vấn đề và đề tài thảo luận hàng ngày, thì điều cần làm là phải thường xuyên chú trọng đến những câu trả lời chính xác cho những câu hỏi chính xác: Chính xác thì ta đang gặp phải vấn đề gì? Chính xác thì đâu là giải pháp thay thế? Chỉ khi nào có được thói quen chú ý tới tính chính xác như thế thì ta mới thực sự là người có óc phản biện.

Tham khảo:   Khái Niệm Về Tư Duy Phản Biện

TÍNH CHUẨN XÁC

Có câu nói rất nổi tiếng liên quan đến máy tính: “Garbage in, garbage out”. Nói đơn giản, câu này có nghĩa là nếu bạn đưa vào máy tính thông tin sai thì kết quả bạn sẽ có được là những thông tin sai. Điều này cũng rất đúng với tư duy con người. Dù bạn có tài giỏi cỡ nào đi nữa, thì gần như chắc chắn là bạn sẽ đưa ra quyết định sai nếu những quyết định ấy được dựa trên các thông tin sai. Một ví dụ rõ ràng cho điều này là sự can dự lâu dài và tốn kém của Mỹ vào Việt Nam. Các nhà hoạch định chính sách lôi kéo chúng ta vào cuộc xung đột ấy không phải là kẻ ngu. Trái lại, theo cụm từ thường được trích dẫn của nhà báo David Halberstam, họ là “những người giỏi nhất và thông minh nhất” trong thế hệ của họ. Đương nhiên, các lý do cho sự thất bại liên tục trong phán đoán thì phức tạp và đầy tranh cãi; nhưng phần lớn những lỗi lầm đáng trách ấy, các nhà sử học đồng tình, chắc chắn là do thông tin sai lệch và không đầy đủ mà ra: sự thiếu hiểu biết về lịch sử và văn hóa Việt Nam, đánh giá thổi phồng về tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam và Đông Nam Á, giả định sai về mức độ ủng hộ của dân chúng ở miền Nam Việt Nam, những đánh giá lạc quan quá mức về sự “tiến bộ” của cuộc chiến, và v.v. Nếu các nhà hoạch định chính sách của Mỹ chịu khó tìm hiểu kỹ hơn nữa sự thật về các vấn đề như thế, thì có lẽ họ đã không đưa ra những quyết định tệ hại ấy.

Những người có óc phản biện không chỉ đề cao sự thật; họ có niềm đam mê với thông tin chuẩn xác và kịp thời. Với tư cách là người tiêu dùng, công dân, người lao động, cha mẹ, họ cố gắng đưa ra những quyết định dựa trên những thông tin tốt nhất có thể. Trong tinh thần câu nói lừng danh của Socrates rằng cuộc đời không được tra xét là cuộc đời không đáng để sống, họ không bao giờ ngưng học hỏi, phát triển và tra vấn.

TÍNH LIÊN QUAN XÁC ĐÁNG

Bất cứ ai từng ngồi dự một cuộc họp nhàm chán ở trường học hoặc xem một cuộc tranh luận chính trị đầy những lời lẽ vu khống đều có thể đánh giá cao tầm quan trọng của tập trung vào các ý tưởng và thông tin có liên quan xác đáng. Một thủ thuật ưa thích của người tranh luận là cố gắng đánh lạc hướng chú ý của công chúng bằng cách nêu ra một vấn đề không liên quan xác đáng. Thậm chí Abraham Lincoln cũng xài những thủ thuật như thế, như câu chuyện sau đây do đối tác luật của ông minh họa:

Trong một vụ tố tụng, Thẩm phán [Stephen T.] Logan – luôn trịnh trọng và trang nghiêm – phản đối ông ấy, Lincoln đã gây ra khá nhiều tiếng cười khi đề cập đến phong cách ăn mặc của Logan. Ông dành điều bất ngờ cho phần sau, khi đến lượt mình trước bồi thẩm đoàn. Ông nói với họ: “Thưa các quý vị, quý vị cần phải cẩn thận và chớ để mình bị ngợp trước lời lẽ hùng biện của luật sư biện hộ. Tôi biết Thẩm phán Logan là một luật sư có năng lực. Tôi đã gặp ông ấy quá nhiều lần nên không nghi ngờ về năng lực ấy của ông; nhưng dù sắc sảo và cẩn trọng đến đâu, đôi khi ông cũng mắc sai lầm. Kể từ khi phiên tòa này bắt đầu, tôi đã nhận thấy rằng dù ông ấy cẩn trọng và kĩ tính, nhưng ông ấy vẫn không đủ hiểu biết để mặc cái áo cho đúng cách.” Logan đỏ mặt tía tai, nhưng tất nhiên Lincoln đúng, vì người trước đã mặc chiếc áo sơ-mi mới, và kéo nhầm nó qua đầu với nếp gấp ở sau ngực. Tiếng cười rộ lên khắp phòng xử án, và do đó đã triệt tiêu mọi ảnh hưởng của lời lẽ hùng biện của Logan trước bồi thẩm đoàn – và Lincoln chẳng mong gì hơn thế.

Tham khảo:   5 Kỹ năng quan trọng để tư duy phản biện tốt

Chiêu thức của Lincoln rất thú vị và đã thành công trong việc đánh lạc hướng sự chú ý của bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, nếu các thành viên của bồi thẩm đoàn suy nghĩ với tinh thần phản biện, hẳn họ sẽ nhận ra rằng sự bất cẩn trong cách ăn mặc của ai đó không có mối liên hệ logic nào với sức mạnh của các luận cứ của anh ta.

TÍNH NHẤT QUÁN

Ta có thể dễ dàng thấy tại sao tính nhất quán lại thiết yếu cho tư duy phản biện. Logic học cho ta biết rằng nếu một người có những niềm tin không nhất quán với nhau, ít nhất một trong các niềm tin ấy tất phải sai. Những người có óc phản biện đề cao chân lý hay sự thật, và do đó thường xuyên tìm kiếm những điểm không nhất quán, cả trong tư duy của họ lẫn trong các luận cứ và khẳng định của người khác.

Có hai loại tính không nhất quán mà ta nên tránh. Một là tính không nhất quán về logic, nghĩa là nói hay tin những điều không nhất quán (những điều không thể cả hai hay tất cả cùng đúng) về một vấn đề cụ thể nào đó. Hai là, tính không nhất quán trên thực tế, nghĩa là nói một đằng làm một nẻo.

Đôi khi người ta hoàn toàn ý thức được rằng lời nói của họ xung đột với hành động của họ. Một chính trị gia khi nắm được quyền lực rồi thì phớt lờ những gì mình đã hứa khi tranh cử, người truyền giáo qua kênh truyền hình bị bắt quả tang ngoại tình, người cố vấn ma túy bị bắt vì bán rong ma túy – những người như thế hoàn toàn và đơn giản là những kẻ đạo đức giả. Từ quan điểm của tư duy phản biện, các ví dụ ấy chẳng có điểm nào đáng thú vị. Thường thì, chúng liên quan đến sự thất bại về tính cách hơn là đến sự thất bại của việc lập luận phản biện.

Thú vị hơn từ lập trường tư duy phản biện là các trường hợp người ta không hoàn toàn ý thức được rằng lời lẽ của họ có xung đột với hành động của họ. Những trường hợp ấy nêu bật một bài học quan trọng của tư duy phản biện: con người thường thể hiện năng lực xuất sắc trong việc lừa dối bản thân. Tác giả Harold Kushner đã đưa ra một ví dụ rất điển hình:

Hỏi một người bình thường xem đối với anh ta điều gì quan trọng hơn, kiếm tiền hay chăm lo gia đình, và hầu như mọi người sẽ trả lời một cách không do dự là gia đình. Nhưng hãy nhìn cách người thực sự bình thường sống cuộc sống của họ mà xem. Hãy xem anh ta thực sự đầu tư thời gian và sức lực của mình vào đâu, và anh ta sẽ làm lộ ra sự thật rằng anh ta không thực sự sống đúng những gì anh ta nói là mình tin tưởng. Anh ta tự thuyết phục mình rằng nếu anh ta sáng đi làm sớm và chiều về muộn với dáng vẻ mệt mỏi, anh ta đang chứng tỏ anh ta đã dành toàn tâm toàn lực cho gia đình mình như thế nào qua việc vắt kiệt sức mình để cung cấp cho họ tất cả những gì họ thấy trên quảng cáo.

Tư duy phản biện giúp ta trở nên có ý thức về những sự không nhất quán có tính vô thức như vậy trên thực tế, cho phép ta xem xét chúng trên cơ sở hữu thức và hợp lý.

Đương nhiên, việc mọi người vô ý có những niềm tin không nhất quán về một chủ đề cụ thể nào đó là bình thường. Thực vậy, như Socrates đã chỉ ra từ lâu, tính không nhất quán logic vô thức như thế phổ biến hơn nhiều so với hầu hết mọi người tưởng. Như ta sẽ thấy, chẳng hạn, ngày nay nhiều người tuyên bố rằng “đạo đức là tương đối” trong khi có nhiều quan niệm ngụ ý rằng nó không tương đối. Tư duy phản biện giúp ta nhận ra những sự không nhất quán về logic như thế hay, tốt hơn, giúp ta hoàn toàn tránh xa chúng.

TÍNH ĐÚNG ĐẮN VỀ LOGIC

Suy nghĩ một cách có logic là suy luận đúng đắn – nghĩa là rút ra những kết luận có cơ sở vững chắc từ những niềm tin mà ta đang có. Để tư duy theo lối phản biện ta cần phải có những niềm tin chuẩn xác và được nâng đỡ tốt. Nhưng, cũng quan trọng không kém, ta cần phải có khả năng suy từ những niềm tin này ra những kết luận một cách có logic. Khổ nỗi, tư duy phi logic lại quá phổ biến trong các sự vụ của con người. Bertrand Russell, trong một bài viết kinh điển của ông “Một phác thảo về rác trí tuệ” cung cấp cho ta một ví dụ thú vị:

Tham khảo:   8 BIỂU HIỆN CỦA NGƯỜI CÓ TƯ DUY PHẢN BIỆN TỐT TRONG CÔNG VIỆC

Đôi khi tôi bị sốc trước những lời báng bổ của những người tự cho mình ngoan đạo – chẳng hạn, các nữ tu sĩ không bao giờ tắm nếu không choàng chiếc áo tắm. Khi được hỏi tại sao như vậy, vì có gã đàn ông nào nhìn trộm họ đâu, họ đáp: “Ồ, anh quên là có Chúa lòng lành à.” Rõ ràng, họ hình dung vị thần minh là kẻ Nhìn trộm, sự toàn năng của Ngài cho phép Ngài nhìn xuyên qua bức tường phòng tắm, nhưng không thể nhìn xuyên qua chiếc áo tắm. Quan niệm này khiến tôi hết sức tò mò.

Như Russell quan sát, từ mệnh đề:

1. Chúa nhìn thấy tất cả.

các nữ tu ngoan đạo rút ra kết luận một cách đúng đắn:

2. Chúa nhìn xuyên qua các bức tường phòng tắm.

Tuy nhiên, họ không thể rút ra kết luận hiển nhiên một cách tương đương rằng

3. Chúa nhìn xuyên qua áo tắm.

Cái thứ phi logic như thế này, quả thực, rất ư là kỳ lạ – nhưng than ôi, nó không phải là hiếm.

TÍNH HOÀN CHỈNH

Trong hầu hết các ngữ cảnh, ta ưa thích lối tư duy sâu sắc và đầy đủ hơn lối tư duy nông cạn và giả tạo. Vì thế, chúng ta có lý khi lên án các cuộc điều tra tội phạm cẩu thả, các thảo luận qua loa của bồi thẩm đoàn, các tin tức hời hợt, các chỉ dẫn lái xe sơ sài, các chẩn đoán bệnh vội vã. Đương nhiên, có nhiều lúc ta không có điều kiện để thảo luận sâu một vấn đề nào đó, chẳng hạn, chẳng ai mong đợi có sự thảo luận thấu đáo và bao quát về đạo đức học của nghiên cứu gien người trong một bài xã luận ngắn. Nhưng nói chung, suy nghĩ sâu sắc tốt hơn suy nghĩ nông cạn, suy nghĩ thấu đáo tốt hơn suy nghĩ hời hợt.

TÍNH CÔNG MINH

Cuối cùng, tư duy phản biện đòi hỏi tư duy của ta phải công bằng – nghĩa là cởi mở, không thiên vị, và thoát ly khỏi mọi định kiến và tiền niệm xuyên tạc. Đạt được điều này có thể là rất khó. Chỉ cần biết chút đỉnh về lịch sử và các khoa học xã hội ta sẽ biết rằng mọi người thường có xu hướng mạnh mẽ là chống lại những ý tưởng xa lạ, có thành kiến với các vấn đề bàn luận, rập khuôn theo người ngoài, đánh đồng chân lý với lợi ích cá nhân hay lợi ích quốc gia hay nhóm xã hội của họ. Có lẽ sẽ là phi thực tế nếu giả định rằng tư duy của ta hoàn toàn có thể thoát ly khỏi mọi định kiến và tiền niệm; trong chừng mực nào đó cách ta tri giác thực tại bao giờ cũng chịu tác động mạnh mẽ bởi các kinh nghiệm sống cá nhân và bối cảnh xã hội của ta. Dẫu rằng khó đạt được, nhưng tinh thần công minh cơ bản rõ ràng là một thuộc tính thiết yếu của người có óc phản biện.

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo