Kỹ năng Tư duy đột phá

Rèn Luyện Tư Duy Đột Phá Với 10 Phương Pháp Đơn Giản

Bạn đã bao giờ được nghe tới cụm từ “Tư duy đột phá” (to think outside the box)? Đây là một cụm từ phổ biến nhằm khuyến khích mọi người hãy là một con người phá cách, sáng tạo và hữu ích. Cụm từ này được tạo nên với mục đích chính là phá vỡ hiện trạng để tìm một giải pháp đột phá hoặc tạo ra điều gì đó nổi bật hơn so với đám đông. “Tư duy đột phá” có lẽ là một yêu cầu của sếp đặt ra cho bạn tại nơi làm việc, một cụm từ bạn nói với bản thân khi cố gắng sáng tạo nghệ thuật, hoặc chỉ đơn giản là một lời khuyên thông thường về việc cải thiện cuộc sống. Dù nó là gì đi chăng nữa, dù nó xuất phát từ đâu – sự sáng tạo cũng giống như một cái cây vậy. “Cái cây” này cần đất đai màu mỡ, sự chăm sóc, và nuôi dưỡng để đâm chồi và phát triển mạnh.

 

Sự sáng tạo đòi hỏi đúng kiểu môi trường và phương pháp chăm sóc để có thể “mọc lên” và phát triển.

Mặc dù cũng có vài cách ngay tức thì giúp tạo ra ý tưởng, tư duy vượt mọi giới hạn cũng là một thói quen chúng ta có thể trau dồi theo thời gian.

Dưới đây là 10 mẹo giúp bạn suy nghĩ một cách sáng tạo hơn.

 

1. Đặt câu hỏi cho một ai đó về một vấn đề xa lạ với họ.

Một câu hỏi lớn được đặt ra cho việc tư duy bên ngoài “chiếc hộp” chính là “chiếc hộp”. Làm sao chúng ta lại có thể ở trong một “chiếc hộp”?

Thông thường, chúng ta vốn đã quen với những khuôn mẫu của một điều chúng ta thường xuyên làm, bởi vì đó là điều cần thiết để hoàn thành những nhiệm vụ đó. Bạn chỉ có thể quét nhà, viết bản đề nghị kinh doanh, hoặc vẽ một bức tranh theo một vài cách nhất định mà thôi.

Để có thể tư duy phá cách, hãy thử hỏi ý kiến của một người về một thứ khá xa lạ với họ. Mục đích không phải để có được câu trả lời trực tiếp về tình huống; mà là giúp bạn nhìn nhận vấn đề từ một “cặp mắt” khác.

Họ có lẽ không hiểu vấn đề đó, nhưng lắng nghe họ nêu ý kiến của mình có thể giúp bạn nghĩ ra những điều trước đó bạn đã bỏ sót từ lâu bởi vì bạn chỉ quen với việc nghĩ theo một cách nhất định.

 

2. Khám phá những ý kiến, nhận thức và niềm tin trái chiều.

Một sự thay đổi về góc nhìn có thể giúp bạn phát hiện ra những giải pháp và hình thành những ý tưởng khác. Để có thể thay đổi góc nhìn, hãy thử khám phá một khía cạnh khác của cuộc tranh luận.

Bạn có lẽ có những lí lẽ hợp lý để tin tưởng và thực hiện những gì bạn đang làm, nhưng những người khác cũng sẽ có những lí lẽ riêng, đối lập với quan điểm của bạn. Lí lẽ của họ không chắc sẽ luôn đúng và hợp lý, của bạn có lẽ cũng như vậy. Ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi một thông tin sai lệch nếu nó nghe có vẻ tốt, thỏa mãn được cảm xúc của chúng ta, thay vì chất vấn tính đúng đắn của thông tin đó.

Có lẽ bạn cũng thấy những ý kiến đối lập với quan điểm của bạn không hợp lý, nhưng bằng cách khám phá chúng, bạn đã tạo điều kiện cho bản thân nhìn nhận thế giới theo một cách khác. Thay đổi suy nghĩ của bạn là một bài tập rèn luyện sức sáng tạo của bạn. Bạn có thể chẳng thay đổi ý kiến nào của bạn cả, nhưng điều đó không quan trọng. Thay vào đó, điều quan trọng là hãy cứ kiên trì làm loại bài tập này để có thể học cách tư duy sáng tạo sau này. Điều này thật sự không khác gì so với việc rèn luyện và chạy đều để chuẩn bị cho một cuộc chạy việt dã.

Tham khảo:   Làm Thế Nào Để Có Được Những Ý Tưởng Đột Phá?

 

3. Hỏi bản thân, “Có phương pháp khác nào để thực hiện không nếu tôi bắt đầu lại từ con số 0?”

Một điều tuyệt vời đối với việc trau dồi kinh nghiệm đó chính là: Bạn đã biết thứ gì hiệu quả và thứ gì không.

Để học cách tư duy sáng tạo, hãy thử quay trở lại điểm xuất phát và cân nhắc bạn sẽ lựa chọn phương pháp khác nào ngay lúc đầu thực hiện nhiệm vụ.

Bạn có thể tránh được cạm bẫy nào?

Lợi ích nào bạn đã nuôi dưỡng và phát triển được?

Nhiệm vụ nào có thể được hoàn thành một cách hiệu quả hơn?

Bạn đã lãng phí quá nhiều thời gian vào điều gì mà không thu được lợi ích thật sự?

Những phần thưởng và trở ngại nào đã định nghĩa cuộc hành trình của bạn?

Hãy thử hoạnh định hướng đi của bạn như thể bạn đang bắt đầu lại từ đầu và xem thử, những ý tưởng nào khác sẽ xuất hiện.

Bạn có thể thậm chí thấy rất bõ công để thật sự bắt đầu lại dự án của bạn từ con số 0, tránh những sai lầm và tận dụng những gì bạn đã học được trong suốt hành trình.

 

4. Sử dụng những kĩ thuật giúp khơi gợi ý tưởng như bản đồ tư duy, viết tự do, và động não.

Các phương pháp giúp sản sinh những ý tưởng có thể nuôi dưỡng sự sáng tạo bằng cách thúc đẩy bạn suy nghĩ vượt ra khỏi lối mòn.

Ba kĩ thuật sau – bản đồ tư duy (mind mapping), viết tự do (freewriting), và động não (brainstorming) – đều có những cách tiếp cận cụ thể.

Bản đồ tư duy bắt đầu với một ý tưởng trung tâm mà bạn sẽ viết ở giữa trang giấy và khoanh tròn nó. Từ đó, bạn phân nhánh từ ý tưởng trung tâm thành những ý tưởng có liên quan đến nó. Từ những ý tưởng đó, bạn phân nhánh ra lần nữa. Và bạn cứ tiếp tục cân nhắc những câu hỏi và ý tưởng khác xuất hiện trong đầu bạn. Bạn có thể sử dụng những câu, cụm từ hoặc thậm chí vài từ đơn lẻ để xây dựng mối liên kết.

Viết tự do là việc “xả” mọi thông tin và ý tưởng lên một trang giấy. Bạn nên dùng bút và giấy, bởi vì viết tay có thể kích hoạt nhiều bộ phận khác nhau của bộ não tốt hơn là đánh máy. Điều cơ bản bạn cần làm là bấm thời gian, và sau đó bắt đầu viết một cách tự do về một chủ đề nào đó. Mục tiêu của phương pháp này là viết trong suốt khoảng thời gian đó mà không dừng lại, chỉnh sửa hoặc làm bất cứ thứ gì khác. 5 phút là mốc thời gian rất tuyệt để bắt đầu.

Phương pháp Động não cũng giống với viết tự do, nhưng bạn không cần bấm giờ. Bạn ngồi xuống, suy nghĩ về vấn đề của mình và chỉ cần viết bất cứ ý tưởng nào xuất hiện trong đầu bạn. Việc viết hết những ý tưởng đó ra khỏi đầu bạn có thể hỗ trợ phát huy tính sáng tạo bởi tâm trí của bạn không còn phải tập trung vào suy nghĩ cụ thể đó nữa. Một khi đã viết hết những ý tưởng có sẵn ra, bạn có thể dọn dẹp tâm trí và mở đường cho những ý tưởng khác đến với bạn.

Tham khảo:   Những vấn đề cốt lõi của tư duy đột phá

 

5. Dẹp mọi vấn đề sang một bên, đi ra ngoài, và tập thể dục.

Một người liên tục chăm chú vào một vấn đề có thể dẫn đến việc góc nhìn bị giới hạn lại.  Suy nghĩ quá nhiều về một vấn đề hiếm khi là một cách tiếp cận tốt để tìm ra một giải pháp đột phá. Hãy đặt vấn đề sang một bên, đứng dậy và hoạt động.

Về lợi ích lâu dài, một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục có thể cải thiện tư duy sáng tạo bằng cách nuôi dưỡng hoạt động của não bộ khỏe mạnh hơn. Còn về mặt lợi ích ngắn hạn, một vài phút xả hơi trong công việc có thể giúp bạn làm mới lại góc nhìn của mình.

Rất khó để tìm thấy giải pháp cho một vấn đề nan giải nếu bạn tức giận hoặc nản chí.

Hãy cho vấn đề đó thời gian để “đọng lại”, hãy để tâm trí của bạn khởi động lại rồi hẵng quay trở về giải quyết vấn đề.

 

6. Luôn hỏi “tại sao?”

Cốt lõi của tư duy sáng tạo chính là sự khám phá. Hỏi và trả lời liên tục câu hỏi “Tại sao?” sẽ giúp bạn xây dựng kiến thức và rèn luyện khả năng suy nghĩ một cách linh hoạt.

Bạn sẽ tìm được những lối đi mới để khám phá bằng cách đào sâu vào câu hỏi tại sao, vì bạn đã tự khai thác được những điều mà bạn vốn đã không biết tới trước đó.

Hỏi “tại sao?” cũng giúp bạn thoát khỏi lối mòn và lệ thường.

Tai sao tôi đang làm điều này?

Tại sao chúng ta lại làm theo một cách nhất định như thế này?

Tại sao tôi không thể làm điều này theo một cách khác?

Tại sao tôi lại chọn cách này?

 

7. Phá vỡ thói quen hằng ngày và thay đổi môi trường của bạn.

Ta rất dễ bám chặt vào những khuôn mẫu quen thuộc của hành vi và suy nghĩ, nhất là nếu hoạt động đó là một thứ gì ta làm thường xuyên.

Nếu bạn đang ở nơi làm việc, thì bạn có vẻ sẽ giải quyết một vài vấn đề quen thuộc theo một khuôn mẫu lặp lại vài ngày một tuần. Công việc đó lặp lại thường xuyên và tâm trí của bạn sẽ quen với thông lệ ấy.

Có thể bạn là một họa sĩ chuyên về một kiểu vẽ tranh. Liên tục vẽ tranh theo một phong cách nhất định sẽ giúp bạn trau chuốt và xây dựng những kĩ năng mới về lĩnh vực hội họa đó, nhưng dành thời gian thử sức với những phong cách vẽ khác có thể giúp bạn tạo ra những ý tưởng mới.

Hãy thử phá vỡ thói quen thường ngày, tạo cơ hội cho tâm trí tìm kiếm những giải pháp từ những chiều hướng khác.

Một sự thay đổi về môi trường có thể cung cấp những lợi ích tương tự. Thay vì ở yên trong văn phòng, một cuộc đi bộ thật năng động ngoài thiên nhiên sẽ giúp tâm trí bạn được thông thoáng và tìm về nhiều nguồn cảm hứng khác.

 

8. Dành thời gian để mơ mộng và để tâm trí trên mây.

Mơ mộng là một hoạt động chúng ta thường không thực hiện đủ.

Đôi khi việc ngồi xuống và để tâm trí phiêu du đến bất cứ nơi nào nó muốn tới lại thường tốt hơn là cố gắng nhét nó vào một “chiếc hộp nhỏ”.

Con người là những sinh vật có sức sáng tạo, thậm chí trong những lĩnh vực mà bề ngoài chẳng có mấy sự sáng tạo.

Tham khảo:   7 Nguyên tắc tư duy đột phá trong kinh doanh bạn cần biết

Mơ mộng thúc đẩy sự sáng tạo bởi vì nó khuyến khích những khu vực chịu trách nhiệm nhiều nhất cho sự sáng tạo của não bộ hoạt động.

Đôi khi, để tâm trí tha thẩn đâu đó, bạn có lẽ sẽ tìm ra những ý tưởng bạn đã bỏ sót trước đó.

 

9. Loại bỏ sự tiêu cực và nói “Có!” thường xuyên hơn.

Sự tiêu cực là một cái mỏ neo ghì tinh thần sáng tạo xuống.

Nói với bản thân những gì bạn có thể và không thể làm là một cách chắc chắn để nhốt bản thân vào một “chiếc hộp” nhỏ, bất chấp bạn thuộc kiểu người nào.

Có rất nhiều người hay chỉ trích trên thế giới sẵn sàng nói với bạn những gì bạn không nên làm. Cố gắng đừng trở thành một người hay chỉ trích với chính bạn, cố gắng nói “có” với những ý tưởng của riêng bạn thường xuyên hơn, và khám phá chúng thật thấu đáo. Hãy biến điều này thành một thói quen. Làm những thứ bạn không thực sự giỏi, nhưng dù sao bạn cũng có hứng thú.

Một lần nữa, hãy quay trở lại với việc nuôi dưỡng những phần của bộ não chịu trách nhiệm cho sự sáng tạo và tư duy vượt giới hạn. Những kích thích và môi trường mới có thể mở ra rất nhiều cánh cửa dẫn lối bạn đến với một tinh thần đầy sự sáng tạo.

 

10. Tham gia vào những nhóm người có đầu óc sáng tạo.

Những người có óc sáng tạo có thể là một nguồn cảm hứng và tư duy phá cách tuyệt vời.

Đảm bảo rằng bạn đã xem xét kỹ liệu nhóm đó có thật sự hữu ích hay không. Những cộng đồng sáng tạo cũng giống như bất kì nhóm người nào, đều mang tính “hên xui” trong việc giúp bạn phát triển và củng cố năng lực của bản thân.

Việc tìm một đội nhóm vững mạnh giúp bạn có được một “khu vực thử nghiệm” để chia sẻ những ý tưởng của bản thân, những kiến thức, thể hiện sự thông thái để khai thác thêm nhiều ý tưởng. Nỗ lực hợp tác với mọi người cũng có thể dạy bạn rất nhiều.

Không phải tất cả mọi nỗ lực sáng tạo chúng ta có hoặc vấn đề chúng ta đối mặt đều đòi hỏi chúng ta phải giải quyết một mình.

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo