32. Kiến thức kinh tế

Bảo hộ thương mại là gì? Tác động và cách thực hiện

Bảo hộ thương mại là gì? Các biện pháp được thực hiện để bảo hộ thương mại và tác động của nó như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu sau đây nhé.

Bảo hộ thương mại là gì?

Bảo hộ thương mại còn được gọi là bảo hộ mậu dịch. Đây là việc nhà nước thực hiện các chính sách giao thương hàng hóa nhằm hạn chế danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu để bảo vệ kinh tế trong nước.

Chính sách này được triển khai bằng cách nâng cao một số tiêu chuẩn như về chất lượng, độ an toàn, vệ sinh, môi trường, xuất xứ hoặc đặt thuế xuất nhập khẩu cao hơn bình thường để hạn chế mặt hàng đó vào trong nước.

Mục đích của bảo hộ thương mại là nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trước những nhà sản xuất nước ngoài, hạn chế sự tiếp cận của hàng hóa ngoại nhập bằng cách hỗ trợ tiếp thị sản phẩm quốc nội.

Với những nền kinh tế nhỏ, chính phủ thực hiện những biện pháp bảo hộ thị trường nội địa, bảo vệ nền sản xuất và nền kinh tế. Với những nền kinh tế lớn, chính phủ áp dụng chính sách siêu bảo hộ, vừa giúp doanh nghiệp trong nước tăng thị phần vừa hỗ trợ để hàng trong nước thâm nhập thị trường quốc tế.

“Bảo hộ thương mại là chính sách bảo vệ các ngành sản xuất trong nước chống lại sự cạnh tranh của nước ngoài bằng các biện pháp thuế quan, trợ cấp, hạn ngạch nhập khẩu hoặc bất lợi khác đối với hàng nhập khẩu của các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.”

 

Cơ sở hình thành bảo hộ thương mại

Chính phủ sẽ thực hiện chính sách hạn chế nhập khẩu khi các mặt hàng nhập khẩu gia tăng gây đe dọa và thiệt hại nghiêm trọng các mặt hàng quốc nội. Việc hình thành bảo hộ thương mại đến từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Về khách quan, bảo hộ thương mại sẽ được áp dụng đến từ sự phát triển không đều và khác biệt về điều kiện tái sản xuất giữa các quốc gia. Do đó, cần thiết phải bảo hộ nền kinh tế kém phát triển và tạo ra sự đồng đều về điều kiện tái sản xuất. Hơn nữa, khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và các sản phẩm không giống nhau, đặc biệt với ngành sản xuất năng lực cạnh tranh thấp.

Về chủ quan, nhà nước cần có chính sách bảo hộ cho ngành sản xuất mới ra đời, chưa thể gia nhập thị trường và chưa cạnh tranh được với doanh nghiệp đã có chỗ đứng trên thị trường. Vì vậy với sự bảo hộ, doanh nghiệp có cơ hội để tăng khả năng cạnh tranh. 

Tham khảo:   PERT là gì? Các bước để xây dựng sơ đồ mạng PERT

Hình thức thực hiện bảo hộ thương mại

Từ trước tới nay, một số biện pháp bảo hộ thương mại phổ biến được áp dụng ở các quốc gia bao gồm:

– Áp dụng thuế, thậm chí đánh mức thuế cao đối với các mặt hàng ngoại nhập.

-Áp dụng hạn ngạch trần trên số lượng hàng hóa ngoại nhập đang bán ở thị trường trong nước bằng những trở ngại về pháp lý trong việc cấp phép.

– Đề ra các trở ngại pháp lý cho các sản phẩm ngoại nhập bằng tiêu chuẩn khắt khe cho mặt hàng ngoại nhập.

– Hỗ trợ các mặt hàng quốc nội bằng cách trợ giá và giảm thuế, hỗ trợ tiếp thị.

– Kiểm soát tỷ lệ thay đổi ngoại tệ để hạn chế thao túng hàng hóa ngoại nhập nhằm hạ giá sản phẩm trong nước.

Ngoài ra, khi cạnh tranh thương mại quốc tế ngày càng tăng cao, cùng với sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nước nhập khẩu, đặc biệt là các nước phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật, EU có xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại bằng những hình thức bảo hộ kiểu mới:

-Giới hạn hoạt động thương mại quốc tế trong các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, ngành quan trọng của mọi quốc gia.

– Đảm bảo cân bằng cán cân thương mại giữa quốc gia nhập và xuất khẩu.

– Hạn chế nguồn lao động trong các lĩnh vực nhập khẩu, phát triển nguồn nhân lực thay thế trong nước giúp tạo thêm việc làm cho người dân.

– Ngăn chặn độc quyền nhóm khi một ngành công nghiệp mới hình thành để hỗ trợ ngành công nghiệp mới trong nước.

-Thực thi chính sách thương mại công bằng, yêu cầu các quốc gia xuất khẩu phải hạ thấp những điều luật khắt khe để được mở rộng thị phần vào quốc gia đó.

Ưu, nhược điểm của bảo hộ thương mại là gì?

Như định nghĩa bảo hộ thương mại là gì thì bản chất của bảo hộ thương mại là bảo vệ hàng hóa quốc nội, vì thế lợi ích trước hết mang lại cho các nhà sản xuất trong nước, giúp họ tăng sức mạnh trên thị trường nội địa. Khi ngành công nghiệp trong nước được duy trì và gia tăng thị phần, việc làm và thu nhập người lao động ổn định, tăng lên góp phần ổn định xã hội, chính trị.

Tham khảo:   Variance là gì? Công thức tính variance và ứng dụng

Khi được bảo hộ, các doanh nghiệp trong nước có thời gian để tăng cường sức mạnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này giúp doanh nghiệp nội địa khẳng định thêm vị thế trên thị trường thương mại toàn cầu, từ đó góp phần điều tiết cán cân thanh toán quốc tế ở mỗi quốc gia

Mặt khác, các doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể hưởng lợi từ bảo hộ thương mại. Khi thuế và giá cả sản phẩm ngoại nhập tăng cao mang lại doanh thu cao cho doanh nghiệp, phần nào bù đắp cho việc mất thị phần. Vì thế trên thực tế, bảo hộ thương mại chỉ ảnh hưởng đáng kể đến những doanh nghiệp có sản phẩm phân khúc thấp, năng lực cạnh tranh yếu.

Tuy nhiên nếu lạm dụng hoặc thực hiện sai nguyên tắc thì bảo hộ thương mại sẽ mang đến nhiều hậu quả. Trước hết, nó làm cho các nhà sản xuất trong nước có cơ hội đầu cơ trên giá bán sản phẩm họ cung cấp ở mức có lợi nhất cho họ. Sự độc quyền này kéo dài, doanh nghiệp sẽ mất sự linh hoạt, sáng tạo, hoạt động kinh doanh không hiệu quả.

Chưa kể, doanh nghiệp không có giải pháp nâng cao chất lượng và hạ giá sản phẩm. Điều này gây áp lực cho doanh nghiệp nước ngoài vì vừa bị chịu thuế cao lại bị hạn chế thị phần. Ngoài ra, người dân trực tiếp sử dụng sản phẩm sẽ chịu thiệt thòi khi không được dùng sản phẩm chất lượng đảm bảo, mẫu giá, kiểu dáng… sản phẩm đều giảm. 

Hơn nữa, bảo hộ thương mại ảnh hưởng đến quá trình phát triển thương mại quốc tế, gây ra sự cô lập kinh tế của một nước trong xu thế toàn cầu hóa. Các chính sách siêu bảo hộ của quốc gia phát triển tác động xấu với quốc gia đang phát triển. Thậm chí với chi phí cho việc bảo hộ thương mại đôi khi nhiều hơn những lợi ích mang lại, chưa kể còn ảnh hưởng tới mối quan hệ ngoại giao giữa các nước.

Vậy nên, để hạn chế những tác động xấu vì bảo hộ, khi thực hiện chính sách bảo hộ, các chính phủ cần cân nhắc cụ thể và phải xét các điều kiện mới tiến hành bảo hộ. Ví dụ, chỉ thực hiện chính sách bảo hộ khi nền kinh tế có năng lực cạnh tranh thấp, các ngành chưa có khả năng cạnh tranh trên thị trường cần có thêm thời gian để tăng năng lực cạnh tranh.

Tham khảo:   Brand association là gì? Lợi ích và mẹo thực hiện

Về mặt quốc tế, chỉ áp dụng bảo hộ thương mại khi thị trường biến động mạnh ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Ngoài ra khi mối quan hệ thương mại bất bình đẳng hoặc xấu đi, các nước có thể thực hiện chính sách bảo hộ thương mại. 

Bảo hộ thương mại có nhiều lợi thế nhưng cũng tồn tại nhiều nhược điểm, tác động xấu tới nền kinh tế của mỗi nước. Bởi vậy, bài toán bảo hộ cần được chính phủ phối hợp cùng các doanh nghiệp triển khai đúng quy trình, đồng bộ và hiệu quả.

Hy vọng bài viết giúp bạn hiểu hơn về bảo hộ thương mại là gì, các hình thức bảo hộ, ưu nhược điểm và khi nào cần áp dụng bảo hộ thương mại để đảm bảo bảo hộ công bằng, thúc đẩy nền kinh tế trong nước và quốc tế cùng phát triển.

Nguyễn Lý

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo