04. Quản Trị Bán Hàng, Trưng bày hàng hóa

Cách trưng bày hàng hóa đẹp cho siêu thị mini tăng gấp đôi doanh thu

1. Học cách trưng bày hàng hoá đẹp cho siêu thị mini

Trưng bày hàng hóa là yếu tố quan trọng nhất trong bán hàng đối với một cửa hàng. Nhưng không phải ai cũng biết cách trưng bày một cửa hàng, siêu thị mini thế nào để bắt mắt, để khách hàng càng đi nhiều càng thấy lôi cuốn và hấp dẫn mà lại không cảm thấy khó chịu bởi việc đi lòng vòng mà không tìm được sản phẩm mình cần.

1.1 Phân khu hàng hóa trước khi trưng bày

Phân loại hàng hóa thành các nhóm (quầy hàng): bánh kẹo, gia vị, hóa mỹ phẩm, phi thực phẩm khác, trà cà phê, mật, đông lạnh, gia dụng.

Các quầy hàng này được sắp xếp trên một kệ, hoặc một dãy kệ liền nhau, hoặc một khu vực gồm 2 dã kệ xoay mặt vào nhau, giúp khách hàng có thể kiểm soát toàn bộ quầy hàng trong khi chỉ cần đứng nguyên một chỗ.

Việc phân loại hàng hóa theo nhóm cần một sự am hiểu sâu sắc về các ngành hàng. Tuy nhiên, là một chủ siêu thị mini, bạn có thể yên tâm với sự hỗ trợ của các nhân viên bán hàng của những nhà cung cấp sẽ giúp bạn một phần khi bày biện hàng hóa. Bạn chỉ cần đảm bảo rằng bạn biết được những nhóm hàng sẽ được sắp xếp ở khu vực nào trong cửa hàng của bạn.

cách trưng bày hàng hoá đẹp

Cách trưng bày hàng hoá đẹp trong siêu thị mini

1.2 Cách sắp xếp các quầy hàng trong siêu thị

1.2.1 Xếp theo thời gian sử dụng của sản phẩm

Sắp xếp hàng hóa trong siêu thị theo thời gian sử dụng của sản phẩm là cách đặt sản phẩm có hạn sử dụng ngắn ở gần cửa, thời gian sử dụng xa đặt sâu trong siêu thị.

Một thực tế là những hàng hóa có thời gian sử dụng càng dài thì có thời hạn sử dụng càng lâu, và hàng có thời gian khách hàng sử dụng dài thì luôn được mua có chủ đích từ trước khi đến siêu thị. Nhóm hàng này chủ yếu là hàng hóa mỹ phẩm, hàng gia dụng, hàng văn phòng phẩm, hàng phi thực phẩm.

Cách xếp hàng này khiến siêu thị đảm bảo được rằng nhóm hàng có sức mua trung bình (khoảng 1 đến 2 tháng khách hàng phải mua một lần) như gia vị, trà, cà phê và nhóm hàng ăn chơi như bánh kẹo được ở vị trí đảm bảo rằng khách hàng có thể mua khi đi qua sản phẩm 2 lần.

Và gần cửa nhất là những sản phẩm có thể bóc và sử dụng tại chỗ như nước ngọt, snack, kẹo cao su, kem, hàng tươi mát….

Cách sắp xếp này cũng được xem là cách trưng bày hàng hoá đẹp mà đa phần các siêu thị sử dụng nhằm đảm bảo theo thói quen tiêu dùng thông thường của khách hàng. Khách hàng sẽ có số lượt dạo qua các sản phẩm có thể phát sinh mong muốn mua ngoài kế hoạch nhiều nhất.

1.2.2 Xếp theo nhu cầu: hàng mua có chủ đích bên trong, hàng ngẫu hứng bên ngoài.

Các sản phẩm mua có chủ đích là sản phẩm khách hàng đã lên danh sách cần mua từ ở nhà như bột giặt, giấy vệ sinh, nước rửa bát, xà phòng, băng vệ sinh, nước mắm, gia vị…., điều này khiến khách hàng khi bước chân vào siêu thị sẽ đi tìm các sản phẩm đó và trong quá trình đi tìm sản phẩm, khách hàng nhìn thấy nhiều sản phẩm khác và có thể nảy sinh nhu cầu bất chợt.

Việc đẩy những nhóm hàng này vào bên trong đảm bảo rằng khách hàng sẽ đi qua những sản phẩm khác và có thời gian ở lại trong siêu thị lâu nhất.

1.2.3 Xếp theo kích thước sản phẩm: nhóm hàng nhỏ xếp ngoài, to xếp trong

Cách sắp xếp này thường được sử dụng để đảm bảo an ninh trong cửa hàng, tránh việc thất thoát những hàng có kích cỡ nhỏ nhưng giá trị lớn như mỹ phẩm, dao cạo râu….

Tham khảo:   Làm gì để nâng cao hiệu quả thu hồi nợ cho công ty tài chính?

Bên cạnh đó, việc xếp các nhóm hàng nhỏ ra ngoài, thậm chí bày lên quầy thu ngân khiến khách hàng có nhiều cơ hội mua hàng ngẫu hững hơn khi bị thu hút bởi màu sắc, mùi thơm hay đơn giản chỉ là do chờ thanh toán lâu quá nên vui tay lấy hàng.

1.2.4 Xếp theo tốc độ mua hàng: hàng nhanh ở ngoài, hàng chậm ở trong

Cách sắp xếp này chỉ có thể được thực hiện khi người chủ siêu thị có một cái nhìn tổng quát và sâu sắc về các khách hàng. Tốc độ mua hàng của từng sản phẩm đôi lúc còn có sự phụ thuộc lớn vào địa điểm đặt sản phẩm đó do bị ảnh hưởng bởi thói quen, văn hóa, mức thu nhập của khu vực đặt siêu thị.

Thường các siêu thị bày hàng kiểu này thuộc về dạng mua hàng nhanh, tức là khách hàng có rất ít thời gian để mua hàng. Họ thích mua hàng theo dạng tạt qua lấy một hai sản phẩm, thanh toán rồi đi ngày chứ không dành thời gian nấn ná lại cửa hàng để tìm hiểu hay xem về sản phẩm mới, chương trình khuyến mại và các ưu đãi của cửa hàng.

 

2. 3 nguyên tắc trưng bày sản phẩm

2.1. Dễ nhìn: Đảm bảo sản phẩm cần bán (hàng khuyến mại, hàng chạy số…) được bày nổi bật, ấn tượng

Dễ nhìn là nguyên tắc quan trọng nhất của trưng bày sản phẩm muốn bán. Nguyên tắc này đảm bảo sản phẩm siêu thị cần bán luôn là sản phẩm đập ngay vào mắt khách hàng khi khách hàng còn chưa bước vào cửa hàng. Việc trưng bày giúp khách hàng ấn tượng với khu vực sản phẩm sẽ khiến khách hàng chú ý và bị thu hút và thôi thúc khách hàng tò mò về sản phẩm được trưng bày bắt mắt kia.

2.2. Dễ thấy: Đảm bảo sản phẩm đúng tầm mắt của người tiêu dùng

Khi bước vào cửa hàng rồi, với một tầm nhìn ngắn hơn, khách hàng cần định hình lại khối thu hút sản phẩm, việc này được điều chỉnh tự nhiên của cơ thể gói gọn trong tầng kệ ngang trán xuống tới ngực của khách hàng.

Điều này đảm bảo rằng với từng phân khúc khách hàng (suy ra chiều cao) sẽ có những sản phẩm nằm trong tầm mắt khác nhau để thôi thúc việc mua hàng khác nhau. Thậm chí một số sản phẩm còn không được lọt vào mắt đa số khách hàng do việc đặt sản phẩm vào điểm chết trên quầy kệ.

2.3. Dễ lấy: Đảm bảo sản phẩm trong tầm với của khách

Và cuối cùng, để biến những sự thu hút, tò mò, quan tâm của khách hàng thành doanh số, sản phẩm cần được có luôn và ngay trong tay khách khi họ nảy sinh ý định muốn mua, điều này khiến siêu thị luôn phải đảm bảo việc đặt các quầy kệ không được quá xa nhau, và sản phẩm luôn được ở mặt ngoài cùng của quầy kệ. Nghiên cứu cho thấy 90% sản phẩm khi nằm vào giỏ hàng của khách sẽ được thanh toán.

cách trưng bày hàng hoá đẹp

Trưng bày hàng hóa trong siêu thị cần phải đảm bảo hàng trong tầm với của khách hàng

3. Cách trưng bày cho hàng khuyến mại

Hàng khuyến mại là sản phẩm giúp cho siêu thị tăng doanh số bởi sự tăng nhu cầu do cảm giác được giá rẻ của khách hàng. Hàng khuyến mại cần được để tại đầu các quầy kệ, thành khu vực tập trung, nhiều nhãn biển màu sắc nhằm được khách hàng để ý và thu hút khách hàng quan tâm đến sản phẩm đó như một điểm nhấn trong cửa hàng.

Tham khảo:   Trải nghiệm khách hàng thực chất là gì?

4. 6 nguyên tắc kê sắp kệ

4.1. Khoảng cách các kệ lớn hơn vai người 10cm

Đối với một siêu thị mini, việc sắp xếp kệ cần khoảng cách nhỏ nhất để tận dụng xếp được số lượng hàng tối đa. Với chiều dài mâm kệ quy chuẩn, việc 2 đầu mâm kệ cách vai khách hàng khoảng 10cm sẽ giúp khách hàng không có cảm giác bị hàng hóa ép vào người nhưng lại thuận tiện cho việc lấy hàng cũng như có thể có cái nhìn tổng quan về cả khu vực hàng hóa.

4.2. Không tạo đường cụt

Khách hàng coi việc đi siêu thị là một trải nghiệm đi dạo, nên sẽ phát sinh tâm lý khó chịu khi phải đi vào khu cụt và quay đầu đi ngược lại. Hãy hạn chế sắp kệ để phát sinh đường cụt nếu có thể, điều này cũng khiến khách hàng sẽ đi lòng vòng trong siêu thị lâu hơn.

4.3. Kệ giữa không cao quá đầu người

Kệ giữa siêu thị mini kê cao quá sẽ khiến khách hàng có cảm giác bị cô lập và không kiểm soát được tình hình. Cảm giác này sẽ khiến khách hàng không thấy thoải mái khi đi lòng vòng trong siêu thị.

cách trưng bày hàng hoá đẹp

Bạn lưu ý các kệ giữa không cao quá đầu người

4.4. Kệ không cao quá đầu

Một điều tất yếu là nếu không phải tìm kiếm sản phẩm có chủ đích mua thì khách hàng sẽ ít khi nhìn lên trên, thói quen này khiến các sản phẩm để trên cao ít được chú ý hơn rất nhiều so với các sản phẩm để ngang trán trở xuống. Góc nhìn đối với các sản phẩm để cao cũng cần rộng hơn nhiều so với các sản phẩm khác.

4.5. Kệ đặt dọc theo cửa vào

Đặt kệ ngang chắn cửa khiến khách hàng có cảm giác không an toàn khi bước chân vào cửa hàng. Khi đứng giữa một kho hàng hóa, tâm lý của bạn sẽ thoải mái hơn khi luôn đảm bảo được mình không bị thất lạc lối ra đúng không? Và không có gì khiến doanh số tăng tốt hơn là một tâm lý thoải mái khi mua hàng.

4.6. Không để kệ cách quãng

Sẽ thật buồn cười nếu tự nhiên lại trơ ra một khung kệ đập chình ình vào mắt. Trừ trường hợp bất khả kháng, các siêu thị luôn tìm các để những thứ đập vào mắt khách hàng là hàng hóa. Cách trưng bày hàng hoá đẹp là siêu thị luôn sử dụng kệ đầu kệ để đảm bảo việc hàng hóa là thứ được trưng ra. Bên cạnh đó, nếu không có lý do đặc biệt, quầy kệ cần đảm bảo chạy suốt chiều dài phòng.

5. Nguyên tắc full hàng

Cách đơn giản nhất để tăng doanh số là hàng hóa luôn phải đủ trên kệ. Bạn thử nghĩ xem sẽ có cảm giác như thế nào khi bước vào một siêu thị mà hàng hóa thiếu hụt, quầy kệ không có hàng, chắc lúc đó bạn sẽ cho là siêu thị này sắp đóng cửa.

Tuy việc trưng hàng hóa ra quầy kệ là quan trọng nhưng bạn luôn cần nhớ rằng trong siêu thị mini không nên bày nhiều quá 6 mặt cho 1 sku bởi vì ngoài việc lãng phí diện tích, nó còn mang lại cho khách hàng cảm giác siêu thị của bạn không được đa dạng về sản phẩm, và lần sau biết đâu cửa hàng bên cạnh sẽ là lựa chọn mua hàng.

6. Tủ lạnh trưng bày trong siêu thị mini như thế nào?

Các tủ mát, tủ đông nên được sắp xếp vào một khu vực nhằm giúp khách hàng có thể xác định và khoanh vùng các sản phẩm hàng tươi sống và khu vực này nên đặt càng gần quầy thu ngân càng tốt, đây là nhóm sản phẩm khách hàng sẽ lấy cuối cùng trước khi ra khỏi cửa hàng.

Tham khảo:   Mô hình kinh doanh đột phá là gì?

Đồng thời cũng cần để ý tránh việc khách hàng nhặt sản phẩm cần bảo quản lạnh đi lòng vòng trong cửa hàng cả tiếng đồng hồ khiến chất lượng sản phẩm bị giảm sút, và dù khách hàng có mua sản phẩm đó hay đổi một sản phẩm mới thì siêu thị sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.

7. Một vài thói quen tự nhiên của khách hàng bạn không nên bỏ qua

Có một vài mánh của các chủ siêu thị khiến cho khách hàng tăng lượng mua tưởng chừng ngẫu nhiên nhưng lại hoàn toàn có chủ đích.

  • Mùi bánh mì khiến khách muốn mua hàng

Với các siêu thị lớn, quầy bánh luôn có nhiệm vụ sản xuất bánh mỳ, không chỉ để bán mà còn để tạo mùi. Thường thì quầy bánh mỳ được để ngay lối vào, vì sao? Nghiên cứu cho thấy mùi bánh mì khiến khách hàng có cảm giác ấm cúng, họ sẽ ở trong siêu thị lâu hơn và có xu hướng sẵn sàng mua hàng ngẫu hứng hơn.

  •  Rẽ phải ngay sau lối vào

Một thói quen đặc trưng của khách hàng đối với các siêu thị chưa quen là rẽ phải. Việc rẽ phải hoặc xu hướng sang bên phải không được giải thích một cách khoa học nhưng các giả thiết đặt ra là thường bên phải là bên thuận và việc rẽ phải khiến người ta có cảm giác an toàn hơn.

  •  Nhạc chậm khiến khách nán lại lâu hơn

Tốc độ của âm nhạc và chủng loại nhạc bật trong siêu thị có ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ mua hàng và việc tăng quyết định mua hàng ngoài dự kiến của khách hàng.

Sự lựa chọn dòng nhạc nhằm đảm bảo tất cả khách hàng đều thích nó là một khó khăn, tuy nhiên nhạc dịu dàng êm ái khiến khách hàng cảm thấy nhẹ nhàng và an toàn hơn. Đây cũng là một tâm lý khiến khách hàng dễ đưa ra quyết định mua hàng thân thiện và tăng doanh số cho siêu thị.

Hi vọng rằng với những chia sẻ của bài viết, các bạn đã có ít nhiều ý tưởng thiết thực để bày trí và thiết kế trưng bày hàng hoá dịch vụ chuẩn siêu thị hơn, nắm rõ cách trưng bày hàng hoá đẹp khiến khách hàng tình nguyện “móc ví” để mua thêm nhiều thứ nữa. Chúc bạn thành công nhé.

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo