Tác phong làm việc chuyên nghiệp, Tinh thần làm chủ và chịu trách nhiệm, Tư duy và thái độ tích cực

Có nên từ chối công việc không thuộc về mình?

Chúng ta thường bắt đầu một công việc mới bằng niềm đam mê, bằng nhiệt huyết, bằng mong muốn được cống hiến và khẳng định năng lực của bản thân. Đôi khi, điều đó khiến chúng ta khó từ chối công việc không thuộc về mình. Có bao giờ bạn nhận được những câu hỏi nhưng không cần trả lời như: “Em có thể làm những phần việc này không?” hay “Em phụ trách thêm việc này nhé, việc của em cũng rảnh mà”? Đối diện với những câu hỏi đó, quyết định của bạn là gì?

Với mình, mình chỉ đồng ý với những lí do chính đáng.

 

Trước đây mình đã từng không ngại ngùng đồng ý cái rụp

Thời điểm mới ra trường và đi làm công ty đầu tiên, mình đã cố gắng làm tất cả mọi thứ có thể, chỉ cần việc đó nằm trong khả năng của mình. Thậm chí, dù công việc đó vượt quá khả năng một chút, mình vẫn cố gắng làm. Vì lý do gì ư? Là vì sự chân tình, cho rằng có thể giúp đỡ công ty bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu bởi vì công ty đang nuôi sống mình mà. Thời điểm đó, nhìn những đồng nghiệp thẳng thừng từ chối “ôm” thêm việc, mình còn cảm thấy họ thật kỳ cục, thật ích kỷ.

Lớn thêm một chút, mình nhận ra tìm được một công việc thật chẳng dễ dàng. Bản thân cứ ảo tưởng rằng vị trí của mình là không thể thay thế, nhưng sự thực thì chẳng có ai là không thể thay thế cả. Mình miễn cưỡng nhận thêm những phần việc vốn chẳng phải trách nhiệm của mình bởi vì mình sợ. Sợ mất công việc, sợ không có tiền, sợ phải bắt đầu một công việc mới, một môi trường mới và những người đồng nghiệp mới.

Ai trải qua tình huống này có thể hiểu được mình đã ở trên bờ vực của sự kiệt sức, không có thời gian dành cho bản thân hoặc bạn bè. Và điều tồi tệ hơn là mình trải qua mỗi ngày với một đám mây sợ hãi lượn lờ trên đầu và luôn tự hỏi “Làm thế quái mà mình có thể hoàn thành tất cả những việc này?”

Tham khảo:   Năm thái độ làm việc thường gặp của nhân viên Việt Nam

Rồi mình bắt đầu biết nói từ chối công việc

Mình lựa chọn trở thành một người kỳ cục, ích kỷ như bản thân đã từng nhận định. Đó là biết từ chối công việc.

Bởi vì chẳng có nhiều người ghi nhận những nỗ lực và cống hiến của mình. Ngược lại, họ cho rằng đó là điều đương nhiên. Giống như khi con người ta nhận được quá nhiều tình yêu thương từ ai đó, họ bỗng dưng trở nên cao ngạo và cho rằng mình xứng đáng, còn người cho đi tình cảm đó thì chẳng hề được coi trọng. Và còn một lý do nữa, đã có lần đầu tiên thì sẽ có lần tiếp theo.

Bạn lầm lũi làm đủ công việc trên trời dưới đất từ giờ hành chính cho đến giờ nghỉ trong khi những người khác mải tám chuyện, xem phim. Bạn làm nhiều hơn người ta gấp 2, gấp 3 lần nhưng mức lương của bạn so với họ cũng chẳng có gì khác biệt. Khi bạn chỉ tập trung vào một việc, lương bạn cũng như vậy mà khi phải ôm thêm nhiều việc, lương của bạn cũng vẫn như thế. Không phải vì bạn bị ghét bỏ, cũng chẳng phải vì những đồng nghiệp của bạn được ưu ái, chỉ là họ biết nói lời từ chối, còn bạn thì không. Vậy bạn cống hiến để làm gì? Phải chăng cống hiến cho công việc là một loại từ thiện nên chẳng cần được trả công?

 

Nhưng suy nghĩ này đã thay đổi sau một cuộc trò chuyện

Đem những điều này tâm sự với một chị bạn và mình nhận được lời chia sẻ rằng “Từ chối triệt để nhiều lúc không phải là cách làm hay. Em có thấy hầu hết các bản mô tả công việc đều có câu: Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của cấp trên không? Nếu quyết liệt từ chối nhận thêm việc, em có thể bị đánh giá là không có tinh thần đồng đội. Nếu em cảm thấy bị thiệt thòi thì cũng có nhiều cách để tìm kiếm sự công bằng.

Tham khảo:   Học cách xây dựng thái độ sống tích cực để có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc

Giả sử công việc thêm vào đó là lâu dài thì em có thể đề xuất tăng lương hoặc thay đổi chức danh. Nếu đó là công việc ngắn hạn thì em nên chọn việc có lợi cho sự phát triển nghề nghiệp của em mà làm. Mọi người có thể đề xuất em hỗ trợ thì em cũng có quyền chọn lựa. Vừa không gây mất lòng vừa mang lại lợi ích cho công ty mà mình cũng thấy thoải mái nữa.”

“Từ chối công việc có khi sẽ làm bạn mất lợi thế trong những lần đánh giá hoặc xem xét thăng chức.”

Chị ấy cũng truyền thêm cho mình một vài bí kíp. “Nếu em quyết định không nhận thêm việc thì nên từ chối với thái độ vui vẻ không quạu. Và nếu em đồng ý đảm nhận công việc mới, hãy nói rõ ràng những gì em mong đợi khi làm điều đó để không cảm thấy bế tắc sau này”. Đây cũng là điều mà mình đã áp dụng từ đó cho đến bây giờ.

Học cách nói có với những cơ hội phù hợp và nói không với những điều mình không thể là một bài tập trong việc thiết lập các ranh giới lành mạnh tại nơi làm việc. Lên tiếng cho bản thân sẽ không chỉ giúp bạn thoát khỏi nỗi lo lắng về việc phải gánh vác nhiều hơn những gì bạn có thể xử lý, mà còn thể hiện sự trưởng thành, tự tin và kỹ năng quản lý bản thân vững vàng trước những người khác trong văn phòng.

Việc đặt ra các ranh giới và tuân theo chúng không làm bạn mất đi động lực mà điều đó cho thấy bạn là một nhân viên có giá trị cao, biết ưu tiên hoàn thành công việc trong khả năng.

Tham khảo:   Vì sao các sếp thích nhân viên chủ động trong công việc?

Muốn người khác trân trọng sức lao động, trân trọng chất xám của bạn thì trước tiên, tự bạn phải trân quý sức lao động của chính mình. Nói cách khác là nên từ chối công việc khi cần thiết. Có như vậy bạn mới tìm được niềm vui, tìm được hạnh phúc trong từng nhịp hô hấp sau khi tỉnh giấc mỗi sáng và trong từng bước chân bạn bước đến công ty mỗi ngày.

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo