31. Kỹ năng làm việc

Xua tan căng thẳng trong những ngày cuối năm bận rộn

Khi kỳ nghỉ lễ sắp đến với chúng ta, những đồ trang trí lộng lẫy cho ngày lễ bắt đầu được tung ra, các bữa tiệc được lên kế hoạch, các mục tiêu của năm tới bắt đầu bén rễ… thì mức độ căng thẳng của những ngày cuối năm bận rộn cũng tăng lên đến mức không xác định.

Mùa hạnh phúc nhất trong năm cũng là một trong những mùa bận rộn nhất, khi danh sách việc cần làm đầy ắp các thời hạn, đánh giá hiệu suất, tri ân khách hàng, họp mặt gia đình và các nhu cầu cá nhân có thể khiến chúng ta cảm thấy mức độ căng thẳng cuối năm còn cao hơn tất cả các tháng khác cộng lại.

Khủng hoảng công việc trong những ngày cuối năm bận rộn

Vừa sắp xếp lại đống hóa đơn, chị Hoa Nguyễn nhân viên kế toán vừa nói: “Cuối năm là lúc đầu tắt mặt tối, làm gì có thời gian”. Không bận sao được khi mà rà soát lại chứng từ, báo cáo tài chính, lập tờ khai thuế, công nợ… đều dồn hết vào dịp này, chưa kể còn phải hoàn tất công việc thu chi, lập hóa đơn hàng ngày.

Chị Hoa tiếp lời: “Nếu có cuộc bình chọn nghề nào sợ deadline nhất thì kế toán chắc chiếm luôn ngôi vô địch. Trễ một chút sẽ bị phạt ngay. Vì vậy cuối năm là cả phòng mình hôm nào cũng làm đến 9, 10 giờ đêm, làm thêm cả thứ 7, chủ nhật không xong thì đem về nhà làm tiếp. Vừa phải đảm bảo sự chính xác, vừa phải đáp ứng đúng deadline nên nhìn ai cũng phờ phạt”.

Nếu vào cuối năm kế toán có phân thân cũng không hết việc thì với Marketing thì công việc tăng lên gấp đôi, gấp ba. Doanh số của các cửa hàng cuối năm cần phải đạt KPI và các chương trình khuyến mãi, quà tặng cần mới mẻ hơn mọi năm nên Quỳnh Anh cảm thấy rất áp lực. Dù các chiến dịch đã bắt đầu từ tháng 11 nhưng trong quá trình thực hiện cũng có nhiều vấn đề phát sinh nên cần theo dõi sát sao. Cô tâm sự: “Dù có kinh nghiệm trong nghề nhưng mình vẫn cảm thấy đuối vì quá bận rộn. Nhiều lúc chuẩn bị đi ngủ chợt nảy ra ý tưởng, thế là cuộc họp nhóm kéo dài đến tận 2-3 giờ sáng”.

Tham khảo:   7 điều sếp không nói nhưng bạn nên hiểu

Cũng phải “chạy deadline” với tần suất cao dịp cuối năm, Ngọc Chân – nhân viên PR của công ty truyền thông bày tỏ: “Mình đang quản lý hơn 20 fanpage và trang web của công ty, chủ yếu là biên tập và duyệt hình ảnh. Mỗi ngày có gần 25 bài viết gửi cộng thêm với cả trăm hình ảnh gửi về mà thời gian lên bài lại gấp rút nên mình phải tăng công suất gấp đôi, trung bình mình dành khoảng 10-12 tiếng xử lý công việc dịp cuối năm, nhiều lúc ngủ gục trên máy tính”.

Căng thẳng không chỉ đến từ công việc mà còn là cảm giác mình chẳng làm được gì trong 12 tháng vừa qua. Tuyết Lan, nhân viên Hành chính than thở: “Các mục tiêu đặt ra từ đầu năm không đạt được, đã thế còn xích mích với đồng nghiệp, cứ mở Facebook, Zalo còn bị các màn ăn mừng của bạn bè đập vào mặt. Buồn héo hon”.

Nếu Tuyết Lan căng thẳng về quá khứ thì Mỹ Hạnh, nhân viên Sales lại cảm thấy choáng ngợp về tương lai. Trong buổi họp cuối năm, sếp đã đặt ra doanh số cao ngất cho năm mới làm Hạnh thấy không khí nặng nề hơn vì biết có quá nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu đó. Suy nghĩ này khiến cô mất đi động lực nhanh chóng.

Căng thẳng trong những ngày cuối năm bận rộn không chỉ ảnh hưởng đến niềm vui trong kỳ nghỉ của chúng ta mà còn góp phần gây ra các vấn đề về giấc ngủ, trầm cảm và các tình trạng sức khỏe khác. Nó cũng có thể tấn công hệ thống miễn dịch khiến chúng ta dễ bị nhiễm virut cảm lạnh và cúm hơn.

Tham khảo:   Cách quản lý thời gian hiệu quả của nhân viên mới

“Nếu những ngày bận rộn cuối năm đang khiến bạn căng thẳng, hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về điều bạn cần làm để thoát khỏi tình trạng này.”

Tìm cách giảm áp lực của những ngày cuối năm bận rộn

Chúng ta không thể xóa ngày cuối năm khỏi lịch của mình (và chắc cũng không ai muốn như vậy), vậy thì hãy luôn kiên cường và kiểm soát tốt căng thẳng.

Đầu tiên cần xác định nguyên nhân gây căng thẳng trong những ngày cuối năm bận rộn. Bạn có quá nhiều việc phải làm? Bạn có xích mích với các thành viên trong nhóm? Bạn đang gặp vấn đề với người giám sát hoặc khách hàng? Hay bạn cảm thấy mình vô dụng?

Sau đó là sử dụng các kỹ năng quản lý của bạn để tạo ra các chiến lược nhằm giải quyết nguyên nhân gây căng thẳng. Nếu bạn có quá nhiều việc phải làm, hãy sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những việc bạn phải làm, hoãn các nhiệm vụ có thể đợi cho đến khi bạn bớt bận rộn hơn hoặc nhờ sự hỗ trợ của các thành viên khác để chia sẻ gánh nặng. Nếu có mâu thuẫn trong nhóm, hãy dành thời gian gặp gỡ và giải quyết xung đột. Nếu bạn đang gặp vấn đề với người giám sát hoặc khách hàng, hãy đánh giá một cách khách quan giải pháp nào sẽ tạo ra tình huống đôi bên cùng có lợi. Nếu căng thẳng là do cảm giác thất bại, hãy nghiêm túc đánh giá lại bản thân và đặt ra các mục tiêu phù hợp hơn.

Vấn đề quan trọng là phải chăm sóc sức khỏe. Không có sức khỏe thì mọi chuyện đều vô nghĩa. Thế nên dù bận rộn đến đâu cũng cần ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý, dành 10-15 phút giải lao buổi sáng và buổi chiều. Đôi khi, một email hoặc một cuộc gọi có thể khiến mức độ căng thẳng của bạn tăng vọt. Khi điều này xảy ra, bạn cần dành một chút thời gian trước khi phản hồi hoặc hành động, chẳng hạn như đếm đến 10 trước khi nói. Nếu vẫn chưa đủ, hãy trì hoãn phản ứng cho đến khi bạn bình tĩnh hơn.

Tham khảo:   Làm gì khi chán ghét công việc hiện tại?

Đừng để những ngày cuối năm bận rộn trở thành điều khiến bạn khiếp sợ. Thay vào đó, hãy thực hiện các bước để ngăn chặn căng thẳng và lo lắng có thể xuất hiện trong khoảng thời gian này. Bằng cách chủ động quản lý căng thẳng trong công việc, bạn sẽ kết thúc một năm và bắt đầu năm mới với cảm giác vui vẻ và hạnh phúc hơn.

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo