31. Kỹ năng làm việc

Tâm sự của những người làm việc xuyên Tết

Tết đến xuân về là thời khắc sum họp với gia đình, để kể cho nhau nghe về những chuyện vui buồn đã qua và cùng mong cầu cho một năm mới an yên và nhiều may mắn. Thế nhưng, nhiều người vẫn làm việc xuyên Tết, vẫn cặm cụi, miệt mài với công việc của mình.

Chuyện về những người làm việc xuyên Tết

Đón Tết dọc mọi miền đất nước

Ngày Tết, nhu cầu đi lại của mọi người tăng lên đột biến nên cường độ làm việc của nhân viên ngành đường sắt cũng tăng lên đáng kể. Với họ, việc không có được khoảnh khắc ấm áp bên gia đình dịp năm mới là điều quá đỗi bình thường.

“Đây là năm thứ 3 liên tiếp mình đón giao thừa trên tàu. Nhìn người người nhà nhà tay xách nách mang hối hả về quê đón Tết mà mình nôn nao lắm, không biết giờ này ở nhà mọi người đã trang trí nhà cửa chưa, đã mua sắm gì, chuẩn bị món ăn gì cho ngày Tết. Nghĩ xong rồi lại thấy buồn. Dù xa nhà thường xuyên nhưng cứ Tết là lại cảm thấy nhói lòng”, anh Minh Thành chia sẻ.

“Tuy không được quây quần bên gia đình nhưng bù lại mình được đón Tết xuyên Việt cùng với các anh chị em đồng nghiệp, nay ở tỉnh này mai lại qua thành phố khác, mỗi nơi có không khí Tết đặc trưng. Tụi mình vẫn có những bữa ăn tất niên, cũng được tặng lì xì như ai, chỉ có thiếu sự đầm ấm của gia đình thôi. Nhưng biết sao được, công việc mà”.

“Những khó khăn trong công việc đôi khi cũng không bằng cảm giác chạnh lòng khi làm việc xuyên Tết và không sum họp cùng người thân trong dịp này”.

Mừng năm mới trên bầu trời

Bận rộn với công việc không thua ngành đường sắt, các nhân viên hàng không cũng là những người phải làm việc xuyên Tết để phục vụ nhu cầu đi lại. Nếu các nhân viên đường sắt đón Tết trên những con tàu, nhà ga trải dọc đất nước thì các thành viên tổ bay lại ăn Tết trên bầu trời. 

Tham khảo:   Thất bại là gì? Lí do bạn nên chấp nhận thất bại và bước tiếp

Lần đầu đón Tết xa nhà, Khánh My – Tiếp viên hàng không – không giấu nỗi sự hụt hẫng: “Không khí se se lạnh sáng nay khiến bao cảm xúc về Tết ùa về, nhưng chợt nhớ ra Tết này không được đón giao thừa cùng gia đình mình thấy tủi thân vô cùng.”. Không tủi sao được khi mới Tết vừa rồi, vào những ngày này My lại cùng gia đình dọn dẹp, trang trí, nấu bánh đón giao thừa, sáng mùng Một đi chúc Tết họ hàng, rồi nhận được những bao lì xì xinh xinh… cảm giác vui ơi là vui… nhưng giờ thì vì công việc cô đành gác lại niềm vui đó. Cảm giác trống trải này chỉ có những người xa nhà ngày Tết mới cảm nhận rõ nhất.   

“Mình là lính mới vào nghề nên được các anh chị rất quan tâm. Biết mình sẽ buồn khi không được ăn Tết cùng gia đình nên mấy ngày nay chị tổ trưởng luôn động viên mình. Chị nói không riêng mình đâu mà cả các anh chị đã quen với việc ăn Tết xa nhà vẫn rưng rưng khi tới khoảnh khắc giao thừa, nhìn cảnh pháo hoa rợp trời và lời hát Happy New Year vang lên. Dù có buồn nhưng các anh chị biết cách tìm niềm vui trong việc đem mùa xuân đến muôn nhà và những lời chúc đầu năm từ khách hàng. Được chị an ủi, mình tự dặn lòng sẽ mạnh mẽ hơn. Thôi thì một lần ăn Tết trên trời cho biết”, My vừa cười vừa chia sẻ.

Tết muộn – cụm từ quen thuộc của nhân viên ngành khách sạn

Không được thống kê đầy đủ nhưng du lịch Tết đang ngày càng trở thành xu hướng, đặc biệt là ở giới trẻ. Theo cùng một lượng lớn du khách lưu trú tại các resort và ăn uống tại các nhà hàng thì nhân viên trong lĩnh vực này cũng phải làm việc xuyên Tết.

Tham khảo:   “Nằm lòng” cách xử lý tình huống khách hàng phàn nàn về giá

Minh Hiến, lễ tân khách sạn của một resort trên đảo cho biết: “Do đặc thù công việc nên có khi tụi mình sẽ ở lại trực trong đêm giao thừa, có khi phải đi làm cả mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết. Ăn Tết muộn hay không có một cái Tết trọn vẹn dường như đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Thế nên tụi mình cũng chẳng bao giờ hỏi nhau khi nào về quê đón Tết hay nghỉ Tết bao nhiêu ngày. Có chăng chỉ là lời hỏi thăm của du khách mà thôi.

Có lần ở lại trực đêm 30 Tết, có vị khách Tây hỏi rằng What is Tet? Khi mình giải thích đó là ngày tết cổ truyền của người Việt Nam, là dịp gia đình sum họp, đoàn tụ, khoảnh khắc đó tự nhiên lại nổi lên chút chạnh lòng. Ba năm dấn thân vào lĩnh vực nhà hàng khách sạn cũng là 3 năm mình đón Tết xa nhà. Năm vừa rồi dịch bệnh không có khách Tây nhưng vẫn có khách ta nên mình đành ăn Tết muộn”.

Quê ở xa lại phải làm việc xuyên Tết nên vào những ngày này ba năm qua, tan ca là Minh Hiến lại đi lòng vòng ngắm cảnh đảo rồi tìm đến các thú vui như câu cá, chụp ảnh. Theo chia sẻ của anh, đó cũng là cách mà dân trong nghề tận hưởng Tết.

Vẫn quyết tâm gắn bó với nghề

Mặc dù có những lúc tủi thân khi không được sum vầy bên gia đình ngày Tết nhưng khi hỏi có muốn thay đổi nghề nghiệp hay không thì câu trả lời nhận được đều là “Không”.

Khánh My nói rằng “Chắc mình vẫn theo vì đây là công việc mơ ước của mình” còn Minh Hiến thì khẳng định “Mình còn tiếc là không được làm nghề khách sạn này sớm hơn ấy chứ”.

Tết đến Xuân về ai ai cũng nô nức về nhà, vui chơi cùng gia đình, ngược lại vì công việc nhiều người vẫn phải làm việc xuyên Tết, không được cảm nhận cái không khí đầm ấm đó – vẫn biết có gì đó nghèn nghẹn nhưng thay vì buồn bã sao không thử tìm niềm vui quanh mình? Cùng đồng nghiệp tham gia các hoạt động mừng Tết tại nơi làm việc, chơi những trò chơi dân gian, nếu có thể thì nấu cho nhau những món Tết đặc trưng xứ sở… Biết đâu đó còn là cơ hội để thoát kiếp FA. Tết mà, đừng để mình cô đơn nhé.

Tham khảo:   Bắt Nạt Công Sở: Nguyên Nhân, Hậu Quả Và Giải Pháp

Huỳnh Trâm

  Viện Đào Tạo Kỹ Năng Masterskills chuyên Đào Tạo tại Doanh Nghiệp (In-house) trên Toàn Quốc  
G

0903966729

1
Hỗ trợ bạn qua Zalo