32. Kiến thức kinh tế

Quy mô thị trường là gì? Tầm quan trọng và cách xác định

Quy mô thị trường là gì? Có tầm quan trọng như thế nào và các bước xác định là gì? Cùng tìm hiểu sau đây nhé.

Quy mô thị trường là gì?

Quy mô thị trường (Market Size) hay còn gọi là dung lượng thị trường, là tổng số doanh số bán hàng, tổng lượng hàng hóa bán ra hoặc tổng lượng khách mua hàng tối đa trong một lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp có thể đo lường hàng năm hoặc trong khoảng thời gian nhất định.

Bên cạnh quy mô thị trường còn có một khái niệm cũng quen thuộc với giới kinh doanh, đó là Giá trị thị trường. Giá trị thị trường nghĩa là tổng doanh thu bán hàng ở một thị trường. Đây tuy là 2 khái niệm khác nhau, song lại có sự liên quan mật thiết với nhau.

Bởi khi xác định được Quy mô thị trường, nghĩa là có thể dự đoán được tổng lượng hàng hóa bán ra hay tổng lượng khách hàng mua hàng, nhà kinh doanh có thể xác định doanh thu tiềm năng mà doanh nghiệp của mình có thể đạt được. Từ đó, doanh nghiệp có thể dự đoán được số lượng hay sản lượng sản phẩm, dịch vụ mình có thể tạo ra để phục vụ kinh doanh.

Tầm quan trọng của quy mô thị trường

Việc có được hiểu biết về Quy mô thị trường là gì sẽ là lợi thế rất lớn đối với doanh nghiệp, quyết định sự tồn tại và phát triển của thương hiệu, sản phẩm, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm hoặc ngành nghề mới.

Quy mô thị trường có thể được coi là cơ sở giúp nhà đầu tư trả lời các câu hỏi về việc đầu tư.

Điển hình là các điều sau:

–       Thị trường này có đủ lớn, đủ tiềm năng và hấp dẫn để đầu tư?

–       Có nên phát triển thêm sản phẩm mới ở thị trường này?

–       Nên mở rộng đầu tư vốn hay thu hẹp nguồn vốn ở thị trường này?

–       Cần nguồn vốn ban đầu là bao nhiêu để khai phá thị trường này?

Khi đã có thể đưa ra các câu hỏi về quy mô thị trường và trả lời chúng, bạn có thể phân tích được rất nhiều yếu tố quan trọng khác. Dưới đây là một số yếu tố thường được chú trọng phân tích kỹ khi nghiên cứu thị trường để biết được liệu đây có phải là một khoản đầu tư hiệu quả hay không:

Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp

Quy mô thị trường chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều đến chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Sau khi nghiên cứu về quy mô thị trường, bạn có thể lên được chiến lược kinh doanh phù hợp, xác định chiến lược giá cả, chiến lược tiếp cận, hình thức quảng cáo, tiếp thị phù hợp nhất với khách hàng tại thị trường này. Đây là những thông tin cần thiết trước khi bạn chính thức đưa sản phẩm của mình vào một thị trường tiêu thụ.

Tham khảo:   LLC là gì? Ưu và nhược điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn

Ngoài ra, việc phân tích quy mô thị trường đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của bạn sẽ xác định được từng bước đi/từng giai đoạn kinh doanh phù hợp có thể giúp hoạt động bán hàng phát triển tốt hơn. Hoặc khi cần thiết, bạn có thể thử nghiệm thay đổi kế hoạch kinh doanh theo hướng khác sau thời gian thử nghiệm ban đầu. Tóm lại, quy mô thị trường sẽ là bước đầu giúp tạo ra chiến lược kinh doanh phù hợp và có thể đột phá theo giai đoạn cụ thể.

Khả năng sinh lợi nhuận

Doanh thu, lợi nhuận là điều nhà đầu tư nào cũng quan tâm và đặt lên hàng đầu trong kinh doanh. Việc phân tích quy mô thị trường sẽ giúp người kinh doanh biết được nhu cầu về sản phẩm/dịch vụ của khách hàng trong khu vực, từ đó xác định lượng người tiêu dùng sẽ mua hàng của bạn và dự đoán được nguồn thu. Thông thường, một quy mô thị trường lớn sẽ mang đến nhiều cơ hội và khả năng sinh lời cao hơn mặc dù thị trường đó có thể gặp sự cạnh tranh nhiều hơn so với thị trường nhỏ.

Lợi thế cạnh tranh

Hiểu rõ quy mô thị trường là gì, nắm được sự vận hành của thị trường, thói quen, hành vi của người tiêu dùng tại thị trường đó chính là một bước quan trọng để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Bởi chính khách hàng và thị trường sẽ quyết định đâu là vũ khí cạnh tranh giúp doanh nghiệp bán hàng hiệu quả nhất. Khi đã hiểu sự liên quan giữa quy mô thị trường và lợi thế cạnh tranh, bạn có thể tự tạo ra lợi thế cho mình để chinh phục khách hàng và phát huy hiệu quả chiến lược kinh doanh đã đề ra.

Xu hướng hành vi người tiêu dùng

Nghiên cứu quy mô thị trường định kỳ là cơ sở để đánh giá sự tăng trưởng của ngành nghề bạn đang kinh doanh, đồng thời nắm được xu hướng hành vi người tiêu dùng thay đổi theo từng giai đoạn hoặc theo biến động xã hội như thế nào. Nghiên cứu và đánh giá này sẽ giúp doanh nghiệp của bạn nắm bắt được xu hướng và thị hiếu của khách hàng để điều chỉnh chiếc lược sản phẩm hoặc tiếp thị phù hợp, đảm bảo nguồn doanh thu cho doanh nghiệp.

Xác định thị trường tiềm năng

Điều này là cần thiết khi bạn muốn triển khai một dịch vụ hoặc sản phẩm mới khác biệt. Quy mô thị trường giúp bạn xác định thị trường này có tiềm năng để đầu tư hay không, liệu có thể mang lại lợi nhuận lớn bao nhiêu, hiện có những đối thủ nào đang hoạt động tại thị trường này và quy mô thị trường có đủ lớn để bạn đầu tư…  

Tham khảo:   Compliance Officer là gì? Nhiệm vụ công việc ra sao?

Các bước xác định quy mô thị trường

Bạn đã hiểu quy mô thị trường là gì cũng như tầm quan trọng của nó. Giờ là lúc để tìm hiểu về cách xác định quy mô thị trường. Để tìm Market Size một cách đơn giản và chính xác nhất, bạn hãy áp dụng 3 bước dưới đây:

Tiếp cận từ trên xuống

Đây là phương pháp được doanh nghiệp áp dụng rộng rãi để bắt đầu xác định quy mô thị trường. Với cách này, điểm bắt đầu là một ước tính sẵn có (hoặc dễ dàng phát triển) về tổng nhu cầu cho một sản phẩm nhất định, nghĩa là bạn cần nghiên cứu kỹ lưỡng bức tranh vĩ mô của thị trường, trong phạm vi rộng, phạm vi ngành, sau đó mới đi sâu xuống là đối thủ cạnh tranh, giá cả… cho sản phẩm, dịch vụ của mình.

Rất nhiều công ty chuyên cung cấp các dịch vụ, báo cáo về nghiên cứu thị trường trong mọi lĩnh vực bạn có thể tham khảo như Nielsen, Ibisworld…, hoặc các báo cáo của Tổng Cục thống kê nhà nước… Đây là cách giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức, đồng thời có thêm nhiều dữ liệu một cách chính xác nhất.

Phân tích từ dưới lên

Trái với tiếp cận từ trên xuống, phương pháp này gần như bỏ qua các điều kiện kinh tế vĩ mô và ngành. Thay vào đó, nhà phân tích sẽ chú trọng phát triển một ước tính hợp lý về tiềm năng tăng trưởng doanh số, mức tiêu thụ sản phẩm. Các vấn đề cần quan tâm trong phương pháp này là:

–       Các kênh bán hàng sẽ sử dụng (bán lẻ, bán trực tuyến, bán sỉ…);

–       Số lượng sản phẩm sẽ bán ra dựa trên mỗi kênh (đại lý, cửa hàng chuyên doanh…);

–       Số liệu thống kê doanh thu từ đối thủ cạnh tranh;

–       Phương pháp tiếp cận khách hàng (tờ rơi, quảng cáo trực tuyến, tin nhắn…);

Cách tiếp cận này có thể tốn nhiều thời gian hơn so với phương pháp tiếp cận từ trên xuống, song với các con số chi tiết thu được sẽ giúp ích doanh nghiệp rất nhiều trong quá trình kinh doanh.

Phân tích đối thủ cạnh tranh

Hiểu rõ về các đối thủ cạnh tranh trên cùng thị trường là rất quan trọng khi xác định quy mô thị trường. Bởi việc biết về cách thức vận hành kinh doanh, điểm mạnh, điểm yếu về sản phẩm của đối thủ, cách tiếp thị, hậu mãi… bạn có thể dự đoán được quy mô thị trường mà đối thủ đang nắm, đồng thời đưa ra những lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp của mình.

Tham khảo:   Áp dụng phương pháp Pomodoro để làm việc tại nhà hiệu quả

Chẳng hạn, nếu đối thủ của bạn đã kinh doanh lâu năm tại thị trường này, nhưng sản phẩm không cải tiến để phù hợp với nhu cầu thay đổi của khách hàng, dịch vụ hậu mãi kém, giá cao thì bạn hoàn toàn có thể dựa vào những điểm yếu đó nâng cao giá trị sản phẩm để thu hút khách hàng. Mặt khác, nếu đối thủ đang rất mạnh, thị trường khó xâm nhập thì bạn cần đào sâu hơn nữa vào thị hiếu của khách hàng và tìm quy mô thị trường cho sản phẩm của mình. Từ đó, định vị sản phẩm của mình và xác định quy mô thị trường một cách chính xác.

Hiểu về khái niệm quy mô thị trường là gì sẽ giúp doanh nghiệp nắm rõ được hành vi khách hàng, có được ưu thế cạnh tranh, từ đó nâng cao lợi nhuận cũng như khả năng kinh doanh. Hy vọng bài viết trên giúp bạn hiểu về quy mô thị trường cũng như nắm được các bước xác định quy mô thị trường chính xác. 

Huyền Nguyễn

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo