31. Kỹ năng làm việc

Bí quyết của người thuyết trình thành công

Trong công việc, có rất nhiều tình huống bạn cần phải nói trước đám đông như trình bày một bản kế hoạch, đề xuất các ý tưởng, dự án mới, báo cáo kết quả công việc, giới thiệu sản phẩm… Tuy nhiên, để tự tin hoàn thành được bài thuyết trình cũng như làm chủ được không gian diễn thuyết không phải là điều dễ, đó là kết quả của cả một quá trình tập luyện và chuẩn bị chu đáo. Vậy cần có những kỹ năng gì để buổi thuyết trình diễn ra thuận lợi như ý? Bạn sẽ biết được “đáp án” qua 6 điều sau đây.

Thời gian thuyết trình

Bạn có biết có một nguyên tắc bất di bất dịch là không nói quá dài khi thuyết trình trước đám đông? Điều này không chỉ khiến người nghe có cảm giác như bị “tra tấn”, cảm giác mệt mỏi chỉ muốn ra về mà sau đó họ cũng chẳng còn nhớ điều gì về “tâm huyết” của bạn cả. Để “viễn cảnh u ám” này không có cơ hội diễn ra, bạn có thể áp dụng quy luật 10- 20-30 của doanh nhân nổi tiếng Guy Kawasaki: bài thuyết trình không chứa quá 10 slide, dài không quá 20 phút và phông chữ không dưới cỡ 30.

Xây dựng nội dung bài thuyết trình

Bài thuyết trình sẽ thực sự hấp dẫn nếu người nói biết xây dựng nội dung phù hợp, chứa đựng các thông tin cập nhật thu hút người nghe. Muốn làm được điều này, bạn cần trả lời các câu hỏi: người nghe là ai, họ có sở thích gì, họ quan tâm điều gì, họ muốn nghe điều gì từ bạn… Từ đó, bạn sẽ biết được với ai thì cần đưa ra số liệu thống kê, những chi tiết thuyết phục, lập luận logic; với ai thì nên có những hình ảnh sinh động, dí dỏm hoặc với ai thì nên có một đoạn video “chế” để kéo sự tập trung hay sự thích thú và hưng phấn.

Tham khảo:   Lạm phát là gì? Tìm hiểu các loại lạm phát phổ biến

Lường trước những câu hỏi và sự cố có thể xảy ra

Trong vài chục phút thuyết trình ngắn ngủi đó, có thể bạn sẽ gặp phải những sự cố không mong muốn như mất điện, máy chiếu không hoạt động hay một câu hỏi từ phía khán giả, tuy rất dễ nhưng không chuẩn bị trước nên không có phần trả lời thỏa đáng… Dự đoán được những tình huống này, bạn hãy viết ra những điều hoặc câu hỏi có thể xuất hiện và chuẩn bị sẵn câu trả lời. “Bùa hộ mệnh” này sẽ giúp bạn an tâm và tự tin hơn, đồng thời thể hiện bạn là người có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, góp phần giúp buổi thuyết trình suôn sẻ hơn.

Tận dụng ngôn ngữ cơ thể

Có bao giờ bạn thắc mắc rằng vì sao Mr.Bean hay vua hề Sác lô (Charlie Chaplin) có thể khiến cả thế giới cười “không nhặt được răng” dù không nói một lời nào? Đó là vì ngôn ngữ cơ thể có khả năng truyền đạt đến 93% thông tin trong khi khả năng đó của ngôn ngữ chỉ là 7%. Do đó, để trở thành một người thuyết trình cuốn hút, nội dung hay không là chưa đủ mà bạn còn cần thêm ngôn ngữ cơ thể. Không cần phải có một ánh mắt long lanh, một giọng nói “ngọt tận xương”, bạn vẫn có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách hiệu quả với một số mẹo nhỏ như: nhìn vào trán thay vì nhìn vào mắt người đối diện; giọng nói to nhỏ, cắt nghỉ phù hợp; tránh để tay sau lưng hay chỉ trực diện vào ai đó… và đừng quên nụ cười tươi của bạn nhé.

Tham khảo:   Phải Làm Gì Sau Khi Mâu Thuẫn Với Đồng Nghiệp

Ngoài các cử chỉ phi ngôn từ chính trên thì bạn cũng cần biết rằng trang phục, đầu tóc, mùi hương… cũng cho thấy sự tự tin, chuyên nghiệp và góp phần quan trọng tạo nên sự thành công cho bài thuyết trình của bạn.

Luyện tập trước bài thuyết trình

Phần thuyết trình thành công luôn đòi hỏi sự chính xác và rõ ràng, vì vậy để không lãng phí thời gian và có thể làm chủ buổi thuyết trình, bạn nên luyện tập kỹ càng cho bài nói của mình. Càng luyện tập nhiều, bạn sẽ càng nắm chắc “kịch bản” và có khi lại phát hiện ra những sai sót nhỏ nhưng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo một nghiên cứu, việc tập dợt nhiều lần sẽ giúp tránh tỷ lệ mắc lỗi trong phần trình diễn thực sự đến 95%. Vì vậy, hãy luyện tập đến khi nhuần nhuyễn, bạn sẽ nhận được kết quả xứng đáng.

Vượt qua tâm lý sợ hãi

Lo lắng, tim đập loạn xạ, tay chân bủn rủn, toát mồ hôi hột… là cảm giác mà chắc rằng ai đã thuyết trình trước đám đông cũng từng trải qua. Tuy nhiên, nếu bạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng những điều trên đây thì bạn đã giảm được 75% tâm trạng lo lắng này. Mặt khác,  có thể áp dụng một vài mẹo để tăng sự tự tin như xem người nghe như bạn bè và bạn chỉ đang chia sẻ những gì bạn có được. Thực ra, cảm giác lo lắng này chỉ xuất hiện lúc bắt đầu, một khi bạn đã bị cuốn vào nội dung trình bày của mình thì sự run sợ trước đám đông sẽ nhanh chóng bị thiêu rụi ngay thôi.  

Tham khảo:   Workshop là gì? Lợi ích và các bước làm workshop hiệu quả

 

Phương Thảo

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo