Quản lý hiệu suất nhân viên

6 Lời Khuyên Dành Cho Người Hướng Nội Khi Phải Làm Một Công Việc Hướng Ngoại

Sẽ không có ai nói với bạn rằng công việc này bắt buộc chỉ dành cho một số kiểu người nhất định, không có ngoại lệ. Công việc không giới hạn bất cứ ai miễn là họ có đủ khả năng. Tuy nhiên, để có thể giảm thiểu tối đa những rủi ro xảy ra trong suốt quá trình làm việc, sự phù hợp về tính cách là điều kiện không thể bỏ qua. Đó là lý do những danh sách “công việc dành cho người hướng nội/hướng ngoại/người năng động và nhút nhát” được người ta quan tâm và bàn tán sôi nổi. Suy cho cùng, ai cũng muốn tìm cho mình một công việc phù hợp nhất. 

Vậy nếu có ai đó làm ngược lại với tiêu chuẩn sẵn có và các danh sách kể trên thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một người hướng nội làm việc hướng ngoại hoặc ngược lại? Liệu những rủi ro có ập đến và kết quả có phải là họ phải “xuôi dòng” làm những công việc đúng với tính cách mà xã hội khuyên bảo? 

Sự thực là đang có nhiều người hướng nội làm công việc vốn được cho là phù hợp với người hướng ngoại và họ không hề bế tắc với công việc đó mặc dù những khó khăn để thích nghi là không thể tránh khỏi. Bí quyết của họ là gì và làm thế nào để vượt qua nếu “chẳng may” một tâm hồn hướng nội phải hướng ngoại để làm việc? Hãy cùng nhau bàn luận trong bài viết này nhé, đặc biệt nếu bạn là một introvert. 

Người hướng nội có thể làm công việc hướng ngoại?

Đầu tiên hãy tìm hiểu về vấn đề mà có lẽ nhiều người thắc mắc: Liệu người hướng nội có thể làm công việc vốn dĩ phù hợp hơn với người hướng ngoại, thậm chí làm tốt công việc đó? 

Câu trả lời là CÓ. 

Bạn có biết là người hướng nội có những tính cách và phẩm chất giúp họ làm tốt bất cứ công việc nào, kể cả những việc đòi hỏi tính cách hướng ngoại. 

Điều này đã được xác thực bởi các nhà nghiên cứu và những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội. 

Cả người hướng ngoại và hướng nội đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. 

Trái ngược với niềm tin phổ biến rằng người hướng ngoại phù hợp hơn với nghề nghiệp ‘hướng ngoại’, nhiều nghiên cứu đang chỉ ra rằng thành công trong nghề nghiệp ‘hướng ngoại’ (hoặc bất kỳ nghề nghiệp nào tương tự) không chỉ được quyết định bởi loại tính cách của một người, mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố chẳng hạn như văn hóa và môi trường của tổ chức hoặc nhóm, tính chất của công việc hoặc môi trường công việc, kinh nghiệm làm việc, thái độ và tư duy liên quan đến công việc. 

(Theo Enlighten)

Người hướng nội cũng sở hữu khả năng lãnh đạo xuất sắc nhưng khía cạnh này ở họ nói riêng và thế mạnh của họ nói chung thường không được chú ý. Nhiều người nổi tiếng và có ảnh hưởng trong xã hội như CEO của Meta – Mark Zuckerberg, diễn viên Emma Watson và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đều là người hướng nội làm những công việc phải tương tác và kết nối với nhiều người.

emma-watsonemma-watson
Emma Watson (ảnh: Conscious Magazine)

Một nghiên cứu của giáo sư Adam Grant và các cộng sự tại trường Wharton đã chỉ ra rằng người hướng nội có thể làm tốt công việc ở một số hoàn cảnh nhất định. Cụ thể, người hướng nội có thể làm lãnh đạo tốt hơn người hướng ngoại nhờ vào khả năng lắng nghe và dễ dàng tiếp thu đề xuất của nhân viên. 

Tham khảo:   Thái Độ Làm Việc Là Gì? Tiêu Chí Đánh Giá Thái Độ Làm Việc Tích Cực

Người hướng nội cũng có những kỹ năng xã hội và có thể tương tác với mọi người xung quanh như người hướng ngoại. Họ chỉ không thích tương tác xã hội một cách thường xuyên, liên tục. 

Nhiều người hướng nội làm sales, nói chuyện trước công chúng mặc dù những kỹ năng này không tự nhiên đến với họ. Thay vào đó, họ cải thiện bản thân và tập trung vào những yếu tố quan trọng nhất của công việc để tránh lãng phí thời gian vào những việc khiến họ phải gồng mình. 

Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ những đặc điểm có thể nói là thế mạnh giúp người hướng nội làm tốt mọi công việc, kể cả công việc hướng ngoại, bao gồm: 

  • Tập trung và chú ý đến chi tiết
  • Kỹ năng lắng nghe cực tốt 
  • Có tư duy phản biện và độc lập 
  • Làm hết mình, chơi hết mình
  • Kiên cường hơn trước căng thẳng và thử thách

Những kỹ năng này không phải chỉ có ở người hướng nội. Tuy nhiên, nếu được trao cơ hội, họ sẽ biết cách vận dụng chúng để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ không thua kém gì người hướng ngoại. 

6 Cách giúp người hướng nội “sống sót” khi làm công việc đòi hỏi tính hướng ngoại

Như đã tìm hiểu, người hướng nội có thể làm tốt những công việc đòi hỏi tính cách hướng ngoại. Tuy nhiên, những khó khăn là không thể tránh khỏi. Sau đây là những phương pháp hiệu quả giúp người hướng nội làm việc hướng ngoại dễ dàng hơn. 

Làm việc từ xa bất cứ khi nào có thể

Làm việc từ xa là xu hướng được ưa chuộng sau đại dịch Covid-19. Đây là giải pháp vô cùng hiệu quả dành cho người hướng nội phải làm trong một môi trường hướng ngoại. Nghiên cứu cho thấy có đến 74% người hướng nội không muốn làm từ xa hoàn toàn. Tuy nhiên, thời gian làm ở nhà là thời gian họ làm việc với hiệu suất cực kỳ tốt. 

Không chỉ liên quan đến năng suất, làm việc ở nhà còn đem đến những lợi ích phù hợp với mong muốn của người hướng nội về một môi trường làm việc lý tưởng. Họ thích môi trường làm việc với nhiều không gian và sự độc lập, và ít bị ảnh hưởng bởi phiền nhiễu bên ngoài. 

Tham khảo:   Deadline Là Gì? Cách Chạy Deadline Hiệu Quả Ai Cũng Nên Biết

Do đó, sắp xếp quỹ thời gian làm việc ở nhà là cách hiệu quả để người hướng nội cân bằng lại cảm xúc, tâm trạng khi làm việc hướng ngoại. Xu hướng làm việc hybrid cũng trở nên phổ biến, là tin vui cho những người hướng nội đang làm công việc hướng ngoại. 

Tương tác với đồng nghiệp qua những cách đơn giản nhất

Người hướng nội thường thích dành thời gian ở một mình hoặc cùng với những người thân thiết. Họ khá dè dặt khi nói chuyện với người lạ. Tuy nhiên, khi đi làm, việc trò chuyện và trao đổi với đồng nghiệp là rất cần thiết. 

Người hướng nội không cần phải cố tỏ ra mình là một người giỏi ăn nói. Họ chỉ cần cho thấy được thiện chí và sự thân thiện của mình để khiến đối phương có hảo cảm, từ đó dễ dàng nói chuyện hơn. 

Có thái độ tích cực và giúp đỡ đồng nghiệp trong công ty cũng là cách để người hướng nội tương tác với người khác. Nếu cảm thấy việc nói thành lời quá khó khăn, hãy chủ động giúp đỡ mọi người xung quanh một cách có chừng mực và thực sự có ích đối với họ. 

Chăm chỉ sạc pin cho chính mình sau giờ làm việc

Người hướng nội có thể dành cả một ngày hoạt động năng nổ và làm việc hết công suất nhưng sau đó họ cần có thời gian để “recharge” (nạp lại năng lượng). Đặc biệt, khi họ phải làm một công việc phải giao tiếp nhiều, thời gian dành riêng cho bản thân là vô cùng quan trọng giúp họ tránh khỏi bị kiệt sức (burnout). 

Người hướng nội tìm đến nhiều cách khác nhau để phục hồi và sạc đầy năng lượng sau khi làm việc hướng ngoại. Đó có thể là ngâm mình trong nước ấm, xem phim, nghe nhạc, thiền hoặc viết lách. 

Chuẩn bị trước những gì muốn nói

Người hướng nội thường gặp khó khăn khi phải nói ra ý kiến của mình, đặc biệt là trước đám đông. Điều này ảnh hưởng không ít đến công việc của họ. 

Vì vậy, để tiết kiệm thời gian cũng như tạo thêm tự tin để có thể nói ra những gì mình muốn, người hướng nội nên có sự chuẩn bị. Ví dụ, trước một cuộc họp quan trọng, họ nên tìm hiểu kỹ những nội dung cuộc họp, những tài liệu liên quan, viết ra ý kiến/đề xuất của mình. Một khi đã biết mình muốn nói gì, họ sẽ tự tin và dễ dàng phát biểu trước mọi người. 

Cho bản thân thời gian để suy nghĩ

Người hướng nội mất thời gian để suy nghĩ về một vấn đề/ý tưởng mới nào đó trong khi người hướng ngoại thường có những đề xuất ý kiến bất ngờ. Họ cũng không ngại nói lên quan điểm của mình ngay khi ý tưởng được nêu ra. Do vậy, khi phải làm việc với người hướng ngoại, người hướng nội sẽ cảm thấy đôi chút choáng ngợp vì không bắt kịp. 

Tham khảo:   Biểu Đồ Gantt Là Gì? Mẫu Biểu Đồ Gantt Giúp Nâng Cao Năng Suất Làm Việc

Tuy nhiên, họ không nên vì vậy mà bắt ép bản thân phải nghĩ hoặc nói ra gì đó ngay lập tức. Người hướng nội cần thời gian để suy nghĩ và những ý tưởng tuyệt vời hoàn toàn có thể cựa mình chui ra khi người hướng nội tập trung thời gian “bão não” (brainstorm). 

Tạo ra sự “hướng nội” ngay giữa công việc hướng ngoại

Ngay cả khi công việc hướng ngoại có chiếm hết thời gian của bạn, hãy tự tạo cho mình những khoảnh khắc mà bản tính hướng nội của bạn luôn khao khát. Giữa những căng thẳng bộn bề, hãy dành một chút thời gian rảnh giữa giờ làm để thư giãn. 

Một cái chợp mắt ngắn ngủi hay đi dạo hít thở không khí cũng giúp tâm trạng bạn thoải mái hơn nhiều. Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt ra cho bản thân những thời điểm cố định trong ngày hoặc trong tuần cần sự tập trung để làm việc và thông báo đến đồng nghiệp để họ nắm được và cho phép bạn được “ở một mình” trong khoảng thời gian đó. 

Tạm kết

Người hướng nội làm việc hướng ngoại không hề hiếm. Những khó khăn trong quá trình làm việc cũng không thể tránh khỏi. Nếu biết cách thích nghi và điều chỉnh bản thân sao cho phù hợp, dù là công việc nào người hướng nội cũng sẽ đảm đang được. 

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo