Quản lý sản xuất

Nội dung và yêu cầu của TPM là gì?

Nếu chúng ta ví TPM như là một tòa nhà thì các nguyên tắc của nó là hệ thống cột trụ của ngôi nhà đó.

Bên cạnh đó việc áp dụng 5S là một phương pháp quản lý nhà và xưởng nhằm  mục đích cải tiến môi trường làm việc, một chương trình hoạt động thường trực trong một doanh nghiệp hoặc ở một đơn vị hành chính. 5S là một phương pháp cải tiến rất đơn giản nhưng lại rất hiệu quả trong thực tế. Từ văn phòng, nhà kho cho đến công trường xây dựng, hay nhà xưởng công nghiệp hoặc nông nghiệp.

Nơi nào có hoạt động thì nơi đó cần sắp xếp, cần phân loại, cần sạch sẽ. Không có hoạt động 5S thì không thể bàn đến việc quản lý và cải tiến. 5S ngăn chặn sự xuống cấp của nhà xưởng, tạo sự thông thoáng cho nơi làm việc, đỡ mất thời gian cho việc tìm kiếm vật tư, hồ sơ cũng như tránh sự nhầm lẫn. Người làm việc cảm thấy thoải mái, làm việc có năng suất cao và tránh được sai sót. Các thiết bị sản xuất hoạt động trong môi trường phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng an toàn. Vì vậy 5S chính là nền tảng của năng suất và chất lượng.

Trên thực tế, hoạt động TPM có thể triển khai cùng lúc với 8 nội dung sau đây:

1. Bảo trì tự quản

Người đứng máy hay vận hành máy (Operator) sẽ phải biết sửa chữa và bảo trì máy ở một mức độ nhất định thay vì biết thao tác vận hành, và khi máy hư chỉ biết tắt máy rồi chờ đội bảo trì đến sửa.

Đào tạo đội ngũ công nhân vận hành để giảm thiểu sự chênh lệch giữa họ và đội ngũ bảo trì nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn khi họ làm việc chung một nhóm. Cải tiến máy móc để công nhân vận hành có thể phát hiện được những hiện tượng bất thường và đo lường được sự xuống cấp của thiết bị trước khi có ảnh hưởng đến quá trình và dẫn đến hư hỏng. Chỉ cần công nhân vận hành làm được 30% công việc của bộ phận bảo trì thì năng suất thiết bị sẽ tăng lên thấy rõ.

Công nhân vận hành sẽ lần lượt thực hiện 7 bước sau đây để nâng cao kiến thức, tinh thần tham gia và trách nhiệm đối với thiết bị của họ:

a. Thực hiện việc lau chùi và kiểm tra máy.
b. Loại trừ nguyên nhân gây dơ bẩn máy và làm cho công việc vệ sinh dễ hơn.
c. Xác lập tiêu chuẩn cho việc vệ sinh và bôi trơn thiết bị.
d. Đào tạo về kỹ năng kiểm tra, kỹ năng bảo trì và sửa chữa.
e. Thực hiện tự kiểm tra toàn bộ.
f. Tiêu chuẩn hóa các quy trình và nơi làm việc.
g. Tự bảo trì toàn bộ.

Tham khảo:   7 Loại lãng phí và cách loại bỏ

2. Cải tiến có trọng điểm

Trong thực tế sản xuất tại mỗi đơn vị luôn luôn nảy sinh những vấn đề, thí dụ như: về chất lượng, về chi phí, về năng suất, về an toàn lao động v.v… tùy theo từng thời điểm và tùy theo ý nghĩa then chốt và tính bức xúc của sự việc trong thời điểm đó, người ta sẽ chọn lựa và đưa ra vấn đề và thành lập nhóm hay tiểu ban để tập trung cải tiến. Bên cạnh đó vẫn khuyến khích những sáng kiến cải tiến nhỏ của từng cá nhân hoặc từng bộ phận trong công ty, nhà máy. Tất cả đều nằm trong chiến lược phát triển của công ty/nhà máy: cải tiến liên tục nhưng ở đây muốn nhấn mạnh ở điểm nếu tập trung tất cả nguồn lực vào một mục tiêu nhất định thì dễ dẫn đến thành công mà không lãng phí thời gian và công sức.

Công cụ thường trực được sử dụng trong hoạt động nhóm là:

– Tư duy tập thể (Brainstorming)

– Năm vấn đề lớn (Big Five)

– 6 sigma (Six Sigma)

Chủ đề của cải tiến thường là các chỉ số hoạt động then chốt   KPIs (Key Performance Indicators) và 16 tổn thất chính với 3 loại tổn thất thường có trong quá trình sau đây:

Tổn thất do thiết bị:

+ Dừng máy bất ngờ do sự cố

+ Thời gian cài đặt và cân chỉnh

+ Thời gian cài đặt dừng máy

+ Chạy không tải

+ Giảm tốc độ

+ Phế phẩm/Tái chế

Tổn thất do con người:

+ Quản lý sản xuất

+ Tổ chức dây chuyền

+ Tổ chức hậu cần

+ Đo lường và Điều chỉnh

Tổn thất do các nguồn lực khác:

+ Chủ động dừng máy

+ Mất nhân lực do tai nạn lao động

+ Thay đổi sản phẩm

+ Tổn thất năng lượng

+ Chi phí sửa chữa và thay thế dụng cụ

+Tổn thất sản lượng.

3. Bảo trì có kế hoạch

Từ trước đến nay bộ phận cơ điện của nhà máy thường chỉ thụ động đối phó với sự cố máy móc: hư đâu sửa đó trong khi thế giới hiện nay đã đạt đến bảo trì ngăn ngừa (Preventive Maintenance).

Tham khảo:   Làm việc theo quy tắc 5S của người Nhật

Nội dung này định hướng vào công tác lập kế hoạch bảo trì ngăn ngừa (preventive maintenance schedule) dựa trên cơ sở thời gian chạy máy và điều kiện làm việc của máy cũng như khuyến nghị của nhà sản xuất máy, bên cạnh đó là dự phòng phụ tùng, vật tư, nhân lực, thời gian để không ảnh hưởng sản xuất. Và quan trọng là phải thực hiện đúng theo kế hoạch. Bảo trì theo kế hoạch tốt sẽ giảm thời gian dừng máy đột ngột, tăng tuổi thọ máy, giảm thời gian sửa chữa khắc phục (Corrective Maintenance) và chi phí bảo trì. Kết hợp chặt chẽ với nội dung bảo trì tự quản.

4. Quản lý chất lượng

Xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng trên cơ sở con người (kỹ năng), thiết bị (tự động, độ chính xác và tin cậy cao), vật tư (nguyên liệu, bao bì), phương pháp sản xuất và thông số quá trình. Kiểm soát chất lượng từ khâu đầu tiên đến khâu phân phối và hậu mãi nhằm xác lập và duy trì các điều kiện để đạt “không lỗi”. Có hệ thống khắc phục và ngăn ngừa sự chênh lệch chuẩn của sản phẩm là trách nhiệm của mọi người và người chỉ huy là bộ phận bảo đảm chất lượng trong đơn vị. Tiêu chuẩn quản lý chất lượng Iso 9001 và phương pháp cải tiến “6 Sigma” là những công cụ hiệu quả để duy trì và cải tiến chất lượng.

5. Quản lý từ đầu

Xác lập một hệ thống dữ liệu để đánh giá và rút kinh nghiệm trong quá khứ khi chuẩn bị đầu tư mua sắm thiết bị mới hay trước khi nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.

Thiết bị mới phải có ưu điểm tích cực hơn thiết bị cũ: dễ vận hành, dễ vệ sinh, dễ   bảo trì và tin cậy, ít tiếu tốn năng lượng, tuổi thọ cao hơn v.v… Nội dung này kết hợp chặt chẽ với bảo trì có kế hoạch.

6. Huấn luyện và đào tạo

TPM là một quá trình học tập không ngừng. Công nhân vận hành phải thường xuyên được huấn luyện, nâng cao kỹ năng và thái độ làm việc. Cán bộ cần được đào tạo về khả năng quản lý, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, quản lý chất lượng v.v…

Nội dung này hỗ trợ tích cực cho các nội dung nói trên, đặc biệt là nội dung bảo trì tự quản. Ngược lại, các nội dung nói trên giúp định hướng cho công tác đào tạo của doanh nghiệp.

Tham khảo:   Kế hoạch sản xuất là gì

7. TPM trong hành chính quản trị và các bộ phận hỗ trợ

Bộ phận hành chính và các bộ phận hỗ trợ như cung ứng, bán hàng và hậu mãi có thể được xem là một phần của quy trình vì nhiệm vụ của họ là thu thập, xử lý, cung cấp thông tin cũng như phục vụ các nhu cầu khác của sản xuất. Nội dung chính áp dụng ở đây là huấn luyện đào tạo, hoạt động 5S và cải tiến có trọng điểm.

8. An toàn sức khoẻ & môi trường SHE (Safety Health & Environment)

Mục tiêu của nội dung này là không có tai nạn lao động, không có bệnh nghề nghiệp, không tác động đến môi trường.

Thực tế trong sản xuất đã cho thấy không thể đạt được năng suất cao, chất lượng ổn định nếu nơi làm việc bừa bãi, trơn trợt, thiếu ánh sáng, đầy tiếng ồn, bụi bậm, mùi hôi thối dẫn đến bệnh nghề nghiệp và mối hiểm nguy chực chờ hằng ngày. Ngoài ra sẽ ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp nếu có sự khiếu nại của cộng đồng khi môi trường sống của họ bị ô nhiễm.

Đơn vị phải có chính sách về SHE và công bố rõ ràng, bám chặt các quy định của luật pháp về an toàn, sức khoẻ, môi trường. Có nhân viên chuyên trách về an toàn lao động. Xác định một hệ thống đánh giá về các mối nguy hiểm, các khía cạnh sản xuất có ảnh hưởng đến môi trường làm việc và môi trường sống của cộng đồng để tập trung cải tiến. Huấn luyện về nhận thức cho mọi người. Huấn luyện về các kỹ năng PCCC, kỹ tăng cứu thương. Có quy trình về trường hợp sự cố khẩn cấp. Có hệ thống báo cáo tai nạn và báo cáo suýt bị (Near Miss Report). Trang thiết bị về an toàn đầy đủ. Có hệ thống xử lý chất thải và khí thải đạt tiêu chuẩn.

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo