31. Kỹ năng làm việc

Điều gì giúp bạn trở thành một biên tập video ưu tú?

Có thể bạn sẽ nói ngay rằng “Chỉ cần thành thạo nhiều kỹ thuật chỉnh sửa video là đủ xài rồi”. Mình cũng từng nghĩ như vậy. Cho đến khi bước vào thực tế, trải qua không ít phong ba bão táp mình mới vỡ lẽ “À, thì ra một biên tập video giỏi là sự kết hợp của kỹ năng cá nhân, xã hội và cả kỹ thuật”. Thiếu một trong số đó, sự nghiệp của bạn chẳng khác gì cung đường phượt với nhiều chỗ ngoặt khúc khuỷu xứng đáng được đưa vào kỷ lục Guinness.

Đừng vội “nhức nhức cái đầu” vì mình sẽ nói ngay sau đây các kỹ năng không thể thiếu để bạn có sự chuẩn bị tốt nhất.

Các kỹ năng mà một biên tập video nhất thiết phải có

Đầu tiên, đó là trí tưởng tượng và hình dung tuyệt vời

Công việc chính của bạn là tập hợp nhiều đoạn cảnh, âm thành và hiệu ứng đặc biệt khác nhau để biến chúng thành một video độc đáo, hấp dẫn, được người xem chào đón. Trước đó, bạn phải hình dung sản phẩm cuối cùng trông như thế nào bằng cách tạo ra một mô hình trong đầu. Hình dung sẽ giúp bạn cấu trúc quy trình làm việc và tiến tới kết quả cuối cùng một cách suôn sẻ mà không bị lệch đường ray. Bản thân trí tưởng tượng là một nghệ thuật kết hợp các thành phần không liên quan lại với nhau để tạo ra ý nghĩa, đó cũng chính là mục đích của việc chỉnh sửa video.

Đừng lo lắng nếu là người mới, bạn sẽ sớm học được cách phát triển kỹ năng này trong quá trình làm việc thực tế.

Điều gì giúp bạn trở thành một biên tập video ưu tú

Cùng với trí tưởng tượng không giới hạn, bạn cũng cần một trí nhớ tốt

Mình không nói rằng bạn phải có trí nhớ siêu phàm của Sherlock Holmes nhưng tính hay quên không bao giờ là điều tốt. Là người chỉnh sửa video, bạn có trách nhiệm giữ cho dòng thời gian của video luôn ổn định, liền mạch trong khi một số cảnh có thể không được quay theo trình tự và điều này cần bạn ghi nhớ tất cả các sắc thái của nội dung video để sắp xếp theo ý đồ của đạo diễn.

Tham khảo:   Các Loại Môi Trường Làm Việc – Như Thế Nào Là Một Môi Trường Làm Việc Lý Tưởng?

Nếu bạn có tính quên trước quên sau hoặc không thể tập trung trong thời gian dài thì sẽ không có đạo diễn và nhà sản xuất nào yên tâm khi giao cho bạn rất nhiều thông tin và tất cả “tài sản” của họ. Đừng bao giờ là người đó nhé!

“Với các nền tảng chia sẻ video, ngành công nghiệp điện ảnh và giải trí có xu hướng ảnh hưởng đến lối sống hiện tại, các biên tập video được dự đoán sẽ tăng 18% trong thập kỷ tới.”

Sự kiên nhẫn, bền bỉ theo đuổi mục tiêu

Khi bạn học chỉnh sửa video, một trong những điều đầu tiên bạn sẽ khám phá ra là đó có thể là một quá trình tẻ nhạt và đơn điệu. Tùy thuộc vào nhiệm vụ, có rất nhiều phần nhỏ của cảnh quay tiêu tốn rất nhiều thời gian của bạn. Vì là người chịu phần lớn trách nhiệm về nội dung video nên bạn có thể muốn hoàn thành công việc càng nhanh càng tốt nhưng khi làm việc vội vàng, bạn chỉ khiến mọi việc trở nên phức tạp và hỗn loạn hơn mà thôi. Nếu bạn muốn giảm mức độ thử thách tính kiên nhẫn thì cần lập kế hoạch và tổ chức kỹ lưỡng, chẳng hạn đặt tên cho tất cả các tập tin và lưu chúng vào các thư mục tương ứng.

Nếu bạn cần kiên nhẫn ở mức độ 1 khi chỉnh sửa video thì phải nâng lên cấp độ 10 khi làm việc với “khách hàng”. Họ ở đây có thể là cấp trên, nhà sản xuất, đạo diễn hay là khách hàng theo nghĩa đen nếu bạn đang làm freelance.

Khỏi cần phải nói thì chắc bạn cũng biết rằng họ sẽ không cư xử như một “thiên thần” mà sẽ là “thiên lôi” trong suốt quá trình hợp tác cùng. Những tình huống như vậy có thể khiến bạn trở nên mệt mỏi và kiệt sức. Tuy nhiên, làm việc với sự kiên nhẫn và chu đáo sẽ giúp bạn nâng cao hình ảnh chuyên nghiệp của mình. Đó là lí do vì sao những biên tập video giỏi nhất đều biết rằng kiên nhẫn không chỉ là một đức tính tốt mà đó còn là điều bắt buộc.

Tham khảo:   Ngụy biện là gì? Tác hại của sự ngụy biện

Truyền đạt thông tin rõ ràng để mọi người hiểu nhau hơn

Sẽ có rất nhiều người mà bạn làm việc cùng chưa bao giờ chỉnh sửa video và hoàn toàn không biết gì về lĩnh vực này. Họ không biết chuyển từ .mp4 sang .mp3 sẽ như thế nào hoặc chỉ di chuyển logo một chút thôi có nghĩa là cách xa giữa 10 pixel và 1.000 pixel. Do đó, bạn có thể thường xuyên phải nghe những thắc mắc như:

“Nhưng anh có thể thay thế nền bầu trời trong Snapchat, tại sao em không làm được với bức ảnh này?” hoặc

“Con trai chị học lớp 10 có thể chỉnh sửa video này vào cuối tuần. Cậu không thể hoàn thành nó sớm hơn à?” hay

“Việc này chỉ mất 1 ngày để làm thôi nhưng tại sao em không thể hoàn thành trong 3 tuần nữa?”

Nghe quen lắm phải không bạn? Với người ngoài, mọi thứ luôn dễ dàng thế đấy nhưng chỉ có video editor mới biết có ti tỉ điều cần làm. Để mọi thứ diễn ra suôn sẻ thì bạn cần là người giải thích những điều này theo cách dễ hiểu nhất, khi nói chuyện trực tiếp hay trao đổi qua email, điện thoại hoặc các công cụ chat. Hơi phiền đấy, nhưng đó là cách để mọi người hiểu công việc và hợp tác với bạn hơn.

Và chắc chắn phải có chiều sâu cảm xúc!

Có thể bạn không nhận ra nhưng để trở thành một video editor ưu tú, bạn phải có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao. Ngay cả khi bạn không coi mình là người giàu cảm xúc thì cũng cần hiểu rõ về cảm xúc và cách mọi người thể hiện nó ra bên ngoài. Rốt cuộc, video editor là người kể chuyện bằng hình ảnh động và nếu bạn không bị lay động bởi cách kể chuyện hay hoặc không thể hiểu được cảm xúc thúc đẩy câu chuyện diễn ra như thế nào thì bạn làm sao có thể tạo ra tác phẩm lôi cuốn người xem?

Tham khảo:   6 lỗi khiến bạn “một đi không trở lại”

Theo kinh nghiệm bản thân thì đây là một số yếu tố mà mình nghĩ mọi biên tập video cần (nếu không nói là bắt buộc) phải có. Không có thời gian cụ thể khi nào bạn nên học hỏi những điều này, tuy nhiên bạn cần nỗ lực hết sức mình để có sự cải thiện tích cực về khả năng nếu mong muốn sớm trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực chỉnh sửa video.

Vân Phạm

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo