32. Kiến thức kinh tế

Power distance là gì? Phân loại power distance

Power distance là gì? Power distance trong tiếng Việt có nghĩa là khoảng cách quyền lực. Trong thời đại xã hội đa văn hóa, khoảng cách quyền lực là một yếu tố được sử dụng để phân loại sự khác biệt giữa các nền văn hóa khác nhau. Nó thể hiện sự chênh lệch trong phân bổ quyền lực hay sự bất bình đẳng giữa con người trong xã hội. Để hiểu hơn về power distance là gì, đặc điểm cũng như phân loại của nó, hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Power distance là gì?

“Power distance là từ dùng để miêu tả cách mà xã hội đối xử bất bình đẳng về quyền lực giữa con người với con người.”

Một xã hội tồn tại sự chênh lệch lớn về quyền lực đồng nghĩa với mức độ bất bình đẳng trong xã hội đó sẽ lớn và có xu hướng tăng theo thời gian.

Power distance là một trong năm khía cạnh phân loại những điểm khác biệt trong các nền văn hóa khác nhau theo Lý thuyết văn hóa đa chiều của Hofstede – một nhà nhân chủng học người Hà Lan.

Theo như lý thuyết của Hofstede, chỉ số khoảng cách quyền lực (Power Distance Index – PDI) là chỉ số đo lường “mức độ mà những thành viên ít quyền lực của một tổ chức hoặc thể chế (hoặc gia đình) chấp nhận và kỳ vọng rằng quyền lực được phân bổ không công bằng”. Lấy một ví dụ dễ hiểu, nó là chỉ số thể hiện mức độ bình đẳng giữa tầng lớp quý tộc và dân thường hay ngày nay là giữa bạn và sếp của bạn.

Đặc điểm của khoảng cách quyền lực là sự bất bình đẳng và tập trung quyền lực được những người sở hữu ít quyền lực hơn tiếp nhận một cách hiển nhiên. Do đó, PDI cao thể hiện rằng gần như không có mức độ chất vấn nào về sự phân bổ quyền lực được thiết lập trong xã hội. Trong khi đó, chỉ số quyền lực càng thấp thể hiện rằng sự phân cấp quyền lực của tổ chức, doanh nghiệp hay xã hội sẽ vướng phải mức độ chất vấn càng cao.

Tham khảo:   ESS là gì? Đặc điểm và vai trò của ESS đối với nhà quản lý

Có thể hiểu là trong một hệ thống có PDI thấp, các thành viên trong tổ chức hoặc xã hội có thể thẳng thắn nói lên suy nghĩ của mình với cấp trên, tương tác để đưa ra quyết định hay thậm chí sẵn sàng thách thức quyền lực của cấp trên.

Phân loại và đặc điểm của các loại khoảng cách quyền lực

Hiểu các đặc điểm của power distance là gì, chúng ta có thể phân loại thành khoảng cách quyền lực lớn (high power distance) và khoảng cách quyền lực thấp (low power distance).

Khoảng cách quyền lực lớn

Một xã hội có khoảng cách quyền lực lớn đồng nghĩa với việc mức độ bất bình đẳng tương đối cao và có xu hướng gia tăng theo thời gian. Những người thuộc văn hóa có khoảng cách quyền lực lớn có xu hướng coi sự phân cấp quyền lực như một điều hiển nhiên của cuộc sống và tin rằng ai cũng có một vị trí cụ thể trong hệ thống phân cấp quyền lực.

Người ta nhận thấy quyền lực phân bổ không đồng đều và sẵn sàng chấp nhận các mối quan hệ dựa trên thể chế độc tài và các thể chế khác có tính mệnh lệnh. Trong một hệ thống, nếu bạn là cấp dưới, bạn có thể dễ dàng nhận thấy quyền lực của cấp trên nhờ vào vị trí tương ứng của họ trong hệ thống đó. Lúc này, vai trò của bạn trong hệ thống phân cấp là tuân theo mệnh lệnh, do đó hiếm khi nào bạn thắc mắc trước những mệnh lệnh đó. Bạn sẵn sàng chấp nhận sự phân công, theo sát chỉ dẫn của lãnh đạo hay những người có vị trí quyền lực tối thượng trong xã hội.

Một số quốc gia có khoảng cách quyền lực lớn có thể kể đến là Ấn Độ, Malaysia, Philipine, Guatemala, một vài quốc gia Trung Đông. Tại các quốc gia này, sự tồn tại khoảng cách giữa cấp trên, những người có quyền lực với cấp dưới hay những người thấp cổ bé họng là rất lớn.

Tham khảo:   Chỉ số sức mua BPI là gì? Công thức tính chỉ số sức mua BPI

Khoảng cách quyền lực thấp

Ngược lại với khoảng cách quyền lực lớn, khoảng cách quyền lực thấp thể hiện trong xã hội mà sự chênh lệch giữa kẻ mạnh và kẻ yếu, giữa cấp trên và cấp dưới là rất nhỏ. Các mối quan hệ quyền lực mang tính đóng góp, trao đổi và thường theo thể chế dân chủ.

Trong văn hóa khoảng cách quyền lực thấp, khoảng cách giữa cấp trên và cấp dưới chỉ là một giới hạn mỏng manh, được tạo ra để khiến công việc trơn tru hơn. Mọi người đối xử bình đẳng với cấp trên của mình, không cần để tâm đến chức vụ hay vị trí của người đó.

Những người thuộc văn hóa quyền lực thấp tin rằng mình có quyền tham gia vào việc đưa ra quyết định. Khi đó, các nhà lãnh đạo tồn tại để hướng dẫn và giúp đỡ bạn, không phải để chỉ huy bạn điều này hay điều kia. Sự tôn trọng dành cho các nhà lãnh đạo là do bản thân họ đạt được, không phải là một đặc ân về vị trí hay chức vụ của họ trong xã hội. Về phía cấp trên, họ có thể khuyến khích lắng nghe và phản biện từ nhân viên để mối quan hệ cấp trên – cấp dưới trở nên thoải mái, thân thiện hơn.

Ví dụ, ở các quốc gia Bắc Âu như Phần Lan hay Thụy Điển, các chính sách thuế và phúc lợi xã hội được thiết lập dựa trên cơ sở đảm bảo duy trì được sự bình đẳng tương đối về quyền lực và thu nhập. Một số quốc gia điển hình khác thuộc có chỉ số khoảng cách quyền lực thấp có thể kể đến là Hoa Kỳ hay Đức.

Yếu tố liên quan đến power distance

Social stratification hay sự phân cấp xã hội chính là yếu tố liên quan trực tiếp đến khoảng cách quyền lực. Ví dụ, Mỹ là một quốc gia dân chủ không có sự phân biệt tầng lớp xa hội rõ rệt, do đó khoảng cách quyền lực của quốc gia này khá thấp. Trong khi đó, những người thuộc đẳng cấp trên của Ấn Độ nắm hầu hết quyền kiểm soát việc quyết định và mua bán nên khoảng cách quyền lực của quốc gia này rất lớn.

Tham khảo:   Sales pitch là gì? Điều nên và không nên khi tạo sales pitch

Trên thực tế, sẽ không có một xã hội nào là high power distance hoàn toàn hay low power distance hoàn toàn. Mọi quốc gia, mọi nền văn hóa đều sẽ bao hàm cả hai loại khoảng cách này, chỉ là sẽ có xu hướng thiên về một bên nhiều hơn.

Trên đây là nội dung khoảng cách quyền lực power distance là gì và các yếu tố liên quan. Hi vọng đây sẽ là một bài viết hữu ích đối với bạn đọc.

Hà Phương

 

 

 

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo