32. Kiến thức kinh tế

C/O giáp lưng là gì? Các quy định về C/O giáp lưng

 C/O giáp lưng là gì? C/O giáp lưng là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền trong các quốc gia thuộc Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Bất cứ ai làm trong ngành xuất nhập khẩu đều cần phải biết C/O giáp lưng là gì. Đây là một loại chứng từ quan trọng để hàng hóa có thể thông quan và được phép lưu hành trên thị trường. Hơn nữa C/O giáp lưng còn ảnh hưởng đến số tiền thuế mà doanh nghiệp phải đóng hoặc được miễn giảm. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu thế nào là C/O giáp lưng và các quy định xoay quanh vấn đề này.

C/O giáp lưng là gì?

Để hiểu rõ hơn C/O giáp lưng là gì, bạn nên biết định nghĩa về C/O. Đây là chữ viết tắt từ cụm Certificate of Origin nghĩa là giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. C/O do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho hàng hóa được sản xuất tại nước đó. Theo quy tắc xuất xứ, chứng từ C/O buộc phải tuân thủ theo quy định của cả nước xuất khẩu và nước nhập khẩu.

Chứng từ C/O có nhiều loại khác nhau, trong đó có C/O giáp lưng. Trong tiếng Anh, C/O giáp lưng được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như “Back-To-Back C/O”, “Back-To-Back Preferential Certificate of Origin” hay “Movement Certificate”. Chúng đều chỉ chung về giấy chứng nhận hàng xuất khẩu giữa các nước thuộc FTA (Hiệp định thương mại tự do) qua trung gian, được hưởng ưu đãi thuế quan do bên xuất khẩu đầu tiên cấp.

Như vậy C/O giáp lưng đòi hỏi phải có ít nhất 3 nước liên quan gồm: nước xuất khẩu, nước trung gian và nước nhập khẩu.

“Bản chất của C/O giáp lưng là chứng nhận nguồn gốc hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu mà không làm mất xuất xứ dù đã qua nước trung gian.”

Đặc trưng của C/O giáp lưng

Qua định nghĩa C/O giáp lưng là gì nêu trên, có thể thấy đặc trưng của loại chứng từ này là:

–       Có sự xuất hiện của quốc gia xuất nhập khẩu trung gian: C/O giáp lưng chỉ được cấp trong trường hợp hàng hóa không vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu cuối cùng, mà phải đi qua nước trung gian.

–       Có tham gia FTA: C/O giáp lưng chỉ được áp dụng với các nước thành viên của Hiệp định thương mại tự do FTA.

–       Phải đảm bảo thông tin C/O gốc: Nội dung C/O giáp lưng hoàn toàn dựa trên C/O gốc ban đầu, trong đó thông tin phải đảm bảo đầy đủ như trên C/O gốc.

Tham khảo:   Cost of goods sold là gì: định nghĩa và cách tính chính xác

Ví dụ minh họa về C/O giáp lưng

Một loại hàng hóa X có xuất xứ từ Ấn Độ được Singapore nhập khẩu, sau đó tiếp tục xuất khẩu sang Việt Nam. Do cả 3 nước Ấn Độ, Singapore và Việt Nam đều là thành viên của FTA nên nước nhập khẩu cuối cùng (Việt Nam) sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi nếu xuất trình được chứng từ C/O giáp lưng khi làm thủ tục nhập khẩu. C/O giáp lưng trong trường hợp này phải dựa trên mẫu C/O gốc do Ấn Độ (nước xuất khẩu đầu tiên) cấp cho Singapore (nước trung gian).

Sự khác nhau giữa C/O ba bên và C/O giáp lưng là gì?

Trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, nhiều người thường nhầm lẫn giữa C/O giáp lưng và C/O ba bên vì tính chất của chúng khá giống nhau. Để tránh tình trạng này, bạn cần biết được những điểm giống và khác nhau giữa C/O ba bên với C/O giáp lưng là gì.

Giống nhau

–       Có sự tham gia các công ty đặt trụ sở ở ba quốc gia khác nhau.

–       Công ty đặt trụ sở tại nước thứ 3 (nước trung gian) sẽ là đơn vị có nhiệm vụ phát hành hóa đơn thương mại.

–       Cả bên xuất khẩu và nhập khẩu đều phải đặt trụ sở tại các nước tham gia cùng một hiệp định thương mại.

Khác nhau

C/O giáp lưng: Hàng hóa được vận chuyển đến nước trung gian.

C/O ba bên: Hàng hóa không cần vận chuyển đến nước trung gian mà chuyển thẳng từ nước sản xuất đến nước nhập khẩu.

Chẳng hạn một công ty ở Singapore mua hàng hóa từ Trung Quốc rồi bán lại cho Việt Nam nhưng hàng hóa được chuyển thẳng từ Trung Quốc đến Việt Nam. Trong trường hợp này, đơn vị nhập khẩu tại Việt Nam cần sử dụng C/O ba bên chứ không xin cấp C/O giáp lưng.

Điều kiện xin cấp giấy chứng nhận C/O giáp lưng

C/O giáp lưng được cấp với điều kiện:

–       Người đề nghị cấp C/O giáp lưng phải xuất trình được bản gốc (hoặc bản sao chứng thực) của C/O gốc còn hiệu lực.

–       Các thông tin trên C/O giáp lưng phải được điền đầy đủ và khớp hoàn toàn với C/O gốc. Giá FOB của nước trung gian phải được ghi tại ô số 9 trong C/O giáp lưng.

–       Trường hợp xuất khẩu từng phần trong lô hàng, nước trung gian phải đảm bảo tổng số lượng từng phần tái xuất khẩu không vượt quá số lượng lô hàng gốc ghi trên C/O ban đầu khi nhập vào.

Tham khảo:   Profit là gì? Tại sao profit lại quan trọng?

Hồ sơ và quy trình xin cấp C/O giáp lưng

Hồ sơ xin cấp C/O giáp lưng gồm những gì?

Hồ sơ xin cấp C/O giáp lưng cần được chuẩn bị cẩn thận vì hàng hóa không đi thẳng từ nước xuất khẩu sang nước nhập khẩu mà qua nước trung gian nên sẽ rất phức tạp trong khâu thủ tục, chứng từ. Để làm hồ sơ xin cấp C/O giáp lưng, bạn cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:

–       Đơn đề nghị cấp C/O giáp lưng (mẫu 04 – Nghị định 31// ND-CP).

–       Mẫu C/O đã khai đầy đủ thông tin và đóng sẵn dấu “Back to Back C/O”.

–       Bản gốc C/O ban đầu hoặc bản sao chứng thực hợp lệ của nước xuất khẩu đầu tiên.

–       Bản sao B/L hoặc chứng từ tương đương (có đóng dấu sao y bản chính).

–       Bản sao tờ khai hàng hóa xuất – nhập kho ngoại quan (có xác nhận của hải quan và đóng dấu sao y bản chính)

Nơi cấp C/O giáp lưng tại Việt Nam

Tại Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền duy nhất thực hiện cấp C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu) là Bộ Công thương. Tuy nhiên, ngoài trực tiếp cấp, Bộ có thể ủy quyền cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng như các tổ chức khác có thẩm quyền tương đương thực hiện việc cấp C/O nói chung và C/O giáp lưng nói riêng.

Quy trình xin cấp C/O giáp lưng

Bên cạnh hiểu được hồ sơ cấp C/O giáp lưng là gì và nơi cấp chứng từ này, bạn cần biết thêm quy trình xin cấp C/O giáp lưng để nắm rõ các thủ tục hành chính. Theo đó, quy trình xin cấp C/O giáp lưng gồm 5 bước cơ bản như sau:

Bước 1: Tiến hành đăng ký và khai báo hồ sơ thương nhân trên hệ thống quản lý trực tuyến của Bộ Công thương.

Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp C/O giáp lưng đã chuẩn bị như hướng dẫn bên trên. Bạn có thể nộp hồ sơ online tại ecosys.gov.vn, gửi qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp C/O.

Bước 3: Tổ chức cấp C/O kiểm tra hồ sơ, xét duyệt và thông báo kết quả cho người đề nghị.

Có 4 trường hợp thông báo kết quả như sau:

Trường hợp hồ sơ hợp lệ: Thông báo chấp thuận cấp C/O giáp lưng theo yêu cầu và đính kèm thời gian cấp cụ thể.

Tham khảo:   Xuất xứ tiếng Anh là gì? Vai trò của xuất xứ trong thương mại

Trường hợp hồ sơ thiếu chứng từ: Thông báo hồ sơ chưa đầy đủ và đề nghị bổ sung.

Trường hợp hồ sơ chưa minh bạch:  Thông báo hồ sơ chưa đạt điều kiện cấp và đề nghị kiểm tra các chứng từ liên quan. Đồng thời yêu cầu giải trình hoặc thực hiện sửa đổi bổ sung nếu cần thiết.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: Thông báo từ chối cấp C/O giáp lưng.

Bước 4: Nếu hồ sơ được thông qua, cán bộ thuộc tổ chức cấp C/O tiến hành xác nhận và nhập dữ liệu C/O giáp lưng vào hệ thống quản lý của Bộ Công thương.

Bước 5: Tổ chức cấp C/O thực hiện ký xác nhận, đóng dấu và trả C/O về cho người đề nghị

C/O giáp lưng là một loại chứng từ quan trọng trong ngành xuất nhập khẩu. Hiểu được C/O giáp lưng là gì, điều kiện, hồ sơ và quy trình xin cấp C/O giáp lưng sẽ giúp bạn dễ dàng thực hiện các thủ tục trong trường hợp cần thiết.

 

Pha Lê

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo