Tác phong làm việc chuyên nghiệp, Xây dựng thương hiệu cá nhân

“Giải Mã” Quy Định Trang Phục Công Sở Từ A Đến Z

Trang phục công sở là gì?

Trang phục công sở là cách ăn mặc chung cho những người đang làm việc trong cùng một công ty, tổ chức. Tùy vào quy định của công ty mà những mẫu dáng, kiểu trang phục cũng sẽ khác nhau. Song, trang phục công sở ở bất kỳ nơi đâu cũng có một điểm chung: sự đồng nhất.

Sự đồng nhất ở đây không chỉ dừng lại ở những bộ đồng phục giống y đúc nhau. Hơn thế, những bộ trang phục công sở chỉ cần có những tương đồng nhất định về màu sắc, kiểu quần áo,… Các nhân viên hoàn toàn có thể biến tấu ở mức độ chấp nhận được để tạo những nét cá tính riêng; miễn là sự đồng nhất được đảm bảo.

© Pexels.com

Quy định trang phục công sở là gì?

Quy định trang phục công sở là một hệ thống những chuẩn mực và quy tắc về trang phục được lưu hành và tuân thủ bởi tất cả nhân viên trong doanh nghiệp hay công ty. Tùy vào quy mô, mức độ trang trọng, tính chất nghề nghiệp mà trang phục công sở sẽ có những phong cách kiểu mẫu, màu sắc… khác nhau.

Trang phục của công ty quy mô lớn sẽ có những màu sắc đặc biệt để phân biệt những cấp bậc, từ đó giúp tất cả nhân viên chỉ cần lướt ngang cũng sẽ biết đối phương đang nắm giữ vai trò gì. Hay đối với những công việc đòi hỏi cử động cơ thể nhiều, kiểu mẫu trang phục công sở cần được thiết kế bằng chất vải co giãn tốt, phom dáng không quá bó sát hay quá rộng thùng thình.

Tầm quan trọng của trang phục và diện mạo nơi công sở

Vẫn có quan niệm cho rằng trang phục công sở là hà khắc và tạo cảm giác bó buộc. Thế nhưng, mục đích của quy định này không nhằm “làm khó” nhân viên như nhiều người vẫn nghĩ. Thậm chí, trang phục đẹp mắt, chuyên nghiệp còn mang đến rất nhiều lợi ích cho cả cá nhân lẫn doanh nghiệp.

Trang phục công sở giúp bạn tiết kiệm thời gian và làm việc năng suất hơn 

Chọn trang phục đi làm trông có vẻ dễ dàng, nhưng thực chất, đây là công việc đủ khiến không ít người cảm thấy “đau đầu” đến căng thẳng vào buổi sáng đấy đấy.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng một căng thẳng nhỏ từ sáng sớm cũng có khả năng gây ra hiệu ứng “domino căng thẳng” kéo dài cả ngày. Trong những tình huống như thế, các quy định trang phục công sở sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian bởi phong cách đã được định hình sẵn, không yêu cầu bạn phải tư duy phối đồ quá nhiều.

Khi tâm trạng thoải mái, vừa vặn, bạn sẽ tập trung hoàn toàn vào công việc và nhờ đó tăng hiệu suất công việc lên nhiều lần.

Tạo tác phong gọn gàng

Chất lượng công việc đương nhiên là điều quan trọng nhất, song ngoại hình cũng không kém phần quan trọng. Tác phong gọn gàng cho thấy bạn tôn trọng công việc của bản thân.

Một bộ quần áo nhàu nhĩ hoặc không sạch sẽ tuy không vi phạm đến quy định của công ty, song sẽ gây bất lợi cho chính bạn trong mắt của đồng nghiệp và cấp quản lý đấy.

Bạn chính là thứ bạn khoác lên người

Nghiên cứu của Trường Quản lý Đại học Northwestern đã đưa ra thuật ngữ “nhận thức trang phục” để mô tả mối liên hệ giữa quần áo và tâm lý con người.

Bộ trang phục bạn mặc trên người sẽ định hướng bạn là ai và cách bạn hành động trong nhiều việc. Từ đó có thể nói rằng, trang phục công sở sẽ ít nhiều khiến bạn tập trung hơn vào công việc và nhờ đó tăng hiệu suất công việc lên nhiều lần.

Sự kỷ luật đồng đều

Mỗi công ty sẽ đi kèm với bộ quy tắc và chính sách riêng biệt. Quy định về trang phục công sở biểu hiện sự thống nhất của một hệ thống.

Tham khảo:   Vì sao doanh nhân nên đầu tư vào thương hiệu cá nhân?

Tuân thủ theo quy định này đồng nghĩa với việc bạn là một người có kỷ luật và tôn trọng công ty. Một biểu hiện nhỏ như thế cũng đủ khiến bạn tạo được ấn tượng tốt trong mắt đồng nghiệp, sếp và đối tác.

5 loại phong cách trong trang phục công sở

1. Trang phục công sở chuyên nghiệp

Đây là kiểu trang phục truyền thống nhất. Thường những kiểu trang phục đi làm chuyên nghiệp sẽ xuất hiện trong các ngành nghề như tài chính, ngân hàng, chính phủ và luật.

© Pexels.com

Một bộ âu phục hoặc quần âu và áo sơ mi cài cúc (thường kèm cà vạt); hoặc váy chút chì và áo blazer dài đến đầu gối,… là những yêu cầu cơ bản đối với trang phục công sở chuyên nghiệp.

2. Trang phục công sở lịch sự

Đây là phiên bản ít cầu kỳ hơn so với loại phong cách công sở chuyên nghiệp phía trên.

Vẫn là phong cách lịch sự, nhưng đôi khi không cần quá trang trọng để phối kèm với cà vạt hay áo vest khoác ngoài. Để diện một bộ trang phục công sở lịch sự, bạn có thể lựa chọn một chiếc áo sơ mi tối màu kết hợp với quần tây; hoặc váy sơ mi đối với nữ giới. Những kiểu trang phục này thường dành cho các sự kiện như lễ trao giải hay bữa tối bàn bạc làm ăn.

3. Trang phục công sở thường nhật

‘Thường nhật’ ở đây không mang ý nghĩa thiếu chỉn chu hay xuề xòa. Ngược lại, trang phục công sở thường nhật thường bao gồm một chiếc áo sơ mi có cổ (hoặc áo thun polo) cùng với quần tây đen (hoặc quần jeans).

Thường những kiểu mẫu đồng phục này sẽ dành cho những nhân viên chỉ làm trong môi trường nội bộ – không cần tiếp xúc với khách hàng, đối tác,… quá nhiều.

4. Trang phục công sở sáng tạo, tự do

Kiểu trang phục này thậm chí ít hạn chế hơn so với trang phục công sở. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn sẽ ăn mặc như ở nhà.

Phong cách trang phục đi làm thoải mái, tự do thường phổ biến trong những ngành nghề có tính chất sáng tạo và trẻ trung. Bạn có thể tìm đến những chiếc áo sơ mi cài cúc, áo phông màu trơn hoặc denim tối màu,… kết hợp với quần jeans đơn giản, vừa lịch sự nhưng vẫn thoải mái và cá tính.

5. Đồng phục công sở

Đối với những công ty thiên hướng về sản xuất, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, nhân viên thường sẽ được yêu cầu mặc đồng phục theo quy định của công ty.

Đây có thể là những bộ trang phục công sở có tính nhất quán nhất, bao gồm kiểu áo sẽ có in logo hoặc slogan của công ty, hoặc được may đồng bộ với màu sắc thương hiệu – chẳng hạn như trang phục tiếp viên của các hãng hàng không.

Trang phục thường ngày vs. trang phục thường ngày thông minh

Hai khái niệm này nghe có vẻ nhập nhằng, song lại có một điểm khác nhau rất lớn. Nếu như trang phục thường ngày (casual) là loại quần áo ta mặc trong cuộc sống thường ngày, thì trang phục thường ngày thông minh (smart-casual) chính là cách chúng ta phối kết những bộ trang phục thường ngày để chúng trở nên trang trọng và tinh tế hơn.

Tóm lại, trang phục thường ngày thông minh phụ thuộc rất nhiều vào gout ăn mặc và sự am hiểu về thời trang.

Cách phối đồ thiên hướng thông minh sẽ cởi mở hơn so với đồng phục công sở; đồng thời đề cao cá tính và chất riêng của người mặc. Với phong cách này, bạn hoàn toàn có thể biểu lộ phong cách thời trang và khả năng sáng tạo của mình rất nhiều. Một biến tấu nhỏ cũng sẽ khiến bạn trở nên thời thượng và “chất” hơn đấy!

9 lưu ý khi diện trang phục công sở 

1. Không mặc đồ hở hang hoặc bó sát cơ thể

Dù quy định trang phục đi làm mỗi công ty có thể khác nhau, nhưng bạn cần nhớ tránh những bộ đồ quá hở hang hoặc bó sát cơ thể. Những trang phục này thể hiện bạn thiếu lịch sự và tinh tế, gây mất điểm chuyên nghiệp trong mắt người khác đấy.

Tham khảo:   Xây Dựng Tác Phong Chuyên Nghiệp Tại Nơi Làm Việc

2. Không mặc áo phông có thông điệp nhạy cảm

Hãy dành những chiếc áo phông thể hiện cá tính mạnh cho những dịp đi chơi hoặc dạo phố. Trang phục công sở không nên được in hình hoặc biểu ngữ nhạy cảm, thậm chí phản cảm. Thay vào đó, những chiếc áo màu trơn, hoặc nhiều màu (trung tính), hay chỉ in tên nhãn hiệu hoặc hoa văn nhỏ là phù hợp nhất.

3. Không mặc quần áo bẩn hoặc nhăn nheo

Đừng để bị đánh giá là xuề xòa, cẩu thả vì những điều này nhé. Nếu công ty bắt buộc nhân viên phải mặc đồng phục đi làm, hãy chăm sóc cho bộ đồng phục của bạn thẳng thớm, chỉnh tề và sạch sẽ để thể hiện sự chuyên nghiệp, chỉn chu nhất có thể.

4. Nói không với dép xỏ ngón

Dù có là hàng hiệu đắt tiền thì dép lê sẽ không bao giờ phù hợp với môi trường công sở. Chúng tạo cảm giác cẩu thả, có phần rời rạc. Nếu muốn sự thoải mái và nhẹ nhàng, một đôi giày hoặc sandal đế thấp, đế bệt sẽ là lựa chọn thay thế lý tưởng hơn rất nhiều.

5. Không sử dụng những loại phụ kiện trang sức quá khổ

Những món trang sức hay phụ kiện quá to sẽ phù hợp trong những buổi tiệc sang trọng, nhưng trong công việc hàng ngày lại mang đến cảm giác “ngột ngạt” không mấy phù hợp.

Trang sức quá gây chú ý cũng có thể cho đồng nghiệp và khách hàng mất tập trung. Chúng cũng có thể không thuận tiện cho bạn trong quá trình làm việc và đi lại.

© Pexels.com

6. Không mặc đồ tập, đồ thể thao 

Cuộc sống văn phòng bận rộn khiến nhiều người phải sắp xếp những buổi tập tại phòng gym ngay sau giờ làm việc. Và để tiết kiệm chút thời gian, một vài người trong số họ chọn cách mặc luôn đồ tập hoặc đồ thể thao tới văn phòng. Tuy nhiên, điều này lại không hề phù hợp với quy định trang phục đi làm chút nào.

7. Trang phục phù hợp với môi trường làm việc 

Mỗi công ty sẽ có môi trường, tính chất khác nhau. Chính vì thế mà trang phục công sở cũng sẽ có những phong cách khác nhau. Môi trường cơ quan nhà nước sẽ cần sự trang trọng, lịch sự; trong khi đó môi trường khởi nghiệp trẻ trung sẽ có trang phục công sở thoải mái, dễ chịu và sáng tạo hơn.

8. Lựa chọn phong cách phù hợp với dáng người

Hiểu rõ dáng người của mình sẽ là một ưu thế rất lớn khi chọn trang phục công sở. Dù bạn béo hay gầy, đầy đặn hay mảnh mai thì sẽ có rất nhiều phong cách trang phục khác nhau.

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng phải dáng đẹp thì mới dễ phối đồ. Sự thật không phải như thế, vì những bộ trang phục vừa vặn, phù hợp với cơ thể sẽ khiến bạn trông đẹp và phù hợp hơn chốn văn phòng.

9. Ưu tiên các tông màu trung tính

Cũng giống như những món trang sức phụ kiện quá khổ, các tông màu quá chói mặc không hài hòa sẽ khiến cả bạn lẫn những người xung quanh bị mất tập trung.

Hơn thế, lằn ranh giữa “khác biệt” và “dị biệt” rất mỏng manh. Chính vì thế, bạn nên tinh chỉnh tông màu sắc của trang phục đi làm sao cho hài hòa, dịu mắt nhé!

Các cách lựa chọn trang phục công sở dành cho nam

  • Áo sơ mi và quần chinos: Kiểu trang phục công sở này phù hợp với những chàng trai gầy, cao – một sự kết hợp an toàn và lịch sự.
  • Áo sơ mi trắng và quần kaki: Chiếc áo sơ mi trắng và quần kaki tạo cảm giác trang trọng vừa đủ, nhưng cũng rất thoải mái khi làm việc trong môi trường công sở. Bạn nên sắm vài quần kaki sẫm màu cho tủ đồ của mình để có thể phối hợp với nhiều chiếc áo màu sắc hơn đấy!
  • Phối đồ theo tone: Nếu bạn có thân hình không mấy cao ráo và thon gọn, đồ tone-sur-tone có thể giúp bạn “hack dáng” phần nào. Ví dụ, bạn có thể phối chiếc áo sơ mi xanh dương nhạt với quần âu xanh đậm hơn và một đôi giày trắng để tạo điểm nhấn.
  • Áo thun kết hợp quần jeans: Các công ty thật ra không còn quá khắt khe với trang phục công sở như trước. Thế nên, một chiếc áo thun kết hợp quần jeans hoàn toàn phù hợp, đặc biệt đối với những môi trường tự do và phóng khoáng.
  • Vest: Đây có thể nói là kiểu trang phục công sở trang trọng, lịch thiệp và trưởng thành nhất. Áo vest kết hợp với quần âu phù hợp với những không gian sang trọng như gặp gỡ đối tác, ký hợp đồng,… Giày da và thắt lưng tối màu có thể là một điểm nhấn đặc biệt cho kiểu trang phục này.
Tham khảo:   30 PHÚT XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Các cách lựa chọn trang phục công sở dành cho nữ

© Pexels.com
  • Áo phông giản dị và quần lửng ống rộng: Quần lửng ống rộng phù hợp với gần như mọi dáng người kết hợp với áo phông đơn giản sẽ mang lại cảm giác vừa giản dị, vừa lịch sự.
  • Áo sơ mi và chân váy chữ A: Áo sơ mi kín đáo phối cùng chân váy chữ A thắt eo và hơi phồng ở phần dưới sẽ khéo léo giúp bạn tôn dáng, vô cùng phù hợp khi phải đi làm giữa ngày hè nóng bức.
  • Quần âu và áo sơ mi: Sự kết hợp an toàn và căn bản này hẳn sẽ là lựa chọn cho những ngày “không có gì để mặc hết”, và đương nhiên – không bao giờ lỗi mốt cả.
  • Vest nữ: Khi nhắc đến sự trang trọng thì không thể nào bỏ qua những mẫu vest nữ. Kiểu trang phục công sở này sẽ rất phù hợp khi bạn cần thuyết trình trước công ty; khi đi gặp đối tác, khách hàng để trao đổi công việc.
  • Sử dụng họa tiết tạo điểm nhấn cho trang phục: Nếu những “bộ cánh” đi làm vẫn còn đơn điệu, bạn có thể tạo điểm nhấn bằng các kiểu dáng có thêm họa tiết. Những bông hoa nhỏ trên váy hoặc áo có thể sẽ khiến trang phục của bạn trở nên nữ tính và duyên dáng hơn.
  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo